Top 9 Điều cần biết nhất về căn bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến ... xem thêm...nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Hãy cùng toplist tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây của toplist nhé.
-
Ung thư tuyến giáp là gì?
Theo Globocan, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ với hơn 160000 ca mắc mới mỗi năm, nam giới với gần 50000 ca mỗi năm đứng thứ 20.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm, nằm ở phía trước cổ. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là tiết hormone tuyến giáp vào máu để vận chuyển tới từng mô trong cơ thể, giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, cho phép tim, não, các cơ quan làm việc ổn định. Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Các nhà nghiên cứu đã phân loại ra 4 loại chính:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú: Đây là loại phổ biến nhất trong các dạng ung thư tuyến giáp, chiếm từ 70-80% trong tổng số các trường hợp. Thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ, hoặc có thể lan tới phổi và xương. Ung thư tuyến giáp thể nhú thường bắt đầu trong các tế bào nang, và thường chỉ tìm thấy ở 1 thùy tuyến giáp. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm của dạng ung thư này khi được phát hiện ở giai đoạn 1 là gần 100%, giai đoạn 2 cũng gần 100%, giai đoạn 3 là 93% và giai đoạn cuối là 51%.
- Ung thư tuyến giáp thể nang: Đây là loại ung thư tuyến giáp phổ biến thứ 2, chiếm từ 10-15%. Loại ung thư tuyến giáp này thường được tìm thấy ở những người không cung cấp đủ iốt từ thực phẩm. Cũng tương tự như ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm của dạng ung thư này khi được phát hiện ở giai đoạn 1 là gần 100%, giai đoạn 2 cũng gần 100%, giai đoạn 3 là 71% và giai đoạn cuối là 50%.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy: Đây là loại ít gặp hơn, chỉ chiếm từ 5-10%, liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết. Ung thư tuyến giáp thể tủy thường được chẩn đoán muộn hơn, ung thư có thể đã lan tới hạch bạch huyết ở gan, phổi. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm của dạng ung thư này khi được phát hiện ở giai đoạn 1 là gần 100%, giai đoạn 2 cũng gần 100%, giai đoạn 3 là 81% và giai đoạn cuối là 28%.
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Đây là loại nguy hiểm nhất vì thường phát triển nhanh và phức tạp, dó đó dẫn đến khó điều trị nhất. Nhưng loại ung thư này rất hiếm gặp. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm là 7% vì hầu hết các bệnh nhân đều được phát hiện ở giai đoạn 4.
Một điều may mắn hơn cả đó là có tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này nếu được phát hiện sớm có thể lên tới 90%. Đây được cho là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
-
Những giai đoạn phát triển của bệnh
Giai đoạn 1: Ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 rất khó phát hiện vì không có nhiều dấu hiệu rõ rệt. Lúc này, khối u có kích thước nhỏ chỉ dưới 2cm hình thành bên trong tuyến giáp, chưa lây lan ra bên ngoài, cách hạch bạch huyết và các bộ phận gần đó. Giai đoạn 1 chỉ được phát hiện nếu như người bệnh có thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Giai đoạn 2: Ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 2 có các khối u lớn từ 2 đến 4 cm và phát triển ra các khu vực bên ngoài tuyến giáp. Nếu có những dấu hiệu bất thường ở vùng cổ họng (nuốt khó, ho khan…) nhưng không phải bị bệnh về tai mũi họng, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhất.
Giai đoạn 3: Khối u lúc này có kích thước tới 4cm. Dù vậy thì khối u vẫn chưa lây lan đến các hạch bạch huyết. Ở giai đoạn 3 thì ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không? Bệnh nhân ở giai đoạn 3 vẫn có có cơ hội phục hồi hoàn toàn nếu tích cực điều trị. Lúc này khối u chèn lên các bộ phận xung quanh gây ra những cơn đau khó chịu và cần phải kiêng một số loại thực phẩm trong quá trình điều trị.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn phát triển cuối cùng của bệnh và không hẳn tất cả các bệnh nhân đều có những biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú di căn hạch, cụ thể là các khối u bắt đầu phát triển lan ra ngoài tuyến giáp đến phần hạch bạch huyết ở cổ và ngực sau đó, tiếp tục đến gần các mạch máu khác trong cơ thể. Cuối cùng là lây lan trên các cơ quan khác của cơ thể như xương hay phổi.
-
Dấu hiệu bệnh ung thư tuyến giáp
- Khối u ở cổ: Đàn ông thường phát hiện khối u khi cạo râu, còn phụ nữ có thể nhận ra sự thay đổi ở cổ khi trang điểm. Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu, bạn hãy theo dõi hoạt động của nó. Khoảng 90% nhân giáp là lành tính. Thông thường, khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt, trong khi đó hầu hết các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.
- Bị khàn giọng: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhưng lại hay bị nhầm lẫn của ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp. Trong những trường hợp hiếm, khối u, cụ thể là khối u ung thư có thể lan rộng ra ngoài tuyến giáp làm tổn thương dây thần kinh này và ảnh hưởng tới hộp thanh âm.
- Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Triệu chứng muộn
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khàn tiếng, có thể khó thở.
- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
- Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.
Nếu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi xuất hiện những triệu chứng trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình.
-
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên những thay đổi trong tế bào tuyến giáp. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp gồm:
- : Khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, chức năng sản sinh các kháng thể giúp chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn suy giảm. Điều này, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus gây hại tấn công vào cơ thể, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư tuyến giáp.
- Nhiễm phóng xạ: Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc qua đường tiêu hóa, đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.
- Yếu tố di truyền: Có khoảng 70% người bệnh ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình: bố, mẹ hoặc anh chị em ruột…từng mắc bệnh.
- Tuổi tác: Bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 4 lần so với nam giới. Nguyên nhân là sự thay đổi hormone ở phụ nữ như trong quá trình mang thai đã kích thích hình thành bướu giáp, hạch tuyến giáp.
- Mắc bệnh tuyến giáp: Các đối tượng bị bướu giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp bị suy giảm có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn so với người khỏe mạnh.
- Tác dụng phụ của một số thuốc: Người bệnh mắc bệnh tuyến giáp thường được bác sĩ chỉ định uống i-ốt phóng xạ, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Cơ thể thiếu i-ốt. Uống rượu bia thường xuyên. Hút thuốc lá. Thừa cân béo phì.
-
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Phụ nữ có xu hướng mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở độ tuổi 40 và 50, trong khi nam giới mắc bệnh ung thư tuyến giáp thường ở độ tuổi 60 hoặc 70.
Ung thư tuyến giáp thể nang chủ yếu xảy ra với những người trên 50 tuổi. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường xảy ra ở những đối tượng trên 60 tuổi.
Những người trẻ tuổi vẫn có thể bị ung thư tuyến giáp, và loại ung thư thường gặp nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú, xảy ra với những người từ 30 đến 50 tuổi.
-
Phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Căn bệnh ung thư tuyến giáp đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, bệnh tiến triển chậm nên tiên lượng tốt nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, triệt để. Sau đây là các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp hiện nay:
- Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm tuyến giáp hiện đang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến và khá chuẩn xác đối với bệnh ung thư tuyến giáp. Đây là phương pháp an toàn, không gây độc hại, và rất hiệu quả giúp đánh giá cấu trúc tuyến giáp, xác định là khối u nang hay u rắn. Ngoài ra, siêu âm còn giúp bác sĩ đánh giá chính xác kích thước, số lượng và vị trí của nhân giáp, đồng thời phát hiện được các nhân giáp không sờ thấy trên lâm sàng. Phương pháp siêu âm ngày càng được áp dụng nhiều để hướng dẫn chọc hút tế bào nhân giáp bằng kim nhỏ (hay còn gọi là FNA). Các dấu hiệu của một nhân giáp ác tính nghi ngờ thông qua siêu âm bao gồm tăng sinh mạch máu ở trung tâm, u giáp giảm hồi âm, bờ không đều và vôi hoá bên trong.
- Xạ hình tuyến giáp: Phương pháp này giúp đánh giá sự hấp thu iod của các nhân giáp. Các nhân nóng (nhân thu nhận iod phóng xạ) ít có nguy cơ ác tính hơn nhân lạnh (nhân không nhận iod phóng xạ). Khối ung thư tuyến giáp biểu hiện dưới dạng hình ảnh “nhân lạnh”. Để tiến hành xét nghiệm ngày, bệnh nhân sẽ uống dung dịch chứa iốt phóng xạ. Khi đi vào cơ thể, iốt phóng xạ sẽ tập trung về tuyến giáp và giúp hiện lên các hình ảnh của tuyến này. Nếu chất này tập trung tại nhân mà không có ở phần còn lại của tuyến giáp thì đó chính là nhân nóng, có nguy cơ ác tính thấp. Ngược lại, nếu thấy giảm đi hoặc không có chất phóng xạ tại nhân, thì đó là nhân lạnh, có nguy cơ ác tính cao.
- Chụp cắt lớp điện toán và chụp cộng hưởng từ: Chụp cắt lớp điện toán (chụp CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến giáp là phương pháp chẩn đoán nhằm đánh giá sự xâm lấn ung thư tuyến giáp vào cấu trúc lân cận và di căn hạch. CT có cản quang iốt cho thấy hình ảnh chi tiết tuyến giáp và giúp đánh giá di căn hạch tốt hơn MRI. Mặt khác chi phí chụp CT cũng ít tốn kém hơn MRI.Hạn chế của phương pháp CT có cản quang iod là ngăn cản khả năng hấp thu iod trên xạ hình về sau. Đồng thời, nó có thể gây độc giáp trạng trong trường hợp sử dụng chất cản quang iod liều cao và ở bệnh nhân có cường giáp tiềm ẩn. Ưu điểm của phương pháp MRI là không dùng chất cản quang iod, không phải chịu độc hại do phóng xạ. Mặt khác MRI còn có thể cho thấy rõ tuyến giáp và cấu trúc lân cận.
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) là phương pháp được lựa chọn hàng đầu để đánh giá hạt giáp. Kết quả xét nghiệm FNA bao gồm: lành tính, ác tính, không xác định được và không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.Trường hợp kết quả không xác định được thường là tổn thương dạng nang có thể lành tính hoặc ác tính. Những bệnh nhân này cần được cắt thùy tuyến giáp toàn phần và cắt lạnh. Nhóm FNA không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán chiếm khoảng 10-12% khi không dùng siêu âm hướng dẫn và tỷ lệ này cải thiện còn 0% khi có sử dụng hướng dẫn của siêu âm. Vị trí chọc hút thường là tại u giáp hoặc tại hạch qua hướng dẫn của siêu âm trong thường hợp khối u nhỏ, hoặc tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh tổ chức u giáp ngay khi phẫu thuật để khẳng định chẩn đoán, phân loại và đặc biệt là định hướng cho việc xử trí tích cực ban đầu.
-
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh có thể điều trị thành công nếu như được phát hiện sớm. Hiện nay ung thư tuyến giáp được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Phương pháp phẫu thuật: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đối với những giai đoạn sau cần thêm công đoạn vét hạch cổ. Những trường hợp bệnh nặng có hạch di căn có thể được chỉ định điều trị bằng I-131. Sau phẫu thuật, người bệnh cần uống hormone tuyến giáp để cơ thể ổn định và tránh sự quay lại của ung thư. Hiện nay các phương pháp phẫu thuật bao gồm: cắt thùy giáp toàn phần, cắt giáp quá bán, cắt giáp gần toàn phần, cắt giáp toàn phần.
- Liệu pháp iốt phóng xạ 131: Điều trị iốt phóng xạ 131 nhằm giúp tiêu diệt các mô giáp, u bướu nhỏ còn sót lại sau mổ. Liều lượng của iốt phóng xạ 131 khoảng 30 – 200mCi theo tình trạng xâm lấn của bệnh. Trong trường hợp ung thư di căn xa, vùng lan rộng, liệu pháp này vô cùng hữu hiệu.
- Xạ trị ngoài: Xạ trị ngoài được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không hấp thụ iod nhằm giúp hỗ trợ điều trị sau mổ, các trường hợp carcinom dạng tủy hoặc dạng không biệt hóa. Trong trường hợp khối u di căn đến các cơ quan trên cơ thể, xạ trị ngoài giúp ngăn ngừa quá trình phát triển của khối u.
- Phương pháp hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng hóa chất đưa vào cơ thể thông qua đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Thuốc sẽ đi khắp cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, hóa trị chỉ được áp dụng khi các phương pháp khác không còn hiệu quả.
Ngoài ra, để điều trị ung thư tuyến giáp bác sĩ còn sử dụng một số phương pháp như liệu pháp hormone thay thế, liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân để tiêu diệt tế bào ung thư, làm tăng hiệu quả điều trị khi áp dụng các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị… -
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên và không nên ăn gì?
Để việc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, basedow, đặc biệt là ung thư tuyến giáp đạt hiệu quả cao hơn, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Vậy, bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn gì và kiêng ăn gì
Bệnh nhân nên ăn các đồ ăn sau để góp phần hạn chế các triệu chứng.
- Nên ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh
- Khi bệnh nhân bị nôn, buồn nôn, nên ăn các thức ăn chứa ít chất béo, các thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, bột ngũ cốc, nước hoa quả để giúp dễ nuốt.
- Nên chia thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn một ít, giúp bệnh nhân không còn tâm lý ngại ăn, tăng cường dưỡng chất giúp ngăn ngừa tình trạng suy nhược cơ thể.
- Chọn các loại thực phẩm giàu protein để cung cấp calo, năng lượng đảm bảo cho sự phát triển bình thường của cơ thể.
- Nên ăn các đồ ăn nấu chín, để một lát để thức ăn nguội bớt đi. Không ăn đồ sống, tái, chần.
- Bệnh nhân nên uống nhiều nước và bổ sung thức ăn có chứa nhiều chất xơ như rau xanh, sinh tố, nước ép trái cây để tránh bị táo bón, đặc biệt là trong giai đoạn phóng xạ. Bổ sung nước giúp giảm thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe đường ruột.
Ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì?
Bệnh nhân mắc bệnh về tuyến giáp không nên ăn các thực phẩm sau để tránh gây hại cho sức khỏe:
- Đối với bệnh nhân K tuyến giáp đặc biệt là sau phẫu thuật, bệnh nhân không nên ăn những đồ cay nóng, những loại thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như nướng, quay, chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp như thịt hun khói, xúc xích, pate.
- Hạn chế ăn mì, phở, bún.
- Tránh ăn đậu nành và các thực phẩm được chế biến từ đậu (đậu phụ, tào phớ,...).
- Hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), gà công nghiệp.
- Một triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư tuyến giáp là khó nuốt. Do đó bệnh nhân nên tránh các loại thực phẩm cứng, khô như bánh mì nướng, bánh quy giòn, khoai tây chiên, bánh quy..
- Khi bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư sử dụng liệu pháp iốt phóng xạ, nên duy trì chế độ ăn uống với nồng độ i ốt thấp. Nên tránh sử dụng nhiều muối iốt, muối biển, thực phẩm có tẩm ướp muối, hải sản và các sản phẩm khai thác từ biển như rau câu, rong biển, tảo. Tránh ăn lòng đỏ trứng và các thực phẩm chế biến từ trứng, sữa, sô cô la, phô mai, kem.
- Không uống nước có ga và bia, rượu, cà phê.
-
Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp hiệu quả
Từ những nguyên nhân gây bệnh mà ta biết ở trên thì để tránh xa căn bệnh nguy hiểm này ta cần một số cách giúp phòng ngừa hiệu quả như:
- Tránh tiếp xúc với bức xạ phòng ngừa ung thư tuyến giáp: Bức xạ từ môi trường sống, môi trường làm việc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến giáp. Đây là những chất nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, dễ gây biến đổi gen, hình thành tế bào ung thư trong cơ thể. Vì vậy, chúng ta cần tránh sống và làm việc trong môi trường có tia bức xạ như những nơi sản xuất đồ linh kiện điện tử, nhà máy năng lượng hạt nhân để phòng tránh ung thư tuyến giáp…Trong trường hợp phải làm việc trong môi trường không đảm bảo cần phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn.
- Chế độ ăn uống khoa học: Thiếu i-ốt là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Nếu chế độ dinh dưỡng không được cân bằng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị tác nhân xấu tấn công. Như vậy, mỗi người cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như: Bổ sung thêm rau xanh, các loại trái cây và chất xơ, từ đó cung cấp nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm lượng i-ốt vào mỗi bữa ăn để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Cùng với đó, bạn cần tránh những thực phẩm chế biến sẵn vì trong những loại thực phẩm đó có chứa rất nhiều chất bảo quản có hại cho sức khỏe. Không nên uống rượu bia, sử dụng chất kích thích để nâng cao sức khỏe.
- Giữ thân hình cân đối phòng ngừa ung thư tuyến giáp: Khi cơ thể không cân đối, bạn sẽ rất dễ bị mắc các bệnh khác nhau, trong đó có ung thư tuyến giáp. Vì vậy, bạn cần duy trì thân hình cân đối bằng cách giữ thói quen ăn uống lành mạnh, có chế độ luyện tập phù hợp như thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, ăn uống khoa học…
- Không sử dụng chất kích thích: Rượu bia, chất kích thích là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế những chất kích thích để bảo vệ sức khỏe cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
- Tầm soát ung thư định kỳ: Để bảo vệ cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp, bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, giữ thói sống lành mạnh.