Ghat ở thành phố cổ Varanasi
Đến với thành phố cổ Varasani trong hành trình du lịch khám phá Ấn Độ, bạn sẽ được hiểu thêm nhiều về văn hóa, tôn giáo nơi đây. Đặc biệt hơn cả là được ngắm nhìn một trong những danh lam thắng cảnh đẹp ngoạn mục nhất tại Ấn Độ đó là Ghat. Ghat được hiểu là những bậc đá dẫn từ thành phố xuống nước của dòng sông để tẩy trần, đặc biệt là tại những dòng nước được cho là linh thiêng. Nơi đây tập trung đa dạng nhiều tầng lớp con người như doanh nhân, linh mục, các thánh nhân hay đơn giản là các gia đình. Tất cả dường như hòa vào làm một bởi họ đều có chung sự tôn kính dòng sông Hằng linh thiêng.
Đô thị vĩ đại này được mệnh danh với nhiều tên gọi như thành phố Học thuật, đô thị của các Triết gia, thành phố Ánh sáng. Nhưng, trên tất cả, Varanasi chính là một trong tứ thánh địa của các tín đồ Phật giáo thuần thành. Đây chính là nơi mà Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết bài pháp đầu tiên sau khi ngộ đạo, trong vườn Lộc Uyển Sarnath. Varanasi còn nổi tiếng là một trong những đô thị có dân cư liên tục cổ xưa nhất trên toàn thế giới. Quan trọng hơn hết, khi nhắc tới Varanasi và sông Hằng huyền thoại, ngọn nguồn của nền văn hóa Hindu kỳ vĩ, chính là tục hỏa táng được thực hiện trên những nền đá (ghat) đặt dọc theo bờ sông Hằng, mà trung tâm chính là thành phố Varanasi huyền bí. Varanasi là tập hợp của những tòa “ghat” xưa cũ (theo tiếng Hindu là những bậc cầu thang dẫn xuống bờ sông), được xây cất trên những nền móng vững chắc từ đời này sang đời khác, lần lượt chồng lên nhau mà không hề có một quy hoạch hay cải tạo đô thị nào được thực hiện một cách triệt để. Thành ra, qua thời gian, dọc theo bờ sông Hằng, các khối đá, bê tông xam xám một màu buồn bã, cứ nằm xếp lên nhau để rồi trải qua hàng trăm năm, lặng lẽ, u buồn...
Varanasi tồn tại một ghat được xem là mẹ của các ghat - Manikarnika, tương truyền rằng, nơi đây chính là do thần Vishnu và Shiva (hai vị thần vĩ đại nhất, thủ lĩnh các thần trong đạo Hindu) vô tình tạo nên. Và theo những gì người Ấn tin tưởng, nếu được hỏa táng nơi đây, linh hồn sẽ được yên nghỉ mãi mãi, họ sẽ thoát khỏi được kiếp luân hồi bất tận. Chính vì vậy, việc đến được Manikarnika Ghat, thực hiện nghi thức gột rửa thân thể, hóa thân mình vào ngọn lửa hoàn vũ và mãi mãi hòa mình xuống dòng sông Mẹ bao dung, chính là mục đích cuộc đời của một người Ấn, từ thế hệ này sang thế hệ khác.