Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Từ lâu làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã nổi tiếng với nghề làm sơn mài uy tín, chất lượng và có giá trị nghệ thuật cao, được xuất khẩu ra một số nơi trên trên thế giới và tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong nước cũng như quốc tế. Đến đây các bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những công đoạn làm sơn mài, một nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Sơn mài gồm nhiều thể loại như sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc… Sơn truyền thống dùng ở Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước. Trong khâu chế biến sơn, đánh sơn cho chín được xem là một khâu quan trọng, đòi hỏi tay nghề, quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu năm của người thợ sơn.
Để tạo sơn quang đen, người thợ cho sơn sống vào chảo sắt và phải dùng chày sắt đánh sơn ở ngoài trời nắng để sơn được đẹp màu. Sau khi pha tòng chỉ xong, tiếp tục đánh sơn cho đến khi nào sơn dẻo lại, trông, thấy màu đen bóng, mượt là được. Còn đánh sơn cánh gián thì ngược lại. Sơn sống được đổ vào loại chậu gỗ và dùng chày gỗ đánh quấy sơn.
Người thợ đánh sơn trong nhiều ngày cho đến khi sơn chín, nổi bọt lăn tăn, sơn trong suốt tựa màu cánh con gián nên gọi là sơn cánh gián. Với sơn cánh gián, người nghệ nhân pha chế các màu khác nhau, nhưng pha với liều lượng như thế nào còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, tay nghề của từng người. Chẳng hạn như, để pha được màu marông trông sang trọng, ấm áp làm khung tranh, hay làm mặt bàn, ghế thì đó còn là một bí quyết sử dụng phù hợp lượng bột chu đỏ với bột chu hồng cánh sen.
Địa chỉ: Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương.