Top 15 Loại mứt Tết ngon, bổ, dễ làm nhất tại nhà

Giản Đơn 17804 0 Báo lỗi

Mứt Tết luôn là món truyền thống gần như không bao giờ thiếu của người Việt Nam từ xưa tới nay trong những ngày Tết. Đa phần chúng ta hay mua sẵn những loại ... xem thêm...

  1. Nhắc tới Cà chua, chắc các bạn sẽ liên tưởng đến loại trái cây màu đỏ giàu vitamin A bổ mắt, đẹp da... Chưa kể vị ngon ngọt và mùi thơm dễ chịu luôn làm cho các món ăn gia đình thường ngày thêm phần hấp dẫn. Vậy thì chọn Cà chua làm món mứt đầu tiên cho khay bánh kẹo Tết là điều ít ai bỏ qua phải không ạ? Màu đỏ còn mang lại cảm giác ấm áp trong những ngày đầu Xuân khá lạnh, là biểu tượng của sự may mắn. Để có một hộp mứt cà chua thơm ngon bổ dưỡng và đẹp mắt bạn có thể làm từ cà chua quả to hoặc để tiện hơn bạn có thể làm từ những trái cà chua bi nhỏ xinh.


    Nguyên liệu:

    • Cà chua bi: 1kg
    • Đường cát trắng: 400gr
    • Vôi: 30gr


    Cách làm:

    • Bước 1: Hòa vôi với khoảng 2 lít nước, sau đó khuấy đều. Để nước vôi trong lại, gạn lấy phần nước vôi trong phía trên. Sau đấy chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát, tươi ngon rửa sạch vỏ, dùng que nhọn để chọc từng lỗ nhỏ trên cà chua. Tiếp theo cho Cà chua vào ngâm với nước vôi trong khoảng 10 tiếng hoặc để qua đêm.
    • Bước 2: Sau khi đã ngâm Cà chua qua đêm, mang Cà chua ra rửa sạch vài lần với nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. để ra rổ cho Cà chua ráo nước.
      Khi đã khô ướp Cà chua với đường cho đến lúc đường tan hoàn toàn. (độ ngọt nhạt tùy khẩu vị từng gia đình không nhất thiết phải đúng chuẩn công thức.)
    • Bước 3: Cho cà chua và nước đường ngâm Cà chua vào một cái xoong dày. Đun sôi lên rồi hạ lửa ở mức thấp nhất sao cho mứt Cà chua bi chỉ sôi nhẹ, liu riu thật nhỏ. Thỉnh thoảng, lắc xoong để nước đường ngấm hơn vào các mặt trên của Cà chua bi để làm mứt cà chua được ngọt đều.
    • Bước 4: Khi nước đường đã cạn, những quả Cà chua bi đã thành mứt Cà chua bi có độ dẻo, và màu sắc đỏ óng ả thì tắt bếp. Nếu muốn làm mứt Cà chua bi được khô hơn, có thể bỏ toàn bộ phần mứt Cà chua đã làm vào sấy khô khoảng 5-10 phút ở nhiệt độ 100 độ C.
    • Bước 5: Bảo quản trong lọ thủy tinh hoặc túi bóng kính khô. Để được lâu hơn khi bỏ trong ngăn mát tủ lạnh.
    Mứt cà chua
    Mứt cà chua
    Mứt cà chua
    Mứt cà chua

  2. Món mứt bí đao hoặc bí xanh ngon, giòn, mát mắt cũng là một món mứt Tết vừa ngon, vừa lạ và cũng dễ làm, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.


    Nguyên liệu:

    • 2 quả bí đao già 10kg
    • 8 lít nước vôi trong
    • 25 gram phèn chua
    • 1 chút nước hoa bưởi
    • Phẩm màu xanh
    • 4 đến 5kg đường trắng.


    Cách làm:

    • Bước 1: Bí gọt bỏ vỏ, lọc bỏ phần hạt và ruột, phần thịt bí xắt thành miếng vừa miệng. Nên xắt thành từng khúc dài 5 - 7cm có thể tạo hình bằng dao răng cưa. Sau đấy ngâm bí với nước vôi trong khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm. (Lưu ý: Lượng nước vôi phải đủ ngập mặt bí, nước vôi sẽ giúp cho món mứt có độ giòn.)
    • Bước 2: Sau khi ngâm xong, vớt bí ra rửa lại nhiều lần với nước rồi dàn đều bí ra rổ, để thật ráo nước. Tiếp theo, cho phèn chua vào với 3 lít nước bỏ vào một cái nồi, bắc lên bếp và đun sôi.
      Sau khi sôi, thả bí vào chần sơ tầm từ 1 - 2 phút cho bí có độ trong, sau đó đổ bí ra rổ rồi xả ngay với nước lạnh.
      Để bí ra chỗ thoáng gió khoảng 2 - 3 giờ cho bí khô bớt.
    • Bước 3: Ướp bí với đường theo tỉ lệ 1kg bí 750 gram đường trắng với thời gian là 4 tiếng cho đường tan hết, thỉnh thoảng đảo hoặc xóc lên cho bí ngấm đều đường. Sau khi ướp bí đã ngấm, chia bí làm 2 phần, 1 phần trút vào chảo rộng, sâu lòng để làm khô nước. Phần còn lại để riêng làm mứt bí xanh. Đun nhỏ lửa để nước khô từ từ và đảo đều để đường không vón cục. Khi nước đường bắt đầu cạn thì cho nước hoa bưởi vào đảo đều. Đến khi đường ráo và bám vào từng miếng mứt là hoàn thành.
    • Bước 4: Để làm mứt bí xanh. Lấy số bí vừa chia còn lại đặt vào chảo, thêm chút phẩm màu cho mứt có màu xanh, sau đó sên mứt như bước 3.

    Chúc các bạn thành công với cách làm mứt bí đao và bí xanh ngon và đơn giản này nhé!

    Mứt bí đao
    Mứt bí đao
    Mứt bí đao
    Mứt bí đao
  3. Tết là lúc vạn vật khoe màu sắc tươi mới, rực rỡ. Báo hiệu một tương lai tốt đẹp, ngập tràn hy vọng. Cho nên chọn mứt gừng làm loại mứt tiếp theo bởi màu vàng như nắng ấm áp, mà vị của mứt gừng cũng cay cay, thơm thơm. Làm dịu cái cổ họng khô rát, ấm cơ thể khi bị nhiễm lạnh, rất tốt cho sức khỏe.


    Nguyên liệu:

    • Gừng tươi: 1kg
    • Đường cát trắng: 500gram
    • Chanh tươi: 1 quả
    • Vani: 1 ống


    Cách làm:

    • Bước 1: Gừng rửa sạch, để ráo nước và cạo sạch vỏ, bỏ các mắt gừng nhỏ. Sau khi gọt ngâm ngay gừng vào nước lạnh để gừng không bị xuống màu thâm xấu. Gừng có thể thái sợi hoặc thái miếng mỏng dọc thân củ hoặc thái tròn tùy theo sở thích. Thái miếng càng mỏng thì mứt gừng sẽ càng ngon.
    • Bước 2: Vớt gừng đã thái và để ráo nước. Cho gừng vào nồi, thêm nước ngập mặt gừng rồi đun cho đến khi sôi nước. Đổ nước và tiếp tục đun gừng trong nước mới thêm 2 - 3 lần nữa để gừng bớt cay. Trong lần đun cuối cùng, cho thêm nước cốt 1 quả chanh hoặc dấm gạo để gừng sau khi chế biến sẽ có màu vàng dịu đẹp mắt.
    • Bước 3: Vớt gừng và tiếp tục để thật ráo nước. Sau đấy ướp gừng với đường cát trắng. Có thể trải gừng thành từng lớp trong nồi hoặc chậu, một lớp gừng sẽ phủ lên một lớp đường mỏng cho đến khi hết gừng và đường. Nếu làm ít gừng, có thể cho chung gừng và đường vào nồi, xóc đều để các miếng gừng đều có đường. Ướp gừng với đường từ 6 - 7 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết. Trong quá trình đợi đường tan, có thể đảo nhẹ vài lần để gừng ngấm đều đường.
    • Bước 4: Đun gừng và đường tại mức lửa vừa, không quá to. Thỉnh thoảng đảo nhẹ để không bị cháy. Đến khi nước đường bắt đầu sôi và sệt hơn, hạ lửa xuống mức nhỏ nhất và bắt đầu sên gừng. Nên dùng đũa để sên từ hai bên nồi vào giữa, đảo nhẹ để không làm nát gừng. Sên đều tay từ lúc thấy nặng đũa cho đến khi đường sôi khô hết nước và lại đường. Lúc này đường đã khô và trở thành đường kết tinh có màu trắng bám xung quanh, miếng gừng khô nước và có mùi thơm.
    • Bước 5. Khi thấy các miếng gừng tách rời nhau và bám đường, tắt bếp và tiếp tục đảo thêm 2 - 3 phút. Thêm vani để dậy mùi và bắc nồi ra khỏi bếp, để nguội và bỏ trong lọ thủy tinh hoặc túi bóng kính khô sạch.

    Vậy là chỉ với một ngày nghỉ bạn đã có những miếng mứt gừng rất thơm, vừa ngọt vừa cay. Để nhâm nhi cùng tách trà với cuốn sách yêu thích. Mứt gừng còn trị ho cực hiệu quả nữa đó.

    Mứt gừng
    Mứt gừng
    Cách làm mứt gừng
    Cách làm mứt gừng
  4. Một phiên bản ngon lạ của mứt gừng chính là gừng kết hợp với đu đủ. Bạn đã thử qua chưa. Để làm món này cũng đơn giản lắm nhé:


    Nguyên liệu:

    • 300gr đu đủ non.
    • 250gr gừng.
    • 400gr đường.
    • Nước cốt của 2 quả chanh.
    • 20gr muối biển.
    • 50gr đậu phộng rang chín, bóc vỏ.


    Cách làm:

    • Bước 1: Gừng gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành dạng sợi. Đu đủ non gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành dạng sợi.
    • Bước 2: Cho gừng đã cắt sợi vào 1 cái tô lớn, cho muối vào bóp cùng rồi vắt bỏ bớt nước cay. Sau đó xả sạch lại bằng nước lạnh rồi vắt cho ráo nước. Làm tương tự với đu đủ non.
    • Bước 3: Ướp gừng và đu đủ với đường và nước cốt chanh. Sau đó mang đi phơi nắng khoảng 15 phút cho đường tan hết và ngấm vào gừng, đu đủ.
    • Bước 4: Cho hỗn hợp gừng, đu đủ và nước đường vào 1 cái chảo, đặt lên bếp sên với lửa nhỏ, trộn đều tay để nước đường ngấm đều. Khi thấy nước đường cạn và kéo sợi thì tắt bếp, cho thêm đậu phộng đã rang chín bóc vỏ vào đảo đều cùng. Đợi cho mứt nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh sạch để bảo quản và dùng dần.

    Chúc các bạn thành công với cách làm mứt gừng dẻo với đu đủ ngon tuyệt này nhé!

    Mứt gừng với đu đủ dẻo
    Mứt gừng với đu đủ dẻo
    Mứt gừng với đu đủ dẻo
    Mứt gừng với đu đủ dẻo
  5. Một màu vàng óng mượt nữa chính là mứt quất, cũng có tác dụng trị ho như mứt Gừng. Mứt Quất cũng khá dễ làm và đặc biệt thơm ngon, dẻo ngọt mát.


    Nguyên liệu:

    • Quất: 1kg
    • Đường cát: 700g - 800g
    • Vôi ăn trầu loại trắng (7g - 8g)
    • Phèn chua (5g)
    • Muối


    Cách làm:

    • Bước 1: Cho vôi vào nước để vôi tan và lắng lại, gạn lấy nước vôi trong phía bên trên.
      Quả quất rửa sạch, khứa đều chia quả thành 5 - 6 múi, không khứa đứt quả. Sau đó ấn dẹt bớt quả quất để ra bớt nước chua.
    • Bước 2: Ngâm quất trong nước vôi trong khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi sẽ giúp cho quất khi làm mứt được cứng lại, không bị nát. Sau khi ngâm nước vôi và rửa sạch, đun sôi 1 lít nước cho phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho Quất vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5 - 7 phút rồi xả toàn bộ quất một lần nữa với nước sạch.
    • Bước 3: Uớp quất với đường và thêm vào 1 xíu muối, ướp cho đến khi đường tan hết.
    • Bước 4: Đun sôi hỗn hợp Quất ngâm đường, để lửa vừa khi quất sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun quất cho sôi thật nhẹ. Thỉnh thoảng đảo đều quất để đỡ bị cháy. Sên cho tới khi đường dẻo thì tắt bếp. Mang mứt quất còn ướt đem phơi chừng 2 - 3 nắng hoặc cho vào sấy khô thì món mứt quất sẽ rất dẻo và thơm ngon. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.


    Ngoài ra bạn có thể làm theo cách sau để có loại mứt Quất dẻo và ướt hơn:

    • Quất rửa sạch, ngâm nước có pha muối chừng 1 - 2 giờ. Đổ nước đi để quất thật ráo, dùng giấy thấm sạch nước.
    • Dùng dao sắc khía dọc xung quanh quả quất. Lấy ngón tay ấn nhẹ cho quất bẹp xuống, hạt bên trong sẽ chui ra ngoài.
    • Cho quất vào âu to, một lớp quất, một lớp đường, trên cùng rắc 1 lớp đường nữa rồi dùng nilon bọc kín lại. Để ít nhất 4 giờ hoặc để qua đêm, đường sẽ tan chảy thành nước và ngấm vào trong quả.
    • Sau đó cho quất vào nồi, thêm nước xâm xấp đặt lên bếp đun. Nấu sôi nhỏ lửa cho đến khi quả quất trong suốt. Đường dần dần keo lại. Nhấc xuống để nguội. Là được loại mứt Quất ướt dẻo không sạn đường.
    Mứt Quất
    Mứt Quất
    Cách làm mứt Quất
    Cách làm mứt Quất
  6. Đẹp lỗng lẫy phải kể đến mứt dừa ngũ sắc. Vừa thơm ngon độc đáo với vị dừa quệt với sữa hoặc lá nếp, bắp cải tím, cà rốt, gấc, dâu tây, cacao hoặc cafe tùy theo từng màu sắc bạn muốn.


    Nguyên liệu:

    • Cùi dừa: 1 - 2 quả
    • Đường: 500 gr
    • Sữa đặc: 20gr


    Nguyên liệu làm màu ngũ sắc:

    • Lá nếp: 50gr -> Màu xanh
    • Bắp cải tím: 150g -> Màu tím
    • Cà rốt: 300g -> Màu vàng nghệ
    • Gấc: 100g ruột gấc cả hạt -> Màu đỏ hồng
    • Bột cacao hoặc cafe: 1 thìa cà phê -> Màu nâu


    Cách làm:

    • Bước 1: Dừa bỏ vỏ cứng bên ngoài, nạo bỏ hết phần vỏ nâu. Lấy phần thịt gấc bóp cùng 1 thìa rượu, nặn bỏ hạt. Hòa thêm 1 bát con nước rồi lọc lấy nước gấc qua 1 cái rây. Cà rốt, bắp cải tím, lá nếp đem rửa sạch rồi thái nhỏ từng loại. Cho từng loại vào máy xay sinh tố, thêm 1 bát nhỏ nước rồi xay nhuyễn. Các màu khác: Lọc nước cốt sinh tố từng loại để riêng ra từng bát khác nhau.
    • Bước 2: Dùng dao cắt đôi quả dừa. Dùng nạo, nạo theo vòng tròn của quả dừa để được những sợi dừa dài và mỏng. (úp chiếc bát xuống và đặt quả dừa lên xoay tròn và nạo theo thì sẽ có được những sợi dừa dài). Sau đó rửa dừa đã nạo vài lần nước để dừa sạch dầu (rửa đến khi nước rửa dừa trong không còn bị đục nữa).
    • Bước 3: Chia dừa thành 5 phần, ướp từng phần dừa vào các bát nước rau củ đã chuẩn bị cùng với đường và sữa đặc, trong khoảng 8 -10 tiếng đến khi dừa tan hết đường. (1 quả dừa sẽ dùng khoảng 500gr đường. Tùy thuộc vào độ to nhỏ của quả dừa có thể áng chừng lượng đường sao cho phù hợp khẩu vị.)
    • Bước 4: Sau khi đường đã tan hết bắt đầu sên dừa. Làm nóng chảo sâu lòng, cho hết phần dừa vào, đổ hết cả phần nước đường tan vào, để lửa vừa, khi phần nước đường sôi thì đảo nhẹ tay. Đến lúc nước bắt đầu cạn, sền sệt dùng 2 đôi đũa đảo luôn tay cho đến khi dừa khô lại. (Lửa luôn ở mức vừa rồi nhỏ, Không được rút ngắn thời gian sên bằng cách để lửa to Dừa dễ bị cháy hoặc có mùi khét khó chịu.)

    Làm tương tự như vậy với các phần dừa còn lại.

    Mứt Dừa ngũ vị lạ và ngon
    Mứt Dừa ngũ vị lạ và ngon
    Mứt Dừa ngũ vị
    Mứt Dừa ngũ vị
  7. Mứt hoa Atiso hay còn được biết đến với cái tên gọi quen thuộc hơn mứt hoa Hồng. Cũng giống các loại mứt Gừng, mứt Quất. Mứt Atiso có mùi thơm mát, có tác dụng bổ phổi, trị ho. Ngoài dạng mứt với cùng công đoạn làm bạn sẽ có thêm nước siro ngát hương, giải nhiệt những ngày hanh khô, oi nóng. Với khay mứt hoa atiso này, khay bánh mứt kẹo Tết của gia đình bạn sẽ ngon và đẹp mắt hơn. Mứt hoa atiso hay còn gọi là mứt hoa hồng có độ ngọt vừa phải, ăn mát, mềm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.


    Nguyên liệu:

    • 2kg hoa atisô đỏ (hoa bụp giấm)
    • 1kg đường


    Cách làm:

    • Bước 1: Hoa atisô đỏ mua về rửa thật sạch khoảng 10 nước hết cát còn dính lại bên trong cánh hoa. Dùng dao tách riêng phần cánh hoa và nhụy hoa atiso. Rửa lại cánh hoa, nhụy khoảng 5 nước nữa. Để nửa ngày cho thật khô nước. Phần nhụy có thể đem phơi khô sau đó hãm nước uống như hãm chè. Nước atiso có tính thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho sức khỏe. Cánh hoa để riêng để ngâm với đường làm mứt hoa atiso.
    • Bước 2: Cho cánh hoa atiso vào hộp ngâm với đường, cứ một lớp hoa một lớp đường, lần lượt cho đến khi hết hoa. Ngâm hoa atiso đỏ với đường trong 4 ngày cho tan hết. Như vậy đường sẽ ngấm vào cánh hoa, món mứt atiso sẽ ngon và ngọt hơn.
    • Bước 3: Gắp riêng phần cánh hoa atiso ra chảo, sên trên lửa nhỏ cho đến khi cánh hoa hơi quắt lại là được. Sên mứt atisô phải khéo để cánh hoa vẫn còn nguyên vẹn độ ngọt giòn chua thanh. Phần nước còn lại nấu sôi, để nguội làm si rô. Bảo quản tủ lạnh dùng dần.
    Mứt Atiso (Mứt Hoa Hồng)
    Mứt Atiso (Mứt Hoa Hồng)
    Mứt Atiso (Mứt Hoa Hồng)
    Mứt Atiso (Mứt Hoa Hồng)
  8. Cũng mang vị ngọt chua chua, mứt dứa bóng mịn, dẻo sẽ là một món nhâm nhi khá tuyệt để bạn tiếp khách ngày Tết.


    Nguyên liệu:

    • Dứa: 2 quả
    • Đường: 600gr
    • Chanh: 1 quả
    • Muối ăn: 1 muỗng cà phê
    • Phèn chua: 5gr


    Cách làm:

    • Bước 1: Dứa gọt vỏ, chú ý gọt sâu vào thịt để bỏ mắt, cắt tròn và bỏ lõi. Ngâm dứa vào nước lạnh có pha 1 muỗng cà phê muối trong khoảng 15 phút rồi vớt ra rửa sạch, đun sôi 2 lít nước với 5gr phèn chua. Cho dứa vào trần trong khoảng 10 phút rồi vớt ra xả sạch với nước lạnh cho hết phèn chua. Để dứa ở nơi thoáng gió trong khoảng 2 giờ để dứa ráo nước.
    • Bước 2: Cho dứa và đường vào nồi, để đường tan hết hoặc để qua đêm cho dứa ngấm đường.
    • Bước 3: Sên mứt dứa ở lửa nhỏ cho đến khi miếng dứa trong, thêm nước cốt chanh vào tiếp tục sên đến khi dứa ăn có vị dẻo, chua ngọt thì tắt bếp. Muốn dứa ráo đường có thể sấy trong lò ở nhiệt độ 100 độ C trong khoảng 1 giờ, sau đó để nguội và cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.
    Mứt Dứa
    Mứt Dứa
    Cách làm Mứt Dứa
    Cách làm Mứt Dứa
  9. Ngoài mứt dứa nguyên miếng dẻo thơm, chua chua ngọt ngọt. Bạn còn có thể làm mứt dứa vị chanh leo hoặc gừng bằng cách xay nhuyễn rồi viên lại.


    Nguyên liệu:

    • 1 quả dứa (khóm, thơm) khoảng 600 gr
    • 2 củ gừng khoảng 350 gr (hoặc 2 quả chanh leo)
    • 150 gr đường, 1 muỗng canh mạch nha hay siro hoặc mật ong, 25 ml nước cốt chanh dừa khô vụn.


    Cách làm:

    • Bước 1: Dứa gọt vỏ, bỏ lõi thái miếng, sau đó băm hay xay hơi nhỏ. Vắt bỏ nước (có thể tận dụng nước dứa này làm gẹo gôm rất tuyệt). Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng, luộc sơ qua nước sôi 3 phút, đổ ra rổ để ráo. (Chanh leo nạo lấy phần cái, bỏ bớt nước)
    • Bước 2: Dứa, gừng (chanh leo), đường, nước cốt chanh cho vào nồi bắc lên bếp sên với lửa vừa 10 phút. Sau đó hạ thấp lửa tiếp tục sên.
    • Bước 3: Khi thấy nước bắt đầu hơi sánh thì cho mạch nha vào. Lúc này, thường xuyên đảo để tạo độ dẻo và cứ như thế sên cho đến khi tất cả quyện thành 1 khối dẻo dính khô ráo là tắt bếp.
    • Bước 4: Để mứt gừng dẻo nguội thì vo viên nho nhỏ lăn qua dừa khô là hoàn tất. Mứt gừng dẻo lăn dừa cần cho vào hũ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Nếu không có dừa vụn thì cứ để không như thế rồi gói vào giấy bóng kính như kẹo.

    Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm mứt dứa gừng (chanh leo) dẻo lăn dừa thơm ngon!

    Mứt dứa vị chanh leo hoặc gừng
    Mứt dứa vị chanh leo hoặc gừng
    Mứt dứa vị chanh leo hoặc gừng
    Mứt dứa vị chanh leo hoặc gừng
  10. Với cà rốt, bạn có thể có loại mứt miếng khô giòn bên ngoài hơi dẻo bên trong hoặc loại mứt sợi dẻo ướt bóng mịn. Mà cách làm không khác nhau chỉ khác khâu tạo hình.


    Nguyên liệu:

    • Cà rốt: 200 gr
    • Đường: 100 gr
    • Muối: 1 thìa cà phê
    • Nước vôi trong.


    Cách làm:

    • Bước 1: Cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch.
    • Bước 2: Dùng dao tỉa hoa rồi thái thành những miếng dày khoảng 0,6 - 0,7 cm (không nên thái mỏng quá, trong khi chế biến cà rốt ra nước sẽ làm miếng mứt mỏng dính không đẹp). Cũng có thể thái sợi tùy sở thích.
    • Bước 3: Ngâm cà rốt vào bát nước vôi trong qua đêm (khoảng 8 – 10 tiếng). Sau đó vớt ra rửa lại với nước vài lần cho sạch mùi vôi.
    • Bước 4: Đun sôi nước với một ít muối, cho cà rốt vào trần nhanh trong khoảng 2 phút.
    • Bước 5: Trộn chung cà rốt với 100gr đường trong một cái chảo (vì cà rốt đã có vị ngọt sẵn nên chỉ cần cho lượng đường bằng ½ lượng cà rốt thì mứt sẽ có vị ngọt vừa phải. Mứt sẽ bám ít đường mà lại không bị phí đường do đường thừa khi đường kết tinh không bám hết vào mứt). Cho thêm vào chảo một tí xíu nước, đặt chảo lên bếp đảo đều tay cho đến khi nước sôi thì hạ lửa thật nhỏ.
    • Bước 6: Đun liu riu, thi thoảng dùng đũa đảo đều. Khi nước cạn và đường bắt đầu hơi keo lại thì dùng đũa đảo đều liên tục cho đến khi đường kết tinh bám hết vào cà rốt thì tắt bếp. Vì cà rốt chứa khá nhiều nước nên lúc này mứt cà rốt vẫn còn rất ướt bên trong.
    • Bước 7: Để mứt trong chảo vài tiếng (khoảng 3 - 5 tiếng), nước cà rốt sẽ tiết ra ướt hết đường trong chảo. Cho chảo cà rốt lên bếp đun liu riu và dùng đũa đảo liên tục cho đến khi đường lại kết tinh bám vào cà rốt. Nhìn miếng cà rốt khô ráo, đường bám trắng bên ngoài là được.
    Cách làm mứt Cà rốt
    Cách làm mứt Cà rốt
    Cách làm mứt Cà rốt
    Cách làm mứt Cà rốt
  11. Ngoài các món mứt phổ biến như mứt bí, mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt... thì Tết này bạn hãy đem đến cho gia đình mình và những vị khách món mứt chuối chín dẻo, vị thơm của dầu chuối, vị ngọt thanh cùng hòa tan trong miệng chắc chắc sẽ làm hài lòng bất kì vị khách khó tính nào của gia đình bạn đấy.


    Nguyên liệu:

    • Chuối sứ: 1kg
    • Đường kính trắng: 250gr
    • Dầu ăn:100ml
    • Gừng: 1 củ
    • Vani: 2 ống


    Cách làm:

    • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
      • Gừng: Rửa sạch, đập dập và vắt lấy nước cốt.
      • Chuối: Chuối bạn lột vỏ rồi thái lát theo chiều dọc hoặc chiều ngang tuỳ ý.
      • Tiếp đó, bạn cho chối vào ngâm với nước cốt gừng trong khoảng 5 phút rồi đem chuối ra phơi hoặc hong khô cho miếng chuối se lại.
    • Bước 2: Chiên chuối
      • Đun nóng dầu trong chảo sâu lòng.
      • Tiếp đến, bạn cho các miếng chuối đã phơi vào chiên vàng.
      • Sau khi miếng chuối đã vàng, bạn vớt chuối ra và để ráo dầu.
    • Bước 3: Làm mứt chuối dẻo
      • Cho khoảng một bát con nước lọc vào trong một chiếc chảo khô, tiếp đó cho đường kính trắng vào và khuấy đều.
      • Lưu ý đường luôn phải nhiều hơn nước để đảm bảo được độ sánh khi sên mứt.
      • Đun nhỏ lửa cho đến khi đường quện lại, có thể kéo thành sợi và hơi ngả vàng nâu.
      • Cho phần chuối đã chiên để ráo dầu trước đó vào cùng với vani và đảo đều cho đến khi các miếng chuối ngấm đều đường và phần đường chuyển qua màu hơi nâu vàng thì tắt bếp.
      • Vớt chuối ra, để chuối nguội là bạn đã có được món mứt chuối dẻo cực ngon rồi. Mứt chuối dẻo thường được bảo quản trong lọ kín hoặc túi nilon ở ngăn mát tủ lạnh.
    Mứt chuối
    Mứt chuối
    Mứt chuối dẻo thơm ngon
    Mứt chuối dẻo thơm ngon
  12. Món mứt me chua chua ngọt ngọt, sóng sánh ánh nâu vàng luôn hấp dẫn trẻ nhỏ cũng như người lớn. Với những bước đơn giản bạn sẽ có món mứt me nguyên trái ăn hoài không ngán cho cả gia đình trong dịp Tết


    Nguyên liệu:

    • 1kg me trái (nên chọn me xanh, mập thịt, vỏ xám xanh, chắc)
    • 800g đường cát trắng
    • Muối


    Cách làm:

