Li Vẫn
Li Vẫn, hay còn gọi là Si Vẫn là con thứ hai của Rồng, được sinh ra dưới sự kết hợp của bố Rồng và mẹ là Cá Chép Tinh. Si Vẫn có đầu rồng, thân cá, đuôi cong dài, miệng hay há to, đạp sóng thì mưa xuống, đập đuôi thì ngập của vùng. Vốn là loài động vật biển, Li Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài, ngụ ý cầu trấn hỏa hoạn, bảo vệ bình yên cho công trình.
Biểu tượng Li Vẫn có những chuyển biến khác nhau ở từng thời kỳ. Thời Lý - Trần, Li Vẫn được đặc tả ở râu, bờm, lưỡi và không có thân hay đuôi; miệng không há to dữ dằn như ở Trung Hoa mà luôn ngậm một viên hỏa châu. Phong cách mỹ thuật duyên dáng, tinh tế ấy phần nào thể hiện tài hoa của con người Đại Việt vào thời kỳ đó. Li Vẫn thời Lê chịu ảnh hưởng của phong cách nhà Minh. Đến Nguyễn, Li Vẫn đã được “long hóa”, hoặc “thú hóa” để trở thành hình tượng con vật đầu rồng, có bốn chân với móng vuốt sắc nhọn, đôi khi có những vầng mây tỏa ra từ thân và đuôi.