Thịt gà luộc
Chúng ta không còn xa lạ gì với hình ảnh chú gà luộc xuất hiện trên các mâm cỗ cúng. Vào ngày Tết, gà còn được chuẩn bị cẩn thận hơn rất nhiều lần với hình tượng chú gà ngậm bông hoa hồng trong miệng. Gà mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm của người xưa trong dân gian. Trong 12 con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Còn trong văn học, gà lại được cho là loài sở hữu 5 đức tính lớn: Văn, võ, dũng, nhân, tín.
Khi luộc gà, bước đầu tiên vô cùng quan trọng. Nếu cho gà vào luộc khi nước đã sôi sục, da gà gặp nhiệt độ cao đột ngột sẽ lập tức bị bong tuột và nát. Chính vì thế, cần phải cho gà vào nồi ngay từ khi nước còn lạnh sao cho phần nước ngập hết toàn bộ con gà (nên nhớ để phần bụng nằm hướng xuống). Làm như thế, gà sẽ chín từ bên trong và không bị thâm đen trong quá trình luộc.Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà. Đun lửa tới sôi lăn tăn. Không để sôi sùng sục, vì để sôi to quá, da gà rất dễ bị nứt. Lúc này, hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7 - 8 phút.
Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập dập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp (nếu không muốn cho hành, gừng thì có thẻ bỏ qua bước này). Nếu là gà tơ, gà non thì luộc thêm 5 phút, còn gà già hơn chút thì luộc thêm 10 phút. Sau đó, tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút.
Điều quan trọng đầu tiên để có đĩa thịt gà chặt ra đẹp mắt, miếng thịt không bị nát đó là bạn cần có một con dao chặt thịt to bản, thật sắc. Đầu tiên dùng dao cắt đùi gà theo nách tiến tới lưng gà sao cho phần đùi của gà thành hình chữ nhật. Cánh cũng cắt theo nách mà hơi phạm vào ức (ngực) một ít để cho phần cánh thêm ngon. Sau đó tiếp tục cắt cổ, bổ thân gà luộc làm đôi sau đó chặt từng miếng đã cắt ra. Muốn chặt thịt gà không bị nát thì khi bạn chặt gà nhớ là phải chặt dứt khoát và miếng thịt gà hình chữ nhật, hoặc hình bình hành là đẹp nhất.