Top 9 Lưu ý quan trọng nhất về viêm ruột thừa

Bùi Thị Phương Thảo 52 0 Báo lỗi

Viêm ruột thừa là một bệnh lý cấp tính của cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Viêm ruột thừa gây cảm giác đau bụng, chán ăn, phản ứng ở bụng. Chẩn đoán sớm và ... xem thêm...

  1. Top 1

    Viêm ruột thừa là gì?

    Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi cùng, hẹp và dài vài centimet dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Chức năng ruột thừa trong cơ thể chưa được xác định.


    Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng rất có thể là nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, làm cho ruột thừa bị viêm, sưng và chứa đầy mủ. Nếu không được nhanh chóng điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ.


    Viêm ruột thừa là một trong những bệnh cảnh cấp cứu thường gặp với tỷ lệ 1:15 người bị viêm ruột thừa tính trong suốt cuộc đời mình. Viêm ruột thừa bị vỡ là một trong những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

    Viêm ruột thừa là gì?
    Viêm ruột thừa là gì?
    Viêm ruột thừa là gì?

  2. Top 2

    Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

    Ruột thừa khi bị viêm cấp tính thường vỡ mủ sau 24 giờ. Ở một số bệnh nhân ruột thừa có thể vỡ mủ sau 12 giờ. Có trường hợp ruột thừa vỡ mủ sau 6 giờ kể từ lúc bệnh nhân khởi phát cơn đau. Trên thực tế lâm sàng, không thể đoán trước được khi nào thì ruột thừa viêm cấp sẽ vỡ mủ.


    Nếu để chậm bệnh sẽ diễn biến theo nhiều cách mà không thể đoán trước được các diễn biến của nó. Các biến chứng đó là viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa trong ổ bụng hay đám quánh ruột thừa... Các biến chứng do viêm ruột thừa không được điều trị đúng mang lại rất nhiều rắc rối cho người bệnh kể cả dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,2-0,8%). Tiên lượng của một bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp phụ thuộc vào các yếu tố: thể lâm sàng của viêm ruột thừa, tuổi tác của bệnh nhân, các bệnh lý nội khoa kèm theo...


    Viêm ruột thừa mãn tính là một bệnh lý ít gặp của ruột thừa, khởi phát là viêm ruột thừa cấp tính sau đó thoái lui. Nguyên nhân là do lòng ruột thừa bị tắc nghẽn sau đó tự tái thông thương và hiện tượng này có thể lập đi lập lại nhiều lần.

    Áp xe ruột thừa - một trong những biến chứng của viêm ruột thừa
    Áp xe ruột thừa - một trong những biến chứng của viêm ruột thừa
    Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?
  3. Top 3

    Triệu chứng của viêm ruột thừa

    Triệu chứng cơ năng

    • Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải. Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm ruột thừa
    • Chán ăn hầu như luôn đi kèm với viêm ruột thừa
    • Buồn nôn hay nôn chỉ xảy ra khoảng 75% bệnh nhân, triệu chứng nôn không có gì đặc hiệu

    Triệu chứng toàn thân

    • Người mệt mỏi, uể oải
    • Sốt: nhiệt độ có khi không cao chỉ 37, 3 độ C – 38 độ C
    • Vẻ mặt nhiễm trùng, môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi

    Triệu chứng thực thể
    Dấu hiệu thường gặp nhất khi khám bụng là ấn đau vùng 1⁄4 dưới phải bụng hay trong tam giác ruột thừa , đây là ruột thừa nằm ở vị trí thường gặp nhất của nó, bệnh nhân sẽ đau nhiều nhất khi ấn bụng ở các vị trí sau:

    • Điểm đau ở 1⁄3 ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải (điểm Mc Burney )
    • Điểm đau giao cắt giữa đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to ( điểm Clado)
    • Điểm đau ở 1⁄3 ngoài bên phải đường nối liên gai chậu trước trên (điểm Lanz)
    • Dấu hiệu gồng cơ ở vùng này (phản ứng thành bụng) khi ấn nếu có sẽ có giá trị cao trong chẩn đoán.
    Triệu chứng của viêm ruột thừa
    Triệu chứng của viêm ruột thừa
    Triệu chứng của viêm ruột thừa
  4. Top 4

    Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa

    Tắc nghẽn lòng ruột thừa: Tắc nghẽn lòng ruột thừa được xem như là nguyên nhân chủ yếu gây viêm ruột thừa cấp. Các dị vật như sỏi phân, thức ăn (hạt, sợi rau...), ký sinh trùng, khối u hoặc khối hạch phì đại có thể gây tắc nghẽn lòng ruột thừa. Dịch trong lòng ruột thừa bị ứ đọng, làm tăng áp lực trong lòng ruột thừa. Đồng thời, vi khuẩn phát triển và xâm nhập thành ruột. Cuối cùng đưa đến tình trạng hoại tử ruột thừa (viêm ruột thừa tắc nghẽn).


    Vết loét niêm mạc ruột thừa: Thương tổn viêm bắt đầu từ vết loét trên niêm mạc ruột thừa, xâm lấn dần tới các lớp bên dưới, khiến cho thành ruột thừa phù nề và làm tắc các mạch máu nuôi ruột thừa. Lúc này ruột thừa bị thiếu máu nuôi và hoại tử (viêm ruột thừa xuất tiết).


    Tắc nghẽn mạch máu ruột thừa: Có thể do tắc lòng ruột thừa hoặc do nhiễm trùng.

    Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa
    Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa
    Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa
  5. Top 5

    Một số thể viêm ruột thừa cấp đặc biệt

    Viêm ruột thừa ở trẻ em: Thường chẩn đoán khó hơn người trưởng thành (hay bị rối loạn về đường tiêu hóa), quá trình diễn biến nhanh, ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc.


    Viêm ruột thừa ở người già: 2 thể lâm sàng thường gặp ở người già là :

    • Bán tắc ruột
    • Thể u.

    Tần suất viêm ruột thừa ở người già thấp hơn nhưng lại có nhiều biến chứng nặng với các tai biến bệnh lý kèm theo như tim, phổi...


    Viêm ruột thừa trong thai kỳ:

    Viêm ruột thừa là bệnh từ bên ngoài tử cung hay gặp nhiều nhất mà cần phải điều trị ngoại khoa trong thai kỳ. Tần suất xấp xỉ 1/2000 người mang thai. Viêm ruột thừa cấp có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng thường gặp nhất trong hai quý đầu. Khi thai nhi phát triển, chẩn đoán viêm ruột thừa ngày càng trở nên khó khăn hơn do ruột thừa bị di lệch lên trên và ra ngoài.

    Phẫu thuật trong khi mang thai sẽ có nguy cơ đẻ non từ 10-15%, Yếu tố quan trọng nhất phối hợp với tử vong cho mẹ và thai nhi đó là thủng ruột thừa hay viêm phúc mạc ruột thừa. Tỷ lệ tử vong của thai trong viêm ruột thừa sớm là 3-5%, nó tăng lên đến 20% khi ruột thừa viêm bị thủng hay viêm phúc mạc. Viêm ruột thừa trong thời gian mang thai dễ gây nhiều tai biến cho mẹ và con nên cần chẩn đoán nhanh và can thiệp phẫu thuật sớm

    Một số thể viêm ruột thừa cấp đặc biệt
    Một số thể viêm ruột thừa cấp đặc biệt
    Viêm ruột thừa ở trẻ em
  6. Top 6

    Chẩn đoán viêm ruột thừa như thế nào?

    Việc chẩn đoán viêm ruột thừa phải được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa ngoại tiêu hóa có kinh nghiệm sau khi đã thực hiện thăm khám tỷ mỹ và kiểm tra với các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.


    Việc chẩn đoán dựa vào:

    • Thăm khám lâm sàng: bao gồm khai thác bệnh sử kỹ lưỡng, thăm khám bụng cẩn thận là điều kiện cần thiết cho chẩn đoán xác định.
    • Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá tình trạng viêm và nhiễm trùng giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị.
    • Chẩn đoán hình ảnh: Bệnh nhân có thể chụp X-quang, siêu âm hay chụp CT scan ổ bụng để giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cũng như phân biệt với các nguyên nhân gây đau khác không phải do viêm ruột thừa.

    Những kết quả cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán trong bệnh viêm ruột thừa:

    • Xét nghiệm máu: Công thức máu có bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế.
    • Siêu âm: Hình ảnh viêm ruột thừa trên siêu âm là ruột thừa ấn không xẹp với đường kính > 6 mm. Ngoài ra là hình ảnh tăng âm, thâm nhiễm mỡ xung quanh (dấu của phản ứng viêm) và ổ áp xe.
    • CT scan: hình ảnh viêm ruột thừa là tăng đường kính ngang của ruột thừa > 6 mm, thành ruột thừa dày > 2mm, sỏi phân (30%), dấu phản ứng viêm xung quanh (thâm nhiễm mỡ, co kéo mạc treo, dịch quanh ruột thừa).
    • CT được chỉ định khi lâm sàng và siêu âm gặp khó khăn trong chẩn đoán.
    • MRI: Thường được sử dụng cho các trường hợp viêm ruột thừa khó chẩn đoán ở thai phụ hay người chống chỉ định chụp CT bụng (độ nhạy là 100% và độ đặc hiệu là 98%).
    Siêu âm trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp
    Siêu âm trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp
    Chẩn đoán viêm ruột thừa
  7. Top 7

    Điều trị viêm ruột thừa

    Bệnh viêm ruột thừa được điều trị băng phẫu thuật cấp cứu đồng thời điều trị hỗ trợ bằng thuốc sau phẫu thuật.


    Điều trị hỗ trợ

    • Bù dịch đường tĩnh mạch (Lactat Ringer hay NaCl 0,9%) kết hợp điều trị triệu chứng (chống nôn, giảm đau…)
    • Kháng sinh:
      • Kháng sinh dự phòng thường được sử dụng trong viêm ruột thừa chưa vỡ để ngừa nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng ổ bụng sau mổ.
      • Chọn kháng sinh có phổ kháng khuẩn trên vi khuẩn Gram âm và kỵ khí.

    Phẫu thuật

    • Cắt ruột thừa mổ mở: rất hạn chế và chỉ áp dụng cho các trường hợp chống chỉ định mổ nội soi (choáng nhiễm trùng, suy hô hấp nặng…) hay bị viêm phúc mạc toàn thể nặng (bụng trướng nhiều, giả mạc lan tỏa, khó bộc lộ ruột thừa).
    • Cắt ruột thừa nội soi:
      • Ưu tiên chọn lựa cho hầu hết các trường hợp còn lại. Cắt ruột thừa nội soi là phương pháp an toàn và hiệu quả và có thể thay thế phẫu thuật tiêu chuẩn cắt ruột thừa hở.
      • Ưu điểm: Ít đau, thẩm mỹ, vết mổ rất nhỏ và không để lại sẹo,độ an toàn khá cao đặc biệt tốt cho những người bị béo phì và cao tuổi. Đồng thời, thời gian phục hồi sau phẫu thuật thường ngắn hơn so với mổ hở truyền thống.
    Cắt ruột thừa nội soi
    Cắt ruột thừa nội soi
    Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?
  8. Top 8

    Viêm ruột thừa nên ăn gì và kiêng gì?

    Về nguyên tắc, bệnh nhân viêm ruột thừa cần thời gian tiêu hóa thức ăn lâu hơn người bình thường; vì thế cơ thể chỉ nên tiếp nhận những loại thực phẩm dễ tiêu hóa.

    • Sữa chua, sữa, súp kem: đây là chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa nhất. Chế độ ăn uống này nên được duy trì trong một thời gian nhất định, khi người bệnh bắt đầu ăn được những loại thực phẩm phức tạp hơn.
    • Cá biển: Cá biển là nguồn cung cấp kẽm với nhiều omega 3 và protein rất tốt cho sức khỏe, bởi vậy rất tốt cho bệnh nhân viêm ruột thừa. Các loại cá biển nên lựa chọn là cá chim, cá hồi, cá thu…
    • Thực phẩm giàu beta – carotene: Đó là đu đủ, bí đỏ, khoai lang, gấc chín, cà rốt…; chúng chứa nhiều vitamin A có chức năng giúp cơ thể nhanh chóng khỏe mạnh, đặc biệt tốt cho việc làm lành vết mổ, giảm tình trạng nhiễm trùng vết thương.
    • Thực phẩm nhiều chất xơ: Chất xơ trước nay được cho là loại thành phần dễ tiêu hóa nhất, không làm ảnh hưởng đến vết mổ. Bởi thế, cần đặc biệt tăng cường chất xơ trong thực đơn hàng ngày của người bệnh. Những loại rau củ nhiều chất xơ là rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt như bột mì, mè đen, đậu, gạo lức… Ngoài ra, người bệnh nên ăn những loại rau xanh có tính mát như bầu, bí, mồng tơi, rau dền…
    • Trái cây: Trái cây giàu vitamin có khả năng thanh lọc cơ thể và bổ sung dưỡng chất. Cam, đu đủ, dứa, nho là những loại trái cây khá lành, chứa nhiều vitamin C, vitamin E và nhiều khoáng chất có tác dụng làm sạch đường ruột và hỗ trợ vết mổ phục hồi nhanh chóng.
    • Nước: Bệnh nhân nên uống khoảng 2,5 -3 lít nước mỗi ngày để bổ sung vi lượng và khoáng cho cơ thể.

    Người bị viêm ruột thừa nên kiêng một số thực phẩm sau đây:

    • Món ăn nhiều dầu mỡ: Dầu mỡ và những chất béo khó tiêu luôn khiến đường ruột và dạ dày phải hoạt động hết công suất; điều này không hề tốt cho vết mổ. Bởi vậy người bệnh cần nên tránh xa những món ăn quay, nướng, chiên…
    • Thực phẩm quá ngọt: Những món quá ngọt như mứt quả, bánh kẹo… thông thường có thể khiến vết mổ bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ dễ bị tiêu chảy.
    • Chất kích thích: Để tránh bị đau dạ dày và bảo vệ sức khỏe, cũng như để vết mổ nhanh chóng phục hồi, bệnh nhân viêm ruột thừa nên kiêng kị nước ngọt, thuốc lá, bia rượu và cà phê…
    Người bị viêm ruột thừa nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa
    Người bị viêm ruột thừa nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa
    Sau mổ ruột thừa nên ăn gì?
  9. Top 9

    Phòng bệnh viêm ruột thừa như thế nào?

    Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở người trẻ, nam có nguy cơ cao hơn phụ nữ; những người có tiền sử gia đình từng bị viêm ruột thừa và những người có thói quen ăn ít chất xơ, táo bón lâu ngày…. Không có cách nào để phòng ngừa viêm ruột thừa. Tuy nhiên, người ta nhận ra rằng viêm ruột thừa thường ít gặp ở những người có chế độ ăn giàu chất xơ như rau củ và trái cây.


    Những người có nhiều yếu tố nguy cơ càng nên chú ý hơn đến việc phòng ngừa để tránh táo bón, chẳng hạn như cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ. Tốt nhất, bạn nên đi khám ngay khi có triệu chứng đau bụng hay bất thường đường tiêu hóa nhằm sớm phát hiện các bệnh ở đường ruột để điều trị kịp thời.


    Bên cạnh đó, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học, đặc biệt là giàu chất xơ để tốt cho sức khỏe tiêu hóa; tránh dùng chất kích thích; tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tật.

    Phòng bệnh viêm ruột thừa như thế nào?
    Phòng bệnh viêm ruột thừa như thế nào?
    Nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa
    Nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy