Top 10 Món ăn vặt ngon nhất Lạng Sơn

Dung Nguyễn 5345 0 Báo lỗi

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ Quốc, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa bởi sự đa dạng hòa quyện nhiều dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, ... xem thêm...

  1. Đến Lạng Sơn mà chưa từng ăn thử món Bánh áp chao xứ Lạng thì cứ xem như đã mất một nửa cuộc vui của ẩm thực Xứ Lạng. Đây là một món ăn khá cầu kỳ xưa kia chỉ thường thấy làm vào mùa đông. Hiện nay bạn có thể thưởng thức món bánh này ở Lạng Sơn vào bất cứ mùa nào, nhưng thường các hàng chỉ mở sau 16 giờ hàng ngày.


    Bánh được làm bằng bột nếp nhào trộn với khoai môn nạo nhỏ (ngày nay hiếm hàng nào còn nạo khoai môn trộn với bột nữa hoặc nếu có thì rất ít khoai nên nhiều khi ăn mà không cảm nhận thấy vị thơm của khoai), thịt vịt ướp nêm nếm đầy đủ gia vị được chặt thành từng miếng để thành nhân bánh. Những phần đầu, cổ, cánh, chân, thậm chí là lòng mề cũng được tận dụng triệt để thành món chao ăn cùng đĩa bánh.


    Không chỉ là một món ăn vặt Bánh áp chao xứ Lạng còn là một trong những đặc sản của Lạng Sơn mà bất kỳ du khách nào ghé thăm đều tìm nếm thử.

    Bánh áp chao xứ Lạng là đặc sản không thể bỏ qua
    Bánh áp chao xứ Lạng là đặc sản không thể bỏ qua
    Bánh áp chao xứ Lạng
    Bánh áp chao xứ Lạng

  2. Một loại bánh khởi nguồn từ món ăn của người dân tộc, được làm từ gạo tẻ trắng, thơm sau một đêm ngâm đem vo đãi sạch rồi xay trong cối đá thành thứ bột nước sền sệt, đem đun sôi quấy tới khi bột gần chín. Phần bột chín được quện với phần bột sống thành một thứ bột nửa sống nửa chín đặc sánh, khi hấp bánh thành khối không bở không nát. Phần nhân bánh được làm từ thịt lợn, mộc nhĩ và hành khô băm nhỏ, phi thơm và xào trộn với nhau. Bột và nhân được mang đi hấp. Công đoạn hấp bánh cũng khá cầu kỳ vì phải chia nhiều lần do bánh có 3 lớp nếu hấp một lần sẽ không thể chín đều, dai ngon.


    Bánh cao sằng được ăn kèm với nước canh được chế biến từ nước hầm xương heo, rắc thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ. Giá một bát bánh cao xằng khoảng 6.000 đồng - 10.000 đồng/cái/bát.


    Nếu muốn ăn món bánh này bạn chỉ có thể tìm được nó vào buổi chiều bởi sáng hầu như không nhà nào làm. Tại mỗi điểm bán, bánh cũng hết khá nhanh do không nhiều nơi làm nên nếu đến sau 18 giờ có thể bạn sẽ ít cơ hội thưởng thức món ăn này. Tại quán, ngoài bánh cao xằng bạn có thể ăn thêm bánh cóc, bánh rợm (chan giấm).

    Bánh cao sằng
    Bánh cao sằng
    Bánh cao sằng
    Bánh cao sằng
  3. Thực ra phở chua không phải là món ăn độc lạ vì khá nhiều vùng miền cũng có nhưng đôi khi người ta gọi với cái tên khác đi một chút. Có điều phải công nhận phở chua Lạng Sơn có nhiều điểm riêng biệt tạo nên sức hút khó cưỡng với thực khách. Cũng là một trong những món ăn vặt được nhiều bạn trẻ yêu thích.


    Vẫn là thứ bánh phở quen thuộc nhưng để làm phở chua thì bánh phở ở đây phải được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai. Khoai lang được thái chỉ cho vào chảo chiên giòn vàng rộm. Thịt lợn được phết ngoài một lớp phẩm màu vô hại nhưng đẹp mắt, chao săn lại rồi chế biến thành dạng sợi xá xíu, đu đủ nạo dạng sợi giống như loại đu đủ thường cho vào nộm. Một ít rau thơm, lạc rang đập dập rắc lên trên.


    Công đoạn tưởng đơn giản nhưng cũng là khó nhất quyết định ngon hay không của món ăn chính là công đoạn chế biến nước sốt. Thứ nước sốt vừa thơm, sền sệt, hơi chua ngọt, khi rưới đều dần dần từ từ lên bát phở chua nhìn vừa đẹp mắt. Trộn đều và thử một miếng mới thấy vị phở chua ngọt ngon.

    Bạn đã thưởng thức phở chua Lạng Sơn?
    Bạn đã thưởng thức phở chua Lạng Sơn?
    Phở chua Lạng Sơn với sức hút khó cưỡng
    Phở chua Lạng Sơn với sức hút khó cưỡng
  4. Lạng Sơn vẫn thường nổi tiếng bởi nhiều món ăn không đâu có. Bánh mỳ nướng nghe tên thì quen nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy cách người dân xứ Lạng thưởng thức món ăn này lại không hề như các vùng miền khác.


    Không ở đâu lại có món bánh mỳ nướng dầu hào như xứ Lạng. Ban đầu bánh được phết bởi một lớp dầu, nướng nóng lên lại phết thêm lớp hỗn hợp dầu hào, mật ong. Tùy từng khẩu vị mỗi người thích ăn giòn hay ăn vừa phải mà bánh được nướng lâu hay nhanh, thông thường mất khoảng 3 - 7 phút. Sau khi nướng bánh được cắt nhỏ thành từng miếng vừa miệng, ăn cùng với thịt xiên nướng và chắc chắn là phải có kèm thêm một bát nước chấm.


    Điều đặc biệt nữa ở món bánh mỳ nướng Lạng Sơn là nước chấm không hàng nào giống hàng nào cả. Không có một quy định cụ thể nào rằng nước chấm gồm những gì chỉ biết rằng nước chấm hơi cay cay lẫn một chút chua một chút ngọt quện với đường, quát, rau răm, mùi... Mỗi hàng pha một kiểu miễn sao khách ăn vừa miệng, ngon lần sau lại đến. Con người ở đây cũng rất rõ ràng, ngon thì đến không thì thôi những thứ khác không quan trọng. Vậy nên muốn đông khách chẳng còn cách nào ngoài việc pha nước chấm ngon để giữ chân khách quay lại.

    Bánh mỳ nướng Lạng Sơn khác hẳn với bánh mỳ nướng các nơi khác
    Bánh mỳ nướng Lạng Sơn khác hẳn với bánh mỳ nướng các nơi khác
    Bánh mỳ nướng Lạng Sơn
    Bánh mỳ nướng Lạng Sơn
  5. Bánh cuốn cũng là một trong số những món ăn vặt và cũng là món ăn đặc sản mà bất kỳ du khách nào ghé thăm Xứ Lạng cũng nên thưởng thức.


    Cũng như bánh cuốn các vùng miền khác, bánh cuốn Lạng Sơn cũng được làm từ những hạt gạo tẻ trắng ngần xay mịn thành bột. Bột được pha loãng và đưa lướt trên mặt tráng, bánh chín nhờ hơi nóng của nồi nước lúc nào cũng sôi sùng sục. Gần chín hẳn người ta rải một lớp nhân thịt mỡ, dùng đũa tre chia bánh làm hai phần, gập 2 bên góc của mỗi nửa bánh trước rồi cuộn bánh lại thành từng chiếc.


    Vì bánh chỉ làm mỗi khi có khách nên bánh lúc nào cũng nóng và thơm ngon. Nhiều nơi người ta cũng tráng bánh sẵn để nguội để những ai thích ăn bánh nguội có thể thưởng thức hoặc để dự phòng những khi đông khách tráng bánh không xuể.


    Bạn có thể ăn bánh cuốn thịt hoặc bánh cuốn trứng, tùy vào sở thích và nhu cầu mà yêu cầu chủ quán tráng cho mình. Bánh cuốn trứng cũng có năm bảy thể loại.


    Người thích ăn tái, người thích chín, người thích dầm người không thích. Lại có người thích đánh trứng trộn với bột và cho sẵn cả thịt vào rồi mới đưa lên tráng. Chính bởi lẽ đó mà bánh cuốn Lạng Sơn trở nên phong phú đa dạng và dễ thích ứng với nhu cầu ẩm thực của mỗi người.

    Bánh cuốn Lạng Sơn phong phú và đặc sắc như thế đấy. Bạn đã thử ăn chưa?
    Bánh cuốn Lạng Sơn phong phú và đặc sắc như thế đấy. Bạn đã thử ăn chưa?
    Bánh cuốn Lạng Sơn
    Bánh cuốn Lạng Sơn
  6. Ốc xào măng lá lốt đặc biệt bởi các thứ xào kèm khá phong phú như măng, lá lốt, dừa, cà chua, ớt. Ốc xào vùng Đồng Mỏ còn có thêm dứa, rau dăm. Trước kia khu vực nhiều quán ốc xào nhất là hai bên đường Hùng Vương nhưng nay ốc xào có ở khắp nơi trong thành phố, đặc biệt khu đô thị mới Phú Lộc có thể nói là điểm tập kết nhiều quán ăn vặt ngon của giới trẻ thành phố.


