Top 10 Tản văn viết về hoa phượng hay nhất
Phượng đỏ rực một màu đầy sức sống mãnh liệt khiến cho lòng người không khỏi bồi hồi, náo nức nhớ về một thời học sinh cắp sách đến trường. Hoa phượng là biểu ... xem thêm...tượng của tình yêu học trò thơ ngây, mơ mộng. Hoa phượng cũng là chủ đề của rất nhiều bài tản văn hay. Hôm nay hãy cùng Toplist khám phá ngay top các bài tản văn viết về hoa phượng hay nhất dưới đây.
-
Chào mùa hoa của ước vọng
Vào hạ! Sớm mai thức dậy, nắng tràn vào phòng, những chú ve đang ngân nga bản tình ca mùa hạ trên vòm lá xanh mướt. Nhìn qua cửa sổ, thốt nhiên tôi bắt gặp những đóa phượng đã ngời lên sắc đỏ, sáng rực cả góc phố tự lúc nào. Có ai đó đã ví, mùa hạ như tháng năm thanh xuân rực rỡ của đời người. Và với tôi, hoa phượng là mùa hoa của ước vọng.
Cây phượng được trồng trên khá nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Phượng là loài hoa không có hương thơm, nhưng khi ta khẽ cắn vào cánh hoa sẽ cảm nhận được vị chua dìu dịu lưu giữ trên môi. Những cánh hoa đỏ thắm xòe ra, phía gốc cánh hoa thường pha chút màu trắng hồng. Nhụy hoa cong cong vươn ra với bầu nhụy đỏ sẫm rất đẹp. Sắc hoa rực rỡ trên bầu trời mùa hạ xanh vời vợi như thắp lên ngọn lửa ước mơ của tuổi trẻ.
Có một điều khá thú vị, khi tới các trường học, ta sẽ luôn bắt gặp một vài cây phượng tỏa bóng mát trên sân và mùa hoa thường trùng với thời điểm kết thúc năm học. Ngày còn nhỏ, mỗi khi nghỉ hè, lũ trẻ con chúng tôi thường rủ nhau đi thả diều, đá bóng, bắt ve, ném loong... Dù biết sẽ bị bố mẹ mắng, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách hái hoa phượng xuống chơi. Con gái chúng tôi thường kết cánh hoa phượng thành vòng cổ, vòng tay chơi trò công chúa, cô dâu. Con trai ngắt nhụy hoa ra “đấu” với nhau như kiểu chọi gà, nhụy của ai rụng trước là thua. Những trò chơi vụng dại ngày nào giờ đã trôi về miền cổ tích. Và chắc hẳn, ai cũng từng mong có một phép màu để mua tấm vé trở về ga ký ức của ngày tháng vô ưu.
Kỷ niệm của thời áo trắng mộng mơ thường gắn với hoa phượng. Cậu bạn trai cùng lớp âm thầm tặng bạn gái những cành phượng vĩ trong ngăn bàn. Cô bạn gái lặng lẽ ép những cánh phượng hồng trong sổ lưu bút của người bạn trai cùng những vần thơ lưu luyến... Ngày chia tay tuổi học trò, có ai đó xao xuyến với ca khúc “Phượng hồng” trong tiếng ghi-ta dìu dặt: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Tuổi chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu”... Một chút rung động đầu đời trong sáng đó mãi được cất trong ngăn ký ức nhỏ xinh của mỗi người.
Như một lời ước hẹn, phượng nở báo hiệu mùa thi và thắp lên niềm ước vọng của tuổi trẻ. Tôi mãi nhớ mùa hạ cuối cùng của tuổi học trò. Cả nhóm bạn đạp xe ra bãi giữa sông Hồng chơi. Chúng tôi cùng nói về những dự định cho kỳ thi đại học sắp tới và ước mơ nghề nghiệp của mình. Trước khi ra về, mỗi người viết điều ước của mình lên một mảnh giấy, gấp thành chiếc thuyền, thả trôi trên sông. Những con thuyền giấy chở theo mơ ước của chúng tôi dập dờn trên sóng nước sông Hồng trôi xa khuất trong ánh hoàng hôn. Sau này, cuộc sống khắc nghiệt chia chúng tôi thành nhiều hướng và có một số người mất liên lạc với nhau.
Đôi khi, tôi thầm hỏi: “Không biết rằng, những ai thực hiện được ước vọng tuổi trẻ của mình?”. Có những ước mơ, hoài bão đã vụt trôi qua bởi thời gian không chờ đợi chúng ta. Nhưng, cũng có những người cháy hết mình cho công việc. Với họ, được cống hiến cho ước vọng chính là hạnh phúc. Vâng, phượng vẫn nở nhưng tuổi trẻ không bao giờ trở lại. Vậy ta chẳng nên hoài phí tuổi thanh xuân vào những điều vô nghĩa.
Mỗi năm, khi vào hạ, phượng lại bừng thắp nỗi nhớ một thời áo trắng. Tôi tin rằng, trong miền ký ức mỗi người, đều lưu giữ những hoài niệm về một thời thanh xuân rực rỡ với những ước vọng của tuổi trẻ. Vâng, một mùa hoa ước vọng đang về trên phố.
Vy Anh
-
Màu phượng vỹ
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Như tất cả những người con đất Cảng, tôi tự hào về quê hương của mình, một vùng cửa biển kiên trung, sôi động, đằm thắm nghĩa tình. Và tôi yêu đến tha thiết màu phượng vỹ trên phố cảng mỗi độ hè sang. Cái màu hoa lửa ấy luôn là niềm tự hào, là một phần thân thương không thể thiếu trong ký ức của mỗi người khi nói đến quê hương tôi.
Tôi xa Hải Phòng vào một ngày giữa hạ, khi học sinh đã háo hức trong kỳ nghỉ hè mới sau cả một năm học miệt mài. Trời hôm ấy nắng gay gắt và chói chang đến lạ. Từng chùm phượng vỹ đã nở bừng khắp cả sân trường, khắp các nẻo đường trong thành phố. Cái màu đỏ rừng rực ấy cùng với nắng, với gió, với tiếng ve ran ran đã tiễn tôi lên đường trong sự hăm hở của một người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi chỉ nhìn thấy phía trước mình là tình yêu, là một miền đất mới, một cuộc sống mới, tươi hồng và đầy hứa hẹn. Người trẻ tuổi không thể lường hết những thách thức của cuộc sống để tự hiểu được rằng: ra đi rồi, sẽ thật khó để trở về. Người trẻ tuổi với những huyễn hoặc khi ấy đã không thể nhận ra rằng, từ giờ phút đó, mình chính thức trở thành kẻ tha hương, xa gia đình, người thân, bè bạn. Ra đi là đã bỏ lại sau lưng cả một thời thanh xuân tươi đẹp của mình.
Thanh xuân của tôi ý nghĩa và sôi nổi lắm. Đó là những chuyến phượt của lũ choai choai mười bốn, mười lăm, rủ nhau rồng rắn đạp xe khắp những nơi có cảnh đẹp ở Hải Phòng: Nào là bãi biển Đồ Sơn, Hang Lương -Thủy Nguyên, Núi Voi – An Lão, Núi Đối - Kiến Thụy, Đền Trạng Trình - Vĩnh Bảo… Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên, là một lần trải nghiệm, khám phá để thấy rất nhiều những điều mới mẻ, thú vị, để thêm hiểu về truyền thống lịch sử, thêm yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Hết đi gần đến đi xa, mới lớp 11, chúng tôi đã dám hô xung phong kéo quân sang tận Suối Mơ bên Quảng Ninh, cả đi lẫn về gần bảy mươi cây số bằng xe đạp, chưa đứa nào biết đường nhưng cuối cùng vẫn đi đến nơi về đến chốn an toàn.
Thanh xuân của tôi là những ngày hoạt động Đoàn thanh niên sôi nổi, tham gia tất cả các hội trại kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, thi văn nghệ, biên đạo múa, đạo diễn kịch, vận động thành lập đội tuyên truyền phòng chống AIDS mà thành viên hầu hết là những người trót vướng vào ma túy, đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ và đang bị mọi người kỳ thị lánh xa.
Đó còn là những tháng ngày học miệt mài để phấn đấu đạt bằng được mục tiêu định sẵn là vào đại học; là những buổi trưa ngồi túm tụm trong vườn hoa Nguyễn Du, tranh thủ giờ giải lao giữa hai ca học để ăn lót dạ cái bánh mỳ patê cay nồng và nói với nhau về những ước mơ trong cuộc sống. Ước mơ là một thứ giúp cho người ta có định hướng để phấn đấu, nhưng trong thực tế, có mấy ai đạt được mơ ước của mình. Cuộc sống sẽ đưa đẩy và khiến ta phải chấp nhận nhiều điều mà ta không muốn, không lường trước được, trong đó việc buộc phải rời xa quê hương bản quán của mình.Có đi xa, người ta mới thấy hết được nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương nó đau đáu, khắc khoải đến nhường nào. Tôi nhớ những ngày tháng đầu tiên còn ở Hòn Gai, ngày ngày thấy những chuyến phà ngược xuôi đôi bờ Cửa Lục mà thèm được quay về, đêm đêm ngồi một mình trên sân thượng, nhìn hút về cái khoảng không gian phía biển kia, chưa đầy bảy mươi cây số mà phải qua tận những ba chặng phà, tự dưng thấy mình bơ vơ, thấy đường về sao mà xa hun hút. Những lúc như thế, cái màu đỏ của hoa phượng mỗi độ hè về lại cứ cháy lên trong tâm thức, trong những hồi ức về quê hương. Cái màu đỏ thân thiết ấy cứ ám ảnh tôi, nhấp nhóa cùng những gương mặt thân quen, những góc phố, những con đường, khi chập chờn, khi lại rưng rức suốt trong những giấc mơ của tôi. Cái màu phượng vỹ nồng nàn ấy cứ âm ỉ cháy, nuôi dưỡng trong tôi một giấc mơ và khát vọng trở về. Thế nhưng, đường đời dài thăm thẳm, chỉ vì một quyết định bồng bột của tuổi trẻ, tôi đã bước một bước sai để rồi phải mất gần hai mươi năm mới có thể quay trở về.
Ngày tôi trở về, cũng lại đúng vào độ giữa hè. Ấy là một ngày đặc biệt không kém gì hai mươi năm trước. Đón tôi về là những ăm ắp yêu thương, là những ấm áp ân tình, là những điều thiêng liêng mà chỉ có người xa quê lâu thật lâu mới cảm thấy được. Nếu ngày ra đi, tôi đã mắc nợ mảnh đất và con người quê mình một lần, thì giờ trở về, tôi lại mắc nợ thêm lần nữa. Đã tưởng mình đủ lớn mà sao vẫn thấy mình thật nhỏ bé giữa lòng phố cảng một trưa hè. Trên khắp các nẻo đường, các con phố dọc theo lối về, phượng đã bừng nở, tung ngàn vạn chùm pháo hoa đỏ rực dưới ánh nắng chói chang.
Trời hôm nay xanh thật xanh, trong thật trong. Tôi ngửa mặt hít một hơi thật sâu, cho không khí tràn vào căng lồng ngực. Trong lồng ngực ấy, giờ đây là ăm ắp cái mặn mòi của biển, cái dữ dội của sóng, cái mãnh liệt của nắng và cả cái nồng nàn, kiêu hãnh của màu phượng vỹ thân thương.
Phong Du
-
Mùa phượng hồng
Sáng nay ra phố, thoáng ngỡ ngàng trước một màu đỏ thắm. Cây phượng ven đường từ lúc nào đã nở hoa rực rỡ. Tháng 5 rồi sao! Mùa hạ cùng tiếng ve và màu phượng đỏ đã in sâu vào trong tâm trí tôi từ thuở ngây thơ cắp sách đến trường đến lúc mái đầu chớm bạc. “Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp”, nhưng phượng gắn liền với bao kỷ niệm của thời cắp sách mà những ai đã từng đi qua tuổi học trò hẳn sẽ thấy màu phượng gần gũi thân thương biết chừng nào.
Thiên nhiên tuyệt diệu đã đem đến cho chúng ta bao nhiêu điều kỳ thú. Mỗi một màu hoa, loài hoa đều có những nét đặc trưng riêng để điểm tô vào thế giới muôn màu muôn sắc. Riêng hoa phượng lại càng đặc biệt hơn, không phải chỉ vì cái màu đỏ chói chang. Thiên nhiên đã ưu ái cho loài hoa này nở đúng vào mùa thi, vào những ngày sắp chia xa tuổi học trò. Nhờ vậy mà phượng gắn liền với bao kỷ niệm thuở hoa niên, những ánh mắt len lén nhìn nhau, chùm phượng hồng ép vội vào trang lưu bút. Thử hỏi có loài hoa nào có thể làm chứng nhân cho từng lớp học trò như vậy không. Hoa phượng rơi khiến người ta xao xuyến, cho tuổi trẻ bâng khuâng, cho người già hồi tưởng. Những kỷ niệm của một thời áo trắng chợt về sống động, lung linh.
Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên trong đời mà tôi đã gắn bó suốt một thời thơ bé. Ngôi trường làng khiêm tốn nép mình giữa những ngôi nhà mái ngói, mái tôn, mái tranh, ẩn hiện trong những khu vườn cây ăn trái mát xanh, trải dài ra cánh đồng lúa cũng bạt ngàn một màu xanh hút mắt. Giữa khung cảnh thanh bình ấy, những cây phượng vĩ với rễ chằng chịt lan khắp sân trường đã tạo cho ngôi trường một sự khác biệt. Đầu năm học, những cành phượng trụi lá, chỉ còn những quả già từ mùa hoa trước còn sót lại. Lũ học trò tinh nghịch tụi tôi tìm cách hái những quả ấy, đập ra lấy hạt ăn. Thật ra, hương vị của loại quả này không phải là điều thu hút chúng tôi, chủ yếu là một thứ để vui đùa cùng nhau. Qua Tết, khi trời ấm dần là lúc những cành phượng bắt đầu nảy lộc. Từ những cành khô ấy, những chiếc lá mảnh mai xếp hình đối xứng rất đẹp bắt đầu vươn ra. Lũ trẻ chúng tôi cứ mỗi thứ hai đầu tuần xếp hàng chào cờ lại nhìn lên những tàng cây ấy và thấy kỳ diệu làm sao khi màu xanh đã thay thế cho màu nâu xỉn của những cành cây trơ lá hôm nào. Rồi phượng nở, lác đác vài bông ẩn dưới vòm lá xanh. Bọn con trai tìm cách hái những chùm phượng đầu tiên ấy, tìm những cánh hoa đốm trắng đẹp nhất để cho tụi con gái làm bướm ép vào vở. Chỉ qua mấy hôm là phượng đã nở rộ, đỏ rực khắp sân trường. Hoa phượng rơi trải thảm đỏ trên sân trường, chúng tôi tha hồ tìm những cánh hoa đẹp làm những chú bướm xinh xinh ép vào vở, vụng về viết những dòng thơ, những bài hát, những trang lưu bút cho nhau.
