Bồ câu
Ban đầu, con người nuôi bồ câu để làm thức ăn. Chúng là một nguồn bổ sung protein cực ổn, giống như gà vậy. Chưa kể, bồ câu còn có thể huấn luyện để đưa thư. Vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên (TCN), người Hy Lạp sử dụng chim câu để chuyển kết quả thi Olympic đến các thị trấn, thành phố lân cận. Và tới thế kỷ 16, chim câu chạm đến thời cực thịnh. Người ta nuôi chúng theo sở thích, hoặc để trình diễn. Thậm chí như Hoàng đế Akbar tại Ấn Độ còn nuôi tới 10.000 con chim câu, với mục đích để... sưu tầm.
Nhìn chung, con người và bồ câu có một mối liên hệ hết sức chặt chẽ. Đó là lý do vì sao khi người châu Âu khai phá Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 đã mang theo loài chim này. Và chẳng ai ngờ rằng, chúng thích nghi rất nhanh. "Chúng đã bỏ trốn khỏi chủ nuôi - đó là cách để hình thành những đàn chim hoang tại các thành phố trên toàn thế giới" - theo Elizabeth Carlen, nhà sinh học chuyên nghiên cứu chim bồ câu tại ĐH Fordham (Mỹ).
Khi bỏ trốn thành công, số lượng chim câu tại các thành phố đã bùng nổ. Carlen cho biết, nguyên nhân vì các thành phố cung cấp một môi trường hoàn hảo như "đo ni đóng giày" cho chúng. Chúng có thể sinh tồn bằng bất kỳ thứ gì, kể cả thức ăn bỏ đi từ loài người. "Chúng ta có thể thấy bồ câu ăn được mọi thứ, từ cơm, bánh mì, thậm chí cả bánh doughnut. Chúng có khả năng sinh tồn từ thức ăn thừa của con người và nhờ vậy sống sót thành công trong các thành phố lớn" - Carlen chia sẻ thêm. Đó là chưa kể đến việc con người cũng chủ động cho chúng ăn nữa.
Số lượng: 3,5 tỷ