Thiên thần giữa đại dịch Covid 19
Bà Gilbert sinh năm 1962 ở thị trấn Kettering, hạt Northamptonshire, miền Trung nước Anh. Niềm đam mê khoa học của Gilbert bắt đầu khi đang học tại Trường trung học Kettering. Tốt nghiệp trung học, Gilbert theo học ngành sinh học tại Đại học East Anglia, rồi học lên tiến sĩ ngành di truyền học tại Đại học Hull. Sau đó, Gilbert đến làm việc tại Đại học Oxford vào năm 1994. Sự nghiệp của bà gặp thử thách khi bà sinh 3 con vào năm 1998. Sau thời gian nghỉ thai sản, Gilbert cảm thấy khó khăn khi trở lại với công việc nghiên cứu. “Đã có lúc tôi định từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và làm gì đó khác”, bà chia sẻ. Nhưng cuối cùng, bà Gilbert vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu. Quay lại Đại học Oxford, Gilbert thăng tiến nhanh chóng. Năm 2004, bà trở thành giảng viên và gia nhập Viện Jenner của Đại học Oxford, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, vào năm 2010. Tại đây, bà có nhiều cơ hội nghiên cứu vaccine. Gilbert đã dẫn đầu cuộc thử nghiệm vaccine ngừa virus Ebola vào năm 2014. Bà Gilbert còn đến Saudi Arabia để phát triển một loại vaccine ngừa MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông).
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu năm 2020, bà Gilbert cho rằng có thể tạo ra một loại vaccine ngừa Covid-19 tương tự cách làm vaccine ngừa MERS-CoV. Trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh vì Covid-19, bà Gilbert cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu ở Đại học Oxford đã phải chạy đua với thời gian để nhanh chóng tạo ra một loại “vũ khí” hiệu quả chống lại virus.
Đầu tháng 4-2020, lô vaccine đầu tiên được sản xuất. Để có thể tiến hành thử nghiệm, Gilbert đã tích cực kêu gọi Chính phủ Anh hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đạt được thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm nổi tiếng AstraZeneca để phát triển, sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu. Cuối cùng, mọi vất vả đã được đền đáp. Sau các giai đoạn thử nghiệm, vaccine cho thấy hiệu quả tốt. Theo đánh giá của WHO, vaccine AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí “bắt buộc phải có” về độ an toàn và có hiệu quả vượt trội so với rủi ro. Sau đó, loại vaccine này được chuyển đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việc phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 mang lại cơ hội kiếm một khoản tiền khổng lồ cho nhóm nghiên cứu của bà Gilbert. Tuy nhiên, bà và các cộng sự không để tâm tới điều này. Bởi lẽ, mục tiêu của họ là tạo ra một loại vaccine cho nhân loại. Nhà khoa học này cũng chọn từ bỏ bằng sáng chế vaccine. “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế, vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine”...Bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của nhóm nghiên cứu, họ đã gạt bỏ lợi nhuận kinh tế sang một bên để ưu tiên đưa thành tựu khoa học đến với số đông nhân loại.