Đại thủy chiến Thị Nại – trận Xích Bích của người Việt
Năm 1800, thế trận giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn rơi vào thế giằng co. Thành Quy Nhơn một địa điểm tối quan trọng về chiến của chúa Nguyễn đang bị quân Tây Sơn uy hiếp mạnh mẽ. Quân tiếp viện không thể đến bằng đường thủy do phía Tây Sơn bố trí một đội thủy quân cực mạnh để trấn giữ cửa biển Thị Nại. Quyết cứu thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Ánh đưa hạm đội hùng hậu chưa từng có phá vòng vây của Tây Sơn ở đầm Thị Nại, với trên dưới 1.000 chiến hạm, trong số đó có 5 chiếc mang được 46 khẩu đại bác. Quân Tây Sơn không thua kém khi cho án ngữ ở cửa biển Thị Nại 3 chiến hạm khổng lồ trang bị hơn 60 đại bác. Còn có gần 2.000 chiến thuyền lớn nhỏ. Chưa hết lực lượng Tây Sơn còn được hỗ trợ bởi nhiều đại pháo đặt trên cửa ngõ vào Thị Nại.
Sau nhiều lần bị tấn công thất bại ngay tại cửa đầm bởi hỏa lực phòng thủ của đối phương, chúa Nguyễn quyết định họp bàn các tướng bàn kế tiêu diệt hạm đội Tây Sơn. Nhận định đang có lợi thế của hướng gió, tất cả thống nhất sẽ dùng hỏa công. Đêm rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), 1.200 quân Nguyễn bí mật đổ bộ lên bờ, đánh úp các pháo đài của Tây Sơn nhằm vô hiệu hóa các cỗ đại pháo hỏa lực chính. Quân tiên phong của chúa Nguyễn cũng cải trang thành thuyền Tây Sơn vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong bắn phá. Trước sự bối rối của quân Tây Sơn, toàn bộ hạm đội của chúa Nguyễn tổng tấn công bằng hỏa lực mạnh. 3 chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn bị trên 60 chiếc thuyền tiên phong của quân Nguyễn bao vây và đánh chìm. Thủy quân Nguyễn đánh thọc sâu lại thuận hướng gió nên sức mạnh tấn công phát huy tối đa, khiến hạm đội Tây Sơn cháy phần phật trong một biển lửa. Trận Thị Nại đã kết thúc với chiến thắng toàn diện của chúa Nguyễn. Sau trận đánh này, Nguyễn Ánh liên tiếp giành chiến thắng và nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.