Top 10 Điều cần biết về ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị & xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam 26/3. Bạn đã biết ai những Đoàn viên đầu tiên, chức năng, ... xem thêm...nhiệm vụ... của Đoàn chưa? Hãy cùng Toplist.vn tìm hiểu 10 điều thú vị về ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhé!!! Đây chắc chắn là thông tin cực bổ ích cho bạn đấy!
-
Ngày thành lập Đoàn 26/3
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam. Tổ chức này do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở. Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta tại thời điểm đó.
Theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam - là ngày thành lập Đoàn thanh niên với tên gọi Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Tổ chức Đoàn thanh niên được coi là vườn ươm đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai cho Đảng Cộng sản Việt Nam, là "cánh tay nối dài" của nhà nước.
-
Những Đoàn viên đầu tiên
Trong những ngày thành lập đầu tiên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ có 8 thành viên bao gồm:
- Đồng chí Lê Hữu Trọng mang bí danh Lý Tự Trọng
- Đồng chí Đinh Chương Long mang bí danh Lý Văn Minh
- Đồng chí Vương Thúc Thoại mang bí danh Lý Thúc Chất
- Đồng chí Hoàng Tự mang bí danh Lý Anh Tự (có lúc đọc lệch là Tợ)
- Đồng chí Ngô Trí Thông mang bí danh Lý Trí Thông
- Đồng chí Ngô Hậu Đức mang bí danh Lý Phương Đức (nữ)
- Đồng chí Nguyễn Thị Tích mang bí danh Lý Phương Thuận (nữ)
- Đồng chí Nguyễn Sinh Thản mang bí danh Lý Nam Thanh.
-
Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được nhắc đến với nhiệm vụ luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ, tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gương mẫu chấp hành và vận động thanh, thiếu niên thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt đoàn và đóng đoàn phí đúng quy định.
Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành Đoàn viên.
-
Chức năng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong hệ thống này Đảng là người lãnh đạo, Đoàn là một trong các tổ chức thành viên.
Chức năng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
- Đối với Đảng: Đoàn là hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là đội dự bị tin cậy của Đảng, nguồn cung cấp cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng
- Đối với nhà nước: Đoàn là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đoàn phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi
- Đối với các tổ chức xã hội của thanh niên và phong trào thanh niên: Đoàn giữ vai trò làm nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và các thành viên khác của Hội
- Đối với Đội TNTP Hồ Chí Minh: Đoàn giữ vai trò là người phụ trách Đội và có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tài chính cho hoạt động của Đội.
-
Quyền của đoàn viên trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Ngoài nhiệm vụ - chức năng của Đoàn viên trong Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì người Đoàn viên có những quyền sau:
- Yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành
- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn
- Được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của Đoàn.
-
Lịch sử tên gọi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Trải qua thời gian dài xây dựng và phát triển, mỗi chặng đường phát triển của Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đều gắn với lịch sử phát triển của dân tộc với những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ khác nhau.
Trong mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi như sau:
- Từ ngày 26 tháng 3 năm 1931 đến năm 1937, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương
- Từ năm 1937 đến năm 1939, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
- Từ tháng 11 năm 1939 đến năm 1941, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương
- Từ tháng 5 năm 1941 đến năm 1956, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam
- Từ ngày 25 tháng 10 năm 1956 đến năm 1970, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
- Từ tháng 2 năm 1970 đến tháng 11 năm 1976, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
- Từ tháng 12 năm 1976 đến nay, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
-
Các Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện nay
Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh còn được gọi Ban Bí thư Trung ương Đoàn, do Trung ương Đoàn bầu trong số ủy viên Trung ương Đoàn, là cơ quan thường trực của Ban Thường vụ gồm Bí thư thứ nhất và các Bí thư, thay mặt Ban Thường vụ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đoàn; chuẩn bị các vấn đề trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và giải quyết các công việc hằng ngày của Đoàn. Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đoàn được gọi là Bí thư Trung ương Đoàn.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XII hiện nay gồm các thành viên:
- Đồng chí Bùi Quang Huy (sinh năm 1977, quê Nghệ An) trình độ Thạc sĩ Luật học, Cử nhân Luật, Cao cấp lý luận chính trị.
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương (sinh năm 1978, quê Thanh Hóa) trình độ Tiến sĩ Luật học, Cử nhân Tiếng Anh, Cao cấp lý luận chính trị.
- Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang (sinh năm 1982, quê Bình Dương) trình độ Thạc sĩ Luật học, Cử nhân Luật, Cao cấp chính trị.
- Đồng chí Ngô Văn Cương (sinh năm 1984, quê Bắc Ninh) trình độ Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư xây dựng, Cao cấp lý luận chính trị.
- Đồng chí Nguyễn Tường Lâm (sinh năm 1984, quê Ninh Bình) trình độ Tiến sĩ Xây dựng, Cao cấp lý luận chính trị.
- Đồng chí Nguyễn Minh Triết (sinh năm 1988, quê Kiên Giang) trình độ Tiến sĩ Cơ kỹ thuật, Thạc sĩ Động cơ hàng không, Kỹ sư Động cơ hàng không, Cao cấp lý luận chính trị.
Đây là những người đủ năng lực, nhiệt huyết tuổi trẻ giữ trọng trách quan trọng trong tổ chức đoàn. Họ là những người đại diện của tổ chức Đoàn, có thể vận động, khuyến khích được các đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động xã hội một cách hăng hái; tránh lãng phí thời gian, công sức; và tranh thủ triệt để nguồn lực cho các phong trào trở nên sôi nổi đa dạng.
-
Đại hội toàn quốc của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Ngày 26/3/1931, Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) chính thức được thành lập. Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Đoàn đã tổ chức thành công nhiều kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó:
Đại hội lần thứ I ngày 7/2 – 14/2/1950 sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi đó có tên gọi Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tại xã Cao Văn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) với sự tham dự của 400 đại biểu.
Với chủ đề "Chiến đấu và xây dựng tương lai", Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch kẻ thù xâm lược. Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954).Các Đại hội tiếp theo được tổ chức tại Hà Nội, hiện nay Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có rất nhiều đại biểu. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ XHCN; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
-
Số lượng thanh niên tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Trải qua hơn 90 năm phấn đấu và trưởng thành, đến nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh với hơn 6,4 triệu đoàn viên.
Các mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên ngày càng được mở rộng; quan hệ hợp tác với tổ chức thanh niên các nước cũng như các tổ chức quốc tế được củng cố, tăng cường; vị thế thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
-
Màn đồng diễn Semaphore trong hoạt động 26/3 của Đoàn viên xác lập kỉ lục
Chiều 24/03/2018, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức kỷ lục Việt Nam, tiến hành xác lập kỷ lục Việt Nam cho màn đồng diễn Semaphore với 1.315 người tham gia, với chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bài đồng diễn Semaphore kéo dài gần 10 phút, truyền thông điệp “Tuổi trẻ sẵn sàng bảo vệ biển đảo Tổ quốc Việt Nam - Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Trong không khí chào mừng ngày thành lập đoàn 26-3 thì bài đồng diễn đặc biệt này cũng là một trong những hoạt động của hội trại “Tổ quốc nhìn từ biển” diễn ra từ ngày 23.3 đến ngày 25.3 với sự tham gia của 1.400 trại sinh đến từ 28 đơn vị trực thuộc Thành đoàn.
Cũng thông qua hội trại, mỗi tiểu trại được mang tên các đảo thuộc huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa như: Nam Yết, Tri Tôn, Ba Bình, Trường Sa Lớn... Các trại được các đơn vị thiết kế sáng tạo, qua đó giáo dục cho đoàn viên, thanh niên hiểu thêm và có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.