Cách trình bày mâm ngũ quả
Về phần mâm ngũ quả thì thường được bài trí bằng 5 loại quả khác nhau đủ các màu sắc sao cho đẹp và trang nghiêm. Ngũ quả một mặt biểu tượng cho Ngũ hành (trong văn hóa phương Đông) là vạn vật dung hòa cùng trời đất, mặt khác thì nó là đại diện cho 5 điều mà ta mong ước nhất là: Phú (giàu) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên).
Tùy theo đặc trưng của từng vùng miền về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà chúng ta sẽ chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Người miền Bắc thì dùng chuối xanh, hồng hoặc quýt đỏ, bưởi vàng, lê trắng, hồng xiêm xám là phổ biến. Ngoài ra cũng có thể cắm thêm một vài cành đào, cành mai và đèn nháy để làm bàn thờ thêm lung linh, huyền diệu.
Người miền Nam thì thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả sau: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Bên cạnh đó còn có thêm quả thơm (dứa) với ước mong con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu để cầu may mắn.
Trong khi đó người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.
Ngày nay mâm quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Cuối cùng những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.