Chữ "Hiếu"
Chữ Hiếu là loại chữ phổ biến được xin đầu năm, người xin chữ thường dùng để tặng ông bà, cha mẹ, để thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu. Chữ hiếu (hiếu thảo, hiếu đễ) trong chữ Nôm, viết giống chữ hiếu trong chữ Hán, là chữ viết tắt của chữ Khảo ở trên và chữ tử ở dưới. Chữ hiếu có hình tượng người con cõng cha mẹ trên lưng. Như vậy chữ hiếu được biểu thị bằng mối quan hệ cha (mẹ) trên lưng, con ở dưới; suy rộng ra đó là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, lấy phụng dưỡng cha mẹ làm đầu…
Do vậy từ xưa đến nay, trong quan niệm của dân tộc ta, chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu. Lời của Khổng Tử bàn về đạo hiếu rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”.