Bài văn phân tích bài thơ "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến số 9
Ai đã từng đón bạn đến chơi bất chợt vào lúc nhà không có sẵn một thức gì để đãi bạn thì hẳn là rất bối rối. Nhà thơ Trung Quốc Đỗ Phủ vào lúc ông sống ở ngoại thành Thành Đô bên bờ suối Cán Khê, lúc này ông già yếu lắm, bỗng có khách quý đến chơi nhà mà nhà không có gì, trong bài thơ Khách đến, ông đã mời khách ngắm hoa: Không hiếm đồng nội không thức nhắm Thừa hứng xin mời khách ngắm hoa Trong một bài khác, bài Khách đến (Khách chí), ông lại viết:
Cơm nước chợ xa không đủ món
Rượu mời mà ngặt chí thứ ôi
Nếu chịu uống cùng ông hàng xóm
Cách nào xin gọi cạn chén vui.
Xem thế đủ thấy tuy Đồ Phủ nhà nghèo, đau yếu mà tấm lòng đãi khách chân thành rất mực. Tuy vậy, ông cũng còn đem rượu mời, dù là thứ rượu năm cũ còn lại, còn có vườn hoa mời ngắm chơi. Tình huống bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến xem ra còn khó khăn hơn nhiều. Xin chú ý đây là “bạn” đến chơi nhà chứ không phải là “khách”. Khách thì thường phải khách khí đôi chút, không như bạn. Bạn là những người thích chơi với nhau, thông cảm nhau, giúp đỡ nhau, kính trọng nhau, nhưng cũng xuề xòa với nhau.
Có thứ bạn ngày nào ta cũng gặp, lại có thứ bạn vì hoàn cảnh lâu lắm mới thấy đến nhà. Người bạn ở đây thuộc loại sau, đặc biệt đến chơi khi nhà thơ không còn làm quan nữa.
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà, “Đã bấy lâu nay” là một khoảng thời gian dài mà khi nói hẳn nhà thơ đã tính đến lần đến trước. “Bác” là cách xưng hô vừa thân thiết, vừa trân trọng, chẳng hạn: “Bác già tôi cũng già rồi. Biết thôi, thôi thế, thì thôi mới là. Đường đi lại tuổi già thêm nhác.
Trước ba năm gặp bác một lần...” (Khóc Dương Khuê). Câu thơ ở đây nghe như một lời chào, một tiếng reo vui. Nhưng cái thời điểm bạn đến chơi lúc này mới oái ăm làm sao!
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Câu thơ báo hiệu tình huống khó xử, nhưng cũng thể hiện tấm lòng đối với bạn: bạn lâu mới đến thăm thì việc đầu tiên là chuyện thết bạn thật nhiều, thật ngon. Bốn câu thơ tiếp theo, câu nào cũng nghĩ đến cái thứ có thể tiếp bạn mà không được, gần như một cuộc tổng duyệt các thứ sản vật có trong nhà:
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp dương hoa.
Cái thú của mấy câu thơ này là tỏ cái gì cũng có mà không có gì, không có gì mà cũng có. Có gà, có cá, có cải, có cà, có bầu, có mướp, có ao, có vườn, có thể nói là cũng phong lưu, khá giả đấy chứ! Có người nhận xét các thứ ấy có gợi lên một không khí điền viên, quê kiểng rất thân thiết, đầm ấm. Nhưng có mà chẳng có gì, bởi vì không đúng lúc, đúng thời vụ. Đến cả miếng trầu là đầu câu chuyện mà nhà thơ cũng không có. Cái này thì tác giả thừa nhận là không có, kể cũng lạ:
Đầu trò tiếp khách, trầu không có. Cái sự “không có” của tác giả đến đây là cao trào, ơ làng quê, cây cau, dây trầu, miếng vôi làm sao không có, huống nữa, lại là đôi với một ông “đi đâu cũng giở những cối cùng chày” như Nguyễn Khuyến, thì làm sao mà không có được? Nhưng tất cả cái sự không ấy được cường điệu lên cực đại để nói lên cái thứ luôn có sẵn để dành cho bạn - ấy là tấm lòng:
Bác đến chơi đây, ta với ta! “Ta với ta” hiểu nhau, “ta với ta” quý nhau, “ta với ta” là tất cả! Phải chăng ở đây có sự tác động của nguyên tắc hữu cơ vô tương tác: đẩy cái “vô” (không) cho đến tận cùng để “hữu” (có) hiện lên với tất cả sức nặng? Phải nói rằng khi đẩy cái “vô” lên tận cùng thì bài thơ đã ở vào thế chông chênh. Cái gì cũng không có thì lấy gì để tỏ tình bạn? Câu kết bất ngờ đã cân lại tất cả, lặp lại thế cân bằng.
Câu kết vì vậy có một sức nặng tình cảm rất lớn. Bài thơ tự nhiên làm ta liên tưởng tới bài thơ Ngắm trăng trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh sau này:
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Nhà thơ Hồ Chí Minh cũng gặp một cảnh tương tự: bạn trăng đã đến, nhưng “Trong tù không rượu cũng không hoa”, biết làm sao đây? Giải pháp cuối cùng là tấm lòng đối với tấm lòng: người ngắm trăng, trăng ngắm người, vượt lên mọi thiếu thốn. Thế mới biết giải pháp của Nguyễn Khuyến cũng là giải pháp muôn thuở của con người. Ví dụ mâm cơm thịt cá ê hề, mà tình cảm lạnh nhạt, tiếp đón chiếu lệ, thì phỏng còn có thú vị gì?
Trong bài thơ này, nói là chẳng có gì, nhưng tấm lòng muốn đãi bạn tất cả đã hiện lên rất rõ. Nhưng đây là một bài thơ đùa vui, người đọc chớ quá thật thà, nghĩ rằng nhà thơ để bạn ngồi nói chuyện suông rồi tiễn bạn ra về. Cũng đừng tưởng rằng nhà thơ Nguyễn Khuyến rất giàu có.
Rất có thể bài thơ là lời đùa vui, một chút cường điệu duyên dáng trước bữa cơm không được thịnh soạn như ý, cũng có thể là cách để nhà thơ bộc bạch tấm lòng thành. Còn lại một điều lạ là trong các thứ được nghĩ đến để mời bạn ở đây lại không thấy có rượu, một thứ mà từ Đỗ Phủ đến Hồ Chí Minh, và cả Nguyễn Khuyến trong các trường hợp khác không thể không nhắc đến “Rượu ngon không có bạn hiền, Không mua không phải không tiền không mua!” (Khóc Dương Khuê),
“Rượu tiếng rằng hay...” (Thu ẩm). Nhưng ai cũng biết, một bài thơ tám câu không phải cái gì cũng nói hết được, và chúng ta, những người đọc, không phải cái gì cũng hiểu hết được. Biết đâu trong mâm, rượu đã sẵn rồi! Đặc sắc của bài thơ diễn đạt như lời nói thường, lời khẩu ngữ: “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà. Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa... Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa... Bác đến chơi đây, ta với ta”.
Lời thơ tự nhiên, tưởng chừng như không có chút dụng công nào. Đặc sắc thứ hai là tạo một thế chênh vênh, sáu câu nói tới cái không có, để rồi dùng hai câu kết bất ngờ cân bằng lại tất cả, biến những câu thơ về cái không có trở thành có nghĩa, không quan trọng, và đề cao cái “ta với ta” ấm áp, thân tình.