Tuồng
Tuồng (hay còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương, bác học kết hợp nhuần nhuyễn với chữ Hán và văn Nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn,... thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc.Theo lịch sử, Đào Duy Từ (1572 - 1634) là người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật Tuồng của nước ta, một số nơi tôn thờ ông là ông tổ của nghệ thuật sân khấu Tuồng.
Khác với loại hình sân khấu Chèo, Tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người về việc lựa chọn giữa cái riêng và cái chung, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng chính là đặc trưng của diễn xướng Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những anh hùng.
Nghệ thuật Tuồng không tả thực mà tả ý, không đi sâu vào những chi tiết tỉ mỉ mà chú trọng lột tả cái "thần" của sự kiện và con người, dùng phương phác gợi tả để lôi kéo trí tưởng tượng của khán giả cùng tham gia sáng tạo và đồng cảm với các nghệ sỹ. "Cái thần" chính là đỉnh cao của nghệ thuật diễn xướng Tuồng. Ngôn ngữ Tuồng sử dụng chất giọng to, cao và rõ. Điệu hát quan trọng nhất trong Tuồng đó chính là "nói lối" (tức là nói một lúc rồi mới hát). "Nói lối" có hai giọng chính là "Xuân" và "Ai". "Xuân" là giọng hát vui tươi, "Ai" là bi thương, ảo não.
Một số nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng: NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Lê Tiến Thọ, NSND Mẫn Thu, NSND Ngọc Phương,...
Địa điểm diễn xướng: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh,...