Top 10 điều bạn cần để lấy lại hứng thú làm việc khi mệt mỏi
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công việc lặp lại mỗi ngày, áp lực bủa vây, lương thưởng không tương xứng, môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp, mối quan ... xem thêm...hệ đồng nghiệp nhiều mâu thuẫn….đều dễ khiến người ta rơi vào trạng thái mất hứng thú với công việc. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy chán nản, không còn thiết tha với công việc dẫn đến làm việc không hiệu quả. Những lúc như vậy, Bạn sẽ làm gì để chống lại sự mệt mỏi để tìm lại niềm vui trong công việc?
-
Xác định nguyên nhân
Bạn cần xác định được nguyên nhân chính khiến bạn không còn hứng thú với công việc. Những nguyên nhân đó là do ai? Có thể do người khác mang lại hoặc do chính bản thân bạn trật nhịp với công việc, gây ra sự chán nản với công việc. Khi biết được gốc rễ của sự việc bạn sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này.
Nếu bạn vẫn không thể tìm thấy nguyên nhân vì sao mình lại rơi vào trạng thái này thì bạn bắt đầu tìm hiểu tiếp điều tiếp theo sau đây.
-
Xác định lại mục tiêu nghề nghiệp
Bạn hãy nhanh chóng xác định lại mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì. Bởi chỉ khi có mục tiêu cụ thể bạn mới có động lực làm việc. Khi làm việc bạn sẽ luôn có cảm giác như đang trong một cuộc đua và luôn cố gắng để đạt được điều đó. Những mục tiêu bạn đặt ra phải cụ thể, hợp lý và lên thời gian chi tiết để hoàn thành nó. Chính mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp bạn có hướng giải quyết cụ thể cho tình trạng chán việc của mình.
Nếu chán việc chỉ vì hoàn cảnh bên ngoài tác động, nhưng bạn đang làm công việc có thể dẫn bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp thì bạn nên thay đổi hướng suy nghĩ, tích cực và thích nghi với hoàn cảnh. Nếu đây hoàn toàn không phải là mục tiêu nghề nghiệp của bạn, hãy mạnh dạn tìm cho mình một khởi đầu mới, biết đâu bạn sẽ lại tìm thấy được hứng thú mới.
-
Thay đổi công việc
Bạn cảm thấy công việc mình làm thật nhàm chán? Bạn nghĩ những gì mình làm thật vô nghĩa, bạn muốn tránh xa chúng/ Vậy tại sao bạn không thử tìm một công việc mới mà bạn yêu thích nhỉ? Còn gì hạnh phúc bằng việc theo đuổi đam mê phải không?Bạn đã sẵn sàng chưa? Dũng cảm lên nào chàng trai, cô gái. Tôi ủng hộ bạn!
Nếu công việc hiện tại không khiến bạn hạnh phúc, hẳn nhiên bạn phải thay đổi. Hãy xác định những hướng đi mới có khả năng phù hợp với bạn và cuộc sống của bạn, sau đó, từng bước thử sức với chúng bằng cách tham gia các lớp học, hoạt động tình nguyện, thực tập, nhờ sự tư vấn của người có kinh nghiệm… Điều quan trọng là phải hành động để trải nhiệm công việc, chỉ sau đó bạn mới biết nó có thực sự phù hợp với mình hay không.
-
Suy nghĩ tích cực
Ở một thời điểm nào đó, khi đã gắn bó với công việc, trong bạn thường xuất hiện nhiều đòi hỏi hơn. Ví dụ như bạn muốn được công ty ghi nhận công sức, được khen thưởng kịp thời và xứng đáng, được cân nhắc lên vị trí cao hơn, được tạo điều kiện làm việc nhiều hơn, được ưu ái hơn…Nếu những mong muốn này không được đáp ứng hoặc có nhưng không như mong đợi, bạn dễ cảm thấy chán. Hậu quả là càng chán công việc, bạn càng làm việc cẩu thả, vội vã và mờ nhạt.
Bạn có thể thay đổi được tình hình nếu hướng suy nghĩ theo chiều tích cực. Bạn có thể nhìn xuống thấp hơn để thấy bạn đang có công việc đúng chuyên môn mà rất nhiều người ao ước. Bạn có thể nhìn ra chung quanh để thấy bạn vẫn được trả lương đều đặn và mức lương này có thể không hề thấp. Bạn có thể nghĩ đến các yếu tố “được” mà bạn có khi làm công việc hiện tại. Ví dụ như công việc đang cho phép bạn linh hoạt giờ giấc, được giao tiếp rộng….Bạn có thể nghĩ đến những khía cạnh tích cực khác như đồng nghiệp vui vẻ, môi trường làm việc thân thiện, ngành nghề ổn định…Suy nghĩ như vậy sẽ giúp bạn phấn chấn và lạc quan hơn.
-
Cân bằng lại cuộc sống
Trạng thái mệt mỏi của bạn đôi khi do bạn cảm thấy “quá tải”. Đó có thể vì áp lực công việc liên tục xuất hiện khiến bạn căng thẳng. Công thêm những áp lực khác từ gia đình, từ các mối quan hệ…khiến bạn cảm thấy không còn sức lực nữa.
