Israel
Israel bắt đầu tham gia câu lạc bộ hạt nhân vào những năm 1950. Thủ tướng David Ben-Gurion được cho là nung nấu phát triển quả bom nguyên tử như một biện pháp chống lại kẻ thù của Israel. Theo học thuyết quân sự, vũ khí hạt nhân của Israel sẽ được sử dụng nếu thất bại trong chiến tranh thông thường, hoặc để ngăn chặn các quốc gia thù địch phát động các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, nhằm ngăn chặn sự hủy diệt nhà nước Do Thái. Ông Shimon Peres, người sau này giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Israel, đã vun đắp mối quan hệ với Pháp, dẫn đến việc nước này đồng ý cung cấp một lò phản ứng hạt nhân nước nặng lớn và một nhà máy tái chế plutonium dưới lòng đất, biến nhiên liệu đã qua sử dụng trong lò phản ứng được xây dựng tại Dimona trên sa mạc Negev thành nguyên liệu chính cho vũ khí hạt nhân.
Cấu phần hải quân trong "bộ ba hạt nhân" Israel là một loạt tàu ngầm “Dolphin” được Đức thiết kế cho Hải quân Israel trên cơ sở tàu ngầm Type-212. Với lượng choán nước 1.840 tấn, tốc độ 20 hải lý trên 1 giờ, độ lặn sâu tối đa 350 m, thời gian lặn 50 ngày, người ta tin rằng những tàu ngầm này của Israel là phương tiện mang vũ khí hạt nhân. "Dolphin" được trang bị 10 ống phóng ngư lôi, 6 trong số đó là cỡ tiêu chuẩn 533 mm dành cho ngư lôi thông thường, 4 ống còn lại - không tiêu chuẩn, cỡ 650 mm. Tên lửa có thể là tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với tầm bắn lên đến 2.500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa hành trình Popeye Turbo SLCM do Israel sản xuất với tầm bắn lên đến 1.500 km, cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Dolphin là một phần của Flotilla-7, có trụ sở tại Haifa. Chúng đang làm nhiệm vụ trực chiến ở biển Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư, từ đó có thể bí mật thực hiện một cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Iran, hoặc một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân.
Việc thành lập bộ ba hạt nhân chứng tỏ Israel coi trọng ý tưởng răn đe hạt nhân. Nước này sẽ không sớm tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân vì sự mơ hồ về việc sở hữu vũ khí hạt nhân có lợi cho họ. Người ta không biết chắc số lượng vũ khí hạt nhân nói trên của Israel đúng hay không. Israel hiện có những lợi thế áp đảo về vũ khí thông thường, nhưng các lợi thế này ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào môi trường chiến lược khu vực. Những thay đổi chính trị có thể khiến Israel bị cô lập về mặt ngoại giao và dễ bị tấn công bằng vũ khí thông thường.