Thuốc súng
Thuốc súng là một trong 4 phát minh vĩ đại của người Trung Hoa cổ, cụ thể là người luyện đan thuộc phái Đạo Gia, một đạo rất thịnh hành dưới thời nhà Đường. Thuốc súng chữ Hán có nghĩa là "hỏa dược". Thuốc súng gồm ba thành phần cơ bản: lưu huỳnh, kali nitrat và than củi. Hỗn hợp ba loại này cháy rất mạnh. Chính vì vậy người ta mới gọi hỗn hợp trên là "hỏa dược".
Đầu thế kỉ X, thuốc súng bắt đầu được dùng để làm vũ khí như : tên lửa, cầu lửa, pháo, đạn bay,...và cho đến thời nhà Tống thì thuốc súng không ngừng được cải tiến. Vào thế kỉ XIII, trong quá trình tấn công Trung Quốc, Mông Cổ đã học được cách làm thuốc súng và sau đó truyền sang Arập, người Arập lại truyền sang châu Âu qua con đường Tây Ban Nha.
Thuốc súng được phân loại là thuốc nổ yếu. Do đặc tính của nó, thuốc súng được dùng một cách hữu hiệu như là một loại thuốc phóng có tác dụng tạo ra lực đẩy trong nòng súng để đẩy viên đạn (loại đạn bộ binh cỡ nhỏ) đến mục tiêu.
Nhược điểm chính của thuốc đen là mật độ năng lượng (hay khả năng sinh công) của nó thấp (so sánh với các loại thuốc phóng không khói hiện đại) và tạo thành rất nhiều muội khói. Trong quá trình cháy, không đầy một nửa lượng thuốc đen được chuyển thành khí. Kết quả của việc bắn súng là sự tạo thành lớp muội bên trong nòng súng và một đám khói đậm đặc. Do đó nòng súng dễ bị ôxi hóa gây gỉ và hỏng.