Giò lụa
Giò lụa là món ăn truyền thống của người Việt Nam đặc biệt vào những ngày lễ Tết, trong mâm cỗ không thể nào thiếu món ăn này. Giò lụa (miền Bắc) hay còn gọi chả lụa (miền Nam) là món giò dân dã phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày cũng như là trong mâm cổ ngày lễ Tết, cỗ cúng quan trọng.
Thịt lợn nạc trước kia thường được đem giã thủ công để thành giò sống. Thịt chọn loại nạc mông hay thịt thăn vừa mổ từ lợn ra, còn nóng hổi, không rửa nước, lọc nhanh để bỏ hết mỡ, gân, xơ, thái miếng vuông cho vào cối đá mỗi mẻ khoảng 400 - 500g và dùng chày gỗ (trước kia thường làm bằng gỗ mít) để giã. Người giã giò là người có sức khỏe, hay tay cầm hai chày giã liên tục, thật đều tay và bền sức, nghe đều đều như tiếng bật bông nệm. Giò sống đã hoàn tất được gói trong lá chuối. Vòng ngoài giò là lá chuối già, áo lót trong cùng là lá chuối non vàng nhạt màu lụa. Giò được bó bằng lạt giang thật chặt với lớp lá chuối thật kín (nhiều người còn bọc thêm nilon hoặc giấy bản bên ngoài lá chuối để tránh tình trạng nước trong nồi thấm vào giò), lăn nhẹ cho cây giò tròn trịa.
Cây giò được luộc chín trong nước. Quy trình luộc giò cũng rất quan trọng, nước trong nồi phải thật sôi mới thả giò vào theo chiều đứng, ngập trong nước. Giò phải được luộc vừa đủ chín, không quá lửa cũng không non quá. Giò lụa được đánh giá là ngon nếu nó đạt được những tiêu chí: khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt min màng, không bị khô, cứng hay bã. Giò lụa ngon khi có mùi hương đặc trưng của thịt luộc và lá chuối tươi, ăn vào có vị ngọt đậm đà.