Top 10 sự kiện đáng chú ý nhất của làng công nghệ thế giới trong năm 2018
Năm 2018 đã trôi qua với hàng loạt sự kiện lớn nhỏ khác nhau gây chấn động làng công nghệ toàn cầu, bao gồm những vụ rò rỉ thông tin người dùng khiến mạng xã ... xem thêm...hội Facebook phải đau đầu, lỗi bảo mật nghiêm trọng ảnh hưởng hàng tỷ thiết bị công nghệ hay Apple. Cùng Toplist điểm lại 10 sự kiện nổi bật và gây ra nhiều sóng gió nhất làng công nghệ thế giới trong năm 2018.
-
Facebook và hàng loạt bê bối
Năm 2018 có lẽ là một năm đáng quên của Facebook khi lòng tin của người dùng với mạng xã hội này đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau hàng loạt những vụ bê bối và cách xử lý của CEO Mark Zukerberg.
Trong vụ bê bối dữ liệu người dùng Cambridge Analytica, CEO Zuckerberg giữ im lặng với người dùng và truyền thông trong nhiều ngày. Lần này, ông ta chủ động thông báo với mọi người và cố gắng giải thích chuyện gì đã xảy ra. “Đây là một sự cố rất nghiêm trọng”, Zuckerberg nói. Tuy vậy việc mà Zuckerberg đã làm vẫn là một sự chủ động chậm trễ.
Từ tháng 7, Facebook liên tục gặp nhiều chỉ trích từ người dùng và truyền thông về cách quản lý một mạng xã hội quy mô lớn một cách thiếu cẩn trọng. Mất 6 nhân sự cấp cao, giá cổ phiếu giảm kỷ lục và mới đây là vụ tấn công lịch sử với 90 triệu tài khoản bị ảnh hưởng là kết quả của hiệu ứng domino đang đổ lên Facebook. Ngày 26/7 giá cổ phiếu của giảm 18%. Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau thông tin 3 triệu người dùng ở châu Âu từ bỏ Facebook xuất hiện trên mặt báo, cùng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng của công ty này.
Ngày 17/8, Alex Stamos, Giám đốc bảo mật của Facebook thôi việc để giảng dạy và nghiên cứu tại đại học Stanford. Hiện, mạng xã hội 2 tỷ người dùng vẫn chưa tìm được người thay thế vị trí giám đốc bảo mật mà Stamos để lại. Theo Facebook, thay vì xây dựng một đội ngũ an ninh chuyên biệt, công ty sẽ bố trí các kỹ sư bảo mật vào tất cả các bộ phận của hệ thống.
Mọi rắc rối vẫn chưa dừng lại với Facebook, khi gần đây nhất mạng xã hội này đã thừa nhận cho phép bên thứ 3, bao gồm các dịch vụ như Netflix hay Spotify... truy cập vào nội dung tin nhắn riêng tư của hàng triệu người dùng Facebook trên toàn cầu. Mặc dù Facebook khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các công ty này lạm dụng nội dung tin nhắn cho mục đích xấu, nhưng việc cho phép người ngoài đọc các nội dung tin nhắn riêng tư đã khiến nhiều người dùng phẫn nộ.
Có thể nói 2018 là một năm đầy sóng gió của Facebook. Bên cạnh việc làm mất đi lòng tin từ phía người dùng, Facebook cũng phải đối mặt với vấn đề nội bộ lục đục khi nhiều lời kêu gọi nhà sáng lập Mark Zuckerberg rời khỏi chiếc ghế CEO của mạng xã hội này. Tuy nhiên đáp lại lời chỉ trích nhằm vào mình, Mark Zuckerberg cho biết vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ CEO Facebook để giúp công ty vượt qua những sóng gió hiện tại.
-
Các Công ty công nghệ lớn bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Trong năm ngoái, ngành công nghệ Trung Quốc phát triển đáng kể điển hình là mảng thương mại điện tử và game. Cụ thể, tập đoàn Alibaba và Tencent đều thông báo tăng gấp đôi doanh thu, đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ đám mây nhằm cải thiện dịch vụ.
Theo New York Times, kinh tế Trung Quốc, đứng thứ 2 sau Mỹ đang có dấu hiệu chững lại và thị trường công nghệ Trung Quốc đang dần đi xuống. Chiến tranh thương mại với Mỹ khiến nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu chịu ảnh hưởng. Số lượng người tham gia tuyển dụng vào ngành này giảm hẳn.
Theo CNBC, bộ ba ông lớn công nghệ tại Trung Quốc Alibaba, Baidu và Tencent có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Tại thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư được cho là trung thành nhất lần lượt bán tháo khiến cổ phiếu của bộ ba này. Hơn nữa, cả 3 công ty mất 165 tỷ USD giá trị thị trường từ đầu năm đến nay vì nhiều lý do riêng
Một sự việc gây chấn động trong năm 2018 là Mỹ buộc ZTE phải tạm dừng "các hoạt động kinh doanh chính" sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp cấm các công ty của Mỹ bán các linh kiện hay cung cấp dịch vụ cho hãng điện tử Trung Quốc cho đến năm 2025.
Ở chiều ngược lại, Apple và đối tác đại diện cho phía Mỹ cũng rơi vào cảnh "lao đao" khi Tổng thống Trump đề xuất tăng mức thuế quan 10% áp dụng trên các mặt hàng thiết bị di động như iPhone và MacBook sản xuất từ Trung Quốc.
Những sự việc này hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều diễn biến căng thẳng cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2019.
-
Thị trường tiền ảo lao dốc chóng mặt
Nếu như vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, bitcoin đã đạt mức tăng tháng đến 40%, liên tục bứt phá về phía mốc 20.000 USD và gây nên một "cơn sốt toàn cầu", thì bắt đầu từ đầu năm 2018 đến nay, bitcoin đã trở lại quỹ đạo suy giảm. Giá bitcoin đã "bốc hơi" 73%, cùng với đó là khối lượng giao dịch hằng ngày sụt 56%. Tổng vốn hóa của toàn thị trường tiền ảo đã lao dốc 80%.
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, giá trị tiền ảo bitcoin liên tục sụt giảm mạnh và chỉ còn giao dịch ở mức 3.700 USD/bitcoin, sau khi “chọc thủng đáy” 4.000 USD/bitcoin trong tuần trước. Chỉ tính riêng trong tháng 11, Bitcoin đã mất hơn 30% giá trị. Mới đây nhất, giá bitcoin trong ngày giao dịch 3-12-2018 đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017, chạm mốc thấp 3.790,96 USD. Điều này đã vẽ nên một bức tranh tương phản hoàn toàn so với tình hình thị trường tiền ảo cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, vào ngày 26-11, đồng tiền ảo này cũng có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất của 14 tháng là 3.462,57 USD…
Không chỉ Bitcoin, các đồng tiền ảo khác cũng đang giảm giá mạnh. Ripple, đồng tiền ảo lớn thứ hai sau Bitcoin, cũng có thời điểm giảm 5% trong khi đồng tiền ảo lớn thứ ba Ethereum sụt trên 6%.
Lý giải nguyên nhân lao dốc của đồng bitcoin, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, có một loạt yếu tố làm đẩy nhanh tốc độ mất giá của Bitcoin, trong đó có việc giới chức Mỹ thắt chặt quản lý tiền điện tử được xem là nguyên nhân chính khiến giá tiền ảo sụt mạnh trong những tháng vừa qua. Hiện Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã công bố án phạt dân sự đầu tiên đối với một số công ty tiền ảo. Hành động này nằm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận trong ngành tiền ảo. Thậm chí Bộ Tư pháp Mỹ còn đang điều tra xem đợt tăng giá chóng mặt của bitcoin hồi năm ngoái có phải là kết quả của hành vi thao túng thị trường hay không.
Ngoài ra, do điều kiện thị trường có phần ảm đạm, cùng với việc tiền điện tử không thể trở thành một công cụ thanh toán chính thức, đã dẫn đến áp lực bán ra mạnh hơn so với hoạt động mua vào. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, đồng tiền ảo Bitcoin chưa được đưa vào giao dịch ở các ngân hàng lớn trên thế giới, do có nhiều thông tin cho rằng đồng tiền này là một công cụ kinh doanh bất hợp pháp. Mới đây trong một nghiên cứu điều tra về hoạt động giao dịch tiền ảo được đưa ra vào tháng 8-2018 cho thấy, có đến 70% các cuộc ICO (gọi vốn cho các dự án tiền ảo) là lừa đảo hoặc thất bại, khiến giới đầu tư tiền ảo mất niềm tin vào thị trường tiền ảo. Điều này cũng được phản ánh thông qua lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch tiền ào liên tục sụt giảm mạnh...
-
Huawei vượt Apple trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới
Quý 3/2018, Huawei bán ra 54 triệu chiếc smartphone, chính thức vượt Apple để lấy vị trí hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Đây là lần đầu tiên một hãng di động Trung Quốc vượt mặt Apple về doanh số smartphone.
Tín hiệu đáng mừng với Huawei là không chỉ smartphone giá rẻ, mà dòng cao cấp P20 cũng được đón nhận tốt với khoảng 7 triệu máy bán ra. Nhìn tổng thể từ đầu năm, Huawei đã bán ra được 95 triệu chiếc smartphone, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây Huawei đã hoàn thành mục tiêu bán được 200 triệu smartphone trên toàn cầu trong năm 2018, đồng thời đưa ra lời thách thức sẽ chiếm “ngôi vương” của Samsung trên thị trường smartphone trong thời gian tới. Điều này hứa hẹn một “cuộc đua” hấp dẫn giữa Huawei và Samsung trên thị trường smartphone trong năm 2019 và giới công nghệ sẽ chờ đợi xem liệu Huawei có lật đổ được Samsung hay không.
Ngoài Huawei thì các hãng smartphone Trung Quốc khác như Xiaomi, Oppo hay Lenovo... cũng có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường smartphone trong năm qua. Tuy nhiên sẽ rất khó để hãng sản xuất Trung Quốc này chen chân vào Mỹ, một trong những thị trường smartphone lớn nhất. Tăng trưởng thời gian qua của Huawei chủ yếu dựa vào thị trường châu Á, Âu.
-
Ông chủ Jack Ma của Alibaba bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu sớm
Ngày 10/09/2018, CEO Alibaba – Jack Ma tuyên bố ông sẽ nghỉ hưu để tập trung theo đuổi công việc từ thiện liên quan đến giáo dục. Jack Ma sẽ giao lại vị trí lèo lái Alibaba - gã khổng lồ Internet trị giá 420 tỷ USD Alibaba cho người khác.
Từng là 1 giáo viên dạy tiếng Anh trước khi khởi nghiệp, Ma lập ra Alibaba vào năm 1999 và đã xây dựng công ty này trở thành một trong những tập đoàn thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến hùng mạnh nhất thế giới, thay đổi hoàn toàn cách người Trung Quốc mua sắm và chi trả mọi thứ. Hành trình này cũng giúp tài sản ròng của Jack Ma vượt qua con số 40 tỷ USD, giúp ông trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ông được nhiều người Trung Quốc kính trọng, thậm chí một số người thờ ảnh ông giống như cách thờ thần tài.
Jack Ma sẽ trở thành người đầu tiên trong thế hệ doanh nhân Internet của Trung Quốc nghỉ hưu. Các công ty như Alibaba, Tencent, Baidu và JD.com đã nổi lên mạnh mẽ trong mấy năm gần đây, đủ khả năng để cạnh tranh với những ông lớn của Mỹ như Amazon và Google cả về quy mô và tham vọng. Trong giới doanh nhân Trung Quốc nghỉ hưu khi mới ngoài 50 tuổi cũng là chuyện hiếm.
Jack Ma quyết định nghỉ hưu trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ngành Internet đã lớn mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn nhưng do đó cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những cơn gió ngược như tăng trưởng giảm tốc và nợ gia tăng, cùng với cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.
-
Ông chủ Amazon – Jeff Bezos trở thành người giàu nhất trong lịch sử với khối tài sản 150 tỷ USD
Ông Jeff Bezos, nhà sáng lập đế chế thương mại điện tử Amazon.com, đã trở thành người giàu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Giá trị tài sản ròng của ông Bezos vào thời điểm ngày 16/7 đã cán mốc 150 tỷ USD, theo dữ liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index. Khối tài sản này lớn hơn 55 tỷ USD so với khối tài sản của ông Bill Gates, nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm Microsoft, người hiện giữ vị trí giàu thứ nhì thế giới.
Amazon được Jeff Bezos thành lập vào năm 1994 tại New York khi ông đang làm việc trong lĩnh vực tài chính. Theo cuốn sách “The Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon”, Bezos đã giới thiệu Amazon như một trang sách trực tuyến từ năm 1995. Amazon hiện là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Theo Business Insider, Amazon lớn hơn cả 12 nhà bán lẻ truyền thống ở Mỹ cộng lại, trong đó có Walmart, Best Buy.
Ngoài ra, công ty này cũng đang đẩy mạnh những mảng kinh doanh khác bao gồm Amazon Web Services - dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp. Trong năm 2017, dịch vụ này đã mang về 20 tỷ USD doanh thu cho công ty. Bên cạnh đó, doanh thu quảng cáo của Amazon cũng đang tăng trưởng mạnh. Kết thúc quý đầu năm 2018, doanh thu quảng cáo của Amazon đạt 2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 945 triệu USD từ quý II/2017.
-
Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei bất ngờ bị bắt giữ
Ngày 1/12/2018, bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. đã gây chấn động cả Trung Quốc. Chỉ trong vài giờ sau khi thông tin vụ bắt giữ được công bố, đã có chừng 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đề cập đến sực việc này. Vụ bắt giữ cũng làm dấy lên nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận đình chiến thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc được cho là một trong những doanh nghiệp trực tiếp phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm Chính phủ Mỹ dùng sản phẩm của công ty này vì lý do an ninh quốc gia. Những hồ sơ và bản khai tại phiên tòa đã hé lộ nhiều thông tin về cuộc sống cá nhân của CFO Huawei.
Những cáo buộc sau đó được đưa ra, cho rằng bà Meng Wanzhou đã cố tình vi phạm lệnh trừng phạt Washington áp dụng lên Iran. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối động thái của Mỹ và Canada, tạo nên căng thẳng giữa 2 cường quốc và mối đe dọa tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo thông tin từ tòa án Canada, xuất phát từ một nguồn tin năm 2013 của Reuters rằng Huawei đã dùng công ty Skycom Tech có trụ sở ở Hong Kong để thực hiện các phi vụ làm ăn với Iran bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu, Mỹ đã mở một cuộc điều tra Huawei. Huawei ban đầu phủ nhận vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào.
Bà Meng hiện đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bị chứng minh là có tội, bà có thể bị tù tới 30 năm.
-
Apple trở thành hãng công nghệ đạt giá trị nghìn tỷ USD đầu tiên trong lịch sử
Apple đã trở thành công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới có mức vốn hóa đạt 1.000 tỷ đô la Mỹ. Cột mốc này đã đánh dấu thành quả tài chính của công nghệ thời thượng mà hãng này tung ra giúp định hình xã hội kể từ khi Steve Jobs đồng sáng lập hãng công nghệ này cách nay 42 năm. Đỉnh cao mới mà Apple đạt được hôm thứ Năm ngày 2/8 là không thể tưởng tượng được khi mà vào năm 1997 hãng này bị chao đảo bên bờ vực phá sản với giá cổ phiếu chưa tới 1 đô la.
Apple đã trở thành hãng công nghệ nghìn tỷ USD đầu tiên của Mỹ và trên toàn thế giới, là công ty thứ 2 trong lịch sử đạt được con số này. Trước đó công ty đầu tiên trong lịch sử đạt được cột mốc quan trọng này là PetroChina, khi công ty dầu khí của Trung Quốc này đã vượt mốc giá trị nghìn tỷ USD vào tháng 11/2007, tuy nhiên PetroChina đã không giữ được cột mốc này được lâu.
Tuy nhiên mọi chuyện không hoàn toàn suôn sẻ với Apple trong năm 2018. Sau khi ra mắt bộ 3 iPhone mới, bao gồm iPhone XS, XS Max và XR, với mức giá được đẩy lên cao một cách đáng kể, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy doanh số của iPhone không còn cao như kỳ vọng của Apple. Bản thân Apple cũng có những động thái cho thấy doanh số của iPhone đang bị sụt giảm, bao gồm việc trợ giá khi nâng cấp iPhone, ngừng cung cấp thông tin về doanh số iPhone tại báo cáo doanh thu hàng tháng... điều này đã khiến cho cổ phiếu Apple sụt giảm mạnh xuống dưới mức giá trị nghìn tỷ USD.
Không chỉ mất đi cột mốc giá trị thị trường nghìn tỷ USD, hiện tại Apple cũng mất đi danh hiệu công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, khi bị Microsoft vượt qua và chiếm lấy vị trí này, đẩy Apple xuống vị trí thứ 2 và khoảng cách giữa hai công ty đang ngày càng được nới rộng. Bước sang năm 2019, chắc hẳn Apple sẽ phải đau đầu để tìm giải pháp đẩy mạnh doanh số iPhone, hoặc tìm cách giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận do chiếc smartphone này mang lại.
-
Phát hiện lỗi bảo mật nghiêm trọng trên hàng tỷ máy tính và thiết bị di động
Ngày 3-1, các nhà nghiên cứu bảo mật vừa cảnh báo nguy cơ tin tặc đánh cắp các thông tin nhạy cảm từ gần như toàn bộ các thiết bị tin học sử dụng bộ vi xử lý của các tập đoàn Intel, Advanced Micro Devices (AMD) và ARM do một số lỗi bảo mật vừa được phát hiện.