Năm tháng trôi qua cùng với sự lớn lên của chúng tôi, ngôi trường được mở rộng nhưng những gốc phượng đã trở thành cổ thụ vẫn vững chãi che bóng mát, cho chúng tôi những chỗ ngồi dưới gốc cây vào giờ ra chơi. Ngày chia tay ngôi trường phổ thông cơ sở của mình, chúng tôi ngồi giữa sân trường trải đầy thảm phượng, chúc nhau thành công trong kỳ thi tốt nghiệp với đầy lưu luyến, biết rằng những bạn bè chúng tôi sẽ có những ngả rẽ khác nhau trong đời. Sẽ có những bạn không còn tiếp tục học lên nữa. Ngôi trường phổ thông trung học lúc chúng tôi đến vừa mới thành lập được mấy năm. Những cây phượng non mới trồng chỉ vừa ngang đầu lũ chúng tôi và chưa ra hoa. Trong những lần lao động tiếp theo, chúng tôi lại trồng thêm những hàng cây nữa. Chúng tôi ra trường khi những cây phượng chưa kịp ra hoa, chỉ có vườn bạch đàn vẫy lá hẹn chúng tôi ngày trở về. Ngày chúng tôi trở lại, thật tiếc, trường đã đổi tên. Bạn xưa không còn, thầy cũ cũng xa, chỉ có cây phượng giờ đã già vẫn còn đó rực đỏ chào đón chúng tôi.
Tôi may mắn được gắn bó với loài hoa học trò này suốt một quãng thời gian dài sau đó. Mỗi tháng tư, tháng năm về, khi giai điệu hè được những chú ve ngân lên gióng giả thì là lúc phượng đua nhau thắp lửa. Mùa hè ở Tây Nguyên rực rỡ sắc vàng của muồng hoàng yến, tím ngát của bằng lăng, với đủ màu của lan, hồng, huệ, cúc, nhưng có lẽ không loài hoa nào giành được vị trí độc tôn trong lòng những ai yêu màu áo học trò như loài hoa đỏ thân thương ấy.
Sau một sự cố ở sân trường, nhiều cây phượng đã được chặt đi để bảo vệ an toàn cho học sinh. Trên nhiều con đường, những cây phượng cũng đã bị chặt trụi. Mùa hạ này, nhiều con đường, sân trường đã thiếu đi màu hoa đỏ. Những tấm hình kỷ yếu của các em cuối cấp không có phượng. Nhưng với những ai từng đi qua tuổi học trò ngọt ngào thì màu phượng đỏ như màu máu ấy vẫn đang rực cháy trong tâm hồn, để rồi chỉ cần nhìn thoáng từ xa cái màu đỏ ấy là bao cảm giác bồi hồi, bao kỷ niệm lại sống dậy, nên thơ. Màu hoa phượng đã đi vào thi ca, nhạc họa với những hình ảnh đi vào lòng người, chắc chắn sẽ còn sống mãi với thời gian.
Có một mùa phượng hồng trong bạn, trong tôi…
Nguyễn Thị Thúy Ái
-
Nôn nao màu phượng
Phượng đang nở hoa. Rực rỡ. Nôn nao trong nắng lửa đầu hè. Biết là ve đã kêu và phượng sẽ nở, nhưng vẫn thấy bất ngờ. Cái nóng bức đầu mùa đến hoa mắt, rồi bận rộn dõi theo ứng phó với dịch bệnh bất thường khiến ta quên cả việc ngước lên những vòm cây ngắm phượng…
Phượng luôn là loài cây nhạy cảm, thân thiện và khiêm nhường nơi sân trường với đủ cung bậc từ huyên náo ồn ào đến lặng im trầm mặc. Trong sắc nắng vàng tươi mới mẻ đầu thu, phượng rung rinh vòm lá ý nhị đón chào và bao dung chở che những vẻ đẹp tinh khôi rạng rỡ buổi tựu trường. Khi sự học của thế giới tinh khôi trong sáng kia cuốn vào vòng say mê, phượng lại lặng lẽ gửi theo những đợt gió se từng cánh lá vàng nhỏ li ti về với đất như không muốn làm xao động đến ai cả. Đông về, giấu vẻ suy tư vì buốt rét, phượng in những nét vẽ thủy mặc tinh tế lên nền trời màu ghi. Mưa bụi nhạt màu, những cánh én liệng qua cũng là lúc từ những cành phượng khẳng khiu bung ra những chùm lá non mơn mởn. Chỉ thoáng chốc, như tốc độ của nắng, những vòm phượng lại mướt xanh…
Thật khó biết cái màu xanh tươi mềm mại ấy chuyển sang xanh thẫm uy nghi bền bỉ tự bao giờ! Lá cây cứ lặng lẽ vươn lên, vươn thành những vòm xanh kì vĩ. Cái bóng nắng vàng bức bối chói chang ập xuống sân trường vào những ngày đầu hạ đã ngay lập tức bị những vòm phượng chia tách thành từng mảng. Những khoảng sân rộng vẫn dịu mát dưới cái nắng oi ả. Bước ra khỏi mái nhà và những dãy hành lang, gặp ngay bóng râm rười rượi góc sân trường và dọc những lối đi. Ngước nhìn tán cây, xen trong những vòm nắng biếc, ta ngỡ ngàng nhận thấy những chùm búp non tròn căng khỏe khoắn. Đã có những búp to tròn nở ra những kẽ hở màu đỏ thẫm, cánh phượng đỏ in những vệt hoa văn màu trăng trắng bắt đầu ló dạng…
Phượng bất ngờ phủ bóng vòm xanh, rồi cũng bất ngờ bung ra cả vùng hoa đỏ. Tưởng rằng phải chừng một hay hai tuần nữa thì những chùm búp xanh kia mới thực sự nở hoa. Nhưng không, một buổi sớm mai đến trường sau ngày nghỉ cuối tuần, chợt giật mình vì những cánh phượng đỏ đã chen khắp những vòm cây. Dường như hàng trăm nghìn búp xanh bóng mẩy kia suốt những đêm dài không ngủ, chúng dạt nghiêng vào nhau, tập hợp nhau lại tạo nên cuộc hành quân thần tốc chiếm hết cả góc trời. Từng bông hoa phượng rực rỡ như những lá cờ bé xíu. Cả vòm cây đỏ tươi phủ kín như cờ hoa đua vẫy trong ngày non sông mở hội.
Dưới nắng trưa, cây phượng lại đổi khác. Cả tán cây như rực cháy. Hoa phượng thành hoa lửa. Không cần tỏa ra mùi hương mê dụ, sắc phượng cứ vô tư dâng hiến tận cùng. Cắm rễ sâu vào đất, phượng hút nhựa hay hút lên những dòng nham thạch nóng rẫy? Nắng khiến hoa rực đỏ hay chính hoa đã tự bung nở hết sức sống của mình? Thật khó giải thích, chỉ biết rằng vòm cây rực đỏ trên thân cây xù xì nâu thẫm khiến những bạn nhỏ tuổi hoa niên vô cùng thích thú. Nhìn sắc phượng, nhìn những gò má tinh nghịch ửng chín náo nức, ta lại mơ về tung tăng tuổi nhỏ, mơ về thuở ngơ ngác khạo khờ, mơ về những đam mê bồng bột.
Bước chân đi dưới vòm cây nắng dịu, thấy lác đác những cánh hoa rơi. Thì ra có những bông nở từ nhiều ngày trước đã làm xong phần phần việc của mình! Thì ra phượng không chỉ là tán lá vòm hoa, phượng còn là tín hiệu nôn nao của thời gian chảy trôi gợi nhắc. Phượng không chỉ là cảnh sắc, phượng còn là nỗi lòng. Phượng không chỉ tưng bừng mà còn khơi mở những suy tư. Phượng gợi những bài học cuối năm sắp khép lại. Phượng gợi những ủ ấp nung nấu và khát khao bung nở tỏa sáng của những bạn trẻ cuối khóa sắp bước vào những kì thi. Phượng gợi chia ly. Phượng gợi những ngả rẽ. Phượng đánh thức những băn khoăn về không thể và có thể. Phượng như lá cờ hiệu phất lên, bắt đầu những cuộc đua trong hành trình số phận… Sắc phượng vừa như luyến lưu, níu kéo vừa như cổ vũ, thúc giục. Phượng khiến cho hình ảnh người lớn trong ta suốt mấy mùa qua nghiêm nghị, cứng rắn, răn đe giờ đã nghiêng hẳn về quan tâm, trìu mến, mềm lòng.
Có thể có người yêu thích hoặc không, nhưng có lẽ ai cũng trải qua cảm giác nôn nao mùa phượng. Mùa phượng là mùa thi. Phượng âm thầm chứng kiến. Âm thầm tiếp lửa. Thế nên, trong biết bao ước vọng tháng Năm, chắc hẳn ai cũng chung mong ước giản đơn: Phượng nở đúng mùa, rực rỡ như vốn có…!
Nguyễn Thanh Truyền
-
Những ngọn đuốc mang tên Phượng Vĩ
Thế là đợt nắng nóng như thiêu như đốt đầu tiên đã qua, để ta lại chuẩn bị đón những đợt nắng nóng tiếp theo. Thật vui khi một buổi sáng, cậu con trai gọi điện thoại cho mẹ và nói rằng: “Mẹ ơi! Hôm nay nắng nở những bông hoa đẹp lắm. Mẹ ơi! Con không sợ nắng mà chỉ sợ...nóng thôi”. Nhìn ra phía ngoài, màu nắng đang vàng tươi khắp bậu cửa. Mùa hè đã về với ta nhẹ nhàng như thế thôi. Khắp nơi đâu đó xung quanh ta rợp trời sắc màu hoa Phượng Vĩ. Phượng Vĩ là hoa của mùa hè, là món quà của thiên nhiên ban tặng tuổi thơ. Sau những ngày bận rộn với công việc, có khi ta quên mất thời gian, không nhớ cả ngày tháng. Khi đó Phượng Vĩ sẽ nhắc ta biết là Hè đã sang mùa. Không ai biết từ bao giờ mà người ta dùng cái tên “mùa hoa Phượng” để đặt tên cho mùa hè. Cũng không biết cái tên ấy ai đặt cho mà có. “Sinh con rồi mới sinh cha”. Theo góc độ triết học, ta cũng chẳng thể phân định được rõ ràng là hoa sinh mùa hay mùa đã sinh hoa ?
Phượng Vĩ là một loài thực vật nhiệt đới, có nguồn gốc từ Madagascar. Phượng Vĩ du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ 19 và hiện nay được trồng ở khắp nơi. Vào mùa hè, đi bất cứ nơi đâu ta cũng nhìn thấy bóng dáng những cây Phượng Vĩ thân thương đang thắp lửa. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, chịu được điều kiện khô hạn, mặn. Hoa phượng nở từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, thậm chí có khi còn kéo dài đến tháng 9. Hiện nay, Phượng Vĩ được trồng nhiều ở nước ta với nhiều chủng loại và màu sắc hoa phong phú như phượng đỏ, vàng, tím. Trong các màu ấy thì màu đỏ là màu được người ta hay nói đến nhiều hơn cả. Sắc đỏ của hoa Phượng làm nao lòng tất cả chúng ta. Đặc biệt hơn tất cả, cái màu hoa như màu lửa ấy đã từng làm ngẩn ngơ bao trái tim nghệ sỹ. Có lẽ vì thế mà bên cạnh những áng thơ còn có rất nhiều bài viết hay được khai sinh từ mùa hoa Phượng Vĩ. Khi nhận ra “chùm Phượng Vĩ em cầm là tuổi tôi 18”, nhiều nghệ sỹ đã gọi màu hoa Phượng là màu ngọc lưu ly, là lửa, là cây đuốc sáng, là niềm tin tưởng, là ánh sáng mặt trời, là linh hồn mùa hạ, là nắng hạ kết tinh... Có người còn ca ngợi màu hoa Phượng Vĩ là màu “hồng trên một cõi”, như muôn tiếng đàn cùng gảy, trong ánh sáng vời vợi của không gian. Một nhà văn của thành phố Cảng khi viết về mùa hoa Phượng Vĩ đã phải thốt lên: “Hoa Phượng của tôi, tháng năm của tôi, em luôn nồng nàn, mãnh liệt, rực rỡ và cháy hết mình khi hạ về. Ơi những chú ve yêu dấu như không muốn ngủ, cứ hát mãi, cứ thức mãi cùng Phượng em để mùa hè luôn rực cháy trong tim tôi”.
Không chỉ có thế, màu hoa Phượng Vĩ còn làm xao xuyến bâng khuâng bao thế hệ học trò và được gọi là “màu hoa học trò”. Không biết có phải vì mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò không, hay vì Phượng Vĩ còn là mái nhà chung cho đám học trò che mưa, che nắng, đùa giỡn, hái hoa, bắt bướm suốt một thời niên thiếu. Bên những cây Phượng Vĩ là những kỷ niệm buồn vui, ngộ nghĩnh giữa thầy trò, bè bạn. Mỗi gốc phượng già đã từng là nơi lũ học sinh cùng nhau truy bài, họp nhóm... Rồi khi nghe tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi, lũ học trò chúng tôi lại ùa ra như chim vỡ tổ đùa nghịch dưới gốc phượng. Đó là những ngày tháng tuổi thơ tuyệt đẹp thật khó phai.
Những năm chiến tranh, những cây Phượng Vĩ ở vùng quê thân yêu của tôi cũng trải qua bao lần đạn bom, thương tích, tật nguyền...Vậy mà khi hè đến, Phượng Vĩ vẫn đỏ hoa, cành lá xanh tươi che mát nhiều khoảng sân. Cái đẹp của Phượng Vĩ, là sự bền bỉ của nó qua thời gian. Hàng năm, loài cây này chỉ biết trụi cành, trầm mặc, lặng lẽ tích lũy dinh dưỡng trong suốt mùa đông để rồi sau đó lại cựa mình bật những mầm non, xanh tươi và thắp lửa làm rạng rỡ những tháng ngày còn lại. Trở lại trường xưa vào những ngày này, ta không khỏi bâng khuâng trước cái màu lửa đang bừng lên từ những ngọn đuốc bập bùng. Lặng lẽ dưới gốc Phượng già, ta tự hỏi không biết nơi mái trường thân yêu này, có ai còn nhớ đến tên ta? Từ dưới gốc cây, Kiến anh dắt Kiến em bò dọc theo thân cây Phượng đi tìm hút dịch từ những bông hoa. Những bông hoa phượng tươi rói ở tít trên ngọn cây, như trên đỉnh núi Everest cao vời vợi. Hai anh em nhà Kiến vừa chậm rãi bò, vừa nhớ lại bài học mà cô giáo đã dạy chúng năm nào. Đó là người ta cứ phải leo lên đỉnh núi Everest mà không thể dùng máy bay để bay thẳng lên đó. Đơn giản chỉ vì người ta không thể. Bởi lẽ, con người ta không thể lên cao quá nhanh. Khi ấy họ sẽ chết vì không làm quen được với khí hậu, áp suất, không khí loãng… Đó chính là lý do khiến nhiều người khi bị đẩy lên cao quá nhanh sẽ hay bị choáng và vấp ngã.
Cho đến nay, Phượng Vĩ vẫn là loài hoa mang dấu ấn của tuổi thơ, của thi ca và vẫn là loài hoa huyền thoại của bao thế hệ học trò. Cho dù trường lớp có được nâng cấp, xây dựng mới hiện đại đến đâu, thì trong mỗi góc khuất nơi sân trường vẫn được trồng những cây Phượng Vĩ mang sắc hoa đỏ thắm. Sắc Phượng Vĩ hồng tươi như màu lửa thắp sáng bao ước mơ hy vọng, khát khao và thúc giục thế hệ trẻ tiến lên bước vào đời. Bởi lẽ, khi phải chịu trách nhiệm về chính mình thì buộc phải lớn lên thôi. Song hành cùng với họ, loài hoa mang màu lửa ấy cứ cặm cụi, mải mê cháy đến cạn mình. Cái màu lửa ấy là nơi kết tụ những tinh hoa của nắng, để khi nhìn thấy nó ai cũng cảm thấy thân nhiệt mình cũng bừng bừng như đang sốt. Có những cơn sốt làm tăng thân nhiệt, nhưng cũng có những cơn sốt không làm tăng thân nhiệt mà lại thiêu đốt tâm can. Những câu hát thưở nào cứ vọng về da diết: “Sau bài hát rồi em lặng im. cái lặng im rực màu hoa đỏ, sau bài hát rồi em như thế, em của thời hoa đỏ ngày xưa, sau bài hát rồi anh cũng thế...”. Những giai điệu của bài hát nhắc lại với ta những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Nơi giảng đường hôm nay, thấp thoáng bóng người thày giáo cũ đang say mê giảng cho học sinh những bài học mới. Đó là bài học yêu quê hương, đất nước, mái trường và bài học biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Bởi lẽ, sau mỗi lần vấp ngã là thêm một lần ta được tiêm nhắc lại những mũi vắc xin...
Nguyễn Thuý Hạnh
-
Cánh bướm phượng hồng
Giã từ tuổi học trò ba mươi năm có lẻ, vậy mà khi những bông phượng lập lòe điểm sắc hồng trên vòm lá xanh thắm thì lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến… Ký ức xưa ùa về. Phượng vĩ – đệ nhất “Hoa học trò” với tuổi thơ cắp sách đến trường cứ rưng rức một niềm thương…
Khi đầu cành điểm lơ thơ vài chùm phượng đỏ, chúng tôi tíu tít ôn thi. Rồi những buổi học cuối cùng luôn quánh đặc tiếng ve. Ve ran ran gọi bạn, ve thao thức phượng hồng. Ve và phượng giục chúng tôi: Hè… hè…
Thi xong, những buổi ngoại khóa, dọn dẹp trường lớp trước khi nghỉ hè thật thú vị. Biết thời gian được ở bên nhau không còn nhiều nên bạn nào cũng nâng niu níu giữ. Những quyển lưu bút chuyền tay, những “nghệ sĩ ẩn danh” được dịp trổ tài: Vè, thơ con cóc, những dòng tùy bút giàu cảm xúc, những bức họa đơn sơ… Chao ôi, tuổi ngỗ nghịch sau quỷ sau ma sao mà dễ thương đến thế!
Bọn con gái lớp tôi thích nhất trò lấy hoa phượng làm bướm. Những đôi tay đảm đang, một buổi cầm bút một buổi cầm cuốc, tỉa đậu, bẻ bắp khéo léo tách từng cánh phượng, tỉ mẩn gắn mình, gắn râu… rồi ép vào quyển vở nháp, chờ khi con bướm khô hẳn mới đưa sang cuốn lưu bút tặng bạn bè… Yêu hoa phượng, thích hoa phượng, nhưng chắc nhiều người không biết, trong một nhánh, thế nào cũng có vài bông phượng chúa. Bông phượng chúa to hơn, màu trắng hay hồng nhạt điểm xuyến mấy đường gân tim tím điệu đà. Bao bông hoa xung quanh đỏ rực, bông phượng chúa khác hẳn về màu sắc nên nổi bật trên nền thảm tươi thắm. Những cánh bướm được làm từ bông phượng chúa cũng đặc sắc và đẹp lạ thường. Có điều, nếu không tinh ý, không khéo tay, bạn sẽ không tài nào dán được cánh vào thân con bướm vì cánh bông phượng chúa dày gấp ba, bốn lần cánh phượng bình thường. Dùng dao thật bén, gọt chỗ cuống hoa cho mỏng bớt rồi mới dán vào thân, hai cọng nhị hoa cong cong vểnh vểnh ra ngoài… Đúng là một cô bướm điệu đà sống động đang muốn vẫy cánh bay lên.
Bẵng ba mươi năm tròn, qua bạn bè kết nối, cô bạn thuở nào chụp và gửi trang lưu bút xưa tôi tặng bạn. Chen giữa hai cô bướm đỏ đã thẫm đen là cô bướm trắng ngà với những đường gân mềm mại tim tím, thêm cành phượng xanh tôi vẽ trang trí… Trang lưu bút tuổi hồng sống mãi với tình bạn chúng tôi. Chung chiêng nỗi nhớ cô thầy, nhớ trường cũ bạn xưa; thẫn thờ ngắm cánh phượng hồng lay lay vui đùa cùng nắng sớm; bần thần nhìn những hạt sương đêm còn lóng lánh vấn vương mà lòng nôn nao khó tả.
Nhớ lắm. Yêu lắm!
Ngày ấy, chỉ vì mấy con bướm hoa phượng mà hai đứa cãi nhau rồi giận nhau. Ngọc hậu đậu cầm con bướm lên xem làm rách cánh, gãy râu, tôi tiếc công làm và ép khô nên mắng bạn…. Có thế thôi mà giận nhau cả tuần liền, đến khi hai đứa muốn giàn hòa lại ngại ngần chẳng biết mở đầu từ đâu… Cũng may, cô Hoa dạy Văn nhờ: “Các em ghép cho cô vài con bướm nha, dễ thương quá…”. Cả lớp nhao nhao chỉ vào tôi và Ngọc: “Hai bạn này khéo tay nhứt lớp đó cô”. Thế là hai đứa chúng tôi vui sướng bắt tay vào làm việc và lại đùa giỡn bên nhau…
Ra trường, một đứa một phương, Ngọc về Tây Nguyên định cư… Bao năm mất liên lạc, nay ngắm trang lưu bút xưa, sống mũi tôi cay cay, nước mắt chảy dài ướt má. Cuốn phim tư liệu Tuổi học trò chầm chậm quay…
Ngọc ơi, ước gì có một vé quay về tuổi thơ, khi các nhành phượng rực rỡ khoe sắc chúng mình lại cùng học bài, làm bài, đi sinh hoạt Đoàn, hái hoa phượng ghép những con bướm xinh như thuở nào Ngọc nhỉ…
Ngô Thị Ngọc Diệp
-
Mùa phượng nở
Mới ngày nào những cây phượng vĩ trồng trong sân trường, trên vỉa hè đường phố chỉ còn là những cành trơ trụi khẳng khiu như không còn nhựa sống. Quên bẵng đi một dạo, chợt ngỡ ngàng nhận ra tán lá xòe rộng tự khi nào. Trong cái khoảng xanh của lá non, lá già là những chùm nụ mầu xanh thẫm. Ngủ qua một đêm thôi, trên từng cành, hoa phượng bắt đầu thắp lửa. Muôn vàn búp non xen lẫn muôn vàn bông hoa rực đỏ.
Hoa gạo chỉ là những đốm lửa nhỏ, còn hoa phượng mới là những vầng lửa lớn như đốt cháy không gian. Có lẽ vì thế mà mùa hè luôn nóng chăng? Phải chăng nắng và gió và mưa đã trộn hòa để làm nên cái mầu đỏ tuyệt vời đó? Hoa phượng bắt đầu tô điểm trên các sân trường, đường phố. Tất cả như đẹp hơn, rực rỡ hơn. Chao ôi, cái mầu đỏ nồng nàn. Khát khao và dâng hiến. Như nhắc nhở một thời áo trắng ngây thơ và vô tư.
Sân trường nào cũng trồng rất nhiều phượng vĩ, bởi nó dễ trồng, sống khỏe, không đòi hỏi ân cần nuông nịnh. Khi chúng tôi vào học thì hầu hết những cây đã già, gốc to chừng hai người ôm, lớp da phong sương bạc phếch như mầu đất ải. Thỉnh thoảng lại có những cái rễ hứng chí đâm trồi lên như những con rắn lớn đang trườn trên mặt đất. Hiền lành và thân thuộc. Dáng đứng nghiêng nghiêng, bền lòng hứng chịu bao nhiêu gió giông bão tố. Ngẩng đầu kiêu hãnh với trời, với đất. Những cây phượng vĩ đã gắn bó với nhiều thế hệ học trò khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Biết bao kỉ niệm, cả yêu thương lẫn giận hờn, đong đầy trong kí ức cùng nhiều ước mơ ấp ủ trong con tim bé bỏng.
Những ngày đầu hè nắng và nóng, từng tốp từng tốp học trò ra gốc phượng tránh nắng. Nhóm đọc sách, nhóm ôn bài, nhóm chuyện trò rôm rả. Tán cây xòe rộng một vùng rộng lớn như che chở, như vòng tay người mẹ hiền ôm lấy đàn con. Ngẩng mặt nhìn lên chỉ thấy mầu xanh tầng tầng lớp lớp. Say nồng và nôn nao. May mắn lắm mới có vài ba hạt nắng mảnh mai xuyên qua kẽ lá, đậu xuống nền đất chấm sáng lung linh. Râm ran triền miên bản tình ca mùa hè là tiếng ve sầu: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng / Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”.
Nghe tiếng chim ríu rít mà như thấy cả nhịp sống sinh sôi đang rạo rực trong cây. Mỗi lần gió thoảng qua, những chiếc lá nhỏ li ti nhẹ nhàng rụng xuống như bông tuyết mùa hè. Tươi mát dịu dàng vào những ngày nắng gắt, xinh xắn mộng mơ vào mỗi sớm mai. Trời cao, mây trắng lãng đãng phiêu du. Thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rào đầu mùa bất chợt, thơm nồng mùi đất.
Giữa cái tán lá xanh mướt ấy là những chùm hoa đẹp đến lạ kì. Hoa phượng không mọc riêng lẻ mà kết thành từng chùm lớn. Cánh hoa mỏng manh mềm mại, êm mượt như nhung. Kiêu sa và lộng lẫy. Như người con gái vào tuổi dậy thì. Nhụy hoa mầu vàng và dài như đuôi loài chim công, chim phượng. Hẳn vì thế mà người ta gọi là phượng vĩ chăng? Những chú ong chú bướm lúc nào cũng cần mẫn sớm tối lượn quanh hút mật trong mùi hương hăng hăng, xen lẫn vị chua nhè nhẹ. Như gợi nhớ, gợi thương. Như mang nặng nỗi niềm hoài cảm thật êm thật khẽ.
Mùa hè sẽ chẳng còn gì nếu thiếu đi sắc đỏ của hoa phượng cùng tiếng ve ngân. Nghỉ hè rồi. Lũ học trò đầu cấp và giữa cấp vui vẻ bàn tán những dự tính sẽ thực hiện trong ba tháng nghỉ hè. Còn chúng tôi sẽ chấm dứt một thời áo trắng. Thoáng giật mình. Thì ra mình đã lớn. Một thoáng ngơ ngác, một thoáng bâng khuâng, lòng dạ xốn xang. Những ngày cuối cùng của thời học trò đang trôi qua, trôi qua. Những cặp mắt nhìn nhau như sắp khóc. Phải chia xa mái trường, phải chia xa cây phượng vĩ trong sân trường thật rồi. Phải khép lại trang vở học trò, để rồi lại mở ra một trang mới của cuộc đời.
Những cây phượng vĩ chừng như cũng xúc động. Nó lao xao như chia sẻ cùng vòng tay mở rộng. Ba tháng mùa hè cửa trường sẽ đóng lại. Ba tháng không tiếng trống, không tiếng cười nói vui đùa của lũ học trò. Nó đứng trơ vơ nơi sân trường, giữa cái biển nắng oi nồng, giữa những trận ào ạt gió giông, chầm chậm thả vào tầng không từng cánh hoa như người đếm lùi thời gian.
Khối đứa trong lũ chúng tôi mới hôm qua chỉ chịu đứng sau “quỷ và ma”. Thế mà chỉ qua một đêm thôi, sớm nay tự dưng chững chạc hẳn ra. Những bước chân chậm rãi, nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Suy ngẫm một chút cho mình, một chút cho bạn. Mắt nhìn mơ mộng xa xôi, nâng niu một cánh hoa phượng, ép nhẹ vào cuốn sổ lưu niệm, ghi lại khoảnh khắc kết thúc những tháng năm gắn bó với thầy cô, với bạn bè, với từng gốc phượng.
Cho đến hôm nay tôi không còn trẻ nữa, không còn phải vội vã bước gấp sợ muộn học, không còn phập phồng lo lắng cho mỗi mùa thi. Nhưng hoa phượng thì vẫn đỏ, tiếng ve vẫn ngân nga chẳng giây phút nào dừng. Tôi ước ao được một lần ngồi dưới gốc cây phượng vĩ, bỏ lại sau lưng những tiếng thở dài, bỏ lại sau lưng mọi chộn rộn lo toan thất thường. Để được nhìn lại dấu chân tuổi thơ trong veo chưa hề vướng bận bụi trần còn in đâu đó trên sân trường.
Tôi yêu mùa hoa phượng. Yêu một thời áo trắng thân thương. Yêu từng gốc phượng sần sùi mà một hai thằng bạn khắc tên mình lên đó. Tôi yêu những nụ hoa vừa hé nở, yêu luôn cả những cánh hoa đã mãn khai khẽ rụng nghiêng trên mặt đất. Xin vạn lần cảm ơn người đã mang cây phượng vĩ vào Việt nam. Xin vạn lần cảm tạ người đầu tiên trồng phượng vĩ trong sân trường./.
Nguyễn Sỹ Đoàn
-
Tháng 5 và hoa phượng
Tháng 5 về, khi mọi thứ dường như đều tan chảy dưới cái nắng nóng bỏng, gay gắt lại thấy đâu đâu cũng rực cháy lên một màu đỏ diệu kỳ, màu của hoa phượng gọi hạ về. Tháng 5, hoa phượng mải mê hát lên những bản tình ca nồng nàn, da diết, bâng khuâng gợi lên trong lòng người những cảm xúc tinh khôi, dịu ngọt của những năm tháng tuổi hoa tươi đẹp.
Chẳng rõ phượng hiện diện trong sân trường tôi từ khi nào nhưng lứa học trò chúng tôi ngày ấy coi sự góp mặt của phượng cùng với bằng lăng, điệp, bàng, xà cừ như một điều tất nhiên, ắt hẳn phải thế. Thân phượng cao với lớp vỏ xù xì, vươn những cành to, khoẻ, tán lá xoè rộng, sum xuê, che mát cả một khoảng sân. Bước sang tháng 5, mới đầu chỉ là một vài bông phượng ngơ ngác, ẩn mình lẫn trong những tán lá màu xanh non, dịu mát. Cánh hoa phượng mỏng manh, mịn, mềm mượt như nhung tựa như nàng thiếu nữ xinh đẹp tràn đầy sức sống khoe chiếc váy đỏ rực rỡ, kiêu sa. Sắc đỏ của hoa, màu xanh của lá hòa quyện, điểm tô cho nhau khiến cho lũ học trò chúng tôi phải trầm trồ, thích thú. Thú vị nhất là giờ ra chơi chúng tôi thường túm năm tụm ba dưới gốc phượng chỉ trỏ, thách đố nhau xem ai là nguời hái được bông hoa đẹp nhất, to nhất, nằm trên cành cao nhất. Để rồi khi tan trường có cô cậu hãnh diện với bạn bè bởi mình là người đã thắng cuộc. Trong giỏ xe, trong túi áo, cài lên mái tóc mây mềm là những bông phượng xinh xinh vừa mới chớm nở. Thế rồi đến một ngày, phượng thưa lá dần, màu xanh tươi của lá đã nhường chỗ cho màu đỏ của hoa, đám học trò bỗng chợt sửng sốt đến ngỡ ngàng bởi sắc màu rực rỡ của trăm nghìn bông hoa nở cùng một lúc đã nhuộm đỏ cả một khoảng không gian. Lúc này, trông xa cây phượng chẳng khác nào như một mâm xôi gấc lớn. Tôi nhớ nhất là vào những chiều tan học, khi hoàng hôn chỉ còn là những vệt nắng dịu dàng, tôi thường cùng cô bạn gái tha thẩn nhặt từng bông phượng rơi để xâu lại thành từng chuỗi rồi nâng niu cất giữ để làm kỷ niệm như giữ một chút gì đó để níu mùa đừng đi vội.
Không chỉ ở trong trường học bởi yêu mến loài cây này người ta còn trồng phượng ở sân đình, trạm y tế, ngoài bến bãi, giữa cánh đồng và rợp hai bên đường. Dù ở đâu, phượng cũng như chiếc ô khổng lồ vững chãi, hiên ngang đứng đó che nắng, che mưa cho đời. Bên cạnh muôn vàn những sắc màu của các loài hoa như màu vàng của điệp, màu tím của bằng lăng…thì màu đỏ của phượng vẫn nổi bật và tạo sự chú ý hơn cả bởi nó như thể hiện niềm kiêu hãnh của sự chiến thắng huy hoàng. Mặc mưa nắng thời gian, phượng vẫn âm thầm, bền bỉ trổ sắc hương cho mùa hạ. Phượng thắp lửa trên cây, thắp lên trong lòng mỗi đứa chúng tôi những ước mơ hoài bão, niềm khát khao của tuổi trẻ. Phượng như bông hoa điểm mười đỏ chói trong trang vở giục giã tuổi học trò phải miệt mài hơn với đèn sách bởi mùa thi đang đến gần.
Phượng thu hút sự chú ý của mọi người không chỉ bởi sắc màu rực rỡ của hoa mà còn khiến bao người đắm say bởi những khúc ca sôi động, cuồng nhiệt được tấu lên từ những chú ve tài hoa tinh nghịch, thích ồn ào. Dưới gốc cây phượng tỏa bóng râm mát, những tà áo trắng mộng mơ tung bay trong gió lẫn trong tiếng cười đùa trong trẻo, hồn nhiên như càng làm nổi bật sắc màu đỏ thắm của hoa và làm cho sân trường thêm rộn rã. Trong khung cảnh nên thơ ấy dù có kẻ đã dặn lòng mình nhưng vẫn không sao ngăn nổi niềm xao xuyến, bâng khuâng khi trao tay nhau những cánh phượng ép vội, những bài thơ lãng mạn tuổi học trò. Và khi đêm về, bên ngọn đèn bàn, sau những bài học bộn bề lòng lại thoáng nở hoa bởi những dịu ngọt, vấn vương, những kỷ niệm ấp iu khắc ghi dấu ấn của mối tình đầu. Đành xếp lại tất cả, lòng tự nhủ: “Tạm biệt nhé, hẹn gặp lại phượng ơi!” Ngoài sân trường, có vòng xe ai đang lăn vội vã chợt chầm chậm và dừng lại ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng, nơi tuổi hoa của mình đã đi qua…
Chiều nay, tôi lại về thăm ngôi trường xưa, từng cánh hoa phượng vẫn lặng lẽ rơi, rải thảm đỏ choán cả lối đi như mùa phượng nở năm nào. Nhìn sắc màu rực rỡ giữa cái nắng chói chang của mùa hạ trong tôi lại rưng rưng những kỷ niệm của một “thời hoa đỏ” nồng nàn. Đã bao mùa phượng vĩ qua đi là bấy nhiêu kỷ niệm vơi đầy cứ trào dâng theo nỗi nhớ. Lòng bùi ngùi, cúi xuống nhặt cánh phượng rơi, bất chợt những câu thơ của nhà thơ Thanh Tùng lại thoáng hiện về trong ký ức:
“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao,
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên”
VŨ THỊ THANH HÒA -
Nhớ mùa hoa phượng…
Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra trồng cây phượng vĩ trước sân trường mà đến mùa hè phượng cháy đỏ như tán ô màu lửa. Có cảm giác cây phượng giống như một vận động viên thể thao cầm trên tay bó đuốc châm vào mùa hè để nở bung bao cảm xúc ùa đến trong cuộc chạy nước rút trên đường đua chạm tới đích cuối đó là mùa thi. Cây phượng giống như một chứng nhân của thời gian lặng lẽ mà âm thầm nuôi dưỡng, tích lũy, kết tụ, thu nhận bao âm thanh ríu rít của lứa tuổi học trò hồn nhiên, của bao trò chơi đuổi bắt rồng rắn, của giờ thể dục trong đồng phục tươi tắn... Từ li ti mắt lá phượng xanh ngỡ ngàng đến những búp phượng chúm chím như búp những ngón tay một sớm mai hào phóng nở rộ, nở tưng bừng, nở hết mình, nở kiêu hãnh, nửa như khoe sắc, nửa như níu giữ màu khăn quàng đỏ của gặp gỡ và chia tay ba tháng nghỉ hè. Phượng nở để sân trường bớt cô quạnh khi các dãy phòng học đã im ắng. Và trong ta vẫn âm vang nhịp trống trường như nhịp đập con tim.
Nhớ về cây phượng già, ta lại nhớ đến hình ảnh người đánh trống trường ân cần, niềm nở. Ông như một chiếc đồng hồ sống của thời gian, không lỡ nhịp, không lỡ hẹn bao giờ. Mặt trống căng bằng da trâu, thân trống căng bằng gỗ mít cứ thủng thẳng điểm nhịp cũng như cây phượng trầm tư mà tràn trề âm thầm nhựa sống. Đó cũng là chiếc đồng hồ kỳ diệu của thiên nhiên để báo hiệu hè sang khi phượng hồng khoe sắc. Cả hai bằng âm thanh và màu sắc đã làm sống dậy, trẻ trung, tươi mới cho những khuôn viên trường học. Và khi đông rét buốt về ta lại đón nhận những chiếc lá đỏ úa của cây bàng với những tầng lá xếp đặt từ rộng đến hẹp, từ thấp đến cao như tháp bút, như có một bàn tay tạo hóa kỳ diệu. Cây bàng và cây phượng hay được trồng ở sân trường như một đôi bạn tri kỷ, thắp lửa ấm bằng sắc đỏ diệp lục, hồi quang của mình. Có màu đỏ rực tràn trề của phượng, có màu đỏ sẫm thâm trầm của bàng. Cả hai sắc màu đều là sự dịch chuyển thời gian như một cuộc hành trình: bao lớp học trò lớn đi xa, bao lớp học trò nhỏ lại đến. Một chu kỳ tưởng như lặp lại mà luôn mới mẻ, mà luôn đồng hành. Màu hoa thì luôn tươi trẻ, tiếng trống trường không bao giờ già, chỉ màu tóc của thầy, của cô bạc thêm sương gió. Trang giáo án vẫn ngời mực xanh mà tấm bảng đen ngày càng mòn mỏng. Cánh cổng trường mở ra, khép lại như một trang sách. Mở ra quãng đường tương lai bao hứa hẹn, khép lại chuỗi ngày bao kỷ niệm…
Ngày tôi đi xa khi ngoái lại, trên bờ đê cây hoa gạo của thôn quê dân dã như có đàn chim lửa đậu xuống. Và xa kia, cây phượng già ở sân trường cũng như có chùm chim lửa bay lên như ngóng trông, như chờ đợi với màu đỏ cháy lòng. Phượng ơi! Người vẫn sống trong tôi, thắp lửa cho tôi: ngọn lửa của niềm tin yêu cuộc sống từ buổi đầu đời, từ mái trường thân yêu không thể nào quên ấy.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
-
Nhớ hoài hoa phượng
Người ta nói, hoa phượng là hoa học trò…
Có ai nhớ không? Mùa phượng đỏ
Một thuở còn vương, áo học trò
Để đến hôm nay, màu phượng đó
Đượm buồn li biệt, những ngày thơ…
Tuổi thơ gắn liền với đồng quê, tuổi học trò gắn liền mùa phượng đỏ. Mỗi độ hè về mang theo nhiều nhung nhớ. Nhớ cánh phượng rơi hoài cho gió sân trường lặng lẽ cuốn bay.
Có ai quên được màu phượng đỏ? Có ai không nhớ tuổi học trò? Nào là cành phượng giấu trong ngăn bàn, nào là con bướm in trên vở học trò làm bằng hoa phượng. Tuổi thần tiên qua rồi, con bướm cũng nghiêng mình vỗ nhẹ cánh bay.Tan trường, áo trắng phất phơ bay. Bàn tay nhỏ đâu rồi để cánh phượng rơi không ai nhặt lấy? Phượng vẫn đứng đấy, âm thầm tiễn biệt người đi. Phượng nôn nao, chờ đợi. Ai có hay?
Cô cậu học trò ơi! Đừng bao giờ quên hoa phượng đỏ. Bởi vì ngoài kia, ngoài cái thế giới tuổi học trò rực rỡ màu phượng đỏ mỗi độ hè về, biết bao khó khăn, hiểm trở. Hương hồn phượng sẽ theo gót chân ta đồng hành trên những con đường “đầy gai và sắt đá”, sắc phượng kia sẽ làm ấm lên những tâm hồn lạnh lẽo, để sau bao năm bôn ba với đời, ngày trở về, tâm hồn ấy vẫn mang một tấm lòng chung thủy như xưa!Ôi! Biết đến bao giờ lại có thể thanh thản ngồi dưới mái nhà hoa phượng, ôn lại những kỉ niệm vụng về, để thấy được sắc phượng kia, cánh phượng kia không những đáng yêu mà còn giàu thi vị. Và đặc biệt là, như một hơi thở an lành tỏa ra từ cánh phượng, mọi nặng nhọc, vất vả chốn phong trần sẽ mau chóng bị xua tan!
Tuổi học trò ơi! Xin nguyện ghi nhớ mãi. Mai này dù cho có đi đến đâu và làm bất cứ việc gì thì:
Mỗi khi hoa phượng, vừa rực đỏ
Áo trắng nghiên nhìn, chợt nhớ nhau.Cây Hoa Lá