Top 11 bí quyết để có một bài thuyết trình hay nhất làm mọi người chú ý lắng nghe
Thuyết trình không chỉ là hình thức học tập, thi cử mới đang được ưa chuộng tại các trường đại học và nhiều trường cấp 3, thuyết trình còn là một kỹ năng quan ... xem thêm...trọng phục vụ cho công việc sau này. Dù quan trọng như vậy, thuyết trình chưa bao giờ là dễ và là nỗi ác mộng của nhiều người. Hãy cùng Toplist đón xem những bí quyết thuyết trình để vượt qua nỗi sợ ấy và có một bài thuyết trình thật hay nhé.
-
Chuẩn bị một Slide đẹp và hiệu quả
Phần thứ nhất trong nguyên tắc 3S khi thuyết trình, đó là slide. Slide có thể nói là một phần không thể thiếu trong mỗi bài thuyết trình mà chẳng mấy ai còn xa lạ với nó nữa. Với những ai chưa từng thuyết trình, có thể hiểu đơn giản slide là trình chiếu hình ảnh lên để khán giả theo dõi những hình ảnh trong khi người thuyết trình nói.
Hiện nay có rất nhiều phần mềm làm slide như Powerpoint, Google Presentation, Prezi... Việc chuẩn bị một slide đẹp sẽ thu hút người xem hơn vào bài thuyết trình của mình. Một slide đẹp là slide không nên quá phức tạp, rối rắm, khó nhìn. Tuy nhiên slide cũng không nên quá sơ sài bởi nếu bạn không phải một người thuyết trình siêu đẳng tựa như Steve Jobs hay hùng biện như Abraham Lincoln, Adolf Hitler, khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán cũng như cảm thấy bạn không dồn công sức cho bài thuyết trình.
Nhìn chung, một slide đẹp thì nên có các tiêu chí sau:
- Màu sắc hài hòa.
- Outline rõ ràng.
- Nhiều hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
- Font chữ vừa đủ để người ngồi đầu không nhức mắt, người ngồi cuối vẫn nhìn được.
- Bố cục nên đơn giản hóa, không nên rối rắm, quá nhiều chi tiết, hình ảnh trong một trang slide.
- Có video khi cần thiết.
- Màu sắc hài hòa.
-
Kể một câu chuyện
Phần thứ hai trong nguyên tắc 3S là Story - Câu chuyện. Tâm lý của khán giả cũng giống như bất kỳ người nghe nào khác, bị thu hút bởi những câu chuyện hơn là lý thuyết dài dòng và những con số khô khan. Kể chuyện chính là phương án giúp cho người thuyết trình mềm hóa bài thuyết trình của mình, thu hút sự chú ý của khán giả. Khi thuyết trình, bạn có thể bắt đầu bài thuyết trình bởi một câu chuyện, thay vì "Mình tên là...Sau đây mình xin thuyết trình chủ đề là...Phần thứ nhất là...". Kể một câu chuyện cũng có thể sử dụng ở phần thân và kết bài thuyết trình.
Câu chuyện ở đây có thể là câu chuyện hài hước, cảm động, bức xúc...tùy thuộc vào mục đích của câu chuyện cho bài thuyết trình. Đó có thể là câu chuyện của chính bạn hay của người khác, là câu chuyện cổ tích, kinh điển mà ai cũng biết hay là một chuyện mà bạn sáng tạo ra. Điều quan trọng là câu chuyện cần thu hút và liên quan tới bài thuyết trình. Có những người thuyết trình theo nguyên tắc này một cách cứng nhắc, kể một câu chuyện không liên quan tới phần thuyết trình khiến cho câu chuyện và bài thuyết trình không gắn kết, khán giả cảm thấy thừa thãi và gượng gạo. Nếu bạn hay xem thuyết trình trên TED Talks, bạn sẽ thấy rằng kể chuyện là yếu tố không thể thiếu để có một bài thuyết trình hay.
-
Có ví dụ trực quan, sinh động
Kể chuyện chính là một phương pháp ví dụ trực quan, sinh động. Ví dụ chính là sự liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa con chữ và hình ảnh. Nếu không có những ví dụ, những luận điểm bạn đưa ra trong bài thuyết trình của mình sẽ là không thuyết phục.
Ngược lại, những ví dụ trực quan, sinh động, thú vị không chỉ làm cho luận điểm của bạn sáng tỏ hơn mà còn khiến khán giả cảm thấy bị cuốn hút, hấp dẫn và yêu thích bài thuyết trình của bạn hơn. Ví dụ có thể là một câu chuyện, một sự việc có thật, những hình ảnh, video hay số liệu thống kê...
-
Trang phục phù hợp với nội dung và tính chất của buổi thuyết trình
Phần cuối cùng trong nguyên tắc 3S, đó là Speaker - Người thuyết trình. Có nhiều yếu tố của người thuyết trình nhưng đầu tiên, đó chính là trang phục. Nếu trong một buổi thuyết trình trang trọng về kinh doanh, một anh chàng mặc quần đùi áo ba lỗ bước lên nói, bạn sẽ thấy thế nào? Rõ ràng không phải lúc nào trang phục thuyết trình cũng cần phải áo vest, cà vạt nhưng trang phục cần đủ lịch sự và phù hợp với chủ đề thuyết trình.
Nếu bạn thuyết trình về Nike hay Adidas, bạn có thể mặc một bộ đồ thể thao. Nếu bạn thuyết trình về thời trang, bạn có thể mặc một bộ đồ Catwalk. Nhìn chung thì trang phục thuyết trình nên theo một số tiêu chí chung sau đây:
- Quần dài.
- Đủ kín đáo, không hở những phần nhạy cảm.
- Màu sắc không quá sặc sỡ.
- Nên đi giày.
-
Đừng để mình phụ thuộc vào slide
Có một điều bạn cần phải ghi nhớ, đó là slide là để cho khán giả xem, không phải để người thuyết trình xem. Rất nhiều người thuyết trình gặp một lỗi sơ đẳng, đó là để quá nhiều chữ trong slide rồi khi thuyết trình thì nhìn vào và đọc. Như vậy tác dụng minh họa của slide sẽ không còn nữa. Việc làm như vậy sẽ khiến cho khán giả cảm thấy khô khan, mệt mỏi, buồn chán bởi quá nhiều chữ trong khi người thuyết trình lại bị phụ thuộc và rõ ràng nghe một người thuyết trình đọc sẽ không bao giờ hấp dẫn bằng nghe người thuyết trình nói.
Với một số trường hợp, slide lại nên nhiều chữ và con số. Đó là những trường hợp mà người thuyết trình muốn truyền đạt những thông tin quan trọng cho khán giả, ví dụ như khi dạy học, báo cáo kinh doanh... Những dòng chữ trên slide lúc này có tác dụng giúp người đọc ghi nhớ chính xác hơn bởi nếu chỉ nói không thôi thì sẽ rất mau quên và khán giả khó có thể ghi chép lại một cách đầy đủ, chính xác.
Lời khuyên cuối cùng được đưa ra đó là hãy làm chủ slide, slide phục vụ cho thuyết trình chứ không phải thuyết trình phụ thuộc vào slide.
-
Thể hiện cảm xúc và truyền cảm hứng cho khán giả
Nếu bạn là một khán giả, bạn sẽ thích người thuyết trình với giọng nói đều đều hoặc diễn cảm một cách cứng nhắc như một cái máy hơn hay một người thuyết trình với giọng nói có cảm xúc, lúc lên lúc xuống, truyền cảm hứng cho người nghe? Rõ ràng đó là trường hợp thứ hai, đúng không nào?
Một người thuyết trình hay là phải truyền được cảm xúc và cảm hứng cho khán giả, nếu làm được điều đó, bài thuyết trình sẽ hay và đáng nhớ hơn rất nhiều.
-
Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể (body language)
Một nhân tố vô cùng quan trọng khác của Speaker - Người thuyết trình, đó là ngôn ngữ cơ thể (Body language). Cách bạn đi đứng ra sao, đưa tay đưa chân thế nào, giao tiếp bằng mắt... Tất cả đều được "show-off" trước mắt toàn bộ khán giả trong căn phòng.
Những người thuyết trình giỏi là những người hiểu biết và làm chủ được body language của mình, còn nếu bạn không giỏi với kỹ năng này, thì sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Đừng đứng im một chỗ. Nếu bạn chỉ đứng im một chỗ thì sẽ rất khó thu hút được khán giả. Thỉnh thoảng bạn cần phải di chuyển để khán giả đưa mắt theo sự di chuyển của bạn, việc này sẽ khiến khán giả không bị xao nhãng khỏi bài thuyết trình.
- Hãy vung tay theo từng lời bạn nói. Rất nhiều người thuyết trình nghiệp dư thường không biết làm gì với cánh tay của mình. Họ khoanh tay, chắp tay sau lưng, đút tay túi quần... Tất cả những cách làm ấy đều khiến khán giả cảm thấy thiếu tôn trọng. Thay vào đó, nếu bạn vung tay theo lời nói, cử chỉ này sẽ vừa giữ nhịp cho bạn, vừa khiến cho khán giả thấy bạn đang tâm huyết với bài thuyết trình của mình.
- Giao tiếp bằng mắt (Eye-contact) với khán giả. Hãy thử tưởng tượng một người thuyết trình chỉ nhìn lên slide, lên trần nhà hay ngoài cửa sổ, sẽ giống với "trả bài" vô cùng. Bạn nên nhìn khán giả khi thuyết trình nhưng đừng chỉ nhìn một người hay một phía duy nhất vì vừa khiến người được nhìn đó thấy ngại mà lại khiến những người khác cảm thấy không công bằng.
Bên trên là một số lời khuyên nho nhỏ về body language. Body language còn rất nhiều kỹ thuật khác, nếu bạn muốn trở thành một người thuyết trình giỏi, bạn nên học hỏi kỹ năng này.
-
Nguyên tắc con số ấn tượng: 3,5,7,10
Liên quan đến nội dung thuyết trình, việc phân chia và sắp xếp các khoản mục là vô cùng quan trọng. Cũng giống như một bài văn, bài luận, một bài thuyết trình hay cần có bố cục sắp xếp rành mạch, rõ ràng; nội dung ấn tượng, sâu sắc, chính xác.
Và một phương pháp nho nhỏ để làm được điều đó, đó là chia các khoản mục theo những con số ấn tượng, dễ dàng lưu vào trí nhớ của người xem. Đó là những con số 3,5,7,10. Ví dụ khi bạn thuyết trình về dân số, bạn có thể chia thành dân số của 5 châu lục; hay khi thuyết trình về đối thủ cạnh tranh, bạn có thể đưa ra 3 đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Rõ ràng 3 khoản mục là ấn tượng, dễ nhớ hơn 2 khoản mục; 10 khoản mục là ấn tượng hơn 12...
-
Chuẩn bị nội dung thật kỹ
Như đã nói ở trên, nội dung thuyết trình là vô cùng quan trọng. Nếu như slide là bộ quần áo, người thuyết trình là khuôn mặt, thì nội dung chính là linh hồn. Một bài thuyết trình hay thì cần phải có nội dung hay, chính xác, sâu sắc, ấn tượng. Để có được nội dung như vậy, bạn cần phải có một quá trình nghiên cứu, thống kê, tóm tắt, sắp xếp, thậm chí là nghĩ ra các chiến lược, giải pháp...
Bạn dành càng nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị nội dung thuyết trình thì bài thuyết trình sẽ càng thuyết phục hơn. Và hãy nhớ, chẳng có một bài thuyết trình nào hay nếu như nội dung dở cả.
-
Luyện tập, luyện tập và luyện tập
Khi đã có nội dung thuyết trình rồi, bạn sẽ cần phải luyện tập. Lời khuyên cho những người muốn thuyết trình giỏi hơn, đó là hãy luyện tập thật nhiều. Bạn sợ nói trước đám đông ư? Hãy đứng trước gương luyện tập đi. Bạn không kiểm soát được ngôn ngữ hình thể ư? Hãy đứng trước gương luyện tập đi. Bạn không nhớ được nội dung thuyết trình ư? Hãy đứng trước gương luyện tập đi. Bất cứ một vận động viên nào, để đứng trên đỉnh vinh quang như hiện nay, đều phải nỗ lực luyện tập rất nhiều. Không có ai sinh ra đã có khả năng thuyết trình tuyệt đỉnh, tất cả cần trải qua cả một quá trình luyện tập gian khổ và bền bỉ.
Câu chuyện về tổng thống Abraham Lincoln - một trong những nhà hùng biện của nước Mỹ, có kể lại rằng Lincoln ngày bé bị ngắn lưỡi. Để khắc phục tật của mình, ông kéo lưỡi và luyện nói mỗi ngày, cho tới khi ông có thể nói thành thục và trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ có những bài hùng biện tuyệt vời.
Bởi vậy, con đường đến vinh quang không gì khác ngoài nỗ lực luyện tập, và thuyết trình cũng như thế.
-
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Giờ thì bạn đã có một nội dung thuyết trình hoàn hảo rồi, bạn đã luyện tập rất nhiều rồi, tại sao bạn vẫn có thể có một ngày tồi tệ với bài thuyết trình của mình? Tại sao điều đó lại vẫn có thể xảy ra? Đó chính là bởi vấn đề tâm lý. Khi thuyết trình thực tế trước đám đông sẽ khác với nói một mình ở nhà rất nhiều. Bạn có thể bị hồi hộp trước những ánh mắt của khán giả, trước đám đông đang ở trước mắt mình. Bạn có thể bị bối rối khi một sự cố xảy ra, khi một ai đó đứng dậy ra về, hay khi dưới khán giả có tiếng bàn tán...
Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bài thuyết trình của mình. Bạn cần vượt qua được nỗi sợ đám đông, nỗi sợ phải nói. Bạn cần sẵn sàng cho những tình huống rắc rối xảy ra và khi đã sẵn sàng rồi, bạn sẽ dễ dàng ứng phó với tình huống ấy. Có lẽ đây là vấn đề lớn nhất với nhiều người thuyết trình - "Bệnh tâm lý", nhưng hãy nhớ rằng có chữa được bệnh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Hãy trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, và bạn sẽ thấy đám đông kia như một đỉnh núi để mình chinh phục. Họ chẳng có gì đáng sợ cả, và khi đã chinh phục được đỉnh núi đó, họ sẽ phải trầm trồ, thán phục trước khả năng của bạn. Tất cả chỉ có hai chữ: "TỰ TIN"!