Bạn cần sắp xếp lại thứ tự cuộc sống của mình. Nếu công việc chiếm quá nhiều thời gian cá nhân của bạn, bạn cần điều chỉnh lại theo hướng giảm bớt và vừa sức. Ngoài ra, bạn cần tổ chức khoa học lại các bước hoàn thành công việc. Nhiều người đã cho biết, dù thời gian ít hơn nhưng nếu làm việc có kế hoạch, với một tinh thần thoải mái, bạn vẫn hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn làm tốt hơn.
Bạn cũng rất cần tìm niềm vui thú trong đời sống cá nhân. Tham gia thể thao, khiêu vũ hay đọc sách, nghe nhạc, xem phim, giao lưu gặp gỡ bạn bè… là những thú tiêu khiển có thể giúp bạn duy trì được sự cân bằng cuộc sống, giúp bạn yêu đời, cảm thấy dễ chịu và sớm lấy lại năng lượng.
-
Tự tạo niềm vui thú
Làm mãi một công việc với những trình tự lập đi lập lại thường là nguyên nhân khiến bạn dễ rơi vào trạng thái nhàm chán. Các chuyên gia khuyên bạn hãy suy nghĩ nhiều cách khác nhau để công việc của bạn thú vị hơn. Ví dụ bạn thử thay đổi một chút xíu quy trình làm việc miễn vẫn đảm bảo công việc trôi chảy. Bạn cũng có thể trao đổi, tìm hiểu thêm những cách thức, kinh nghiệm, kiến thức mới khi giải quyết một vấn đề nào đó, quan sát đồng nghiệp ở những bộ phận khác để có tầm nhìn bao quát hơn về mô hình kinh doanh của công ty …. Những điều mới mẻ mà bạn tự trao dồi thêm trong những công việc tưởng cũ có thể sẽ giúp bạn thêm yêu công việc, bớt sự nhàm chán.
Bạn cũng có thể suy nghĩ theo hướng, mình còn những khả năng nào mà công ty chưa biết, chưa đặt đúng chỗ. Nếu bạn tự tin ở khả năng của mình, bạn có thể tự trình bày với sếp. Có thể sếp sẽ cho bạn thử sức và biết đâu, bạn sẽ tìm thấy cơ hội, niềm vui từ những nhiệm vụ mới.
-
Gia tăng giá trị bản thân
Có thể những khó khăn khi thực hiện công việc đã làm bạn mệt mỏi, dẫn đến buồn chán. Nếu đúng thế, bạn cần tìm cách sớm ra khỏi khó khăn này. Bạn có thể tham gia các khóa học để biết cách giải quyết công việc thành thục và tự tin hơn. Bạn tăng cường giao thiệp để có được sự hỗ trợ, chia sẻ từ người khác. Học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức qua sách vở, nghiên cứu… cũng giúp bạn thấy mình có giá trị hơn.
Nếu sau mọi cố gắng điều chỉnh mà bạn vẫn không thoát khỏi trạng thái chán nản, rất có thể công việc kia đã không còn hợp với tâm tư, tính cách của bạn nữa. Đã đến lúc bạn lắng nghe lại lòng mình xem bạn cần gì, muốn gì, nên làm gì. Nếu bạn thích những công việc liên quan đến nghệ thuật, đừng ép bản thân vào các con số khô khan. Hoặc ngược lại, nếu bạn có tầm nhìn, quyết đoán, bạn hãy tham gia vào các công việc kinh doanh. Làm được đúng công việc mình thích sẽ giúp bạn cảm thấy hứng thú và sáng tạo.
-
Thay đổi không gian làm việc
Không gian làm việc rất quan trọng, môi trường làm việc xung quanh bạn cũng ảnh hưởng quan trọng đến tâm trạng, cảm xúc của bạn. Bàn làm việc nhàm chán, tủ hồ sơ bụi bặm, lộn xộn sẽ làm cho bạn cảm thấy thật tù túng. .
Bạn thử thay đổi cách sắp xếp, để lên bàn vài món đồ trang trí dễ thương, thêm chút ánh sáng, màu sắc sẽ kích thích khả năng làm việc của bạn đáng kể.
-
Đi dạo hoặc chạy bộ
Hoạt động thể chất có tác dụng rất lớn tới việc điều chỉnh tâm trạng của chúng ta. Chính vì vậy bạn có thể lựa chọn việc đi dạo hoặc chạy bộ nhẹ nhàng để giảm thiểu stress cũng như tăng cường hưng phấn cho công việc.
Cuối tuần là thời gian thích hợp để bạn thả lỏng cơ thể, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng người thân hay bạn bè để giảm stress, căng thẳng trong công việc. Điều hòa tốt giữa công việc và vận động nghỉ ngơi để lấy lại hứng khởi trong công việc.
-
Dành một ngày để nghỉ ngơi
Khi bạn cảm thấy kiệt sức, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe tinh thần. Nếu bạn nhận thấy bản thân hay quên những công việc nhỏ nhặt, hay không có đủ thời gian cho việc nhà, hoặc thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hãy xem xét dành thời gian cho việc nghỉ ngơi nhé!
Một điều nữa là bạn sẽ cảm thấy tươi mới hơn sau khoảng thời gian nghỉ ngơi, vì thời gian đó đã được tận dụng để bạn thanh lọc lại tâm trí, giúp bạn lấy lại hứng khởi để quay trở lại với guồng quay công việc hàng ngày.