Một trong những lỗi chỉ ảnh hưởng tới các thiết bị sử dụng chip của Intel, nhưng lỗi còn lại tác động tới nhiều thiết bị khác như máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng như máy chủ internet. Intell và ARM khẳng định vấn đề này không được coi là một lỗ hổng bảo mật, nhưng sẽ yêu cầu người dùng tải về một bản vá lỗi và cập nhật hệ điều hành để khắc phục. Trả lời một cuộc phỏng vấn của CNBC, Giám đốc điều hành Intel Brian Krzanich cho biết: "Điện thoại di động, máy tính cá nhân, tất cả mọi thứ đều bị tác động ít nhiều, nhưng ảnh hưởng sẽ khác nhau đối với mỗi loại sản phẩm". Các nhà nghiên cứu của Alphabet (công ty mẹ của Google), kết hợp với các nhà nghiên cứu từ nhiều nước, đã phát hiện ra hai lỗi bảo mật này.
Lỗi đầu tiên, có tên gọi là Meltdown, có ảnh hưởng tới các con chip của Intel. Các tin tặc có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật này để vượt qua các hàng rào bảo vệ phần cứng giữa các ứng dụng mà người dùng đang chạy với bộ nhớ của máy tính, từ đó đọc được nội dung của bộ nhớ máy tính và đánh cắp mật khẩu người dùng. Lỗi thứ hai, có tên gọi là Spectre, tác động tới nhiều loại vi xử lý của các hãng Intel, AMD và ARM, cho phép tin tặc đánh lừa các ứng dụng cung cấp các thông tin bí mật.
Theo các chuyên gia bảo mật, những lỗi bảo mật mới được phát hiện có liên quan tới bộ nhớ lõi trong các bộ vi xử lý x86-64 mà Intel đã sản xuất từ hơn một thập kỷ qua. Tờ The Register dẫn lời một số lập trình viên giấu tên, cho biết lỗi này cho phép người dùng các ứng dụng thông thường thấy được nội dung của một số vùng được bảo vệ trên bộ vi xử lý. Các tin tặc có thể lợi dụng lỗi bảo mật này để khai thác các thông tin bảo mật như mật khẩu, từ đó xâm nhập vào máy tính của người dùng hoặc thậm chí là toàn bộ mạng máy chủ.
-
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence hay machine intelligence) không phải là khái niệm quá mới mẻ, nhưng năm 2018 chứng kiến sự “bùng nổ” của trí tuệ nhân tạo khi tính năng này được tích hợp ngày càng nhiều vào các thiết bị công nghệ. Stephen Hawking từng lên tiếng cảnh báo rằng “Sự phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ đánh dấu chấm hết cho nhân loại”. Còn Elon Musk quan ngại sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, còn gọi là AI, sẽ trở thành mối đe dọa sự tồn vong lớn nhất mà con người phải đối mặt.
Ngày nay, AI đã đủ mạnh để tạo ra những khác biệt đáng kể trong cuộc sống nhân loại. Máy tính hiện nay có thể chơi cờ giỏi hơn con người. Kỳ thủ giỏi nhất thế giới được Garry Kasparov gọi là “Nhân mã” – một dạng tổ hợp lai giữa con người và các thuật toán. Và những tổ hợp như vậy sẽ có mặt trong tất cả các lĩnh vực, ví dụ các bác sĩ với sự trợ giúp của AI có thể chẩn đoán chính xác hơn bệnh ung thư qua hình ảnh y học; thuật toán nhận diện giọng nói tích hợp trong điện thoại thông minh sẽ mang internet tới cho hàng triệu người mù chữ ở các quốc gia đang phát triển; trợ lý kỹ thuật số sẽ là giả thuyết đầy hứa hẹn cho nghiên cứu khoa học.
Nhìn vào thực tế thì dẫu là trong ngắn hạn, không phải mọi thứ AI đem tới đều tích cực. Hãy thử hình dung về sức mạnh mà AI mang lại cho hệ thống máy móc an ninh quốc gia: năng lực kiểm soát hàng tỷ cuộc hội thoại, khả năng nhận diện một cá nhân trong đám đông chỉ bằng giọng nói hoặc ảnh chụp chân dung họ. Đây thực sự là mối đe dọa đối với sự tự do.
2018 là một năm của trí tuệ nhân tạo và không quá ngạc nhiên nếu bước sang năm 2019, công nghệ này sẽ càng được phát triển lên mức cao hơn, phổ biến hơn để người dùng trên toàn cầu có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn.