Top 19 Món ăn vặt ngon nhất ở thành phố Thanh Hóa
Khi đến với Thành phố Thanh Hóa hãy cùng dạo quanh phố phường để trải nghiệm các cung bậc của vị giác qua những món ăn tuy đơn giản, nhưng lại là nét đẹp ... xem thêm...truyền thống, đậm chất con người xứ Thanh.
-
Đã nhắc đến Thanh Hóa là phải nhắc đến nem chua. Nem chua Thanh Hóa có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân...
Nem chua gồm bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo và gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ cùng các gia vị đặc trưng. Để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng điệu cần phải có bí quyết gia truyền riêng. Từ chiếc nem chua cổ truyền, người dân Thanh Hóa sáng tạo ra rất nhiều loại và cách chế biến, thưởng thức khác nhau. Bạn có thể dạo qua các phố Đinh Lễ, Ngọc Trạo, Tô Vĩnh Diện... để thưởng thức món ăn này nhé.
-
Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ. Tôm bột tươi sau khi mua về rửa sạch, bỏ vỏ, rút chỉ đất ở sống lưng và giã nhuyễn bằng cối đá. Để cho nhân có màu hồng đẹp mắt, người ta giã cùng một lượng gấc vừa đủ, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ băm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa.
Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn. Xuất cho 2 người ăn khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Nếu có cơ hội ghé qua nơi đây, bạn hãy tìm đến các phố Nhà thờ, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa cũ để cùng thưởng thức món chả tôm nhé!
-
Bánh cuốn là món ăn sáng và bữa lỡ của người dân xứ Thanh. Với những miếng bánh ướt mềm mịn, nóng hổi được cuốn thêm chút mộc nhĩ, thịt băm. Khi ăn bạn cho thêm ít chả, bên trên rắc thêm hành khô, rau sống thơm nức mũi. Thử hỏi làm sao mà ai kìm lòng được đây? Với du khách khi đến đây thì càng không thể bỏ lỡ qua món bánh cuốn ở xứ Thanh được.
Bánh cuốn Thanh Hóa có vị mềm, dai của bột và thơm của thịt, mộc nhĩ cùng với hành khô giòn tan. Chúng ta có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp nơi trong thành phố. Bột làm bánh từ thứ gạo dẻo thơm, nên kể cả khi nguội bánh vẫn ngon như thường. Người Thanh Hóa thường ăn bánh cuốn buổi sáng. Nếu muốn ăn bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn có thể ghé đường Tống Duy Tân, Trần Phú, Lê Quý Đôn…
-
Cháo canh là món ăn chỉ có ở xứ Thanh và cũng có rất ít hàng quán bán món lạ miệng này. Khi đến vùng đất “địa linh nhân kiệt” này, bạn không thể không ăn món cháo canh. Cháo được nấu từ bột gạo, bánh canh, sườn lợn, tôm nõn bóc vỏ… khi ăn rắc thêm chút tiêu, ớt bột, rau sống thì vô cùng ngon và hấp dẫn.
Tô cháo canh đặc sánh, nóng hổi luôn để lại ấn tượng trong lòng du khách. Muốn ăn cháo canh, bạn đến bên hông chợ Vườn Hoa, quán bán từ 2h chiều. Quán luôn đông khách và chỉ 5h là hết hàng. Giá dao động một bát cháo từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng một tô tùy yêu cầu của khách.
-
Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thứ quà chiêu đãi du khách vô cùng dân dã. Ăn bánh nhè ngày gió mưa như để sưởi ấm tâm hồn và dạ dày của bạn.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có món đặc sản tuyệt đỉnh để thưởng thức như Thanh Hoá này đâu. Khi dừng chân đến vùng đất này, bạn hãy tự làm hài lòng mình bằng món bánh nhè. Bạn ăn một lần dư vị nhớ đến nhiều năm sau. Món này được bán bởi những cô hàng rong, hoặc ở chợ Vườn Hoa, giá chỉ 5.000 đồng một bát.
-
Chỉ với gạo tẻ, nhân thịt lợn trộn với mộc nhĩ, hành khô và gói trong lá chuối xanh, người xứ Thanh đã tạo nên món bánh ăn một lần nhớ mãi. Du khách khi dừng chân nơi đây không thể không nhắc đến món bánh răng bừa.
Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ xay nhuyễn, gói trong lá chuối, nhân thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ. Chọn gạo làm bánh cũng là công đoạn cầu kỳ. Gạo không khô quá, cũng không dẻo quá để tránh cho chiếc bánh không bị nát khi luộc lên. Gạo đem ngâm vài tiếng trong nước lạnh rồi đem xay nhuyễn, xay càng mịn thì bánh ăn càng ngon. Chọn thịt lợn làm nhân bánh chọn thịt ba chỉ, có chút mỡ để khi luộc bánh thì mùi thơm mỡ màng của thịt trộn với mùi gạo chín, lá chuối xanh... khiến người ăn không bao giờ biết chán.
-
Đây là món ăn bạn sẽ được người xứ Thanh giới thiệu đầu tiên. Bởi lẽ món này chỉ có ở thành phố Thanh Hóa và rất ít có ở các huyện lân cận. Cách thưởng thức bánh khoái tép là “làm đến đâu, ăn đến đó”. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay dạng nước, rau cần nước rửa sạch cắt khúc nhỏ, bắp cải thái sợi và tép loại tươi ngon. Bột gạo được tráng lên chảo gang, sau đó cho rau cần, bắp cải, tép đã xào vào, lật cho bánh chín vàng và giòn tan trong miệng.
Người làm bánh phải biết điều chế củi lửa phù hợp để bánh không bị cháy cạnh, cũng không được mềm quá. Một quả trứng gà đập vào giữa bánh tạo nên màu vàng rộm, ngon mắt ngon miệng. Nước chấm chỉ cần nước mắm chanh ớt là đã đủ làm ngây ngất lòng thực khách. Bạn có thể tìm đến các hàng ở phố Đào Duy Từ, Hàn Thuyên… để thưởng thức bánh khoái tép hấp dẫn này nhé!
-
Ốc hút hay ốc mút là tên gọi dùng để chỉ loại ốc len rất ngon, nhưng lại ít nơi bán. Các quán thường nhập về cả bao tải to ốc len, được bắt ở vùng ven biển Thanh Hóa và nuôi ở một số nơi. Để có được nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì sau khi mua về, ốc sẽ ngâm trong chậu nước to cùng ớt tươi khoảng 1 - 2 hôm cho ốc nhả hết bùn. Sau khi rửa sạch, vớt ốc lên người ta đem phơi dưới nắng nhẹ để mùi bùn trong ốc bay ra.
Chùa Thanh Hà, phố Bến Ngự là địa chỉ quen thuộc của những thực khách trót mê mẩn món ốc hút và các món từ ốc. Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, cùng mùi sả ớt thơm nức mũi sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai mới thưởng thức lần đầu. Vị cay nồng đằm thắm của món ăn sẽ khiến bạn bị “xúc động” phần nào.
-
Bánh dì ( bánh dầy) thường được bán rong trên phố vào mỗi sáng. Nếu bạn muốn tìm ăn món này hãy ghé qua phường Nam Ngạn để thưởng thức. Tôi ti chắc hương vị của bánh sẽ làm bạn nhớ mãi không quên.
Bánh dì là món quà kỳ công nhất và ít phổ biến hơn cả ở thành phố Thanh Hóa. Có thể bạn đã bắt gặp món này ở đâu đó trên đường phố Hà Nội. Nhưng tìm về xứ Thanh, ăn thử một lần bánh dì mềm dẻo, bạn sẽ không thể nào quên được. Gạo nếp được chọn lựa kỹ càng, sau khi ngâm sẽ đồ lên thành xôi, để nguội rồi giã nhuyễn thành một thứ bột dẻo quánh. Sau khi đã có bột người ta làm thành viên tròn nhỏ bằng nắm tay, cho nhân đậu xanh đường vào làm nhân. Vì thao tác giã xôi thành keo nhuyễn rất kỳ công và làm bằng tay, nên những hàng bánh gia truyền thường chỉ làm với số lượng ít.