    Về các địa điểm thưởng thức Ốc xào măng lá lốt thì không cần giới thiệu vì bạn chỉ cần đi dọc khu Hùng Vương hoặc sang khu Phú Lộc IV đều có rất nhiều quán ốc. Cơ bản giá các quán tương đương nhau dao động không đáng kể. Tùy khẩu vị mỗi người thấy quán này ngon hay quán kia ngon. Thông thường các quán ốc Lạng Sơn còn có những món như: Sung muối, mận ướp lạnh, chân gà rang muối, khoai lang, chân vịt sốt chua ngọt, v.v...


    Bạn cứ thử rẽ vào một quán ốc nào đó ở Lạng Sơn xem nhé, chắc hẳn thực đơn bạn xem sẽ không thể thiếu những món lặt vặt kèm theo này. Có thể nói đây là một phong cách riêng của người Xứ Lạng.

    Ốc xào Lạng Sơn có vị khá hay từ những thứ trộn kèm như dừa, lá lốt, măng, dứa, cà chua, v.v...
    Ốc xào Lạng Sơn có vị khá hay từ những thứ trộn kèm như dừa, lá lốt, măng, dứa, cà chua, v.v...
    Ốc xào măng ớt đặc trưng ở Lạng Sơn
    Ốc xào măng ớt đặc trưng ở Lạng Sơn
  7. Coóng phù là món ăn chơi dân dã của người xứ Lạng mà xuất phát điểm của nó có thể là cảm hứng từ món bánh trôi tàu của người Trung Hoa, được đưa về bởi một người dân tộc. Bởi lẽ đó tên gọi của món ăn này cũng có hơi hướng của ngời tộc Tày, Nùng.


    Coóng phù được nhào nặn từ gạo nếp vo sạch, xay thành bột nước, nặn thành từng viên. Trước người ta chỉ làm mỗi loại Coóng phù cơ bản màu trắng, giờ đây còn có thêm gấc chín, quả dành dành nên bát Coóng phù thêm đẹp và ngon miệng hơn.


    Coóng phù có thể có nhân bằng đỗ xanh xào đường hoặc làm bằng lạc rang hay mè đen giã nhỏ, hoặc chay. Bánh Coóng phù nặn xong được nấu với nước đường đỏ có thêm chút gừng nên rất thơm. Nay ở Lạng Sơn còn có thêm món ăn chơi cảm hứng từ Coóng phù là phóng dăm (loại bánh tương tự Coóng phù nhưng nhân mặn và chan nước canh thay vì nước đường).


    Bánh được thả vào nồi nước đường sủi tăm nghi ngút khói, ngào ngạt hương thơm của nếp, gừng. Khi nào bánh nổi lên là chín. Múc bánh vào bát chan nước đường, cho thêm dừa nạo nhỏ, và lạc rang cùng với dầu chuối cho thơm (Nhiều người không thích mùi dầu chuối do đó thường các quán Coóng phù sẽ không cho mà khi nào khách yêu cầu mới cho vào).


    Chính vì món Coóng phù ăn nóng nên xưa kia thường bán nhiều vào mùa đông. Còn ngày nay do nhu cầu thưởng thức của người dân, đặc biệt giới trẻ và các du khách khi đến Lạng Sơn, món ăn này được làm quanh năm. Buổi tối dạo chơi trên chợ Kỳ Lừa bạn có thể dễ dàng bắt gặp những hàng Coóng phù nho nhỏ ở một góc nào đó.

    Coóng phù xứ Lạng nấu với nước đường quyện vị thơm của gừng và đường đặc biệt khiến người ta thích thú vào mùa đông
    Coóng phù xứ Lạng nấu với nước đường quyện vị thơm của gừng và đường đặc biệt khiến người ta thích thú vào mùa đông
    Coóng Phù xua tan sự lạnh giá của mùa đông Xứ Lạng
    Coóng Phù xua tan sự lạnh giá của mùa đông Xứ Lạng
  8. Bánh ngải là loại bánh ăn chơi của người Xứ Lạng do người Tày sáng tạo ra có hình dáng khá giống với bánh dày. Được làm từ nguyên liệu chính là lá ngải cứu, bánh có hình tròn dẹt có màu xanh thẫm được bọc trong lá chuối xanh nõn. Để làm được món bánh ngải cứu, người ta còn dùng gạo nếp đồ thành xôi và trộn với lá ngải cứu. Khi xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng với những nắm lá ngải. Theo phong tục của người Tày thì công việc này chỉ dành cho những người nam giới.


    Lá ngải sau khi được đun với nước tro, giã với bột nếp nặn thành những chiếc bánh hình tròn, mình dẹt. Nhân bánh ngải thường thấy là nhân vừng đen rang chín vàng nấu cùng đường phèn. Bánh ngải được nặn xong thường quét một lớp mỡ ngoài để bánh không dính vào nhau và trông bóng bẩy hấp dẫn bắt mắt hơn. Bánh được hấp cách thủy để nóng đều rồi vớt ra để ráo. Màu xanh thẫm của bánh là do màu lá ngải mang lại nhưng lạ thay vị của bánh lại không hề đắng mà mát dịu. Có lẽ bởi khí hậu Lạng Sơn vốn là vùng xứ lạnh nên lá ngải cũng bớt vị đắng mà lại có vị thơm.


    Bánh lá ngải chỉ có theo mùa, thường là cuối đông và sang xuân, đặc biệt được làm nhiều khi cận tiết thanh minh. Không chỉ là món ăn vặt bánh ngải còn là một loại bánh truyền thống. Bởi theo văn hóa của người Tày xứ Lạng, bất cứ người con gái Tày nào cũng đều phải biết làm món bánh này, nếu không thì không được coi là gái dân tộc Tày. Món bánh này đã đi vào truyền thống văn hóa người Tày ở Lạng Sơn và là một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ của người Tày.

    Bánh ngải là món ăn chay của người dân tộc Tày xứ Lạng
    Bánh ngải là món ăn chay của người dân tộc Tày xứ Lạng
    Bánh ngải xứ Lạng
    Bánh ngải xứ Lạng
  9. Chúng ta chỉ quen biết nem chua Thanh Hóa hay nem chạo Nam Định, nem Phùng mà ít nghe đến nem nướng xứ Lạng. Nem nướng vốn nổi tiếng nhất ở thị trấn Hữu Lũng quán bà Láng. Đây là cửa hàng nem nướng đầu tiên có tay nghề cao, lâu đời nhất.


    Cũng như các món nem khác nem nướng xứ Lạng gồm thịt lợn và bì lợn trộn lẫn với thính. Một chiếc nem tương đối lớn gói khoảng 3 lạng thịt lợn, trông hơi giống nem nắm Nam Định vì cũng được gói bằng lá chuối tươi buộc lạt cố định. Gói nem được buộc vừa phải không chặt quá để khi nướng không bị sống mà chín đều. Nem chín được bày ra đĩa trên lớp lá đinh lăng.


    Mùi nướng thơm quyện với mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men càng ngon hơn khi cho thêm chút vị cay cay của ớt. Nem nướng Hữu Lũng ăn kèm với lá đinh lăng được chấm thêm bởi thứ nước chua ngọt tạo nên vị độc đáo và cuốn hút. Ở thành phố bạn có thể tìm thấy món nem nướng Hữu Lũng này ở các quán ốc. Thông thường thanh niên xứ Lạng đi ăn ốc luộc, ốc xào hay thêm một số món ăn vặt khác, như món nem này chẳng hạn.

    Nem nướng Hữu Lũng là món ăn chơi đặc sản của Lạng Sơn
    Nem nướng Hữu Lũng là món ăn chơi đặc sản của Lạng Sơn
    Nem nướng Hữu Lũng
    Nem nướng Hữu Lũng
  10. Nếu đến xứ Lạng mà chưa thử qua phở vịt quay thì thật là đáng tiếc. Phở vịt quay có đặc điểm là nước dùng rất béo và ngậy. Những người ăn lần đầu có thể thấy ngây ngấy, nhưng nếu bạn ăn món phở vịt quay này vào một ngày sáng mùa đông se se lạnh thì phải nói là "tuyệt vời". Xì xụp bát phở nóng, béo ngậy, cùng một chút măng ớt xứ Lạng thật tuyệt biết bao.


    Thường người ta đến ăn phở vịt hay gọi thêm món bánh áp chảo (không giống món áp chao ở trên đâu bạn nhé), quẩy, lạp xườn... Bát phở vịt quay nguyên bản và đúng điệu của người Xứ Lạng đặc trưng chính là ở nước dùng béo ngậy mỡ vịt quay. Đây cũng chính là điểm gây tranh cãi về ẩm thực. Bởi với những người không ăn được béo ngậy thì phở vịt quay chính là điểm trừ cho nước dùng. Tuy nhiên, không nên so sánh món phở vịt quay Lạng Sơn hay bất kỳ món phở nào khác bởi mỗi nơi có một đặc điểm văn hóa và khẩu vị riêng.

    Phở vịt quay Lạng Sơn
    Phở vịt quay Lạng Sơn
    Phở vịt quay Lạng Sơn
    Phở vịt quay Lạng Sơn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy