Gây nghiện
Nước ngọt là một loại thức uống thường chứa Carbon dioxide bão hòa, chất làm ngọt, chất tạo hương, chất tạo màu và hương liệu. Tiến sĩ Hans-Peter Kubis, Đại học Bangor (Anh) cho biết: Nếu uống 2 lon nước ngọt một ngày sẽ khiến ta có cảm giác thèm đường nhiều hơn. Nguyên nhân do vị ngọt kích thích đến các hệ thống trong não, làm tăng tần suất sử dụng đường. Khí Carbon dioxide trong nước uống có ga đóng vai trò như một loại axit giúp tăng cường phản ứng của cơ thể với đường, tạo ra cảm giác thèm ăn. Đây cũng chính là lý do nhiều người nghiện loại thức uống này.
Khả năng “gây nghiện” chỉ là một phần nhỏ tác hại mà nước ngọt mang đến cho người sử dụng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài công dụng tạo cảm giác sảng khoái, đỡ khát tức thời thì thức uống này không có nhiều giá trị dinh dưỡng. Thậm chí, nếu uống trong thời gian dài thức uống này có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Lượng đường có trong nước ngọt có thể gây nghiện cho chính bạn nếu uống quá nhiều. Thật khó tin nhưng đây là sự thật.
Một vài người khi được khảo sát về sở thích dùng nước ngọt, họ cho biết rằng nếu một ngày không uống đủ một lon nước ngọt thì trong người bứt rứt vô cùng khó chịu, thậm chí mất tỉnh táo và không thể tập trung vào công việc. Đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã nghiện nước ngọt. Nguyên nhân là do đường kích thích sự phóng thích dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não làm cho chúng ta cảm thấy tươi khỏe và hưng phấn. Nói nôm na, nước ngọt cũng giống như một loại ma túy nhưng tác hại không đáng kể. Tốt nhất, bạn nên tiêu thụ nước ngọt ở mức vừa phải, nếu không nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đấy!