-
Bánh ích trông nhỏ, gọn, dân dã nhưng gói bánh ngon, bánh đẹp phải có nghề. Bánh ích ngon là bột dẻo nhưng không dính răng, cắn một miếng đầu lưỡi cảm ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hay vị bùi của đậu xanh và mùi thơm của lá chuối. Gói bánh ích cũng phải chăm chút từng góc bánh. Gói không khéo, khi chính sẽ bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra không thẩm mỹ. Nhưng gói bánh ngon, bánh đẹp phải có nghề. Bánh ích ăn rất ngon. Nó được làm từ bột dẻo nhưng không được quá dính, cắn một miếng trên đầu lưỡi cảm nhận ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hay vị bùi của đậu xanh và mùi thơm của lá chuối.
Tuy nhiên người gói bánh ích cũng phải chăm chút từng góc bánh. Gói không khéo, khi chín bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra không thẩm mỹ. Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt, rất mềm và ngon. Chỉ với 7.000 đồng là bạn đã có thể thưởng thức 2- 3 chiếc rồi. Món này bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ. Bánh ích luôn hấp dẫn người ăn, đây cũng là món ăn phổ biến cho du khách đến tham quan xứ Thanh.
-
Không biết từ bao giờ, món bánh bình dị này đã trở thành đặc sản của đất Thanh Hóa. Bánh đa vừng dùng nguyên liệu chính là gạo, vừng và tinh bột sắn. Ngoài ra người ta còn dùng muối, gấc và đường để làm phụ gia. Những nguyên liệu hết sức đơn giản và tự nhiên này đã góp phần tạo nên vị hương đặc trưng của bánh.
Món quà quê dân dã là thế, nhưng để làm ra chiếc bánh lại tốn không ít công sức. Người làm bánh phải thật sự khéo léo. Từ khâu ngâm gạo, xay bột thật mịn, tráng bánh thật khéo, rắc vừng đều tay, phơi bánh từng mặt thật cẩn thận, rồi đến nướng bánh trên bếp lửa than củi sao cho chín vàng nở đều. Sự kì công đó mới cho ra những chiếc bánh đa giòn ngon hấp dẫn.
-
Mới nghe qua nhiều người sẽ nhầm với món bánh đúc, thứ quà quê dân dã của các người dân Việt. Bánh đúc sốt là món ăn độc nhất vô nhị của xứ Thanh. Khác biệt lớn nhất của bánh với các vùng khác chính là ở màu xanh đẹp mắt. Bột bánh là bột gạo tẻ được nấu với nước vôi trong, bỏ thêm hành phi và chút mỡ. Màu xanh của bánh được tạo bởi nước rau ngót hoặc rau cải giã. Nồi bánh được nấu trên lửa liu riu, dùng đũa cả đảo liên tục để không bị vón cục. Khi bánh gần chín tới thì sánh như cháo, rất dậy mùi.
Bánh đúc sốt không thể thiếu đậu xanh. Đậu xanh bỏ vỏ nấu riêng, chín thì đánh tơi, như làm nhân bánh chưng ngày Tết. Khi ăn múc bánh ra bát, rải đậu xanh lên trên. Trời lạnh, hít hà hương thơm ngầy ngậy của bột gạo, thử vị bùi bùi của đậu xanh mà thấy ấm bụng vô cùng.
-
Bánh gai Tứ Trụ là sản phẩm của làng Mía, một làng cổ tồn tại hàng nghìn năm bên bờ sông Chu thuộc tổng Diên Hào xưa, cách trung tâm huyện Thọ Xuân ngày nay 9km và cách thành phố Thanh Hóa 40km về phía Tây.
Nguyên liệu chủ yếu làm nên bánh Gai là nếp và đậu xanh nhưng linh hồn chiếc bánh Gai lại chính là lá Gai, bởi thiếu đi lá Gai thì không thể gọi là bánh Gai mà đã trở thành một loại bánh nào đó. Lá Gai được người dân xã Thọ Diên thu hái tận trong rừng hoặc trồng ở bãi bồi ven sông Chu. Khi hái về, người ta chọn ra những lá lành lặn rồi bỏ cuống, tước hết từng sợi gân và xơ trước khi đem phơi cho thật khô, đến khi một mặt lá chuyển sang màu đen thẩm và mặt còn lại có màu hơi trắng xám. Lá khô được gói lại, cất kỹ trong chum, dành đến dịp giỗ chạp, rằm hay ngày Tết mới đem ra làm bánh. Nhân được làm từ đậu xanh, thịt heo nạc cùng một số gia vị khác như đường, muối, nước mắm, dầu chuối…
-
Nếu có dịp tới thăm Thăm Hóa, bạn sẽ được nghe nhiều về bánh mỳ gia truyền Nam Hà ở phố Trường Thi. Tại đây có một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ rất đông khách. Sở dĩ được yêu mến vậy bởi hương vị bánh Nam Hà không đổi trong suốt 20 năm qua. Nhân bánh rất đa dạng để bạn lựa chọn, ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay... Ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay… Nguyên liệu nào cũng được chọn lựa và chế biến kỹ lưỡng, cùng với nước sốt gia truyền đặc trưng.
-
Cá Nhệch sau khi bắt về được làm sạch nhớt rồi lọc thịt và xương riêng. Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
-
Độc đáo nhất phải kể dến món dê ủ trấu, đặc sản xứ Thanh. Trước khi ủ trấu dê được cạo lông sạch sẽ, nhồi lá sả vào bụng. Phủ trấu lên toàn thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Khi ủ trấu xong thì toàn bộ dê nó sẽ chín om, thịt vẫn còn màu hơi đỏ, da vàng rộm. Tạo ra món tái đúng nghĩa, tức là không chín hoàn toàn, thịt thái ra xoăn từng lọn. Đây có thể coi là bí quyết, là điểm độc đáo nhất của món Dê núi Nga An, bởi không phải nơi nào cũng có cách chế biến như cách làm của người dân nơi đây.
-
Chè lam Phủ Quảng của xứ Thanh có nét độc đáo với vị giòn tan nơi đầu lưỡi khi thưởng thức và vị ngọt thanh nhẹ dìu dịu. Phủ Quảng trước đây là phủ Quảng Hóa, gồm một số huyện trung du của tỉnh Thanh, có lỵ sở ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay.
Làm thức quà này cũng khá công phu và đòi hỏi khéo léo, có kinh nghiệm để có được tỷ lệ chuẩn giữa các nguyên liệu gạo nếp, đường, mạch nha, mật mía, gừng, lạc… Gạo nếp loại hạt mẩy đều, xay bằng cối đá, lắng bột rồi lọc bằng tấm vải thô. Một phần nhỏ gạo nếp đem rang chín, đảo đều tay cho đến khi ngả vàng và có mùi thơm, đem trải ra nia cho mau nguội. Lạc rang xong giã đôi, gừng tươi đồ lên rồi xắt lát nhỏ.
Thứ mật để thắng chè lam phải là mật mía Kim Tân của huyện Thạch Thành láng giềng, nơi được coi là đất mía của tỉnh Thanh, có vị ngọt đậm, sóng sánh đặc trưng.
-
Bánh bèo có nguồn gốc từ xứ Huế mộng mơ nhưng khi đến Thanh Hóa, với bàn tay khéo léo và sự biến tấu của người dân nơi đây, bánh bèo đã trở thành một món ăn nổi tiếng của thành phố, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bánh bèo gồm 3 phần: bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn và nước chấm, khác với bánh cuốn hay bánh khoái tép, bánh nước chấm của bánh bèo đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm, người ta thường cho thêm một chút mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ lên bánh để tạo mùi hương đặc trưng, vị béo ngậy.
Ở Thanh Hóa, bánh bèo được biến tấu đi một chút cho hợp khẩu vị của người dân nơi đây bằng cách thêm một chút hành phi và ruốc tôm. Ta có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này tại nhiều hàng quá trên đường Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa,... với giá chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng một đĩa.
-
Cũng là một món bánh đến với xứ Thanh bởi bàn tay của người Huế, bánh bột lọc được rất nhiều người yêu thích bởi nó vẫn giữ được hương vị của miền đất cố đô. Ở thành phố Thanh Hóa ta có thể bắt gặp món ăn này tại phố Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành... với giá khoảng 15.000 đồng một đĩa.
Bánh bột lọc được làm từ bột sắn, hiện nay người ta chủ yếu dùng bột năng, nhân là tôm trộn với gia vị hoặc thịt nạc xay nhỏ trộn với mộc nhĩ, hành, măng,... Bánh được gói trong lá chuối đem hấp cách thủy hoặc luộc chín rồi nhúng nhanh vào nước lạnh. Khi chín bánh trong veo nhìn rõ sắc đỏ của tôm rất bắt mắt. Bánh thường được ăn kèm với nước chấm ngon.