Bài tham khảo số 1

Hoàng Nhuận Cầm sinh ra ở Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà thơ của học sinh, sinh viên bởi có nhiều bài thơ viết về kỉ niệm của tuổi trẻ với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi. Bên cạnh việc làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, tham gia đóng phim.


Hoàng Nhuận Cầm có một số tập thơ nổi tiếng khác như: Xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến…Trong đó bài thơ Phương ấy trích từ tập Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến là một tác phẩm đặc sắc viết về chủ đề người lính anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.


Nhớ những ngày mưa Trường Sơn, nhớ hơn cả là những con người, những đồng đội, người mất kẻ còn. Và có ai biết vì sao ông đã khóc, có ai hiểu vì sao ông “đang ngồi uống rượu mắt rưng rưng” mới thấu hiểu vì sao những câu thơ mùa thu của ông có “lá rừng sốt rét” rơi xuống (bài Xuất ngũ).


Đừng trách thơ ông nhiều nước mắt. Nước mắt trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là tấm lòng anh, là tình người chiến sĩ có may mắn trở về khóc bè bạn đã hy sinh.


Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.


Bài thơ viết ra từ sự chắt lọc, chắt lọc không phải chỉ ở góc độ ngôn từ, mà là sự chắt lọc của tháng ngày, của sự chiêm nghiệm, của vui buồn, yêu ghét. Tuy cuộc đời cầm súng của tác giả không dài, có dăm bảy năm gì thôi nhưng đó là những năm tháng “không thể nào quên” của ông.


Hoàng Nhuận Cầm gọi đó là những mùa hoa của tuổi xuân xanh, dẫu vẫn biết đó chẳng là thứ hoa trong ngày sinh nhật, hoa trước tối tân hôn mà là những mùa hoa phượng đỏ “rơi ngút ngàn trên những hố bom đen”, là “mùa hoa bất tử trổ trên đồi” và “nở hoài trên mũ quân nhân”.


Thời gian đã cho nhà thơ có một độ lùi xa để nhìn cuộc chiến và thời gian cũng đã là nguồn nuôi dưỡng hồn thơ ông để nó lớn lên, chín thêm…


Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị.


Lớp lính sinh viên ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.


Đọc bài thơ, ta bị ám ảnh bởi về một miền đất, về một thời lửa máu hy sinh của những chiến sĩ Việt Nam:

Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói…..

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.


Một thời đạn bom dội như mưa, một thời chiến đấu anh dũng, một thời cỏ cháy hăng nồng phương ấy,….tất cả đều gợi ta nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc, một thời dù đã xa nhưng sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp hào hùng trong lòng những người lính Việt Nam, đặc biệt là thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.


Hiện nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời nhưng những dòng thơ ông viết trong tác phẩm “Phương ấy” sẽ mãi là bài ca hào hùng, bi tráng nhất về một thời chiến đấu anh dũng của dân tộc.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy