Top 9 Công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Hàn Quốc
Giống như một câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng của các bộ phim truyền hình ở xứ sở kim chi, phong cách kiến trúc truyền thống Hàn Quốc là sự kết hợp hài hòa giữa ... xem thêm...nét thẩm mỹ thanh lịch và vẻ đẹp êm dịu của thiên nhiên. Người Hàn Quốc thường chú trọng sử dụng các màu trung tính, có nguồn gốc từ cảnh sắc thiên nhiên xung quanh để tạo ra tinh hoa kiến trúc cổ kính đến hiện đại. Hôm nay, hãy cùng Toplist.vn khám phá những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Hàn Quốc nhé.
-
Tọa lạc tại trung tâm của thủ đô Seoul hoa lệ, cung điện Gyeongbokgung cổ kính được xem là biểu tượng kiến trúc nổi tiếng nhất của xứ sở kim chi. Được khởi công từ năm 1392, nơi đây từng là không gian sinh hoạt của lịch đại hoàng tộc và tổ chức thiết triều trong thời đại lịch sử của Vương Triều Joseon hùng mạnh. Tổng thể quy hoạch của cung điện bao gồm ba khu chính: Khu triều chính, khu sinh hoạt chung và khu nghỉ ngơi. Địa điểm quan trọng nhất của cung điện chính là Điện Cần Chính được nhìn thấy đầu tiên khi bước vào cổng chính Gwanghwamun. Đây là nơi diễn ra các buổi sinh hoạt triều chính đồng thời cũng là không gian sống của vua và hoàng hậu lúc bấy giờ. Với vẻ đẹp kiến trúc mẫu mực của phong cách Á Đông kết hợp với đường nét mềm mại lấy cảm hứng từ thiên nhiên an hòa, di tích Gyeongbokgung thật sự là một chế tác tuyệt diệu trong kho tàng kiến trúc của Hàn Quốc.
Khuôn viên của Cung Cảnh Phúc có vườn hoa vườn cỏ được cắt tỉa thường xuyên, nghệ thuật, điển hình cho nghệ thuật vườn Hàn Quốc. Đó chính là do kết giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và bàn tay lao động của con người. Nếu du khách tham quan đúng dịp thì sẽ chứng kiến được nghi lễ diễu binh ở trong cung điện để diễn tả lại một phần hào hùng của triều đại ngày xưa. Là nơi tổ chức mọi hoạt động chính của Triều đình và là nơi thiết triều của vua và các đại quan, tiếp đón các đại sứ quán - Cần Chính Điện là cung điện cao nhất và chính nhất của cung điện Cung Cảnh Phúc. Khánh Hội Lâu là nơi đẹp nhất trong cung điện Gyeongbokgung Hàn Quốc. Nơi này thường để tổ chức những yến tiệc, diễn ra ca múa, nhạc để đãi sứ thần ngoại bang. Khánh Hội Lâu được xây dựng theo kiến trúc hai tầng. Tầng 1 được bày trí bằng rồng và hoa, được hình thành bởi 48 cột đá. Tầng 1 dành cho các quan thần bậc thấp và tầng 2 dành cho vua chúa và đại sứ ngoại bang.
-
Một công trình sở hữu hai bộ phận kết cấu khác nhau, nhưng về kiến trúc lại hoà làm một, cả không gian bên ngoài lẫn sự kết nối bên trong công trình. Công trình đảm bảo tính riêng tư nhưng vẫn thể hiện mối liên kết giữa cả hai, đó là những nét đặc trưng của Two Moon, công trình độc đáo ở Hàn Quốc. Với diện tích khu đất là 711 m2 và diện tích mặt bằng công trình là 598 m2, toạ lạc ở phía Tây Bắc thủ đô Seoul, Hàn Quốc, công trình được thiết kế theo lối kiến trúc Moon Hoon với kiến trúc sư chính là Moonbalsso và thể hiện ý tưởng bởi hai kiến trúc sư người Hàn Quốc Yang Dukhyun và Park Jungwook.
Đặc điểm của công trình Two Moon cũng thể hiện mong muốn của chủ đầu tư, là hai anh em Park Jaehong và Park Junhong, công trình có vẻ bên ngoài như hai mặt trăng khuyết đứng cạnh nhau, cùng với hệ thống đèn mô phỏng hai chòm sao Nhân Mã và Thần Nông, có tổng chi phí đầu tư 500 triệu KRW (gần một tỷ VND), nên đây cũng chính là giải pháp của các kiến trúc sư để tạo điểm nhấn cho công trình. Công trình được xây dựng ở khu vực có không gian tương đối tự do, khi mà các toà nhà với các chức năng khác nhau như nhà thương mại, các căn hộ và các toà nhà của chính quyền được xây dựng xen kẽ và kế cạnh nhau. Công trình được chia thành hai phần và tạo ra một khoảng không gian ở giữa đủ để làm bãi đậu xe, giải quyết vấn đề về mặt quy hoạch đô thị của thành phố.
-
Được xây dựng từ thời Silla Beopheung, ngôi chùa Bulguksa đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của người dân lúc bấy giờ. Thời kì đó, Phật giáo được xem là quốc giáo tại Hàn Quốc, cũng chính vì thế mà công trình nhận được rất nhiều sự quan tâm và xây dựng khá công phu. Để trang trí cho ngôi đền, người ta dùng những viên đá có kích thước nhỏ ghép tạo hình với các họa tiết thường dùng trong đền chùa như hoa sen, bầu trời, con chim...với màu sắc óng ánh tượng trưng cho tầng lớp quý tộc. Đây được xem là một kiệt tác đại diện cho thời kì hoàng kim của phật giáo ở Hàn Quốc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền cũng trải qua nhiều lần bị phá hủy nên cũng không còn được như lúc ban đầu xong nó vẫn khá thu hút khách du lịch cũng như các nhà nghiên cứu đến tham quan.
Cũng giống những ngôi chùa khác, Bulguksa mang một vẻ đẹp bình dị, tạo cho người ta cảm giác yên bình. Bên trong đền còn lưu giữ khá nhiều di sản phật giáo quý giá. Chính bởi những đặc trưng trên, Phật Quốc Tự (Bulguksa) đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1995. Hãy một lần tới thăm Bulguksa, ngắm nhìn cảnh vật nơi đây, cảm nhận kiệt tác công phu cùng tấm chân tình của người con dành cho cha mẹ, chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ nhận được những giá trị riêng biệt mà chỉ ở đây mới có. Ngoài ra, ngôi chùa còn là nơi thờ phụng 7 linh vật của Triều Tiên như Tháp đá Dabotap, Cầu Mây Xanh, tượng Phật dát vàng... Kiệt tác nghệ thuật được điêu khắc bằng đá tinh xảo này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
-
Bên cạnh Phật Quốc Tự Bulguksa, Thạch Quật am Seokguram cũng là một kiệt tác Phật Giáo tinh diệu và nổi tiếng nhất được khởi công bởi một vị vua của Vương Quốc Silla cổ xưa. Trong quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hiền hòa, khi lặng im chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của những tòa Phật Tượng trang nghiêm nơi đây, chúng ta sẽ cảm nhận được tấm lòng chân thành và kính ngưỡng của những nghệ nhân điêu khắc hơn ngàn năm về trước. Chỉ có lòng thành kiên định mới có thể đẽo gọt những tảng đá hoa cương rắn chắc thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và điêu luyện như thế. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật như thế, các tín đồ Phật Giáo không nên bỏ qua hai công trình này khi đến du lịch Hàn Quốc nhé.
Thạch Quật Am (Seokguram) vốn dĩ không phải là khu du lịch, đây là Danh lam thánh tích, Già lam Phật địa, nơi con người tu tâm dưỡng tính, tự suy ngẫm và nhìn nhận lại bản thân mình cũng như những người xung quanh. Vào thời đại Silla (Tân La) ở Hàn Quốc, khoảng hơn nghìn năm trước, có một cậu bé tên là Kim Đại Thành (Kim Dae-seong) sống ở làng Moryang, vì hoàn cảnh gia đình gặp phải khó khăn về kinh tế, cho nên cậu phải nay đây mai đó làm thuê mướn để đổi lấy bát cơm manh áo và phụ giúp gia đình. Một hôm, sau khi dự buổi thính pháp đàm của một vị Pháp sư giảng giáo lý Phật đà, cậu liền về nhà thuyết phục mẹ mình cúng dường mảnh ruộng vườn, tài sản duy nhất của gia đình để tích phúc đức.
-
Là một công trình mang đậm tư tưởng và triết lý Nho Giáo, đền thờ Jongmyo là nơi thiêng liêng để thực hiện nghi lễ mai táng và địa điểm an nghỉ nghìn đời cho lịch đại vua và hoàng hậu của triều đại Joseon. Tồn tại trong thời kỳ vàng son của Joseon (1329 - 1910), ngôi đền là biểu tượng nổi tiếng nhất của tư tưởng Nho Giáo ngay khi triết lý này được du nhập và áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị văn hóa tại thời điểm này. Lúc bấy giờ, tại đây thường diễn ra nghi thức tôn vinh và thờ cúng tổ tiên rất trọng yếu - đó là hình thức cúng tế bằng âm nhạc và khiêu vũ được lưu truyền từ thế kỉ 14 cho đến nay tại Hàn Quốc. Tổng thể đền Jongmyo có diện tích 19,4 ha và xây dựng theo khuôn viên hình bầu dục. Địa thế công trình được bao quanh bởi thung lũng hùng vĩ và đồi núi thấp, là một địa điểm phong thủy lý tưởng để thờ cúng hoàng tộc và tổ chức các nghi lễ truyền thống. Dù trải qua tàn phá của chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên, ngôi đền vẫn tồn tại sừng sững đến ngày nay và trở thành niềm tự hào cho mỗi người dân Hàn Quốc.
Tổng cộng đền Jongmyo có 19 khu vực tưởng niệm là nơi dành riêng chó 49 vị vua và hoàng hậu của hoàng tộc Joseon. Đền chính - Jeongjeon là công trình bằng gỗ dài nhất tại Hàn Quốc cho đến nay. Với nét kiến trúc tỉ mỉ trên từng cánh cửa, cây cột, đền thờ được xem như một công trình kiến trúc tinh tế tiêu biểu. Mục đích của điện là thờ những vị vua và hoàng hậu nên những gian phòng có thờ cúng các vị vua và hoàng hậu là không thể thiếu. Điện thờ Jongmyo có tổng cộng 19 gian phòng khác nhau thờ những vị vua khác nhau. Những gian phòng này khá giống nhau và đặc biệt rất đơn giản, không trang trí cầu kì, xa hoa. Tuy vậy nhìn tổng thể tòa nhà thì chúng ta có thể cảm nhận được sự hùng vĩ của hoàng gia thông qua bên ngoài đền chính.
-
Nằm ở tỉnh Gyeonggi, pháo đài và thành cổ Hwaseong được một kiến trúc sư nổi tiếng thuộc trường phái Thực học xây dựng lên từ thế kỉ 18 với mục đích bảo vệ lăng mộ tiên đế của triều Joseon. Có thể thấy tòa pháo đài đồ sộ và hùng vĩ này chính là một sự kết hợp đa dạng giữa các trường phái kiến trúc khác nhau từ thành cổ của Nhật Bản và Trung Quốc đến tòa thành của Châu Âu thời Trung Cổ. Được đánh giá là đỉnh cao của kiến trúc quân sự trên thế giới, tòa thành được chế tác từ gạch và đá hoa cương với tổng chiều dài 5.74 km và 48 công trình lớn nhỏ bao quanh. Ngoài mỹ danh "Tòa thành của lòng hiếu thảo", pháo đài Hwaseong còn là một địa thế phòng thủ bất khả xâm phạm và được xem như thủ phủ phía Nam Triều Tiên lúc bấy giờ.
