Kênh đào Panama - Panama
Kênh đào Panama là kênh đào chính cho tàu thuyền đi qua, cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Việc xây dựng kênh đào này là một trong số những dự án công trình lớn nhất và khó khăn nhất đã thực hiện từ trước đến nay. Nó có ảnh hưởng to lớn đến vận tải thủy giữa hai đại dương, xóa bỏ hành trình dài và nguy hiểm thông qua eo biển Drake và Mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực nam của Nam Mỹ. Một chuyến đi của tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ vượt qua khoảng cách 9.500 km, chưa tới một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua mũi đất Horn (22.500 km). Mặc dù ý tưởng về kênh đào tại Panama đã có từ đầu thế kỷ 16, nhưng cố gắng đầu tiên trong việc xây dựng kênh đào này chỉ có vào năm 1880 dưới sự lãnh đạo của Pháp. Sau khi cố gắng này sụp đổ, công trình này cuối cùng đã được Hoa Kỳ hoàn thành và kênh đào mở cửa vào năm 1914. Việc xây dựng 77 km chiều dài của kênh đào đã vấp phải các trở ngại, bao gồm bệnh dịch cũng như các vụ lở đất. Ước tính có tới 27.500 công nhân đã chết trong quá trình xây dựng kênh đào.
Kể từ khi mở cửa, kênh đào đã thu được thành công to lớn và tiếp tục là đường dẫn then chốt trong hàng hải quốc tế. Mỗi năm có hơn 14.000 tàu thuyền đi qua kênh đào, mang theo trên 203 triệu tấn hàng hóa. Vào năm 2002 nói chung có khoảng 800.000 tàu đã sử dụng kênh đào. Kênh đào có thể tiếp nhận các tàu thuyền từ các du thuyền tư nhân nhỏ tới các tàu thương mại tương đối lớn. Kích thước tối đa của tàu thuyền có thể sử dụng kênh đào được gọi là Panamax, một lượng đang gia tăng các tàu thuyền hiện đại vượt quá giới hạn này, được biết đến với tên gọi tàu thuyền hậu Panamax. Một chuyến đi thông thường của tàu hàng qua kênh đào mất khoảng 9 giờ. 14.011 tàu đã đi qua hàng năm với tổng cộng 278,8 triệu tấn, trung bình gần 40 tàu mỗi ngày.