Trầu têm cánh phượng
Trầu têm cánh phượng là hình ảnh đẹp, gợi về truyện cổ tích Tấm Cám và tục ăn trầu đã trở thành tập quán, truyền thống của dân tộc Việt. Từ xa xưa, miếng trầu đã đi vào thơ ca, huyền thoại, cổ tích… phản ánh nhiều nét đẹp văn hóa, thăng hoa tình cảm, tình yêu thương con người, hình thành văn hóa vùng rõ rệt.
Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời. Trong giao tiếp ứng xử, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu thường đi đôi với lời chào và một thái độ của người mời khách. Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt”, nghĩa là đã tiếp, thì tiếp cho khắp - “Tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?”.
Việc mời trầu cũng thể hiện sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị. Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự, cũng mời trầu. Ca dao có câu: “yêu nhau cau sáu bổ ba; ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Còn không có trầu mà tiếp khách vẫn mời trầu như Nguyễn Khuyến, là một trường hợp lạ - “Đầu trò tiếp khách, trầu không có. Bác đến chơi nhà, ta với ta”. Đặc biệt nữa là miếng trầu hôi đãi khách của Hồ Xuân Hương. Miếng trầu có cái gì thật khác thường, chất chứa đầy sự thách thức và một bản lĩnh của người mời.