Siêu pháo Gustav và Dora
Tiếp theo trong danh sách là loại vũ khí cũng rất đáng chú ý đó chính là siêu pháo Gustav và Dora. Loại pháo này được sử dụng trong chiến dịch bao vây Sevastopol và Barbarossa. Không chỉ có vậy, Đức Quốc xã còn chuyển chúng tới Leningrad và định bắn vào thủ đô Ba Lan, Warsaw. Nhưng Gustav đã bị quân đội Mỹ chiếm được và phá hủy trong khi khẩu Dora cũng chịu chung số phận bị tháo rời để khỏi rơi vào tay Hồng Quân Liên Xô.
Gustav là khẩu pháo lớn nhất từ trước đến giờ đã lập kỉ lục là loại pháo bắn loại đạn mạnh nhất và nặng nhất. Vào năm 1934, bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức (OKH) đã yêu cầu tập đoàn Krupp ở Essen phải thiết kế một khẩu pháo để hủy diệt những pháo đài ở Maginot Line-Pháp (những pháo đài đã sắp được hoàn thành). Đạn của khẩu pháo phải xuyên qua được một bức tường dày 7m được làm bằng bê tông. Kĩ sư của tập đoàn Krupp- Dr. Erich Müller đã tính toán rằng để có thể xuyên thủng những bức tường kiên cố như vậy thì loại đạn được bắn ra phải có đường kính 80 cm, có trọng lượng khoảng 7 tấn và khẩu pháo theo như thiết kế của Erich nặng hơn 1000 tấn. Tháng 3 năm 1936, trong một chuyến thăm của Hitler đến Essen, quốc trưởng phát xít này đã yêu cầu phải thực hiện bằng được ít nhất một trong số những kế hoạch này. Mặc dù chưa có tài liệu nào đề cập cam kết quyết tâm của Adolf Hitler về vấn đề này nhưng kế hoạch sản xuất siêu pháo cỡ nòng 80 cm đã được các kĩ sư của tập đoàn Krupp bắt tay vào chế tạo.
Toàn bộ kế hoạch sản xuất siêu pháo cỡ nòng 80 cm Schwerer Gustav Gun đã được hoàn thành đầu năm 1937. Mùa hè năm đó, quá trình sản xuất loại vũ khí hạng nặng này bắt đầu được tiến hành. Hạn chót để hoàn thành siêu pháo Schwerer Gustav là trước năm 1940 đã không được thực hiện do vấp phải một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật và vật liệu chế tạo đầu đạn.