Bánh răng bừa
Ai đã có dịp về xứ Thanh đều không thể không nhớ đến hương vị thơm ngon, đậm đà của món bánh răng bừa trứ danh nơi đây. Gắn với điển tích có thật trong lịch sử, khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm mà để tưởng nhớ công lao của vị vua anh minh này, người dân làng Trung Lập, Xuân Lập, Thọ Xuân đã làm nên chiếc bánh lá răng bừa để tiến vua. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với biết bao thăng trầm và biến cố nhưng hương vị quê hương của món bánh lá răng bừa, vẫn được giữ gìn và lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Sở dĩ có tên gọi là bánh răng bừa vì bánh có hình dáng giống cái răng bừa, nhiều nơi gọi là bánh lá, bánh tẻ. Đây là thức bánh dân dã truyền thống tại một số nơi như ở Thanh Hóa và một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh răng bừa có mùi thơm đặc trưng của lá chuối, bên trong là bột gạo tẻ mềm mịn, quyện cùng nhân thịt và mộc nhĩ. Bánh răng bừa chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt. Ngày trước, chỉ vào dịp ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán người ta mới làm bánh răng bừa để cúng. Ngày nay, có vùng làm bánh răng bừa bán quanh năm. Cũng có vùng chỉ làm nếu được người ta đến đặt làm. Ở xứ Thanh, nơi làm món bánh răng bừa nổi tiếng hơn cả là tại làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân.