Lạp xưởng
Lạp xưởng là một trong những món ngon nổi tiếng của người dân vùng cao, đặc biệt là người dân tộc Thái. Với ai đã từng có dịp đến thăm nhà của đồng bào dân tộc Thái miền núi, hình ảnh những chiếc lạp xưởng treo dưới sàn bếp chắc không còn xa lạ. Lạp xưởng về cơ bản là thịt lợn được nhồi vào lòng lợn, phơi nắng và treo trong gác bếp. Nhờ đó, lạp xưởng có thể bảo quản được quanh năm. Đây là một cách thức rất độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao giúp có thực phẩm dự trữ lâu dài trong nhà đồng thời cũng tạo ra một món đặc sản ngon với hương vị rất riêng biệt.
Mỗi khi Tết đến gần, người Thái lại có tục mổ lợn lấy thịt làm bánh chưng và chế biến các món ăn ngày Tết, đồng thời lấy lòng lợn và thịt lợn để làm lạp xưởng. Lòng lợn để làm lạp xưởng phải là lòng non. Thịt lợn dùng làm lạp xưởng thường là thịt vai nạc, béo. Bởi theo kinh nghiệm làm lạp xưởng của người dân tộc Thái, thịt nạc nhiều sẽ bị khô, mỡ nhiều quá thì lạp xưởng bị nhão nên bạn cần chọn những miếng thịt vừa nạc vừa mỡ mới làm ra khúc lạp xưởng ngon.
Khi ăn, người ta đem khúc lạp xưởng luộc lên vừa là để làm sạch vừa để bớt mùi khói bếp. Sau khi luộc, đem khúc lạp xưởng đó rán lên rồi thái lát. Hoặc cũng có thể đem thái trước thành từng miếng mỏng rồi xào cùng tỏi lá, ăn cũng rất hợp. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dai của lòng, vị mặn của muối, vị ngọt bùi của miếng thịt lại thêm chút béo ngậy của mỡ cùng với những hương vị rất đặc trưng nhờ những gia vị riêng đã được sử dụng để tẩm ướp thịt, chẳng hạn như vị mác mật, vị gừng.