Top 13 Món ăn từ côn trùng lạ nhất Việt Nam

Miu Lee 6130 0 Báo lỗi

Ẩm thực Việt ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế bởi sự phong phú, độc đáo trong nguyên liệu chế biến. Những món ăn làm từ côn trùng thể hiện sự độc đáo đó. ... xem thêm...

  1. Top 1

    Dế Mèn

    Khi nhắc đến những món ăn từ côn trùng nổi tiếng nhất Việt Nam chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến dế mèn. Từ lâu, người Việt đã sử dụng dế mèn chế biến thành món ăn đặc sản bởi vị hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng khá cao. Thịt dế mèn chứa nhiều protein và calcium tuy nhiên lại không gây béo cho người thưởng thức. Một số món ăn chế biến từ dế mèn phải kể đến như: Dế mèn nướng, dế mèn rang muối ớt, dế mèn chiên bột,...


    Cũng giống như đuông dừa hay nhộng tằm, dế là món ăn vừa khơi gợi sự tò mò, nhưng đồng thời cũng khiến người ta rùng mình khi nghĩ về. Với người Thái ở Mường Lò (xã Nghĩa Lộ, Yên Bái), những món ăn chế biến từ dế mèn là đặc sản có từ lâu đời và khiến người dân nơi đây vô cùng tự hào. Với sự khéo léo, sáng tạo của con người, có đến hàng chục món ngon độc đáo được chế biến từ nguyên liệu dế mèn. Món dế rang là món ngon ở Đà Lạt đã có từ rất lâu bởi dế là loại côn trùng thơm ngon, chứa nhiều protein. Trước đây, thời điểm sau vụ thu hoạch lúa ngô, bà con nơi đây thường tranh thủ bắt những con dế béo múp ngoài ruộng về để chế biến. Dế mèn đã trở thành món quà cho những đứa trẻ, vừa là món ăn cải thiện bữa cơm ngày mùa.


    Dế là động vật có giá trị dinh dưỡng cao, lại được nuôi theo một tiêu chuẩn chính xác, bởi thế bạn hoàn toàn có thể yên tâm bởi chất lượng dế “sạch”. Đằng sau mỗi đĩa dế mèn chiên vàng ruộm thơm ngon là một quá trình công phu từ việc bắt dế, lựa chọn nguyên liệu, sơ chế và nấu nướng. Bắt dế tuy không khó nhưng cần sự chăm chỉ. Món dế chiên giòn càng ngon hơn, tròn vị hơn nhờ bát nước chấm. Nước chấm được pha từ tỏi, sả, ớt bằm nhỏ, bột ngọt, đường, nước mắm và tương ớt. Vị cay, chua, ngọt và hương thơm ấm từ sả, ớt khiến món ăn thêm thanh, bớt ngấy vì dầu mỡ. Thực khách cũng có thể rưới tương ớt hoặc nước măng chua để tăng vị đậm đà cho món ăn. Người ta còn ăn dế mèn chiên với cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh…

    Món Dế mèn
    Món Dế mèn

  2. Top 2

    Châu Chấu

    Châu chấu là món ăn được ưa chuộng ở châu Á như Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản và cả Việt Nam. Theo dược học cổ truyền, châu chấu có thể giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Bên cạnh đó, nó thể chữa một số bệnh: Dị ứng, ngứa, vàng da, ho gà, ho hen… Hơn thế nữa thịt châu chấu còn được đánh giá là mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn cả thịt gà. Một số món ăn chế biến từ châu chấu như: Châu chấu rang lá chanh, châu chấu chiên giòn sốt sa tế. Châu chấu có mùi vị bùi bùi nửa giống dế mèn chiên giòn, nửa giống tép rang. Rang khô với lá chanh và sả, mêm ít nước mắm cho đến khi vàng ươm. Vị châu chấu rang bùi bùi, thơm thơm, giò và là món ăn ưa thích của cả người lớn và trẻ nhỏ.


    Món ngon từ châu chấu không phải ai cũng thích thưởng thức, nhưng nếu từng nếm qua món ăn sau đây, chắc chắn bạn sẽ không thể quên hương vị của nó. Châu chấu rang lá chanh là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Một phần vì đây là món ăn gợi nhớ tuổi thơ, phần vì vị giòn giòn, dai dai của châu chấu. Món ăn này dùng để ăn nóng hay ăn nguội đều rất ngon, dùng để làm món ăn chơi hay ăn cùng cơm nóng hay rau luộc đều ổn. Nguyên liệu làm món ăn này cực đơn giản, bao gồm: Châu chấu, dưa muối và gia vị. Đầu tiên, bạn phải chọn châu chấu, chọn những con đầu nhỏ nhỏ nhiều trứng, có màu xanh lạ non để chế biến thành món ăn. Sau đó, đun nước sôi, dội thẳng vào rá châu chấu cho chết và rụng hết cánh, tiếp đến dùng kéo cắt bỏ chân cứng, bỏ ruột có thể bỏ đầu nếu bạn không thích. Cuối cùng, bạn rắc muối, xóc đều và rửa sạch, để ráo nước. Khi chế biến bạn cho dầu hoặc mỡ vào chảo đun cho nóng già rồi bỏ châu chấu vào rang đều đến khi có mùi thơm rồi đổ nước dưa, mỡ, nước mắm, rang cho cạn nước. Khi nước cạn thì đun nhỏ lửa rang cho tới khi châu cháy vàng là được, sau đó rắc lá chanh thái chỉ. Thế là xong.

    Vị giòn tan, ngọt ngọt, bùi bùi của châu chấu, hòa cùng với vị chua nhẹ của nước dưa, vị thơm của lá chanh cực kỳ hấp dẫn. Bạn có thể ăn chơi hoặc ăn với cơm, dưa muối, cà muối..cực kỳ ngon

    Món Châu chấu
    Món Châu chấu
  3. Top 3

    Nhộng

    Bởi sự béo ngậy và khá dễ chế biến của mình mà nhộng trở thành một món ăn đặc sản của người Việt. Các món ăn được làm từ nhộng: Nhộng tằm xào dứa, nhộng chiên, nhộng rang…Ở nước ta, Tây Nguyên là địa danh nổi tiếng với các món nhộng. Nhộng tằm là loại côn trùng giàu chất dinh dưỡng, được dùng làm thức ăn phổ biến ở Việt Nam. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước; còn lại có 13g protid; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo. Nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C…). Đặc biệt, thực phẩm này có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan…và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và photpho (109mg) mang đến nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe.


    Nhộng tằm là món ăn có tính hàn, vị béo, bùi rất lạ miệng. Các món ăn phổ biến là nhộng tằm xào với lá chanh, bông hẹ hay các loại rau quả khác. Ngoài ra, nhộng tằm còn được sử dụng để làm gỏi, kho hay tẩm bột chiên, ăn cũng rất ngon miệng. Để chế biến món nhộng tằm rang lá chanh, đồng bào dân tộc Thái (Sơn La) thường lựa chọn những con nhộng tằm tươi, không bị dập nát và bị thâm đen, lớp vỏ bên ngoài có màu vàng bóng. Sau đó, rửa sạch đem chần qua nước sôi rồi mới vớt ra rổ để cho ráo nước. Các gia vị để chế biến món nhộng rang bao gồm: Lá chanh thái chỉ, hành lá cùng với ớt thái nhỏ, muối, mì chính, hành tím thì đập dập và băm nhỏ. Sau khi chuẩn bị xong gia vị, bà con cho chảo lên bếp cho thêm chút dầu ăn và phi thơm hành lên, sau đó rang cho đến khi nhộng chuyển sang màu vàng là có thể chế biến xong món nhộng tằm.


    Nhộng tằm là món ăn cung cấp rất nhiều chất đạm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến những món nhộng thơm ngon, béo ngậy... Nhộng khi ăn có vị béo bùi và đậm đà, ngấm hương thơm của hành lá và lá chanh cùng với một chút vị cay của ớt, đem lại cho bạn cảm giác khó tả và đầy thích thú. Nhộng tằm được coi là món đặc sản khoái khẩu, được nhiều du khách ưa chuộng khi đặt chân lên Ba Vì du lịch và trải nghiệm trong những ngày hè nóng nực.

    Món Nhộng tằm
    Món Nhộng tằm
  4. Top 4

    Cà Cuống

    Từ xa xưa, cà cuống đã được coi là một loại thực phẩm quý thuộc hạng “Sơn hào hải vị” và vật cống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây là món ăn - vị thuốc bổ dưỡng rất độc đáo được ưa chuộng ở nhiều địa phương. Xưa cà cuống được xếp vào hàng sơn hào hải vị để tiến vua, nay cà cuống là món ăn độc, ngon để đời. Có khi người ta để nguyên con, chỉ vặt bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang.


    Một số món ăn làm từ cà cuống nổi tiếng như: món cà cuống rang muối, cà cuống chiên vàng cùng với bơ, pho mát, cà cuống băm nhỏ xào với trứng. Ngoài ra cà cuống còn ngâm với rượu giúp tăng cường sinh lực và tạo ra một loại rượu thơm đầy quyến rũ. Cà cuống có thể vừa làm thức ăn, vừa làm gia vị cho món ăn khác. Từ món cà cuống rang muối giòn giòn, hay chiên vàng cùng với bơ, phômai hay băm nhỏ xào với trứng, hoặc trộn lẫn với mù tạt và xì dầu để chấm với hải sản…Tất cả đều không chê vào đâu được. Cà cuống quý nhất là bọng tinh dầu và chỉ con đực mới có. Đây cũng là vũ khí lợi hại để cà cuống đực lôi cuốn con cái vào thời kỳ sinh sản và phòng vệ khi bị kẻ thù tấn công. Tinh dầu cà cuống được ví thơm như mùi quế, nhưng lại không nồng như quế, nó chỉ thoang thoảng, nhẹ nhàng. Để lấy tinh dầu, thì sau khi bắt về, người ta tách hai bên cánh, khía một đường ở nơi có thể gọi là gáy của con cà cuống rồi rút ra bọng dầu nhỏ như hạt gạo.


    Nếu ít cà cuống, người ta thường hấp hoặc nướng chín cả con để tinh dầu lan tỏa toàn thân. Sau đó cho vào lọ nước mắm nguyên chất, khi sử dụng chỉ cần lấy vài giọt ra pha chế. "Cà cuống chết đến đít còn cay" có lẽ cũng là vì vậy. Ngoài tinh dầu, thịt và trứng cà cuống cũng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin nên vẫn được coi là dược liệu. Thông thường, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc rán. Nó có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Trứng cà cuống rất bé, chỉ như hạt thóc nếp, trong vắt, không mềm như trứng tôm cũng không khô như trứng cá, mà nó chắc chắn, dai dai. Thịt cà cuống cũng thơm ngon đặc biệt. Khi ăn, bạn có thể xé từng phần của con cà cuống và nếm từ từ để cảm nhận đủ các vị cay cay, bùi bùi, béo ngậy mà lại rất thanh. Người nào đã nghiền món này thì có ăn cả trăm con cũng không ngán.

    Món cà cuống
    Món cà cuống
  5. Top 5

    Kiến lửa và trứng kiến lửa

    Kiến lửa và trứng của chúng là nguyên liệu quý được dùng cho nhiều món ăn tại nước ta. Vị chua chua của kiến và vị bùi của trứng hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng khó có thể nào cưỡng lại được. Xôi trứng kiến là một đặc sản của vùng Ninh Bình, tuy nhiên bạn có thể thưởng thức món ăn hấp dẫn này ở khá nhiều tỉnh trong vùng trung du phía Bắc nước ta. Ngoài món trứng kiến nổi tiếng với vị béo ngậy, chua chua và giàu chất bổ dưỡng, bạn còn có thể thưởng thức kiến nấu canh hay nướng rất ngon và lạ miệng.


    Kiến là một loài côn trùng đóng góp khá lớn trong độc đáo ẩm thực vùng miền với các món ăn dân dã nổi tiếng như: Bánh trứng kiến của người Tày, xôi trứng kiến, kiến chua nướng, dưa cải kho trứng kiến, gỏi cá kiến chua, canh trứng kiến….rất nhiều món ăn ngon độc đáo chúng ta nên thưởng thức. Không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Phải là loài kiến đen, to trên tổ cây. Mùa của trứng kiến bắt đầu từ tháng 3 Âm lịch. Thời gian này chỉ kéo dài hơn một tháng. Từ những con kiến, con người có thể chế biến những món ăn vô cùng thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Tùy thuộc vào loài và phương pháp chế biến, kiến khá đa dạng về mùi vị và có tính acid cao. Ngay cả trứng kiến cũng là một món ăn rất ngon, mềm như kem, tương tự trứng cá muối. Trứng kiến là món đặc sản ở Mexico cũng như ở tỉnh Cao Bằng của Việt Nam.

    Làm trứng kiến lắm công phu. Những hạt trứng nhỏ li ti trong suốt được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới lúc tỏa hương thơm lừng làm háo hức những cái dạ dày tham lam. Sau đó mới dùng một chiếc lá chuối ngự gói trứng kiến vào để mùi thơm của trứng lẫn với hương lá chuối Món xôi trứng kiến béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, thơm dẻo của xôi nếp. Ăn món này phải không sợ bẩn, dùng tay nắm nắm xôi, quệt nhẹ với trứng kiến.

    Món Xôi trứng kiến
    Món Xôi trứng kiến
  6. Top 6

    Mối

    Mối hấp, mối nấu với lá bép, cà đắng… là những món ăn nổi tiếng được chế biến từ loại côn trùng này. Mối khá dễ bắt và chế biến nên được nhiều người ưa thích. Hằng năm, theo chu kỳ sinh học, cứ đầu tháng 5, tháng 6 khi cơn mưa đầu hạ vừa trút xuống những khu vườn rộng đủ để đất thấm mềm, mối đất từ những ụ đất bay ra, mối đực tìm mối cái giao phối sau đó chui vào tổ sinh nở. Đây là thời điểm thích hợp để bắt mối đất. Theo dân gian, mối đất có thể chế biến thành nhiều món khá bổ dưỡng, trị đau đầu, ói mửa, cảm ho. Khi phát hiện có mối, người ta lập tức tắt bớt điện trong nhà, chỉ để lại một bóng đèn để mối tập trung vào một chỗ. Sau đó đặt thau nước ở dưới ánh đèn, khi thấy nguồn sáng mối bay đến và sà xuống thì gặp nước, cánh bị ướt nên không bay lên lại được. Mối đã đầy thau thì hốt ra bỏ vào bao.

    Mối đất
    sau khi bắt được, làm sạch cánh bằng cách đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, trút những bát mối vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần. Lúc này, đổ ra mẹt, dùng ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật nhẹ quạt máy cho cánh mối bay đi. Bây giờ chỉ cần mang những thân mối vàng ươm đi nấu cháo (giống nấu cháo ong vò vẽ), xào hành hay kho mặn ăn còn ngon hơn cá bống kho tiêu.

    “Tuyệt chiêu” và ít tốn công hơn cả là mối đất chiên giòn. Bắc chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi trút mối vào. Vài phút sau, nêm một ít nước mắm, tiêu bột, chút đường. Chảo mối đất chiên bây giờ thơm nức mũi; nhanh tay đảo đều, nhắc xuống. Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu, thì pha một tô bột (loại dùng để chiên tôm), nhúng từng con mối rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng rụm là vớt ra. Ăn mối đất chiên giòn mà có các loại rau húng, quế, ngò tàu hay bánh tráng để xúc thì tuyệt. Mối đất chiên giòn nhai kỹ có vị ngọt bùi, béo đậm đà nhờ chúng có nhiều chất đạm, ăn mãi không chán.

    Món Mối đất chiên
    Món Mối đất chiên
  7. Top 7

    Bọ Xít

    Sau khi sử lí bằng nước muối và nước măng chua, bọ xít được đem rang vàng cùng một chút xíu gia vị bởi bản thân loại côn trùng này đã có vị mặn. Món bọ xít rang với vị ngọt, bùi và có màu vàng ruộm sẽ mang đến cho thực khách những ấn tượng khó phai. Hơn thế nữa, bọ xít cũng là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Nhắc đến bọ xít, chắc hẳn nhiều người sẽ phải nhăn mũi khi liên tưởng đến mùi hôi đặc trưng của loại côn trùng này. Song trong thực tế với nhiều người, nó đã trở thành món “đặc sản”.


    Ở Mường Cháu, bất kỳ loại côn trùng gì cũng có thể làm thành món ăn độc đáo, đặc biệt, hấp dẫn. Từ châu chấu, cào cào đến ve hay dế mèn, bọ hung… đều ăn được dưới bàn tay chế biến tài tình của những người dân nơi đây, được truyền lại qua các thế hệ. Nhiều người sợ bọ xít vì mùi hăng của chúng. Nhưng chúng hút tinh chất của cây nên là thức ăn rất giàu dưỡng chất. Để khử mùi hôi, bạn ngâm bọ xít trong nước muối vài giờ rồi đổ vào nước măng chua, đun cạn nước, để ráo. Sau đó bạn ngắt đuôi bọ xít để loại mùi hăng. Khi rang bọ xít, chỉ cho một chút xíu gia vị vì bản thân loài côn trùng này cũng đã có vị mặn. Nếu bạn rang nhanh tay, để lửa to thì bọ xít sẽ giòn tan trong miệng, ngọt, bùi và có màu vàng ruộm. Tuy nhiên, bọ xít hầu hết rất hôi, rất nhiều ký sinh trùng bám vào cơ thể dù đã qua chế biến.


    Để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra, tốt nhất là không nên ăn loại côn trùng này vì cơ thể con người rất nhạy cảm với các loại virus. Tùy vào cơ địa, người này ăn thì không sao nhưng người khác ăn thì bị ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng có thể ngay sau khi ăn hoặc có tác hại về sau. Nhiều người thì bị dính chất độc của bọ xít vào mắt, không được cứu chữa kịp thời dẫn đến mù loà.

    Món Bọ xít rang
    Món Bọ xít rang
  8. Top 8

    Đuông

    Đuông là ấu trùng của con bọ rầy. Ở Việt Nam, người ta chế biến ba loại đuông làm món đặc sản, gồm đuông chà là, đuông dừa, đuông đất. Để tăng độ ngon cho món đuông, người ta nhét đậu phộng (lạc) vào đuông. Vi béo của đuông hòa lẫn với vị béo của đậu phộng tạo nên một cảm giác rất khó tả. Nhiều người nói những món ăn từ đuông giúp nam giới tăng cường khả năng sinh hoạt phòng the.


    Đuông dừa cũng là “sản vật” tuyệt nhất Nam Bộ trong mắt dân nhậu. Đuông dừa là loài sâu sông trong thân cây dừa, màu trắng sữa, béo núc. Ngoài cách ăn cần khá nhiều can đảm là đuông dừa ngâm mắm, đuông dừa còn được chế biến thành các món khác như: Lăn bột chiên, nướng, luộc nướng dừa, hầm…Là một loại sâu trong đọt cây dừa, đuông luôn được giới sành ăn đánh giá cao về độ giòn, vị béo ngậy, thơm lừng độc đáo. Vẻ ngoài mập tròn và mềm nhũn của đuông dừa khiến nhiều người nhìn bên ngoài đều thấy “khiếp vía”, tuy nhiên đây lại là món ăn đặc sản của người miền Tây. Thịt đuông dừa được chế biến thành các món nướng, chiên, xào tỏi, hấp lá chanh nhưng phổ biến nhất phải kể đến đuông dừa tắm mắm.


    Những người “nghiện” món ăn này cho rằng, cái thú của việc thưởng thức đuông dừa là khi nước trong con đuông dừa tràn ra, đầy vị béo, sau đó thấm vào khoang miêng, vòm họng, khiến những ai đã can đảm ăn thử sẽ bị hấp dẫn lạ lùng. Những ai có dịp ghé về miền Tây, đều nghe qua món ăn từ ấu trùng bọ – đuông dừa. Món đuông dừa có vị béo của đuông như kiểu nước cốt dừa, hòa với vị mặn cùng với mùi hương độc đáo của mắm nhĩ, vị cay của ớt đã nhanh chóng lấy lòng cả những vị khách khó tính nhất khi đến với miền Tây mặc dù cách thưởng thức có phần hơi ”kinh dị”.

    Món Đuông
    Món Đuông
  9. Top 9

    Ve Sầu

    Món ve sầu cũng khá phổ biến. Ngoài giá trị dinh dưỡng, ve sầu còn có giá trị dược liệu giúp chống lão hóa, chống ung thư và tăng lực. Cũng có một số người thích ăn ve sầu sống, nhưng bạn cần cẩn thận vì chúng có thể chứa ký sinh trùng bên trong. Nếu muốn có món ăn này, người dân phải chọn đúng thời điểm chúng tách mình khỏi lớp vỏ ban đầu, bởi khi lột xác những con ve sầu thân rất mềm, gọi là ve sầu sữa. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh khô cứng lại, ăn sẽ không ngon.


    Ve sầu được dùng để chế biến thức ăn, đặc biệt là ve non mới chui khỏi lòng đất (còn gọi là nhộng ve hay ve sữa). Chúng thường được nấu chín cùng với tỏi và muối, khi ăn có vị như bỏng ngô, hải sản hay thịt xông khói. Ngoài ra ve còn được chế biến nhiều món khá như cháo ve, ve sầu chiên, xào hành, kho mặn…ngon nhất phải kể đến là món ve sầu chiên giòn. Sau khi bắt được ve, người dân cho vào túi buộc kín lại, đem về rửa sạch trong nước muối loãng để chúng không mọc cánh mà thoát xác được.


    Để không bị ngộ độc, sau khi ngâm nước muối, ve lại được nhúng qua nước sôi rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Trên bếp lửa rực hồng, người ta cho những con ve sầu vào chảo dầu nóng, khi thấy chúng chuyển sang màu vàng là đã chín. Những con ve thân vàng óng tỏa mùi thơm nức được ăn kèm với các loại rau thơm và chấm cùng nước mắm tỏi ớt.


    Cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận vị béo ngậy và giòn tan cùng mùi thơm lan tỏa. Ve sầu được coi là "đặc sản" phổ biến ở nhiều vùng như một số tỉnh Tây Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên và miền Tây. Tuy nhiên, từng xảy ra trường hợp bị ngộ độc hoặc dị ứng khi ăn ve sầu. Tuy các trường hợp này không nhiều nhưng để đảm bảo an toàn sức khoẻ, nếu không chắc chắn về nguồn gốc cũng như chưa biết rõ cách chế biến ve sầu, tốt nhất bạn không nên tự ăn thử ve sầu.

    Món ve sầu
    Món ve sầu
  10. Top 10

    Sâu

    Có khá nhiều loài sâu được đưa vào món ăn điển hình như: Sâu măng, sâu khoai, sâu muồng…và mỗi loài lại mang đến một hương vị đặc sắc níu giữ thực khách. Sâu măng xào lá chanh (đặc sản người Mường Lát); Sâu măng xào hương thơm đặc trưng, vị ngọt béo, ngầy ngậy và giòn tan, khiến bạn ăn mãi không chán. Là món ăn xuất hiện nhiều vào mùa mưa ẩm ướt, sâu măng là món đặc sản của vùng núi phía Tây xứ Thanh. Người đi rừng tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Sau khi đốn hạ thân măng, người bắt sâu sẽ trút sâu trong ống nứa vào giỏ. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay. Ngoài để ngâm rượu, sâu măng cũng xuất hiện nhiều trong các bữa ăn hằng ngày. Sâu măng béo, bùi, có giá trị dinh dưỡng cao và là thức ăn sạch, tốt cho sức khỏe.


    Sâu muồng rang: Phổ biến ở Tây Nguyên, khi rang vỏ ngoài giòn, bên trong bùi ngọt, sâu muồng không chỉ là món ăn yêu thích mà còn rất bổ dưỡng, giúp tăng cường đề kháng chống bệnh sốt rét. Vùng đất Tây Nguyên không chỉ hấp dẫn du khách với cao nguyên hùng vĩ, núi non bạt ngàn mà còn thu hút bởi những đặc sản độc và lạ. Trong số đó không thể không kể đến món nhộng sâu muồng, món ăn được xem là “tuyệt phẩm”, mỗi năm chỉ có một lần. Sầu muống sinh sống trên cây muồng, có màu xanh như lá cây. Với người dân Tây Nguyên, cây muồng là loại cây quen thuộc, thường được trồng để cây tiêu bám vào. Loài sâu muồng chỉ ăn lá và bám đầy trên các lá cây. Người dân nơi đây thường chế biến thành món nhộng muồng sống, nhộng bắt về được ăn với mắm ớt hoặc muối tiêu, uống kèm với chén rượu cần được ví như “đặc sản” không gì sánh được.


    Sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít - đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Thoạt nhìn, sâu chít có hình dáng giống nhộng tằm nhưng nhỏ và dài hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch sâu chít.

    Món Sâu chít
    Món Sâu chít
  11. Top 11

    Ấu trùng ong

    Ấu trùng ong đất, hay sâu ong, chứa nhiều vitamin, protein, muối khoáng, đường, axit amin. Người dân tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng chế biến ấu trùng ong đất thành nhiều món ăn. Người ta cho ấu trùng ong, hành khô, gừng tươi và lá chanh cắt nhỏ vào mỡ nóng già trong chảo. Khi ăn ấu trùng ong nóng, bạn sẽ cảm thấy chúng thơm, mềm và ngậy. Những ấu trùng và nhộng của o­ng có thể ăn với vị ngon và nhiều chất dinh dưỡng. Người ta cho ấu trùng o­ng, hành khô, gừng tươi và lá chanh cắt nhỏ vào mỡ nóng già trong chảo.


    Khi ăn ấu trùng o­ng nóng, bạn sẽ cảm thấy chúng thơm, mềm và ngậy. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì o­ng đất rất độc nên để chế biến thành món ăn cần phải biết làm đúng phương pháp. Tốt nhất các bạn không nên tự chế biến món ăn này nếu chưa biết chính xác cách làm. Ong đất còn gọi là ong bắp cày, hay ong bò vẽ. Loài ong này hay làm tổ dưới đất nên thường gọi là thổ phong (ong đất). Tuy nhiên, nó còn có thể làm tổ trong thân cây mục. Ấu trùng của loài ong này chứa nhiều acid amin, chất béo, vitamin, đường và muối khoáng nên thường được chế thành các bài thuốc dân gian để bồi bổ sức khỏe và nâng cao thể lực.

    Ở một số tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang... ấu trùng ong và những con ong non được chế biến thành món ăn rất ngon. Nhộng ong (ấu trùng ong) và những con ong non chao qua chảo mỡ nóng già nổ lép bép, thơm lừng với mùi hành khô cùng với gừng tươi và lá chanh sắt nhỏ, bày lên đĩa ăn nóng. Nhộng ong trông như những con sâu nhỏ, trắng ngà, ăn vào miệng thơm, mềm và béo ngậy, có vị ngọt mặn.

    Ấu trùng ong đất
    Ấu trùng ong đất
  12. Top 12

    Bọ hung

    Không phải bọ hung nào cũng ăn được mà phải là loại sống ở phân trâu trên rừng, những loại khác không thể làm món ăn được. Những con bọ hung nhỏ bằng đầu ngón tay được mang về nuôi trong thùng từ 1-2 ngày bằng cám gạo để chúng thải ra hết phân trâu trong ruột. Khi ruột bọ hung hoàn toàn sạch, có thể chế biến thành nhiều như xào măng hay rang lên nhắm rượu hoặc ăn cùng cơm. Ở những bản làng rẻo cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), có một món ăn đặc biệt mà đồng bào chỉ dành riêng để tiếp đãi những vị khách quý: Bọ hung tê giác.


    Bọ hung tê giác hay còn gọi là kiến vương sừng được chế biến thành món ăn những khi nhà có khách quý. Nó là loài bọ cánh cứng lớn nhất ở miền biên viễn này. Con trưởng thành có chiều dài xấp xỉ 6cm, con đực thân màu nâu đỏ, con cái màu sẫm đen. Điều đặc biệt của loài bọ này là chiếc sừng lớn nhô ra phía trước ngực và một sừng phía dưới nhô ra từ đầu. Sừng dài, cong và cứng giống như chiếc sừng của tê giác, nên chúng được gọi là "bọ hung tê giác".


    Khi mùa ve bắt đầu cũng là khi mọi người đổ xô đi săn những con bọ hung tê giác trưởng thành để về chế biến thành món nhậu khoái khẩu. Món bọ hung tê giác còn là một vị thuốc quý của bà con nơi đây. Những ông thầy lang trong bản vẫn dùng chúng để giã nhỏ, chế thuốc chữa các bệnh mụn nhọt, táo bón cực kỳ hiệu nghiệm.

    Món bọ hung tê giác
    Món bọ hung tê giác
  13. Top 13

    Sùng đất

    Nếu đã đặt chân đến các huyện vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, chắc hẳn du khách từng được nghe giới thiệu về sùng đất - món đặc sản có công dụng thần kỳ giúp làm tăng khả năng phòng the của phái mạnh. Người dân Xê Đăng, Cơ Tu sinh sống tại đây gọi sùng đất bằng cái tên cơ đang. Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 âm lịch. Cứ mỗi độ đến mùa sùng đất, người dân Quảng Nam lại tranh thủ "hái lộc" từ con vật trời cho này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi...Sùng đất được người dân địa phương cho biết sùng đất là loại côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Nơi phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được sùng.


    Theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh, nên tại các nhà hàng, quán ăn, món này được xem là đặc sản này và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Sùng đất được chế biến thành nhiều món khác nhau, từ xào, luộc, nướng... hoặc cũng có thể phơi khô để ngâm rượu. Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt, hơn nữa theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Theo cách nói hóm hỉnh của ông Trần Phước Hòa- Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh: "Sùng đất có thể ngâm rượu để bồi dưỡng cơ thể, chữa trị đau nhức, mạnh gân cốt và đem lại sung mãn cho phái mày, chỉ cần dăm bảy lạng sùng đất sau khi chế biến xong ăn vào thì...bà xã sẽ vui hết biết".


    Nhìn bề ngoài, sùng đất dễ khiến ta có cảm giác rùng mình. Nhưng khi thưởng thức hương vị của nó, nhiều người mới gật gù mà tấm tắc khen ngon. Có vô vàn món ngon được chế biến từ sùng đất như luộc, rang hay băm nhỏ đúc bánh xèo,... Nhưng dậy mùi và giữ được hương vị vốn có của sùng nhất vẫn phải kể đến món sùng nướng muối ớt. Từ chỗ trước đây người dân đào về chỉ để sử dụng trong gia đình, hiện sùng đất đã trở thành một loại đặc sản được nhiều người tìm mua. Theo đó dù giá bán hiện lên đến 200.000-300.000 đồng/kg, nhưng không ít thời điểm phải nhờ người thân đặt trước mới có thể mua được.


    Món Sùng đất
    Món Sùng đất



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy