Top 10 Bất thường về thai nhi hay gặp nhất mẹ bầu cần lưu ý
Mang thai có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với bất kì người phụ nữ nào. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn trải qua một thai kì khỏe mạnh, 9 tháng 10 ngày ... xem thêm...mang thai là từng ấy ngày trong cơ thể có chuyển biến khác biệt. Trong đó có không ít thai phụ phải đối mặt với nhiều trở ngại trong thời gian bầu bí do thai nhi gặp phải các vấn đề sau đây.
-
Thai ngoài tử cung
Bình thường tử cung là nơi nuôi dưỡng trứng đã được thụ tinh và phát triển thành bào thai trưởng thành. Tuy nhiên, khi nữ giới gặp phải các vấn đề như tắc vòi trứng, buồng tử cung bị dính, vòi trứng quá hẹp dẫn đến tình trạng trứng đã thụ tinh phải làm tổ ở phía ngoài như ổ bụng, cổ tử cung, trong vòi trứng gọi là mang thai ngoài tử cung.
Các bộ phận trên không thể nuôi dưỡng thai nhi và điều chỉnh kích thước cho phù hợp với sự phát triển của thai nhi do vậy rất nguy hiểm, việc vỡ bào thai hay vỡ vòi trứng khiến máu chảy vào ổ bụng sớm muộn cũng sẽ diễn ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai phụ.
Bà bầu mang thai ngoài tử cung cũng sẽ có những dấu hiệu mang thai thông thường như chậm kinh, đau bụng, căng tức ngực, buồn nôn… Tuy nhiên, chị em cũng nên cẩn trọng với một số dấu hiệu để phân biệt liệu mình có mang thai ngoài tử cung hay không như:
Mẹ bầu bị chảy máu âm đạo: Ở nhiều người, khi mang thai sẽ xuất hiện một chút máu hồng khi không trong chu kỳ kinh nguyệt, đây được gọi là máu báo thai. Máu báo thai thường có màu hồng, nhạt hơn máu kinh, thời gian xuất hiện ngắn hơn thời gian hành kinh thông thường và ít khi bị đau bụng. Tuy nhiên, nếu có máu xuất hiện khi không ở trong thời điểm đến tháng mà lại kéo dài, có màu đỏ sẫm thì mẹ nên đi khám vì có thể đã mang thai ngoài tử cung.
Hoặc dấu hiệu khi mang thai kèm đau bụng. Nếu cảm thấy đau nhói bụng dưới, đau mót rặn giống táo bón, đau âm ỉ kéo dài, nhiều lúc đau dữ dội và thấy chảy máu âm đạo thì cũng có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Mức độ đau tỉ lệ thuận với mức độ phát triển của bào thai.
Có nhiều trường hợp, mẹ bầu còn cảm thấy đau dữ dội, đau nhức vai, chân tay bủn rủn, toát mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu. Khi gặp phải những bất thường này mẹ cần đi khám ngay. Nếu là mang thai ngoài tử cung, càng để lâu càng nguy hiểm do thai nhi phát triển to dần khiến túi thai bị vỡ, chảy máu tràn khắp ổ bụng đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
-
Thai chết lưu
Đây cũng là trường hợp không hiếm gặp trong thai kì của người phụ nữ. Khi trứng đã được thụ tinh và chuyển vào tử cung nhưng lại không thể phát triển thành bào thai trưởng thành gọi là tình trạng thai chết lưu.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai chết lưu thường thấy là do mẹ bầu bị nhiễm độc khi mang thai, tử cung bất thường, cơ thể thiếu dinh dưỡng, lao động nặng nhọc hay mắc phải các bệnh lâu năm như cao huyết áp, bệnh gan phổi hoặc thiếu máu.
Để ý cơ thể nếu phát hiện hoặc chảy máu từ âm đạo của bạn: Bạn không nên chủ quan với bất kỳ sự tiết dịch bất thường nào từ âm đạo (dịch có mùi và có màu nào khác ngoài màu trắng), vì nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng trong tử cung. Nhiễm trùng có thể làm suy yếu túi màng xung quanh em bé, gây nhiễm trùng bên trong tử cung hoặc làm cho nước của bạn bị vỡ.
Hoặc dấu hiệu bất thường như đau bụng nhẹ đến nặng, chóng mặt, sốt cao, không thể phát hiện nhịp tim. Hoặc khi siêu âm bạn giảm đột ngột các chuyển động của thai nhi sau 28 tuần hoặc không có cử động nào cả. Thông thường tim thai bắt đầu đập sau tuần thứ 5 của thai kỳ nhưng chỉ khoảng từ tuần thứ 10 thì việc nhận biết tim thai mới trở nên dễ dàng hơn. Việc dò tim thai có thể được thực hiện thông qua thiết bị y tế hoặc chạm vào bụng mẹ bầu và đếm số nhịp đập mỗi phút.
Đôi khi nhiệm vụ dò nhịp tim thai trở nên thất bại do em bé thay đổi vị trí hoặc gặp vấn đề về nhau thai. Trong trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ gợi ý bạn tiến hành kiểm tra tim thai ở lần khám thai tiếp theo. Mặt khác, nếu vẫn không thể dò tim thai, xét nghiệm siêu âm có thể được tiến hành để tìm ra lý do. Trong một vài trường hợp, tim thai không đập, đập yếu là dấu hiệu thai yếu hoặc thậm chí thai đã chết lưu. -
Thai bị dị tật
Khi mang thai, người mẹ sẽ lo lắng nhất liệu rằng con đẻ ra có bình thường như các em bé khác. Hầu hết mẹ nào cũng lo con bị dị tật. Dị tật thai nhi là một khiếm khuyết di truyền hoặc thể chất ở thai nhi có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh nở phức tạp và có ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến trẻ khi sinh ra. Siêu âm là cách hiệu quả và đơn giản để phát hiện dị tật thai nhi. Theo thống kê tỷ lệ thai nhi dị dạng ở Việt Nam hiện là 3%, hay gặp nhất là dị tật ở hệ thống thần kinh, đầu – mặt – cổ, ngực – bụng.
Các dị tật của thai nhi nếu nhẹ có thể dễ dàng khắc phục, nhưng nếu nghiêm trọng sẽ dẫn đến thai nhi chết non hoặc chết ngay sau khi sinh. Một số dị tật thai nhi thường gặp như: Hội chứng Down, khuyết tật tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch...Nguyên nhân của một số dị tật thai nhi có thể khó hoặc không thể xác định được. Tuy nhiên, một số hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ nhất định làm tăng đáng kể nguy cơ dị tật thai nhi, bao gồm hút thuốc, sử dụng ma túy bất hợp pháp và uống rượu khi mang thai. Ngoài ra còn có việc tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc virus cũng làm tăng nguy cơ. Hoặc số ít người mẹ hoặc người cha có thể truyền lại những bất thường về gen cho con của họ. Bất thường di truyền xảy ra khi một gen trở nên thiếu sót do đột biến, hoặc thay đổi. Trong một số trường hợp, một gen hoặc một phần của gen có thể bị thiếu. Những khiếm khuyết này xảy ra khi thụ thai và thường có thể ngăn chặn được. Một khiếm khuyết cụ thể có thể có trong suốt lịch sử gia đình của một hoặc cả hai cha mẹ.
Để khắc phục mẹ bầu nên ăn uống đủ chất, không dùng chất kích thích, độc hại, giữ gìn sức khỏe, và tư vấn di truyền, sàng lọc trước sinh như siêu âm, xét nghiệm ở các thời kì nhạy cảm được khuyến cáo. Siêu âm có thể giúp phát hiện các bất thường về hình thái – nghĩa là những gì nhìn thấy được – chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng. Các xét nghiệm trước khi sinh có thể giúp xác định xem người mẹ có bị nhiễm trùng hoặc tình trạng khác mà có hại cho em bé hay không. Kiểm tra thể chất và kiểm tra thính giác cũng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán dị tật bẩm sinh sau khi em bé được sinh ra.
-
Thai nhi chậm phát triển trong tử cung
Nếu mẹ bầu chú ý đủ dinh dưỡng và hợp chất cần thiết hàng ngày nhưng khi siêu âm thấy thai nhi phát triển chậm, không đạt được kích thước tiêu chuẩn thì rất có thể bào thai đang gặp phải các vấn đề bất thường về gen, nhiễm sắc thể hoặc người mẹ bị nhiễm hóa chất hoặc mắc một bệnh lý nguy hiểm nào đó.
Khi mẹ bầu gặp phải tình trạng này, các biến chứng như khó thở, lượng đường trong máu và nhiệt độ cơ thể cao có thể phát sinh hoặc thậm chí kéo dài ngay cả sau khi sinh. Dĩ nhiên, thai nhi chậm phát triển trong tử cung (IUGR) là dấu hiệu thai yếu khá rõ ràng. Do vậy, cần phải quan sát chặt chẽ tình trạng này.
Mẹ bầu có thể hoàn toàn chủ động khắc phục việc thai nhi kém phát triển bằng cách khám thai định kì để nhận sự tư vấn của bác sĩ, xây dựng chế độ thai sản lành mạnh, khoa học và hiệu quả.
-
Thai nhi to vượt tuổi
Trái với tình trạng thai nhi chậm phát triển thì tình trạng to vượt tuổi cũng bắt gặp ở khá nhiều trường hợp. Đa số các mẹ đều mặc định việc ăn nhiều chất bổ, chất dinh dưỡng để thai lớn nhanh như thổi là điều tốt nhưng thực tế điều này không hẳn đúng. Việc thai nhi phát triển vượt trội bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Điển hình trong số đó phải lưu tâm đến việc mẹ bầu tiểu đường làm lượng insulin trong máu của thai nhi tăng lên làm cho protein và mỡ bị tích tụ trong cơ thể thai nhi dẫn đến hiện tượng to lớn vượt mức.
Thai nhi to vượt tuổi sẽ gây khó khăn cho quá trình sinh nở của người mẹ. Hơn nữa, sau khi được sinh ra lượng insulin trong cơ thể trẻ vẫn duy trì dẫn tới hạ đường huyết, nếu mức đường huyết hạ quá thấp, quá trình sinh nở lại kéo dài thể biến chứng làm trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Do đó thai càng to thì càng nguy hiểm chứ không phải là dấu hiệu đáng mừng.
-
Thai bị thiếu oxy
Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể mẹ bầu phải tăng gấp rưỡi để nuôi dưỡng cả mẹ và bé. Tuy nhiên những thai phụ gặp phải các vấn đề như thiếu máu. Đây là nguyên nhân rất phổ biến và hay gặp ở mẹ bầu, nó có thể gây nên việc thiếu oxy. Bên cạnh đó, một vài nguyên nhân khác như khi mang thai người mẹ bị tăng huyết áp, nhiễm độc khí carbon monoxide, nhiễm trùng cấp tính… cũng khiến đứa bé trong bụng bị thiếu oxy. Hoặc nhau thai bị chặn hoặc quá ngắn, bị thắt nút, rối loạn chức năng nhau thai cũng sẽ khiến thai nhi bị thiếu oxy...
Ngoài những nguyên nhân trên thì việc thai cầm, nắm quá chặt một đoạn dây rốn hay việc bà mẹ ở trong môi trường thiếu oxy khi mang thai cũng có thể khiến thai bị thiếu oxy. Tùy theo mức độ thiếu oxy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi như: nhẹ cân, sinh non, suy dinh dưỡng… hoặc nặng hơn sẽ chậm phát triển.
Để khắc phục mẹ bầu nên ăn uống đủ chất, uống sắt bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ, không hút thuốc lá, không tiếp xúc với khói than hay khói bụi ở nhà bếp để đảm bảo sức khỏe. -
Mức HCG thấp
Trong bụng mẹ, bào thai được nuôi dưỡng nhờ vào bánh nhau thông qua dây rốn. Bánh nhau có nhiệm vụ làm hàng rào trao đổi chất giữa cơ thể mẹ và thai nhi. Ngoài ra, bánh nhau còn có chức năng nội tiết bằng cách bài tiết ra các hormone điều hòa quá trình mang thai.
Một trong các loại hormone đó là HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Đây là hormone có bản chất peptid, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành. Đồng thời, HCG còn giúp kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi.HCG là một loại nội tiết tố do nhau thai sản xuất trong lúc mang thai. Nồng độ HCG có xu hướng dao động trong suốt thai kỳ tùy thuộc vào tam cá nguyệt. Thông thường, nồng độ hCG sẽ cực kỳ cao trong tuần 9 – 16 của thai kỳ.
Các mức bình thường khác nhau tùy theo từng cá nhân, do đó mức HCG thấp không phải là lý do để bạn hoảng sợ. Tuy nhiên, sẩy thai, không có phôi thai (trứng trống) hoặc mang thai ngoài tử cung có thể khiến mức độ hCG thấp và trở thành dấu hiệu thai yếu rất nguy hiểm.
-
Bề cao tử cung không thay đổi
Mỗi khi các mẹ bầu đến bệnh viện khám theo lịch hẹn, bác sĩ sẽ kiểm tra số liệu bề cao tử cung. Nếu bề cao tử cung không có sự thay đổi trong thời gian dài, mẹ bầu nhất định phải tiến hành kiểm tra bước tiếp theo để tìm ra nguyên nhân.
Hầu hết trường hợp bề cao tử cung không thay đổi là do thai nhi thiếu dưỡng khí dẫn đến phát triển chậm. Đặc biệt là sau tuần thai thứ 28 của thai kỳ, tốc độ phát triển của thai nhi rất nhanh. Nếu bề cao tử cung của mẹ bầu không có sự thay đổi trong 2 tuần thì đó là tín hiệu nguy hiểm.
-
Thai động bất thường
Thai nhi di chuyển trong tử cung của người mẹ là dấu hiệu chứng tỏ sự sống. Bình thường thai nhi sẽ cử động khoảng 3 lần/tiếng, 10 lần/2 tiếng, 30 lần/12 tiếng.
Trong vòng 12 tiếng, nếu bạn cảm nhận thấy thai nhi cử động ít hơn 20 lần chứng tỏ thai nhi thiếu dưỡng khí, cử động ít hơn 10 lần chứng tỏ thai nhi gặp tình trạng nguy hiểm. Do đó thai nhi đang cử động bình thường nhưng đột nhiên lại giảm số lần cử động hoặc ngừng hẳn nghĩa là thai nhi thiếu dưỡng khí. Đây cũng là dấu hiệu khá nguy hiểm với con bạn đấy.
Bởi nếu bạn không để ý cơ thể mình và sự tương tác của mình và con sẽ nguy hiểm tới con bạn. Thời gian dài thiếu dưỡng khí sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não của thai nhi. Do đó, mỗi ngày các mẹ nên đếm số lần cử động của thai nhi vào sáng, trưa, tối để nhận biết tình trạng phát triển của thai nhi.
-
Các cơn co bóp diễn ra ở đầu giai đoạn 3
Các cơn co bóp thông thường có ở những tháng cuối thai kì và đây có thể là dấu hiệu của sinh non. Nhưng đối với các sản phụ có con đầu lòng thường hay nhầm lẫn giữa co bóp thật và giả. Các cơn co bóp giả được gọi là cơn gò Braxton – Hicks. Chúng không diễn ra đều đặn, nhưng bất ngờ và không gia tăng cường độ. Các cơn co bóp giả sẽ giảm bớt trong vòng 1 giờ. Nhưng các cơn co bóp thật thường lặp lại trong vòng 10 phút hoặc ít hơn và sẽ tăng dần cường độ.
Tuy nhiên, vì sự an toàn của cả mẹ và bé là quan trọng hơn cả nên thai phụ đừng bao giờ chủ quan với các cơn co thắt. Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bất kỳ khi nào thấy xuất hiện các cơn có bóp hoặc chỉ có cảm giác như đang bị co bóp, bạn phải lập tức gọi cho bác sĩ. Nếu có biến chứng thì các bác sĩ cũng sẽ có hướng xử trí kịp thời cho thai phụ.
Trong những tháng cuối thai kì bạn nên kiểm tra thường xuyên hơn nếu bác sĩ nói thể trạng của bạn dễ sinh non. Trên thực tế, chỉ có bản thân người mẹ mới có thể cảm nhận được cơ thể của mình. Nên hay lắng nghe cơ thể của mình bạn nhé.