Pháo đài Hwaseong là công trình do vua Jeongjo, nhà vua thứ 22 triều đại Joseon cho xây dựng để thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với cha của mình là Thái tử Sado. Thái tử Sado bị chính cha mình là vua Yeongjo đời thứ 21 của Joseon nhốt trong thùng gạo và bỏ đói cho đến chết.Ngay sau khi lên ngôi, vua Jeongjo đã dời mộ cha về núi Hwasan thuộc Suwon. Ông cũng đổi tên thành phố Suwon thành Hwaseong, xây dựng Hwaseong thành một thành phố mới để di dời dân về đó.Pháo đài Hwaseong được đánh giá là công trình quân sự hội tụ những tinh hoa của khoa học kỹ thuật Đông Tây thế kỷ XVIII, hầu hết các thành quách được bảo toàn nguyên vẹn và đảm nhiệm được cả chức năng phòng vệ quân sự lẫn chức năng thương mại.
-
Khác với những thành phố năng động, sôi nổi khác như Seoul hay Busan…cái mà du khách cảm nhận được ngay khi đặt chân đến Gyeongju chính là nét trầm lắng cổ kính từ khung cảnh, kiến trúc hay thậm chí cả trong không khí cũng còn phảng phất chút xưa cũ, bởi nơi đây một thời từng là cố đô của đất nước Hàn Quốc dưới triều đại Silla lẫy lừng- triều đại đã có công thống nhất bán đảo Triều Tiên thành một quốc gia độc lập và chủ quyền. Vương triều Silla chính là nơi đánh dấu sự khởi đầu cho một nền văn minh cổ Triều Tiên khi đất nước được thống nhất. Thời bấy giờ, Gyeongju chính là một trong những kinh thành lớn nhất thế giới. Dù rằng vương triều cuối cùng cũng sụp đổ, nhưng những vết tích và ảnh hưởng văn hóa của triều đại vẫn còn vọng mãi đến ngày nay mà Gyeongju là nơi ghi dấu sâu đậm nhất.
Gyeongju nổi tiếng với những khu lăng mộ hoàng gia, những ngôi đền linh thiên xưa cũ hay những cung điện nguy nga. Có đến ít nhất 3 di sản văn hóa ở đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là Đền Bulguksa, Hang Phật Seukguram, Vườn quốc gia Gyeongju và còn nhiều điểm tham quan thú vi khác mà thậm chí người ta nói đến Gyeongju thậm chí một tuần, hay một tháng cũng chưa đủ để cảm nhận hết vẻ đẹp nơi đây. Điểm đặc biệt khác khi đến Gyeongju là bạn sẽ thấy những ngôi mộ ở rải rác khắp nơi. Gyeongju và các vùng lân cận hiện còn lưu giữ hơn 200 ngôi mộ của vua chúa. Các ngôi mộ được phủ cỏ và xây đắp cao, nhìn từ xa bạn có thể nhầm tưởng đây là những ngọn đồi. Đặc biệt, nổi bậc nhất ở đây là ngôi mộ Thiên Mã hay còn được gọi là “Chiến mã của ngôi mộ thiên đường” - là ngôi mộ của một vi vua Silla trị vì khoảng thế kỉ thứ 5, vương triều đã cho ra đời hơn 10 ngàn tuyệt tác hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju. -
Đài thiên văn Cheomseongdae lâu đời nhất châu Á tại tỉnh Gyeongju - Hàn Quốc là một trong những điểm đến thú vị ở xứ kim chi. Đây là đài quan sát khoa học đầu tiên trên toàn thế giới được xây dựng dưới dạng một chiếc tháp đá. Ngoài các công ty du lịch thường xuyên dẫn khách đến tham quan, nơi đây còn là điểm đến thu hút giới trẻ tìm đến học lịch sử và giao lưu văn hóa. Theo sử sách, vào thế kỷ thứ 7, Nữ hoàng Seondeok của vương triều Silla (632 - 647) đã cho xây dựng đài thiên văn này. Chiêm tinh đài có cấu trúc bằng đá là sự kết hợp độc đáo của kiến trúc cổ xưa. Toàn bộ đài thiên văn cao 9,5 m. Đây là báu vật thứ 31 của Hàn Quốc và là di sản quan trọng trong quần thể di sản cố đô Gyeongju. Vào ngày 20/12/1962, nó đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Với hình dạng độc đáo của một chiếc tháp đá, đài thiên văn Cheomseongdae - một tuyệt tác mỹ lệ của triều đại Silla xưa cũ, được mệnh danh "đài chiêm tinh học bằng đá đầu tiên và lâu đời nhất trong lịch sử thiên văn học thế giới". Là báu vật thứ 31 của Hàn Quốc, chiêm tinh đài Cheomseongdae được hạ lệnh khởi công từ Nữ hoàng Seondeok của đế chế Silla vào thế kỉ thứ 7. Có độ cao 9,5 m, chẳng những là một địa điểm lý tưởng để nghiên cứu các vì sao, vào lúc hoàng hôn buông xuống, đài thiên văn độc đáo này còn là hiện thân của một chế tác tuyệt diệu và quyến rũ ánh nhìn của mỗi du khách tham quan. Ngày nay, công trình cổ xưa này còn là điểm đến cho các học sinh để tìm hiểu về lịch sử và giao lưu văn hóa Hàn Quốc.
-
Nếu bạn muốn tìm một địa điểm để khám phá truyền thống lâu đời và văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc thì đừng bỏ qua làng cổ Bukchon Hanok trong cuộc hành trình. Làng cổ Bukchon Hanok nằm bên trong thành phố Seoul, ở vị trí giữa Điện miếu Jongmyo, cung Changdeokgung và cung Gyeongbokgung. Đây là một làng nghề truyền thống đã được bảo tồn nguyên vẹn trong đô thị 600 tuổi, bao gồm rất nhiều con hẻm, các ngôi nhà hanok, những mái chùa cổ. Làng Hanok Bukchon được xây dựng theo một lối kiến trúc riêng biệt. Nó độc đáo không chỉ bởi dáng vẻ mộc mạc nhưng vững chắc ở bên ngoài mà còn về phong cách trang trí hài hòa phía bên trong của ngôi nhà.
Những vật liệu xây dựng chủ yếu là những chất liệu từ thiên nhiên nhưng được chọn lọc kĩ càng nên cho đến bây giờ rất nhiều ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa nằm nép mình dưới hàng cây ngân hạnh. Cửa ở những ngôi nhà trong làng Hanok Bukchon khá rộng và được làm bằng gỗ với các họa tiết trang trí cầu kỳ. Hầu hết các ngôi nhà trong làng đều được đánh số. Những ngõ phố dọc ngang, mái ngói màu tro lô xô nối dài theo triền ngõ dốc, những con đường lát đầy đá xanh hay những đám hũ sành muối kim chi và làm đậu tương bên hiên nhà mang đầy nét hoài cổ. Ngày nay, có rất ít người sống trong khu vực này, thay vào đó, các ngôi nhà được sử dụng như nhà hàng truyền thống, nhà nghỉ, quán trà và các trung tâm văn hóa. Ngôi làng là một không gian hoàn hảo ngập tràn dấu ấn lịch sử của Hàn Quốc.