Thầu Chín ở Xiêm
Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” không chỉ khắc họa những dấu ấn lịch sử buổi ban đầu nhiều gian nan, thử thách của những người Việt Nam yêu nước, tiến bộ chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn khơi gợi lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc, đặc biệt là kiều bào ta ở Thái Lan.
Nhân vật trung tâm của bộ phim là “Thầu Chín” - bí danh của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người từ châu Âu trở về Thái Lan hoạt động cách mạng (từ mùa thu năm 1928 đến tháng 11/1929). “Thầu ” trong tiếng Thái và tiếng Lào là cách gọi dành cho người nhiều tuổi, đồng thời thể hiện sự yêu quý, kính trọng. Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ 38 tuổi, trở về Thái Lan với một nhiệm vụ chính trị quan trọng là cùng những cộng sự của mình xây dựng cơ sở cách mạng trên đất Thái, chuẩn bị cho sự hợp nhất 3 tổ chức Đảng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ phim của đạo diễn Bùi Tiến Dũng đã ghi lại khá chân thực những bước chân của Bác từ Băng Cốc đến Phì Chịt, Udon Thani, Sacon Nakhon … Đặc biệt là những ngày tháng sống ở bản Mạy thuộc tỉnh Nakhon Phannom, nơi có nhiều bà con người Việt từ Thanh Hóa sang định cư. Tại đây, Bác đã tìm hiểu cách làm ăn sinh sống của bà con mình, Người dạy bà con cách ăn ở vệ sinh, cách sống yêu thương đoàn kết, thành lập Hội trai cày, Hội thân ái, Hội nghề nghiệp như: Hội cưa, hội mộc, hội nề…, mục đích là để che chở, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hợp tác, làm ăn sinh sống trên đất bạn. Tối đến, Người còn tập hợp kiều bào để nói chuyện thời sự trong nước và thế giới. Với cách nói nhỏ nhẹ, thân tình và tầm hiểu biết uyên bác của một chính trị gia, các buổi sinh hoạt của Hội có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thu hút bà con người Việt đến nghe rất đông. Qua các buổi sinh hoạt chung, Bác đã khéo léo khơi gợi trong lòng kiều bào người Việt trên đất Thái tinh thần cách mạng vô sản, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về truyền thống con Lạc, cháu Hồng; thắp lên trong trái tim họ tinh thần đoàn kết hướng về nguồn cội.