    • Bước 1: sơ chế nguyên liệu
      • Me mua về bạn ngâm với nước ấm pha loãng chút muối trong 1 giờ, như vậy lớp vỏ me sẽ bong ra dễ dàng, bạn chỉ cần dùng mũi dao nhỏ tách bỏ lớp vỏ.
      • Me sau khi tách bỏ vỏ, bạn ngâm trong nước muối pha loãng trong 3 ngày. Công đoạn này giúp bạn giảm vị chua của me.
      • Sau 3 ngày bạn vớt me, dùng dao rạch dọc me, loại bỏ hột me, tiếp tục ngâm me vào nước sạch 1 ngày để giảm bớt vị mặn sau khi ngâm nước muối.
    • Bước 2: Sên mứt
      • Để sên mứt me, đầu tiên bạn cần sên nước đường, khuấy đều nước đường trên bếp lửa nhỏ, sao cho lượng nước đường ngập 2/3 lượng me.
      • Cho me vào chảo nước đường, tiếp tục khấy đều tay trên bếp lửa vừa, tránh để lửa lớn làm cháy lớp đường. Sau 5 - 6 phút me ngấm đường bạn vớt me ra vỉ.
    • Bước 3: Phơi và bảo quản mứt
      • Phơi nắng vỉ mứt me, công đoạn này giúp nước đường cô đặc thấm sâu vào me. Tối hôm đó, bạn lại cho me vào ngâm với nước đường đã sên và phơi nắng vào hôm sau.
      • Lặp lại thao tác 2 – 3 ngày đến khi mứt me trong, ngậm đủ đường, bạn chỉ cần phơi cho me ráo nước đường, dùng bọc kín gói mứt.
      • Bảo quản mứt me trong hộp kín, tránh ánh nắng trực tiếp. Tốt nhất nên đặt mứt me bảo quản trong tủ lạnh, như vậy mứt sẽ bảo quản được 1 tháng.
    Mứt me cay
    Mứt me cay
    Mứt me dẻo
    Mứt me dẻo
  13. Mứt vỏ bưởi được làm từ vỏ bưởi, ăn rất ngon và lạ miệng cũng như nhiều lợi ích đối với cơ thể. Tết sắp đến, cũng chính là lúc để bạn trổ tài làm món mứt vỏ bưởi cùng gia đình đón Tết rồi đấy!


    Nguyên liệu:

    • Vỏ bưởi: 1kg
    • Một ít phèn chua (khoảng 1 thìa café)
    • Đường kính trắng: 600 gram
    • Muối: 2 thìa canh
    • 2 – 3 ống vani


    Cách làm:

    • Bước 1: Sơ chế vỏ bưởi với nước muối
      • Đối với vỏ bưởi, rửa sạch với nước và cắt thành những khúc nhỏ vừa ăn.
      • Sau đó, chuẩn bị một cái chậu sạch cho vào đó nước và muối đã chuẩn bị.
      • Ngâm vỏ bưởi vừa thái được vào nước muối khoảng 10 – 12 tiếng.
    • Bước 2: Cách làm vỏ bưởi không bị đắng bằng rượu trắng
      • Sau khi ngâm vỏ bưởi với nước muối, bạn vớt vỏ bưởi ra một chiếc rổ nhỏ.
      • Tiếp đến, bạn vắt kiệt nước và tiếp tục cho vào nồi nước đun sôi khoảng 10 phút.
      • Sau thời gian này, bạn vớt vỏ bưởi ra, đợi nguội, rồi dùng tay vắt kiệt nước lần nữa. Nếm thử một miếng vỏ bưởi nếu không còn vị cay nồng thì vỏ bưởi đã được. Còn nếu vẫn còn vị hăng cay của tinh dầu thì chưa thể dùng làm mứt được.
      • Cách làm mứt vỏ bưởi dẻo đúng chuẩn tiếp tục ngâm bưởi 10 phút với rượu trắng để loại bỏ hoàn toàn mùi hăng, vị đắng.
    • Bước 3: Sên mứt vỏ bưởi xanh dẻo
      • Chuẩn bị một cái chậu sạch, đổ vỏ bưởi đã sơ chế vào cùng toàn bộ số đường phèn đã chuẩn bị.
      • Trộn đều hỗn hợp lên và để ủ qua đêm.
      • Sáng hôm sau, khi đã thấy vỏ bưởi đủ ngấm đường, bạn tiến hành sao để làm mứt.
      • Chuẩn bị một cái chảo lòng rộng, cho vỏ bưởi đã ngâm với đường vào, đổ thêm vào đó một chút rượu trắng.
      • Đun hỗn hợp sôi với lửa nhỏ và đảo đều tay đến khi cạn, đường cô đặc bám vào miếng vỏ bưởi là bạn sắp hoàn tất được món mứt vỏ bưởi dẻo ngon xanh mát rồi.
    Mứt bưởi thơm ngon, lạ miệng
    Mứt bưởi thơm ngon, lạ miệng
    Mứt bưởi
    Mứt bưởi
  14. Miếng mứt khoai vàng ươm, thơm lừng, nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ khiến bạn cảm nhận được vị ngọt ngào, ấm áp bên gia đình. Vì vậy, đừng quên bổ sung món ngon này vào danh sách thực phẩm đầu xuân nhé.


    Nguyên liệu:

    • 1kg khoai lang
    • 500g đường trắng
    • 30g vôi trắng
    • 1 ống hương vani (nếu có)
    • Bát, dao, thìa, đĩa, thớt,…
    • Chảo lòng rộng Dụng cụ nạo


    Cách làm:

    • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
      • Pha nước vôi trong: Pha 1 lít nước với 30g vôi trắng, để qua đêm cho bột vôi lắng, rồi chắt lấy phần nước vôi trong.
      • Khoai lang: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, đem thái thành từng miếng vuông hoặc miếng tròn, hình hoa tùy sở thích và sáng tạo của bạn. Nhưng phải có độ dày vừa phải, để trong quá trình sên, khoai không bị nát. Các bạn nhanh chóng ngâm các miếng khoai vừa gọt xong vào chậu nước muối loãng để tránh cho khoai bị thâm và sạch hết nhựa. Thời gian ngâm khoai kéo dài khoảng 25 – 30 phút, sau đó bạn vớt ra cho ráo nước.
    • Bước 2: Ngâm khoai với nước vôi trong
      • Ngâm khoai với nước vôi trong đã pha sẵn khoảng 3 giờ rồi vớt ra, xả nhiều lần với nước cho thật sạch. Ngâm khoai lang với nước vôi trong để miếng mứt có độ cứng và dẻo cần thiết.
    • Bước 3: Ướp đường
      • Đặt một nồi nước lên bếp vặn lửa to để đun sôi.
      • Cho khoai vào luộc khoảng 2 phút.
      • Sau đó vớt khoai ra trộn chung với đường, cho thêm một ít nước để đường nhanh tan.
      • Ướp khoai với lượng đường đã chuẩn bị theo tỉ lệ cứ 1kg khoai lang ướp với 500g đường (thêm bớt đường tùy theo khẩu vị gia đình bạn). Ướp trong khoảng 3-5 tiếng, đến khi đường tan hết, trong quá trình ướp thỉnh thoảng bạn dùng đũa đảo, để khoai ngấm đều đường.
    • Bước 4: Sên khoai lang
      • Đặt chảo lớn lên bếp. Bạn hãy cho cả khoai và nước đường vào đun sôi cho đến khi nước cạn gần hết. Khi nước đường bắt đầu keo lại, hơi óng ánh bạn vặn lửa ở mức thấp nhất và đảo liên tục.
      • Đến khi đường kết tinh, bạn vẫn đảo tay liên tục để cho các miếng khoai tách riêng biệt không dính. Cuối cùng bạn cho hương vani vào, đun thêm một phút nữa thì tắt bếp.
    • Bước 5: Bảo quản mứt
      • Để mứt nguội rồi bảo quản vào lọ kín hoặc lọ thuỷ tinh ăn dần. Miếng mứt khoai lang sẽ có màu vàng tươi rất đẹp, đường bám đều lên từng miếng mứt, ăn có vị ngọt vừa đủ, bên ngoài có độ giòn nhưng bên trong vô cùng dẻo dai.
      Mứt khoai lang dẻo
      Mứt khoai lang dẻo
      Mứt khoai lang dẻo
      Mứt khoai lang dẻo
    • Vị thanh mát, bùi bùi của mứt hạt sen đem đến cho người thưởng thức thích thú nơi đầu lưỡi. Không chỉ mang hương vị độc đáo, bổ dưỡng mà mứt hạt sen có ý nghĩa một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Để chế biến được một đĩa mứt sen thơm ngon và đáp ứng được yêu cầu của thành phẩm, việc lựa chọn, sơ chế, chế biến đòi hỏi rất nhiều thời gian và tỉ mỉ.


      Nguyên liệu:

      • Hạt sen tươi 500 gr
      • Đường phèn 300 gr
      • Vani dạng bột 1 muỗng cà phê(có thể thay bằng nước hoa bưởi)
      • Muối 1 ít


      Cách làm:

      • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Hạt sen tươi bạn cần đâm thủng tâm để loại bỏ phần đắng của tâm sen. Nếu bạn mua loại sẽ đã loại bỏ tâm thì tiếp đó rửa sạch sen rồi phơi để ráo. Đường phèn cho vào máy xay cho đường nhỏ mịn thành dạng bột.
      • Bước 2: Luộc hạt sen: Đun nước sôi trong nồi cho một ít muối vào, đổ hạt sen vào nồi luộc đến khi vừa chín tới thì bạn vớt lên ngay, sau đó đổ hạt sen vào thau nước lại ngâm 10 phút để hạt sen nguội.
      • Bước 3: Ướp hạt sen: Vớt hạt sen ra sau khi đã nguội, ráo sạch nước xong cho vào tô, bỏ thêm đường phèn đã được xay rồi khuấy đều để đường tan hết. Ướp hạt sen tầm 2-3 tiếng rồi đi đem sên mứt. Khi đã ngấm đường, hat sen sẽ chuyển thành màu trong.
      • Bước 4: Sên mứt: Bật bếp đun lửa nhỏ, đổ hạt sen vào chảo cùng với nước đường, đợi nước đường sôi lên, thi thoảng đảo nhẹ cho hạt ngấm đường thật đều. Sên mứt với lửa nhỏ cho tới khi nước đường đặc kẹo lại, đảo mứt bắt đầu thấy nặng tay thì đảo liên tục, hạt sen bắt đầu khô ráo và có đường kết tinh bám lên mứt rồi đảo nhẹ ít phút nữa, tiếp đó cho vani vào rồi tắt bếp. Lắc nhẹ chảo thêm 1 lúc để mứt được khô ráo toàn bộ.
      • Bước 5: Thành phẩm: Khi mứt đã nguội, bạn bỏ mứt vào hủ sạch để bảo quản và thưởng thức.
      Mứt hạt sen
      Mứt hạt sen
      Mứt hạt sen
      Mứt hạt sen



    Công Ty cổ Phần Toplist
    Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
    Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
    Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
    Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy