Top 10 Món ăn đặc sản nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Nam
Mỗi vùng đất trên đất nước ta đều có những giá trị văn hóa riêng, ẩm thực riêng. Với vùng đất Quảng Nam cũng vậy, khi đến đây du khách sẽ được thưởng thức ... xem thêm...những món ăn ngon mang đậm những hương vị rất riêng và đặc biệt. Thực khách nào đến với Quảng Nam cũng đều trầm trồ khen ngợi và nhớ mãi về hương vị đặc trưng mà chỉ có ở Quảng.
-
Mỳ Quảng
Mỳ Quảng là một trong những món ăn đặc trưng và phổ biến nhất ở Quảng Nam. Đến đây bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán mỳ Quảng trải dài trên các Quốc lộ 1A và mọi ngóc ngách. Mỳ Quảng được làm từ bánh tráng ướt thái sợi. Điều đặc biệt làm cho bát mỳ trở nên đậm đà đó chính là nước lèo. Nước lèo gồm các nguyên liệu như: tôm tươi, thịt heo, thịt gà, cá lóc,...
Bên cạnh đó còn có các nguyên liệu ăn kèm như bánh tráng nướng, rau sống, ớt xanh, vài lát chanh, đậu phộng rang và chén nước mắm cay nồng. Mỳ có ngon hay không cũng phụ thuộc vào các loại rau trong rau sống. Để có một dĩa rau sống ngon cần phải có lá tía tô, bắp chuối thái mỏng, rau cải con,... Mỳ Quảng đã trở thành món ăn hằng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình của người Quảng.
-
Cao lầu
Cao lầu là một món ăn độc đáo được gắn liền với phố cổ Hội an. Món mỳ này có sợi màu vàng được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sự tinh túy của cao lầu chính là sợi mỳ. Sợi mỳ được người dân chế biến rất công phu. Gạo thơm ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù Lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô.
Rau sống được lấy từ làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
-
Bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc
Đại Lộc là nơi nổi tiếng với đặc sản bánh tráng cuốn. Bánh tráng Đại Lộc không những dẻo, dai, mềm mà còn rất thơm nữa. Bánh tráng được làm qua bàn tay khéo léo của người dân Đại Lộc mà chiếc bánh trở nên ngon lành và đặc sắc hơn.
Cùng với chiếc bánh tráng, phải kể đến món thịt heo ở quê Đại Lộc. Thịt heo săn chắc, ngọt lịm. Thịt heo được lấy ở phần mông của con heo vì ở đó lát thịt sẽ có cả phần nạc và mỡ xen kẽ nhau. Miếng thịt vừa luộc xong, mang ra xắt đã thơm lừng. Để làm ra dĩa rau sống ngon, ăn kèm với bánh tráng thì người Đại Lộc đã dày công sưu tầm các loại rau được trồng trong vườn nhà như rau thơm, diếp cá, xà lách, giá cùng vài lát xoài chua chua và dưa leo. Chén nước mắm nêm cũng được pha rất mặn mòi, không cay xé miệng, chỉ the the cùng vị ngọt dịu, chút chanh chua chua khiến vị ngon trở nên hoàn hảo.
-
Bê thui Cầu Mống ở Điện Bàn
Những ai có dịp đi ngang qua vùng đất Quảng Nam thì bạn hãy ghé vào làng bê thui Cầu Mống để thưởng thức món ăn đặc sản này. Món ngon hay không chính là ở nguyên liệu. Bê được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão. Thịt bê thui xong phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói.
Thật khó kìm lòng, trải miếng bánh tráng ra, đặt lên đó vài lát thịt bê, cuốn chung với rau, chấm vào chén mắm cái, cắn thêm một miếng ớt xanh rồi nhai thật chậm, thật kỹ mới cảm nhận hết vị ngọt bùi của thịt, vị đậm đà của nước mắm, thơm nồng của rau. Chắc chắn một điều rằng, ai từng nếm thử bê thui Cầu Mống một lần cũng mê hương vị hấp dẫn đặc biệt này.
-
Gà tre đèo Le
Gà tre đèo Le được bán trên đỉnh đèo Le của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ cái tên gà tre bắt nguồn từ việc người dân ở đó nuôi gà trong ống tre. Gà tre phải 6 tháng tuổi mới làm thịt được. Việc bỏ gà vào ống tre để nuôi sẽ cho ra con gà chắc thịt, dẻo dai và thơm ngon.
Đặc biệt là khi lấy ra khỏi ống tre, con gà rất nhỏ, trọng lượng chỉ nhỉnh hơn nửa ký. Gà đèo Le thường được chế biến thành món nướng, hấp hành, luộc và rô ti. Đi kèm những món trên thường có một tô cháo nóng hổi được nấu từ nước luộc gà và bộ lòng. Gà “thành phẩm” thường được để nguyên con bày ra dĩa có kèm sẵn rau răm và một ít lá chanh xắt nhỏ.
-
Bánh tráng đập
Bánh tráng đập là một món ăn dân dã mà người con xứ Quảng nào cũng biết và yêu thích. Bởi vì nó dân dã nên được bày bán hầu hết ở khắp các vỉa hè nơi đây.Bánh tráng đập đơn giản chỉ là một cái bánh tráng nướng mỏng được phủ lên bởi một lá mì được tráng thật mỏng, phết dầu phộng khử hành, nén thật thơm vào.
Bánh tráng đập ở đây trước khi ăn phải đập nhẹ nhẹ cho lớp bánh tráng vỡ ra, kết dính vô lá mỳ, ăn giòn giòn dai dai dẻo dẻo. Thứ ăn kèm không bao giờ được thiếu là mắm nêm. Tùy mỗi chỗ mà cách pha chế mắm khác nhau nhưng công thức chung nhất vẫn là nước mắm nêm cá cơm trộn với dầu và hành phi, ớt tỏi, chanh đường.
-
Bánh tổ
Bánh tổ là một loại bánh có xuất xứ từ Quảng Nam, đây là món ăn đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương Quảng Nam đều làm bánh này. Nguyên liệu gồm có nếp và đường. Nếp phải chọn loại nếp thật tốt, phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Bột nếp và đường đem "sên" cho thật kỹ, lọc bỏ hết tạp chất rồi thêm vào chút nước gừng tươi để làm tăng hương vị. Sau đó cho bột vào chiếc khuôn đan bằng nan tre trông như rọ có đường kính chừng 10 – 15 cm, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
Bánh tổ đem hấp chín, vớt ra để nguội rồi cất vào nơi thoáng mát. Đặc trưng của bánh tổ Hội An là vừa dai vừa dẻo, hương vị đậm đà thơm ngon, có thể để được lâu mà không sợ bị ẩm mốc. Khi ăn, có người thích cứ lấy cái bánh tổ xắt ra từng miếng và ăn ngay. Nhưng cách nhiều người thích nhất là xắt miếng và chiên với dầu phụng (dầu đậu phộng)
-
Cơm gà phố Hội
Nói đến những đặc sản ở Hội An, thường người ta kể ra ngay nào là cao lầu, mì quảng, bánh hoa hồng trắng, chè mè đen…, tuy nhiên sẽ thật thiếu sót nếu bạn làm một chuyến lãng du đến phố cổ mà chưa thưởng thức cơm gà – một món ăn được bán khắp các đường phố cũng như trong nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Ai đã từng được đến với Hội An một lần, được thưởng thức món cơm gà ở đây, chắc hẳn sẽ nhớ mãi hương vị của món ăn này. Ở đây có những quán cơm gà nổi tiếng từ lâu đời như cơm gà bà Buội, cơm gà cô Mận,...
Cơm gà Hội An thơm ngon với phần cơm có màu vàng nghệ bắt mắt, hạt cơm vàng óng, bóng bẩy và rời hạt nhưng không khô mà vẫn mềm và ngon. Còn gà thì giòn dai, vàng nghệ đẹp mắt, được xé phay rồi trộn với hành tây, rau răm và gia vị tạo nên hương vị đậm đà, cay cay.
-
Bánh canh Hội An
Bánh canh là món ăn quá quen thuộc với chúng ta. Bạn sẽ thường thấy món ăn này tại các tỉnh miền Trung. Thế nhưng khi ăn bánh canh tại Hội An, bạn sẽ cảm nhận được những tô bánh canh nơi đây mang hương vị rất khác. Đó cũng là lý do món ăn dân dã này lại nổi tiếng ở Hội An đến vậy.
Bánh canh cũng là một trong những món ăn đặc sản mà bất cứ du khách nào đến với Hội An cũng phải nếm thử. Vẫn là những sợi bột lọc trắng, xương và chả cá, thêm một múi quật, gói cả tình quê vào đó, khiến thực khách đặc biệt thích thú.
Vẫn tô nước xương, hương quật chấm cùng bánh mì - những ổ bánh mì nhỏ xíu - được nướng lò than củi, không giống với một loại nước súp nào đã từng dùng.
-
Đậu hũ (Tàu phớ)
Thật thiếu xót nếu đến Hội An mà không thử món Đậu Hũ, hay còn gọi là Tàu Phớ sẽ thấy tiếc cả một đời. Đậu hũ (Tàu Phớ) là một món ngọt dân dã phổ biến ở Hội An. Tuy đậu hũ chỉ là món ăn thông thường làm bằng đậu nành, nhưng để làm được nó là cả một quá trình chế tác không đơn giản và đòi hỏi phải có kinh nghiệm “gia truyền” mới có thể làm được. Để làm đậu hũ, người ta dùng đậu nành bóc sạch vỏ, ngâm nước, đem xay nát rồi cho vào một tấm vải, bòng (lọc) lấy tinh chất của đậu, sau đó cho vào nồi nấu pha thêm thạch cao cho sữa đậu dễ đông.
Trước khi pha vào sữa đậu, người ta phải cho thạch vào nồi nung nóng, sau đó đem nghiền nát thành bột. Công đoạn này đòi hỏi kinh nghiệm nhiều nhất vì nếu như pha nước, pha thạch không đúng tỷ lệ và không quen tay thì sữa đậu sẽ không đóng mà bị vữa. Đậu hủ đúng điệu cũng nhờ một phần không nhỏ của nước đường, vì vậy đòi hỏi người làm đậu phải chọn mua đường theo kinh nghiệm và phải biết cách thắng nước đường sao cho vừa độ keo, ngọt lịm mà không khét. Để nước đường tăng phần đặc sắc người ta giã nhỏ một ít gừng cho vào, làm cho nước đường có vị ngọt cay mặn nồng khó quên “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” và làm cho chén đậu hủ cũng tăng phần ý vị.
Hũ đựng đậu thường được làm bằng hũ sành giản dị, chung quanh quấn một lớp rơm rạ để giữ cho êm hủ đậu và giữ độ nóng cho đậu bên trong, bên nài co một giỏ tre bảo vệ và để tiện cho việc vận chuyển gánh đi.