Top 10 Món ăn đặc sắc nhất của người dân tộc Ê Đê
Ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê rất đa dạng, phong phú và cầu kỳ cả trong lựa chọn nguyên liệu, cách thức chế biến lẫn trong cách thưởng thức, ... xem thêm...mang đậm phong vị núi rừng. Ẩm thực Ê Đê là một phần của văn hóa Tây Nguyên và trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Hãy cùng Toplist tìm hiểu về các món ăn của đồng bào dân tộc Ê Đê thưởng thức một lần ấn tượng nhớ mãi dưới đây nhé.
-
Món vếch
"Vếch" theo tiếng Ê Đê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ. Trong đoạn ruột ấy có chứa cả dịch tiêu hóa và phần cỏ vừa đi qua khỏi phần dạ dày của con vật. Đối với người Ê Đê, vếch của các loài động vật ăn cỏ như: thỏ, dê, nai, hoẵng săn bắt được trong rừng hay trâu, bò chăn thả trong rừng thường được ưa chuộng nhất bởi chúng chỉ ăn cỏ và lá cây rừng nên ruột rất sạch.
Món vếch đặc sản của người Ê Đê. Mỗi khi có lễ hội quan trọng hay dịp đặc biệt, những gia đình, dòng tộc giàu có người Ê Đê thường mổ thịt trâu, bò để cúng các thần và thiết đãi buôn làng. Khi đó, họ thường lấy vếch để chế biến món ăn dành riêng cho những người có vai vế trong gia đình hoặc những người quan trọng trong lễ cúng.
Cách nấu vếch khá công phu. Công đoạn giết bò, mổ lấy vếch được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc, tẩm ướp gia vị. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi, thịt bạc nhạc, mép bò… được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ vếch và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng, hạt cây rừng để làm đậm đà thêm hương vị món ăn…
Ngày nay, món vếch vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người Ê Đê , dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
-
Canh cà đắng nấu cá khô
Cây cà đắng là một loại cây mọc dại, có quả lớn hơn quả cà pháo. Người Ê Đê thường sử dụng cà này để làm thực phẩm hàng ngày, tạo thành các món ngon như cà đắng xào, cà đắng om ếch, cà đắng kho, canh cà đắng... Trong đó, nổi tiếng là món canh cà đắng nấu cá khô.
Để làm món canh cà đắng đặc biệt này họ sẽ sử dụng đầu cá trích phơi khô, sau đó đem giã nát, thêm vào hành và tỏi, rồi đem nấu với nước sôi, tạo cho canh độ ngọt và hương vị thơm ngon, sau cùng họ sẽ bỏ cà đắng vào rồi cho thêm rau, nước vo gạo tạo độ sệt cho món ăn. Người Ê Đê thường dùng món ăn này cùng với cơm, do có thói quen ăn bốc nên họ thường nấu món này hơi sền sệt để cùng ăn với cơm họ thường vắt thằng từng nắm cùng với cà và ăn, vị đắng và cay làm món ăn thêm ngon hơn, và trái cà đắng cũng là một loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng.
Theo người Ê Đê, cà đắng không ăn sống như cà pháo mà chỉ ăn chín. Có thể mua nhiều về cắt miếng phơi khô, treo giàn bếp dùng dần; trước khi nấu đem ngâm nước chừng 5 – 10 phút, cà mềm và vị đắng vẫn không mất đi.
-
Lẩu lá rừng Tây Nguyên
Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Đó không chỉ là hương vị mà thiên nhiên dành tặng cho con người mà còn là hương vị của quê hương, xứ sở thông qua món đặc sản của đồng bào Tây Nguyên - Lẩu lá rừng.
Đặc sản này chỉ dùng để đãi khách ở Tây Nguyên, dân tộc Ê Đê thường tốn rất nhiều công sức để hái các loại lá nằm sâu trong rừng, muốn lẩu lá ngon thì phải kiếm được nhiều loại lá; món này là món cứu đói cho đồng bào dân tộc lúc mất mùa đói kém, tất cả các loại lá được nấu với thịt heo rừng, ớt, các loại gia vị khác tạo thành hương thơm quyến rũ.
Món lẩu lá rừng được người dân ưa chuộng vì dễ chế biến và chứa đựng những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng.
Lẩu lá rừng, sở dĩ có tên gọi như vậy bởi các loại lá được dùng để chế biến lẩu phần lớn là các loại lá được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Các loại lá rừng để nấu lẩu có thể kể đến như: lộc vừng ăn chát nhưng điều vị tốt, lá đinh lăng có tác dụng hoạt huyết, dai sức, sâm đất thì mát, giải nhiệt rất tốt, lá kim căng thì giúp ăn ngon ngủ tốt. Ngoài ra còn rất nhiều lá khác như: Lá Nhíp rừng hồng ngọc, diếp cá, rau sướng, mã đề, quế, húng, thuyền đất… cũng có nhiều tác dụng như giải độc, cân bằng cơ thể. Khi bạn dùng thử món ăn này bạn sẽ cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của các loại rau rừng đặc trưng nơi đây và không dễ gì tìm được ở các khu vực khác.
-
Măng nướng xào vếch bò
Vếch hay còn gọi là phần ruột non lòng của bò, kết hợp với măng rừng nướng nên đối với một số người lần đầu nếm thử thì món ăn này có thể chưa quen nên hơi khó ăn. Tuy nhiên, với đồng bào người Ê Đê, cái nồng nàn, hơi đăng đắng, bùi bùi, béo, dai của vếch bò cùng với vị cay của ớt xanh, vị thơm, hơi the của măng, pha trộn với các loại ra gia vị lại là điểm nhấn của món ăn, làm cho món ăn ngon hơn và đặc biệt hơn gấp nhiều lần.
Theo phong tục của người dân ở đây, thì trước đây món măng nướng xào vếch bò là món ăn chỉ được nấu để dâng Yàng trong những lễ hội trọng đại của buôn làng. Sau lễ cúng giàng làng mới cho phép bà con trong buôn làng chia ra các mâm để mọi người cùng thưởng thức.
Nếu ăn thử món này, đầu tiên bạn sẽ cảm thấy được vị hơi đắng đắng ở đầu lưỡi của vếch bò, sau đó là vị ngọt của thanh thanh của măng rừng, cộng với một ít vị cay của ớt, của hạt tiêu và mùi thơm của các loại lá cây gia vị khác tạo ra thứ hương vị thiên nhiên hoang dã của vùng đất Tây Nguyên. Tất cả hòa quyện, đồng điệu lại với nhau tạo nên một mùi vị đặc trưng không giống như măng chua hay các loại măng khác, mà khi đã một lần thưởng thức thì bạn phải thốt lên rằng “nó quá đặc biệt”.
Để thưởng thức được đúng chuẩn vị độc đáo của món măng xào vếch bò, người dân ở đây phải đợi đến mùa mưa, mùa mưa ở vùng đất này thường bắt đầu vào từ khoảng tháng 05 đến hết tháng 11. Khi mà măng rừng mọc mới, non tươi thì mới có thể hái và chế biến, chứ không thể dùng măng đã muối ở chợ để nấu, vì như vậy sẽ làm mất mùi vị tự nhiên của món ăn. Để chế biến món vếch bò xào măng, cần phải có: măng rừng tươi, vếch bò (vếch chính là phần ruột non của con bò, thêm một ít da bò và bao tử bò), ớt xanh mọc tự nhiên ở rẫy, hành, lá é, bột nêm, mỳ chính...
Đầu tiên, những cây măng vừa hái về còn tươi nguyên vỏ bên ngoài được nướng trên bếp lửa đang cháy to lửa để nướng, cho đến khi lớp vỏ ngoài cháy hết. Khi lớp ngoài đã cháy hết, người nấu sẽ tắt lửa, khơi than để tiếp tục nướng cho phần măng bên trong chín từ từ. Măng nướng chín được để nguội và bóc sạch lớp vỏ ngoài ra rồi rửa sạch bằng nước được gùi từ bến nước của buôn làng (bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh). Sau đó măng cắt thành miếng nhỏ và mỏng vừa phải.
Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, cho dầu ăn vào chảo, giã nát vài ba củ hành cùng ớt xanh rồi cho vào phi thơm. Khi các gia vị bắt đầu vàng thì cho măng vào xào, thêm chút gia vị bột nêm, mỳ chính, muối vào đảo đều tay. Măng được xào cho đến khi thấm hết các gia vị thì người nấu mới bắt đầu cho vếch bò, da bò và bao tử bò vào xào chung với măng. Trong khi nấu, phải đảo thật đều tay, lửa vừa phải không cho vếch bị khô và dính vào đáy chảo.
Khi chín mùi thơm sẽ lan tỏa khắp căn bếp. Khi món măng nướng xào vếch bò vừa chín thì cho thêm một ít lá hành tươi đảo đều rồi bắc chảo xuống. Món ăn sau khi múc ra đĩa thì tô điểm thêm vài cọng rau é lên trên. Thưởng thức món măng nướng xào vếch bò bạn sẽ có thể chảy cả nước mắt vì vị cay của ớt nhưng không thể nào có thể ngừng tay, bởi mùi vị hấp dẫn độc đáo của nó cộng thêm nồi cơm lúa mới dẻo thơm sẽ làm bạn xuýt xoa đến miếng cuối cùng.
-
Món đu đủ giã chua cay
Đây là một món ăn đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm nhưng rất hấp dẫn và khá nổi tiếng của người Ê Đê. Từ các nguyên liệu mọc hoang dại trên đồi núi hoặc vườn nhà, người Ê Đê chế biến thành nhiều món ăn độc lạ, ngon miệng. Bên cạnh cà đắng, đu đủ cũng là nguyên liệu phổ biến và có mặt trong nhiều món ăn ngon của người Ê Đê. Món đu đủ giã chua cay tựa như một món gỏi, được người Ê Đê từ già đến trẻ đều ưa thích.
Đu đủ phải chọn quả vừa chớm chín, hơi ửng ngả màu vàng nhưng còn cứng là ngon nhất. Quả sẽ ít mủ và khi chế biến có vị ngọt ngon. Ngoài đu đủ là nguyên liệu chính, muối ớt không thể thiếu; các nguyên liệu tạo vị chua có thể là cốc, me, chanh, chanh dây, muối kiến vàng, lá giang… Rau thơm có thể dùng ngò gai, lá chanh, lá é…
Món đu đủ giã chua cay sau khi chế biến xong ăn ngay mới ngon, để lâu đu đủ bị ỉu mất đi độ giòn. Vì vậy, cách chế biến khá đơn giản và nhanh. Đu đủ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, dùng dao băm quanh quả đu đủ, rồi thái theo từng lát mỏng, sợi dài như thường cắt nguyên liệu làm gỏi, sau khi cắt xong cho vào ngâm với nước muối pha loãng trong vòng vài phút, vớt ra để thật ráo nước. Ớt xiêm xanh hoặc chín đều được, ngắt bỏ cuống cho vào cối, thêm muối và bột ngọt rồi giã nhuyễn, sau đó cho các loại rau thơm thái nhỏ vào hỗn hợp muối giã nát.
Tiếp tục, người Ê Đê cho nguyên liệu tạo độ chua vào giã, có thể chọn me hoặc chanh dây, cốc… Mùi chua và hương thơm của các nguyên liệu giã cùng muối ớt tạo mùi thơm đặc biệt. Hương vị này bay lên mũi làm kích thích các giác quan, khơi dậy cảm giác thèm ăn đến chảy cả nước miếng. Cuối cùng là công đoạn cho đu đủ vào giã, phần đu đủ đã được cắt nhỏ cho lần lượt từng nắm vào cối. Người Ê Đê dùng chày giã nhẹ, sao cho các nguyên liệu trộn đều vào nhau; lúc này, có thể nêm nếm lại chút gia vị cho vừa ăn.
Đu đủ giã chua cay trở thành món đặc sản nổi tiếng của người Ê Đê. Người Ê Đê coi món này là một phần không thể thiếu trong ẩm thực đời thường. Những lúc rảnh rỗi, gia đình tụ họp, mọi người lại xúm nhau làm món ăn vặt đu đủ giã này. Xung quanh món đu đủ giã chua chua, cay cay, cả nhà ngồi quây tròn vừa ăn, vừa hít hà và rôm rả bao chuyện đời… Cứ như thế, từ bao đời, món ăn trở thành sợi dây gắn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng Ê Đê.
-
Dế cơm rang muối
Dế cơm rang muối là một trong những món ăn đặc sắc nhất của người dân tộc Ê Đê. Để có được những chú dế cơm to, béo, màu nâu vàng óng…, người Ê đê thường đi bắt dế vào khoảng tháng 10 hằng năm (đầu vụ thu hoạch lúa). Để bắt được dế cần phải có “mồi nhử” là những chú kiến lửa (loại to) được bỏ đói nhiều ngày. Ông Y Keo cho hay: “Khi gặt xong ruộng lúa của gia đình, họ sẽ lần tìm những hang dế sau đó thả kiến lửa vào hang. Do kiến lửa bị bỏ đói nên vội vàng đi xuống hang để đi tìm thức ăn. Khi phát hiện ra dế cơm, kiến lửa sẽ cắn, đốt và dồn chú dế chạy ra ngoài miệng hang. Lúc này, người đi bắt dế phải nhanh tay chộp lấy chú dế bỏ vào bao”.
Dế cơm rang muối cũng là một món ăn của người Ê Đê được rất nhiều người ưa thích. Những chú dế được bắt bằng cách thủ công vào đầu vụ thu hoạch lúa sẽ được mang đi làm sạch, bỏ chân sau đó đem rang lên đến khi có màu vàng và mùi thơm tỏa ra. Tiếp đến, người ta sẽ mang dế cùng với muối, hành lá, gừng, hẹ giã nhuyễn tạo thành một hỗn hợp đặc. Món này có thể ăn không, hoặc ăn với cơm và dùng để chấm… đều được. Khi ăn có vị beo béo, mằn mặn, cay và bùi bùi rất đặc trưng.
-
Canh chua kiến vàng
Món canh chua kiến vàng cũng là món ăn hấp dẫn của người Ê Đê. Nguyên liệu đặc biệt nhất của món ăn chính là kiến vàng, kết hợp cùng tôm, cua, cá, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị… Kiến vàng chính là nguyên liệu giúp tạo vị chua đặc trưng cho món ăn.
Cách nấu canh chua kiến vàng cũng rất đơn giản, chỉ cần đặt lên bếp một nồi nước lớn rồi đun sôi và thả các loại nguyên liệu như cua, cá tôm, củ nén đập dập vào nấu trong vài phút. Tiếp đến cho thêm hoa “djam tang” và kiến vàng đã làm sạch vào là hoàn tất. Hương vị chua thanh đặc biệt từ kiến vàng khiến cho món ăn trở nên rất đặc biệt và thường được sử dụng trong những ngày oi bức.
-
Lá mì cà đắng
Nhắc đến những món ăn của người đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên người ta sẽ nhớ ngay đến hương vị đậm bản sắc riêng, độc đáo và đầy mê hoặc. Món lá mì cà đắng (lá sắn) chính là một trong những món đặc trưng khiến nhiều người nếu được ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Cách chế biến của món ăn này cũng khá đơn giản, tuy vậy nguyên liệu chuẩn bị phải thật sự tỉ mỉ. Vì không phải lá mì nào cũng có thể ăn được. Người đầu bếp phải chọn loại mì ta, có cọng màu đỏ tím, lá nhỏ và mỏng. Kết hợp cùng các nguyên liệu như: sả, ớt, củ nén, cà đắng, hoa đu đủ đực… mới có thể cho ra thành phẩm là món lá mì cà đắng hấp dẫn.
Lá mì cũng chỉ có nhiều vào mùa mưa và khá hiếm vào mùa nắng. Chúng được chọn lựa và hái trên những ngọn cao, sau đó đem rửa sạch, bỏ cuống dài, vò nát hoặc đem giã nhuyễn. Hoa đu đủ đực đem bỏ hết cọng già, sau đó đem luộc qua để bớt đi vị đắng.
Để món lá mì cà đắng thêm thơm ngon, hấp dẫn thì không thể thiếu mỡ heo hoặc cá cơm khô hay cá hấp xé nhỏ. Chỉ cần phi thơm củ nén cùng mỡ heo và cho các nguyên liệu vào xào, nêm nếm gia vị và không thể bỏ qua ớt – gia vị tạo nên đặc trưng của món ăn này. Chỉ vậy thôi chúng ta đã có thể hít hà thưởng thức hương vị đắng, cay nồng nàn không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.
Lá mì cà đắng không chỉ là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của đồng bào người Ê Đê mà còn là đặc sản vùng miền được đông đảo thực khách gần xa biết đến. Thứ đặc sản này được các nhà hàng, khách sạn tại Tây Nguyên ưu ái đưa lên đầu Menu. Lá mì cà đắng đã "níu chân" không biết bao nhiêu vị khách đến với vùng đất này.
-
Canh bột lá yao
Khi nhắc đến những món ăn truyền thống và đặc sắc nhất của dân tộc Ê Đê thì không thể không kể đến món canh bột lá yao là một trong những món ăn lâu đời, có nguồn gốc từ thời xa xưa do các cụ ông, cụ bà để lại cho thế hệ con cháu dân tộc Ê Đê. Trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, canh bột lá yao luôn là món ăn truyền thống được rất nhiều người yêu thích và thường xuyên được nấu trong các dịp đặc biệt như cưới xin, cúng bái lẫn trong các bữa ăn thường ngày.
Nghe đến cái tên canh bột lá yao thì chắc hẳn ai nghe qua cũng sẽ biết nguyên liệu chính trong món ăn đặc sắc này chính là gạo và lá yao, ngoài ra còn có khá nhiều các nguyên liệu, gia vị kết hợp khác như xương heo, thịt bò hoặc vếch, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, lõi cây chuối non, củ nén, ớt,... Lá yao là một loại lá rừng đặc biệt tại đất rừng Tây Nguyên, có vị ngọt vô cùng đặc trưng và mùi vị, hình dáng bên ngoài khá giống với lá trầu không.
Để làm món canh bột lá yao, đầu tiên người ta thường ngâm gạo thật mềm, để một lúc cho ráo nước, rồi giã chung với lá yao cho đến khi gạo nát đều mà mịn như bột, giã càng mạnh, càng đều tay thì món canh bột sẽ càng ngon. Tiếp theo, người ê đê thường hầm xương thật nhừ và xào sơ phần thịt đã được chuẩn bị sẵn, sau đó cho lõi chuối non, cà đắng khô vào nấu cùng. Khi các nguyên liệu trong canh đạt đến độ mềm và nhừ nhất định, người ta sẽ cho thêm các nguyên liệu khác như môn thục, môn nước để tăng phần thơm ngon cho món ăn. Khi các nguyên liệu gần chín tới thì mới bỏ nước chắt từ hỗn hợp bột gạo giã vào nồi và khuấy đều, nêm, nếm cho vừa ăn.
-
Gà sa lửa
Gà sa lửa hay còn được gọi là gà nướng Buôn Đôn là một món ăn dân dã vô cùng đặc sắc của dân tộc Ê Đê sinh sống tại Buôn Đôn. Đây là món ăn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, xuất phát từ cuộc sống gần gũi thường ngày của người dân Ê Đê.
Gà sa lửa là món ăn đặc sản mỗi khi đi rừng của người Ê Đê. Nổi tiếng bởi sự thơm ngon đặc trưng và cách chế biến vô cùng đơn giản, món gà sa lửa đang dần trở nên được ưa chuộng bởi nhiều người thuộc các dân tộc khác trên tỉnh thành. Nguyên liệu chính của món gà sa lửa chính là những con gà rừng mà người Ê Đê bẫy được trong lúc lên rẫy. Ngày nay, người ta đã đổi sang gà ta, gà thả vườn nhưng nó vẫn giữ được độ hương vị tươi ngon ban đầu.
Đầu tiên, gà được làm sạch, bổ dọc từ phần ức để lấy hết nội tạng ra bên ngoài và bẻ dẹt qua hai bên để ướp gia vị. Khi nướng gà, người ta thường để nguyên con. Gia vị để ướp gà gồm muối ớt giã, nước vắt sả, lá é cùng một ít mật ong. Muối ớt giã là những loại muối hạt to, được rang đều và giã nhuyễn cùng với ớt xanh rừng, lá é, rồi cho thêm ít sả. Sau khi ướp đều hai mặt gà, người ta thường để đó khoảng 15-20 phút đến khi thấm gia vị và đem đi nướng. Khi nướng xong, gà sa lửa thường được chấm với muối lá é, muối hột giã nhuyễn, ớt xanh, chanh và ăn kèm với cơm lam.