Top 10 Món ăn Kinh dị nhất Việt Nam

Nhung Trần 9180 1 Báo lỗi

Việt Nam là một nước nông nghiệp thuộc về xứ nóng, vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra, lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam. Chính ... xem thêm...

  1. Top 1

    Rươi

    Con rươi là một loại sinh vật biển còn gọi là bách cước, có hàng trăm chân hoặc hòa trùng, hình dạng trông đáng sợ giống con rết với màu xanh, vàng, tía, thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ, được tìm thấy ở nhiều tầng nước, tìm kiếm thức ăn trong các đám rong, cỏ biển, ẩn núp dưới đá hay giấu mình trong cát hay bùn. Thịt rươi rất thơm, ngon, bổ dưỡng và có nhiều chất đạm hơn cả cua, tôm, ghẹ.


    Rươi là một món ăn ngon và bổ dưỡng nhưng nhiều người không dám ăn bởi hình dạng nửa sâu nửa giun của chúng. Tuy vậy ăn rươi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc và mắc một số bệnh đường ruột như tiêu chảy đối với những người có đường ruột không tốt.

    Rươi
    Rươi

  2. Top 2

    Thịt Chuột

    Thịt chuột là một món ăn vừa nghe đến tên chúng ta đã nghe cảm giác kinh sợ, ghê gớm. Những người hay ăn nhậu thì rất khoái món ăn này và món này nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây, chuột ở đây là chuột đồng tự nhiên. Chuột đối với nhiều người Việt Nam lẫn nước ngoài có lẽ là con vật gớm ghiếc và đáng sợ nhất, không dám nghĩ đến việc ăn thịt chuột, thế nhưng thịt chuột đặc biệt là chuột đồng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản đắt tiền danh giá trong thực đơn các nhà hàng. Thịt chuột ngon nhất là ở các vùng quê vào mùa gặt, chuột ở đồng chỉ ăn lúa thóc chín nên rất mập và sạch sẽ, thường khi đốt đồng người dân hay đi bẫy chuột để bắt những con chuột cống nhum hoặc chuột cơm to béo về làm thịt.


    Thịt chuột đồng có màu trắng và thơm ngon như thịt gà, chuột sau khi sơ chế được chế biến thành các món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Hàng trăm món ăn thịt chuột đặc biệt về hương vị như chuột xắt miếng to kho nước dừa và sả ớt, chuột xào sả ớt, chuột ram mặn với muối, chuột xào lá cách, chuột nấu canh chua, chuột ướp sả nướng, chuột băm nhỏ xào lá quýt, chuột kẹp lá chanh nướng... Thịt chuột sẽ thơm ngon nhất khi chuột được sơ chế với phương thức thui vàng lột da để tránh bị sình vì nước có trong thịt và sạch sẽ nhất. Vào mùa gặt lúa, nông dân thường dùng rạ tại cánh đồng để thui chuột, mùi thơm bay phảng phất theo gió từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nhìn những con chuột được sơ chế sạch sẽ và thui vàng bạn có thấy quá kinh dị không?

    Món thịt chuột
    Món thịt chuột
  3. Top 3

    Tiết canh

    Tiết canh là món ăn tươi sống dân dã của người Việt, tùy theo mỗi đầu bếp mà có cách chế biến khác nhau. Tiết canh sử dụng nguyên liệu là tiết động vật sau khi được lấy còn tươi pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt dùng đũa khoắng nhẹ cho tiết khỏi đông lại trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Sau khi luộc chín thịt động vật, người ta lấy ra những phần sụn lườn và cổ, lòng mề băm nhỏ cho vào bát hoặc đĩa, dàn đều cho mịn. Dung dịch nổi lên tiết được gạt đi, lấy một lượng nước luộc thịt cho vào đánh tan với tiết rồi sau đó rưới nhanh tay, nhẹ nhàng phần dung dịch tiết trên cho thật đều vào bát.


    Tiết canh cũng rất đa dạng nào là tiết canh ngan, tiết canh cua, tiết canh dê, tiết canh rắn, tiết canh tôm hùm nhưng phổ biến nhất là tiết canh lợn và tiết canh vịt xiêm. Rất hiếm khi thấy tiết canh chó, tiết canh gà, vì những loại gia súc, gia cầm này hoặc rất tanh hoặc có hại khi ăn tiết sống. Tiết canh là món ăn phổ biến được nhiều người ưa chuộng và nhiều hàng quán ăn ở các lề đường ở Việt Nam nhưng chưa thấy ở bất cứ nơi nào nữa trên thế giới và dù có dễ ăn đến mấy nhìn bát tiết canh đỏ tươi có thể khiến bạn nổi da gà, ớn lạnh.

    Món tiết canh
    Món tiết canh
  4. Top 4

    Đuông dừa

    Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương. Sau mùa giao phối, loài bọ này thường chọn cây dừa sung sức, khoét ngọn rồi đẻ trứng vào. Trứng nở ra ấu trùng và lớn dần nhờ ăn cổ hũ dừa đến khi xuyên thủng ngọn dừa, lúc đọt thối ngã ngang là lúc đuông dừa nhiều nhất. Dù đuông đục khoét là hỏng dừa nhưng đuông dừa ăn rất ngon và lại là đặc sản độc đáo có một không hai ở những xứ dừa đồng bằng sông Cửu Long.


    Tuy vậy, không phải ai cũng dám thử món đặc sản này vì đuông dừa có hình dạng giống con sâu non, thân mềm nhũn, màu trắng sữa, di chuyển bằng cách trườn tới trườn lui, là người ít tiếp có thể "khóc thét" khi lần đầu nhìn thấy. Không chỉ có vậy, món ăn phổ biến nhất được chế biến từ đuông lại là đuông chấm nước mắm ăn sống. Con đuông còn ngọ nguậy đặt trong bát nước mắm ớt cay, cứ thế gắp bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được vị béo bùi mà nhiều người nói giống y như lòng đỏ trứng gà tan dần trong khoang miệng. Cảm giác ấy chỉ có thể đến khi trải qua được giai đoạn "tiếp xúc" khá căng thẳng với loài vật này lúc ban đầu.


    Bên cạnh đó, đuông dừa còn được chế biến thành nhiều món đa dạng, dễ "nhìn" hơn như đuông nướng, đuông chiên bơ, đuông hấp nước dừa, đuông nấu cháo... dễ ăn nhất có thể kể đến món đuông nướng. Đuông dừa được kẹp vào gắp tre, nướng liu riu trên than đến khi chín vàng rồi cuốn cùng các loại rau, chấm mắm me chua ngọt. Vị béo ngậy, thơm nức của đuông nướng quyện cùng vị chua chát mặn ngọt của nước chấm và rau tươi thật "đã" miệng làm sao. Dù là một trong những món đặc sản Việt Nam nhưng với nhiều người, việc nhìn thấy những con đuông dừa béo nhung nhúc, còn ngọ nguậy trông không khác gì những con sâu non đã thấy nổi da gà.

    Đuông dừa
    Đuông dừa
  5. Top 5

    Nậm Pịa

    Tây Bắc là một vùng núi cao được thiên nhiên bao bọc, đi kèm với tính đa dạng về hệ sinh thái là sự phong phú trong chế biến ẩm thực, đậm chất núi rừng. Thêm vào đó phải nói tới một món ăn đặc sản kinh điển - Phân non Nậm Pịa “Nhìn vào bên trong thì nước đục một màu, ngửi thì nồng lên tận mũi, ngậm thì đắng hăng tận cổ, chưa kể còn sền sệt như vướng ở họng khi nuốt”. Miêu tả một chút về nó như thế chắc cũng đã đủ, vậy nậm pịa là gì mà tại sao nó lại dị hình đến thế. Nếu hiểu từ tiếng Thái sang tiếng quốc ngữ thì Nậm chính là canh, còn Pịa lại là thứ dịch nhầy sền sệt trong ruột non của động vật ăn cỏ và có chức năng làm tiêu hóa thức ăn. Nhưng vì thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn nên người ta gọi đây là “Phân non của động vật ăn cỏ”.


    Thông thường trí tưởng tượng của con người rất phong phú, nếu Nậm Pịa mà không gắn thêm từ phân thì chắc chắn nó sẽ rất ngon, còn nếu ai đó đã biết nó là một phần của phân sống thì có lẽ món ăn sẽ hơi khó chấp nhận một chút. Nhưng đừng sợ, bởi chính chất dịch tiêu hóa đó còn cho ta biết rằng “Đấy là vị trí chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng đem nuôi cơ thể, tuy không ngon nhưng chúng lại rất bổ và không đáng sợ như những gì ta nghĩ”. Chưa kể, bây giờ chúng ta cũng đã hiểu thêm ra một điều rằng “Vì sao trâu bò lại được coi là loài động vật nhai đi nhai lại”.

    Món nậm pịa
    Món nậm pịa
  6. Top 6

    Gỏi cá nhảy

    Đây là món ăn đặc sản và quen thuộc trong nhiều gia đình người Thái ở Sơn La. Món Gỏi cá nhảy tuy chế biến khá đơn giản nhưng lại rất kén người ăn, điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng, cá vẫn còn nhảy tanh tách trong miệng khi ăn. Cá dùng để chế biến món “gỏi cá nhảy” phải được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết những thứ bẩn ở trong người. Sau đó mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa là đạt yêu cầu.


    Điểm đặc sắc nhất của món ăn này chính là các gia vị đi kèm. Theo đó, cá nhảy được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Đối với nhiều người khi chứng kiến, họ cho rằng đây là món ăn thiếu an toàn vệ sinh. Và không phải ai cũng đủ dũng cảm để thưởng thức món đặc sản này.

    Gỏi cá nhảy
    Gỏi cá nhảy
  7. Top 7

    Thắng cố

    Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông, có nguồn gốc từ vùng núi Hà Giang, phía Đông Bắc và dần được ưa chuộng bởi toàn bộ những người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Người Hà Nội tự hào về phở, người Sài Gòn tự hào về cơm tấm bao nhiêu thì người dân vùng Tây Bắc cũng tự hào bấy nhiêu vì món thắng cố của mình. Trước kia, thắng cố truyền thống được chế biến từ một con ngựa, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Sau này, thắng cố được các dân tộc khác cải biến thêm thịt bò, trâu... và sáng tạo ra nhiều loại công thức nấu khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc. Tuy nhiên, thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa - Lào Cai.


    Những nồi thắng cố ở các phiên chợ vùng cao thường rất lớn, đủ cho vài chục người ăn. Những bát thắng cố được múc ra phục vụ thực khách từ những chảo lớn sóng sánh thịt nạc, thịt mỡ và lục phủ ngũ tạng. Nội tạng ngựa được chế biến sạch có mùi thơm, giòn giòn, quyện với mùi cay nồng của các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng, cải lẩu... chấm với loại nước chấm đặc biệt làm từ ớt Mường Khương. Thắng cố nguyên bản của người dân tộc ở các phiên chợ thường khó ăn, còn trong các nhà hàng, thắng cố đã được cải biên đi nhiều để phù hợp với khẩu vị người Kinh. Dù vậy, nó vẫn là món ăn kinh dị với rất nhiều người.

    Món thắng cố
    Món thắng cố
  8. Top 8

    Mắm tôm

    Mắm tôm, là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng. Mắm tôm thường ăn kèm với bún đậu hoặc thịt cầy, với nhiều người mùi hương của mắm tôm thật sự là một nỗi ám ảnh không hề nhẹ.


    Mắm tôm thường có 3 dạng là đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã miền quê, nhất là những món miền Bắc như cà pháo dầm mắm tôm, nộm rau muống và trong tín ngưỡng của người Việt Nam mắm tôm là thức ăn có tác dụng xua đuổi tà ma có thể do mùi của nó khiến ma quỷ cũng phải khiếp đảm không dám lại gần.


    Khi dùng mắm tôm làm nước chấm lòng lợn, thịt lợn luộc, thịt chó thì có thể ăn kèm theo các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, hay riềng tươi, tùy theo loại thịt. Mắm tôm khi được dùng để ăn với bún kèm đậu phụ rán hay chả cá Hà Nội có thể pha thêm một chút mỡ rán nóng.

    Món mắm tôm
    Món mắm tôm
  9. Top 9

    Sá sùng

    Sá sùng là một loài hải sản quý hiếm có thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát có hình dạng trông dễ sợ xù xì, kệnh cỡm tựa như một con giun khổng lồ đầy màu sắc. Sá sùng là hải sản thường gặp ở vùng biển Vân Đồn và Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ở thành phố biển Nha Trang, Côn Đảo, Bến Tre, Cà Mau... Tùy theo mỗi vùng, tên dân gian của loài động vật này mỗi khác như sá sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất...


    Vào thời phong kiến ngư dân vùng biển thường tiến cống sá sùng cho vua quan, chỉ những gia đình giàu có mới có thể thưởng thức thịt của loài sản sản đặc biệt này. Sá sùng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khó quên như nấu canh, xào, nướng hay phơi khô. Sá sùng còn là linh hồn trong món phở truyền thống của Hà Nội 36 phố phường và Nam Định làm nước dùng thơm hơn ngọt nước hơn.


    Ngoài ra, sá sùng trong Đông Y còn là một bài thuốc hữu ích cho quý ông tăng cường sinh lực “ông ăn bà khen“ bằng cách nấu với thuốc Bắc hoặc gà ác. Đây cũng là món ăn ngon của vùng biển Việt Nam khiến nhiều du khách e dè, không dám động đũa tới mặc dù ăn rất ngon. Người nước ngoài khi đến Việt Nam bên cạnh những ngạc nhiên về văn hóa đặc sắc, thiên nhiên nguyên sơ tươi đẹp mà còn sốc nặng trước những món ăn độc đáo trong ẩm thực của người Việt khiến những người can đảm nhất, dễ ăn nhất cũng phải rùng mình kinh hãi.

    Sá sùng
    Sá sùng
  10. Top 10

    Trứng vịt lộn

    Mới đây, bảo tàng đồ ăn mới mở cửa tại Thụy Điển trưng bày các món ăn kinh dị trên thế giới nhưng lại là đặc sản của nhiều quốc gia. Khoảng 80 mẫu đồ ăn được trưng bày tại bảo tàng là đặc sản của các quốc gia và cũng là nỗi sợ hãi với nhiều khách du lịch. Đáng chú ý, trong những món ăn kinh dị thế giới có món trứng vịt lộn của Việt Nam.


    Trứng vịt lộn vốn là món ăn bình dân bổ dưỡng phổ biến ở Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng. Trứng vịt lộn thường được ăn kèm cùng rau răm, gừng hoặc ngải cứu. Thế nhưng, với khách du lịch nước ngoài, chúng lại thuộc hàng “kinh dị”. Người phương Tây coi việc thưởng thức món ngon này không khác gì “tra tấn” bởi họ sợ phải ăn bào thai của con vịt.

    Món trứng vịt lộn
    Món trứng vịt lộn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy