Top 10 Món bánh bạn nên thử ít nhất một lần khi đến Huế
Tới bất cứ đâu ở Huế, bạn sẽ bắt gặp những gánh hàng rong của các cô, các mẹ bán những món bánh đặc trưng của nơi đây. Các món bánh của người Huế không quá cầu ... xem thêm...kỳ về mặt nguyên liệu, song qua bàn tay khéo léo của những người dân nơi đây đã tạo nên hương vị đặc sắc, khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
-
Bánh bột lọc là loại bánh có màu trắng trong suốt lộ rõ nhân bánh bên trong tạo ra sự hấp dẫn đối với người ăn. Bánh được làm từ bột năng pha với xíu nước, đi kèm tôm trộn với thịt hoặc thịt với mộc nhĩ. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy.
Người ăn sẽ cảm thấy cái dai ngon của vỏ bánh kèm hương thơm vị tôm và thịt với vị giòn sật của mộc nhĩ. Chấm bánh cùng với nước chấm chua cay ngọt của đường, tỏi, chanh và ớt tạo nên hương vị đậm đà, đặc trưng của bánh, khiến người ăn ăn mãi không thôi.
-
Bánh bèo chén Huế tuy dân dã nhưng lại ngon vô cùng, đó là sự tinh túy của ẩm thực Việt Nam và cách làm bánh bèo chén ngon cũng không hề khó như bạn nghĩ. Bánh bèo Huế được làm từ bột gạo pha chút bột năng, thêm chút hành lá phi với dầu ăn và tôm chấy. Bánh thường được trình bày trong từng chén nhỏ, đặt trên một chiếc mẹt lớn.
Khi thưởng thức, thực khách nên dùng thìa chan nước chấm có pha với chút đường, ớt, tỏi lên bánh rồi xúc bánh ăn để cảm nhận trọn hương vị bánh. Như vậy, bạn sẽ cảm nhận được cái dẻo dai của bột cộng thêm vị thơm, béo, giòn của các nguyên liệu và hiểu được tại sao bánh bèo chén lại là món quà vặt được ưa chuộng nhất xứ Huế.
-
Trong số những món bánh đặc sản ở Huế thì bánh ép có vẻ được ít người biết đến hơn. Đây là một món ăn bình dị và quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh sinh viên ở Huế. Bánh ép khá giống với món bánh tráng nướng của Đà Lạt thế nhưng chúng lại có hương vị hoàn toàn khác biệt đó!
Phần vỏ của bánh ép được làm từ bột lọc còn ướt, chưa qua sơ chế sau đó ép chung cùng với trứng và các loại nhân thịt, pate, xúc xích… Sở dĩ gọi là bánh ép là bởi bột bánh sẽ được ép chặt trong một sắt sao cho chúng mỏng dính và có độ giòn, dai, mềm nhất định. Thưởng thức bánh ép đúng chuẩn vị là phải cuốn cùng với dưa leo hoặc ít đồ chua sau đó chấm cùng nước mắm cay xè hoặc mắm nêm thơm lừng.
-
Bánh nậm là một loại bánh và là món ẩm thực truyền thống đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh bột lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo được phết mỏng trên lá chuối, rải lên trên là lớp nhân vàng gạch thơm lừng của thịt heo trộn với tôm bằm cùng chút hành lá, vừa ngon vừa có tính chất lành.
Bánh ăn ngon nhất khi ăn kèm với nước mắm ngọt, cũng có thể ăn kèm với chả tôm nữa, càng thêm vị vừa đậm đà vừa không bị ngấy khi ăn bánh. Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một.
-
Như một sự giao thoa giữa ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian, bánh cuốn tôm chua là món ăn không chỉ ngon mà còn thể hiện rất rõ nét đặc trưng của ẩm thực xứ Huế: nhỏ nhắn, cầu kỳ và đầy triết lý.
Bánh cuốn tôm chua là một món ăn ngon nhưng lại không được nhiều người trẻ biết đến. Nguyên liệu để làm món này cũng rất đơn giản và dễ tìm, gom gồm tôm chua, thịt lộc, rau sống. Tôm chua là đặc sản của xứ Huế, là linh hồn của món ăn này. Phải lựa chọn được loại tôm chua tươi ngon, chuẩn vị và bát nước chấm thần thánh thì món ăn này sẽ nâng lên một tầm cao mới. Đây là món ăn tuổi thơ mỗi chiều tan học về của nhiều trang lứa nhưng ngày nay chỉ còn ít người bán món bánh này. Nếu có dịp đến Huế bạn hãy thử tìm và thưởng thức nhé.
-
Bánh khoái khá giống bánh xèo của miền Nam nhưng cách đổ bánh của người xứ Huế thì có một chút khác. Bột bánh được pha thêm đường thắng để có màu vàng bắt mắt, nhân bánh ngoài tôm và giá còn có cả một miếng chả và trứng cút nữa.
Đặc biệt bánh khoái Huế ngon là nhờ ăn kèm với rau sống, cải con, rau thơm, khế, chuối chát, vả,… và nước chấm đặc trưng là nước lèo chế biến từ tương, đậu nành, gan, bột và gia vị vừa đủ tạo thành một thứ súp sền sệt có mùi thơm hấp dẫn. Vào những ngày mưa ở xứ Huế mà thưởng thức một đĩa bánh khoái này thì không còn gì “khoái” bằng.
-
Bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê) có ở nhiều nơi nhưng tại Huế món này lại mang một hương vị rất riêng. Nếu như ở miền Bắc, bánh hình tròn được bọc trong lớp giấy ni lông màu vàng và đỏ, miền Nam là cặp bánh vuông hoặc tròn, còn tại Huế bánh lại được đặt trong chiếc hộp bằng lá dừa giản dị. Nguyên liệu chính làm bánh gồm bột lọc, đậu xanh và dừa.
Để làm bánh phu thê, người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn, sau khi chế biến bánh xong xuôi, người Huế còn cầu kỳ thêm chút nước hoa bưởi cho vị nồng nàn. Làm bánh là công đoạn cần sự khéo léo để làm sao cho vừa tới chín, bột vẫn trong và ẩn hiện được lớp nhân màu vàng, không bị nhão nước. Người ta đổ một lớp bột vào khuôn, lắc nhẹ rồi phủ một lớp dừa, đậu xanh, trên cùng lại một lớp bột rồi đem hấp. Sau khi bánh chín mới đậy khuôn bằng lá dừa lên trên để đảm bảo màu xanh vẫn được giữ nguyên vẹn. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị sần sật, ngậy bùi của những sợi dừa, thanh mát, thơm ngọt của đậu xanh và đường cùng hương thơm dịu nhẹ của bánh. Nhất định bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị này đâu.
-
Bánh ướt Huế khá giống với món bánh cuốn ở ngoài Bắc. Nguyên liệu chính của phần vỏ bánh ướt được làm từ bột gạo và bột năng, nhiều nơi còn cho thêm bột khoai mì để tăng thêm hương vị cho món ăn. Bánh ướt được tráng mỏng gần giống như bánh cuốn nhưng chúng không bị rách, khi ăn có thể cuốn lại, độ mềm vừa phải mà lại không bị dai. Bánh ướt càng mỏng càng ngon và càng thể hiện được độ khéo léo của người làm.
Bánh ướt thường được ăn kèm cùng với chả, giò hay thịt heo quay giòn bì. Thưởng thức bánh ướt bạn sẽ thấy hội tụ đủ 5 vị: vị cay của ớt, tỏi, vị chua của nước mắm chua ngọt, vị đắng của hoa chuối ăn kèm, vị mặn của nước mắm và vị ngọt của thịt, chả... -
Bánh ram ít được làm từ bột nếp với nhân bên trong là tôm và thịt cùng chút gia vị. Bánh có hai phần được ghép với nhau bởi bánh ít phía trên và đế ram phía dưới. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ trắng bóc bằng quả táo bên trong là một con tôm khô, chỉ cần thử cắn một miếng thôi là bạn sẽ cảm nhận ngay được vị dẻo của bột nếp bánh ít và cái giòn rụm của đế ram cùng với vị cay nồng mà ngọt nhẹ của nước chấm.
Bánh ram ít là sự kết hợp tinh tế và khéo léo giữa hai thứ tưởng chừng như đối lập nhưng lại đem lại cảm giác lạ và ngon miệng cho thực khách khi ăn.
-
Bánh in còn gọi là bánh cộ, bánh ngũ sắc, từng là loại bánh được dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Bánh được đúc từ những chiếc khuôn bằng gỗ nên có tên gọi là bánh in. Để có được một chiếc bánh rất kì công phải trải qua đến 10 công đoạn.
Việc lựa chọn nguyên liệu được coi là yếu tố quan trọng nhất để tạo thành chiếc bánh ngon, đậu xanh làm bánh phải là loại đậu thưởng hạng thì khi làm ra thành phẩm mới có mùi thơm hấp dẫn. Bánh có thể được làm từ nhiều loại bột khác nhau như bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, bột đậu quyên, bột đậu ván, bánh hạt sen trần… Nhưng loại bánh xưa nhất và phổ biến nhất là bánh ngũ sắc đậu xanh có in hình chữ Thọ.