Top 12 Món bún ngon nhất Việt Nam
Bún là món ăn thường gặp trong ẩm thực Việt Nam. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, đi đến người ta cũng bắt gặp loại thực phẩm này. Có thể nói chúng chỉ xếp sau cơm và ... xem thêm...phở. Đi hết hình chữ S của Việt Nam ta sẽ thưởng thức được món bún với nhiều cách thức chế biến, hương vị và cả hình thức của nó cũng vô cùng đa dạng và mang nét trưng của từng vùng, từng địa phương. Cùng điểm qua những món bún nổi tiếng và quen thuộc nào.
-
Bún mọc là một trong những loại bún nhận được sự yêu thích của hầu hết người Việt và cả du khách nước ngoài. Loại bún này xuất phát từ làng Mọc (làng Nhân Mục), Nhân Chính, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bún mọc có thành phần là giò sống, còn gọi là mọc, nên được gọi là bún mọc... Có thể ăn kèm với ớt, mắm tôm, sa tế, rau sống, chanh.
Nguyên liệu:
- Sườn non 400 gr (hoặc sườn thăn)
- Giò sống 250 gr
- Xương ống 300 gr
- Bún tươi 1 kg
- Chả lụa 200 gr
- Mộc nhĩ 60 gr
- Hành lá 5 nhánh
- Rau mùi 1 bó
- Hành tím 3 củ
- Rau sống 300 gr (tía tô/ húng quế/ rau diếp...)
- Gia vị thông dụng 50 gr (nước mắm/ hạt nêm/ muối...)
Cách làm:
- Xương ống rửa sạch, chặt nhỏ, sau đó trụng qua với nước sôi. Tiếp theo, bạn chuẩn bị một nồi nước mới và cho xương vào hầm, thêm vào một ít muối, hạt nêm và nước mắm để nước dùng ngọt hơn. Bạn lưu ý là phải thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong. Sườn non (hoặc sườn thăn) mua về rửa sạch, chặt nhỏ vừa ăn. Bạn có thể rửa sườn với nước muối để khử mùi. Sau đó, bạn cho sườn vào tô, thêm 1/3 muỗng canh mắm, 1 muỗng canh hạt nêm và một chút tiêu xay, trộn đều và ướp khoảng 10 phút. Mộc nhĩ rửa sạch, ngâm nước nóng cho nấm nở ra rồi thái sợi nhỏ. Chả lụa thái miếng vừa ăn. Hành lá, rau mùi bỏ gốc, rửa sạch, thái nhỏ. Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ. Rau sống rửa thật sạch với nước. Bún tươi trụng sơ qua với nước sôi, để ráo nước.
- Cho giò sống vào tô, thêm mộc nhĩ, hành lá, một chút gia vị vào và trộn đều. Sau đó, bạn viên hỗn hợp này thành những viên mọc tròn nhỏ, vừa ăn. Bạn thả những viên mọc này vào nồi nước dùng, khi nào mọc chín và nổi trên mặt nước thì vớt ra.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, khi dầu nóng thì cho hành tím vào phi cho thơm rồi cho sườn vào đảo đều. Đến khi thịt săn lại, bạn tắt bếp. Khi nước dùng sôi, bạn cho sườn vào, đun đến khi nước dùng sôi thêm lần nữa rồi cho mọc vào, thêm gia vị cho vừa ăn. Tiếp tục đun thêm khoảng 10 phút nữa là được.
- Cho bún vào tô, thêm sườn, chả lụa cùng mọc lên trên cùng một ít hành lá và rau mùi, sau đó chan nước dùng và thưởng thức. Khi thưởng thức bún mọc, bạn nên dùng kèm với rau sống cùng vài miếng chanh. Ngoài ra, bạn có thể ăn kèm với mắm tôm hoặc nước mắm và ớt nếu muốn.
-
Khác với các loại bún khác, bún thịt nướng không dùng nước dùng. Bún thịt nướng là một món ăn phổ biến và được yêu thích của cả ba miền đất nước. Bún thịt nướng mỗi nơi đều giữ cho mình một hương vị đặc trưng riêng tùy theo khẩu vị từng miền Bắc, Trung, Nam. Món bún này có thể dùng làm điểm tâm, bữa chính hay giữa bữa đều phù hợp, rất ngon và hấp dẫn.
Yêu cầu của món bún thịt nướng là thịt được nướng vàng đều, có vị đậm đà cùng hương thơm của sả và vừng, nước mắm chua ngọt vừa ăn và các loại rau dùng kèm đa dạng. Đây là một món ăn có thể thay thế cơm mà có thể được ăn vào từng miếng thịt được nướng vàng thơm phức cùng ít đậu phộng rang vàng ươm nữa thì còn gì bằng.
Nguyên liệu:
- Thịt heo 1 kg (thịt ba chỉ)
- Bún tươi 1 kg
- Rau sống 100 gr (tùy theo sở thích)
- Mật ong 2 muỗng canh
- Nước tương 1 muỗng canh
- Nước mắm 1/2 muỗng canh
- Nước màu dừa 1 muỗng cà phê
- Dầu màu điều 1 muỗng canh
- Dầu hào 1/2 muỗng canh
- Bột ngũ vị hương 1/4 muỗng cà phê
- Bột hành 1 muỗng canh
- Bột tỏi 1 muỗng canh
- Dầu ăn 4 muỗng canh
- Gia vị thông dụng 1 ít (Hạt nêm/ muối/ bột ngọt/ tiêu xay)
Cách làm:
- Với 1kg thịt heo mua về bạn lấy ít muối chà xát lên toàn bộ bề mặt thịt, rồi đem rửa lại 1 - 2 lần với nước sạch, để ráo, dùng dao cắt thành các lát mỏng khoảng 1/2 lóng tay là được.
- Bạn cho phần thịt heo đã cắt ra thau tiến hành ướp cùng 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/4 muỗng cà phê bột ngũ vị hương, 2 muỗng canh hạt nêm và 1/2 muỗng canh dầu hào. Tiếp tục cho 1/2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh nước tương, 2 muỗng canh mật ong, 1 muỗng cà phê nước màu dừa, 1 muỗng canh dầu màu điều, 4 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng canh bột tỏi và 1 muỗng canh bột hành vào.
- Sau đó, dùng muỗng trộn đều rồi để cho thịt heo được thấm đều gia vị trong vòng 8 - 12 tiếng ở ngăn mát tủ lạnh. Cuối cùng, với rau sống bạn nhặt bỏ các lá dập úng, héo úa đi chỉ giữ lại lá non, đồng thời đem ngâm cùng nước muối pha loãng từ 3 - 5 phút, rồi đem rửa lại 1 - 2 lần với nước sạch, để ráo.
- Chuẩn bị nguyên liệu xong, trước hết bạn cần làm nóng nồi nướng thủy tinh ở nhiệt độ 200 độ C trong vòng 10 - 15 phút. Kế đến, bạn từ từ cho phần thịt heo đã ướp vào, tiến hành nướng ở nhiệt độ 230 độ C khoảng 7 phút. Sau đó, bạn trở qua mặt còn lại, tiếp tục nướng thêm 5 phút. Đến khi thấy thịt vàng đều cả 2 mặt thì bạn tắt nồi, cho thịt heo ra dĩa rồi dùng dao cắt thành từng khúc vừa ăn.
-
Bún đậu Trung Hương, ngõ Phất Lộc, một món bún nữa cũng khá nổi tiếng ở miền Bắc chính là bún đậu mắm tôm. Bún đậu mắm tôm hay bún đậu phụ mắm tôm là món ăn đơn giản, dân dã trong ẩm thực miền Bắc Việt Nam.
Bún đậu mắm tôm là món thường được dùng như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Thành phần chính gồm có bún tươi, đậu phụ rán vàng, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như: Tía tô, kinh giới, rau húng, xà lách,... Cũng như các món ăn dân gian khác, giá thành rẻ nên được nhiều người giới bình dân ăn nên thu nhập của những người buôn bán những món ăn này khá cao.
Nguyên liệu:
- Bún lá 1 ít (hoặc bún tươi loại thường)
- Đậu hũ 1 kg
- Phèo non 600 gr (ruột non), gan 200 gr, huyết 100 gr, dạ dày 300 gr (bao tử), lưỡi heo 1 cái
- Thịt heo 500 gr (thịt chân giòn hoặc thịt ba chỉ)
- Thịt heo xay 300 gr
- Khoai tây 1 củ
- Nấm mèo 500 gr
- Ớt 2 trái, dưa leo 3 quả, chanh 2 quả
- Rau ăn kèm 1 ít (tía tô/ húng quế/ kinh giới/ diếp cá/…)
- Hành tím 4 củ, tỏi 4 tép, gừng 1 củ
- Bánh tráng rế 15 cái
- Mắm tôm 500 gr, giấm 100 ml, dầu ăn 500 ml
- Gia vị thông dụng 1 ít (đường/ muối/ bột ngọt)
Cách làm:
- Gan, phèo non, dạ dày heo sau khi mua về thì rửa thật sạch với nhiều lần nước. Để khử mùi hôi thì bạn bóp chúng với giấm, chanh, muối và rửa lại với nước thêm nhiều lần cho sạch hoàn toàn. Lưỡi heo thì cũng rửa sạch, sau đó chần qua nước sôi rồi cạo sạch phần màng trắng bọc quanh lưỡi heo xong xả lại với nước lạnh cho sạch hẳn.
- Sau đó khi đã sơ chế xong, bạn lần lượt cho phần gan, dạ dày, phèo non vào nồi để luộc, tiếp tục cho thêm 1 thìa cà phê muối và 1 nhánh gừng đập dập vào để khử mùi hôi. Sau khi gan, dạ dày, phèo non chín thì vớt ra để ráo. Ở một nồi khác thì bạn cho thịt và lưỡi vào luộc với lửa vừa khoảng 30 - 40 phút, đến khi thịt, lưỡi đã chín thì vớt ra, lúc này cho phần huyết vào luộc sơ qua.
- Đậu hũ bạn cắt thành hình khối vuông nhỏ rồi cho vào chảo chiên với 150ml dầu ăn đến khi vàng giòn đều các mặt. Các loại rau ăn kèm như tía tô, húng quế, diếp cá,...thì lặt bỏ phần lá hư, gốc ngọn, rửa sạch rồi cho vào mâm. Dưa leo rửa sạch, cắt lát mỏng. Gọt bỏ vỏ của 1 củ khoai tây rồi băm nhuyễn. Nấm mèo ngâm nước cho nở rồi cắt gốc, rửa sạch xong băm nhỏ. Tỏi và hành tìm thì lột bỏ vỏ, ớt bỏ cuống, tất cả đem rửa sạch và băm nhỏ.
- Để làm ram chiên giòn, bạn cho vào chén 300gr thịt heo xay cùng khoai tây, nấm mèo, 1/2 phần tỏi băm và hành tím băm nhuyễn, ướp cùng với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu xay. Bận trộn đều và để ướp trong 15 phút. Sau đó, bạn cho khoảng 1/2 muỗng canh nhân thịt lên bánh tráng rế, cẩn thận gấp các mép rồi cuộn tròn lại. Bạn cho vào chảo 350ml dầu ăn, đun cho dầu sôi lăn tăn thì cho từng cuộn ram vào rồi chiên giòn.
- Để pha mắm tôm thì bạn lần lượt cho 1 ít đường đường, 1 ít bột ngọt, 1/2 phần tỏi băm còn lại và ớt trái băm nhỏ vào trộn đều. Phần nêm đường và bột ngọt có thể thêm vào tùy khẩu vị của gia đình bạn. Sau đó vắt chanh hoặc tắc vào đánh đều đến khi mắm tôm nổi một lớp bọt trắng lên là được.
-
Hà Nội biết đến không chỉ với nét cổ kính và là thủ đô của Việt Nam. Mà bước chân tới miền đất này, con người ta phải nức mũi, thích mắt với các món ăn mà không đâu có thể lẫn được. Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.
Nguyên liệu:
- Bún tươi 1 kg
- Thịt ba chỉ 700 gr
- Thịt heo xay nhuyễn 500 gr
- Đủ đủ xanh 1/2 trái
- Cà rốt 1 củ
- Hành tím băm 1 muỗng canh, tỏi băm 1.5 muỗng canh
- Dầu hào 2 muỗng canh
- Mật ong 3 muỗng canh
- Nước màu 2 muỗng canh
- Ớt băm 1 ít
- Rau sống các loại 500 gr (xà lách/tía tô/hung quế/hung lủi/diếp cá)
- Gia vị thông dụng 1 ít (muối/tiêu/hạt nêm/bột ngọt)
- Dầu ăn 1 ít
- Đường 1 chén (khoảng 220gr)
- Giấm 1/2 chén (khoảng 100ml)
- Nước mắm 1 chén (khoảng 220ml)
Cách làm:
- Đối với thịt ba chỉ, để loại sạch bụi bẩn và mùi hôi các bạn mang đi chà sạch với muối, sau đó rửa lại với nước lạnh và để ráo. Dùng dao cắt thịt thành các miếng mỏng vừa ăn. Ướp thịt với 1/2 muỗng canh hành tím băm, 1/2 muỗng canh tỏi băm, 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh tiêu xay, 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng canh mật ong, 1 muỗng canh nước màu, sau đó trộn đều và để cho thịt thấm gia vị ít nhất khoảng 30 phút.
- Về phần thịt xay, các bạn cho 1/2 muỗng canh hành tím băm và 1/2 muỗng canh tỏi băm, 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh tiêu xay, 1.5 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh mật ong, 1 muỗng canh nước màu. Dùng tay trộn đều và ướp thịt khoảng 30 phút cho thấm gia vị. Sau khoảng 30 phút, dùng tay lấy một lượng thịt xay vừa đủ rồi vo viên.
- Để loại sạch nhựa và bụi bẩn, cà rốt, đu đủ khi mua về các bạn gọt vỏ, sau đó mang ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 - 10 phút sau đó xả sạch lại với nước rồi để ráo. Tiến hành tỉa hoa cho cà rốt, sau đó cắt cà rốt và đu đủ lát mỏng rồi cho vào tô. Cho tiếp 1/3 muỗng canh muối vào tô rồi trộn đều, ướp khoảng 15 phút sau đó rửa sạch cà rốt và đu đủ lại với nước. Thêm tiếp 1.5 muỗng canh đường, 1/4 muỗng canh muối, 1 muỗng canh giấm, 1/2 muỗng canh tỏi băm vào rồi trộn đều và ướp thêm 15 phút nữa.
- Dùng cọ phết một lớp mỏng dầu ăn lên bếp nướng điện, xếp thịt ba chỉ và thịt viên lên trên. Tiến hành nướng thịt đến khi chín vàng đều 2 mặt thì gấp ra tô.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào non 1 chén nước mắm (khoảng 200ml), non 1 chén đường (khoảng 200gr), 1/2 chén giấm (khoảng 100ml) và 2 chén nước lọc vào và tiến hành nấu ở lửa lớn cho các gia vị tan hoàn toàn và nước mắm bắt đầu sôi thì tắt bếp. Nêm nếm lại gia vị sao cho vừa miệng của gia đình mình.
-
Ai đã từng đi đến miền Tây sông nước và đặc biệt qua Trà Vinh hay Sóc Trăng thì phải một lần nếm thử món ăn đặc sắc này. Nét đặc trưng của bún mắm là nước dùng. Nước dùng thường được làm từ mắm cá linh hay cá sặc và tùy theo mỗi người mà có sự nêm nếm khác nhau để món bún có mùi thơm đậm đà.
Bún mắm thường được dùng với rau muống chẻ, cọng bông súng, rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, giá và rau diếp cá (dấp cá). Bún mắm giờ đây đã không là món ăn riêng của con người miền Tây nữa mà được người người biết tới bởi hương nồng, cỏ nội miền Tây đậm đà.
Nguyên liệu:
- Chả cá thác lác 200 gr
- Mắm cá sặc 300 gr (hoặc mắm cá linh)
- Heo quay 200 gr
- Cá diêu hồng 1 con (800gr)
- Mực 300 gr
- Tôm 400 gr
- Ớt 3 trái, hẹ 20 gr
- Cà tím 2 trái
- Ớt sừng 5 trái
- Thơm 1/2 trái
- Hành tím 2 củ, hành lá 3 nhánh, sả 3 tép
- Rau ăn kèm 1 ít (giá/ rau đắng/ bông súng/ cù nèo/ hoa chuối)
- Bún tươi 500 gr
- Nước mắm 1/2 muỗng cà phê
- Dầu ăn 7 muỗng canh
- Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ hạt nêm/ tiêu xay/ đường/ bột ngọt)
Cách làm:
- Bắc nồi lên bếp, cho vào khoảng 500ml nước. Sau đó, cho 300gr mắm cá sặc vào trong nước, dùng muỗng dằm nhuyễn phần xác cá và nấu đến khi phần xác cá rục. Để mắm cá thơm hơn, bạn cho thêm 1 tép sả, 1 củ hành tím.
- Cho hành lá vào chén đựng chả cá, trộn đều để hành hòa quyện vào chả cá. Tiếp đến, cho tất cả chả cá vào một túi kính, nêm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê tiêu và 1 muỗng cà phê dầu ăn. Sau đó, dùng tay nhào thật kỹ phần chả cá để gia vị thấm đều. Cuối cùng, nêm thêm 1/2 muỗng cà phê nước mắm rồi trộn đều lần nữa. Dùng muỗng múc chả cá nhồi vào từng quả ớt đã chuẩn bị. Tương tự, bạn làm đến hết phần chả cá và ớt đã chuẩn bị. Sau khi đã nhồi xong, bạn bắc một cái chảo lên bếp, cho vào khoảng 3 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng thì gắp phần chả ớt vào và chiên vàng đều 2 mặt thì gắp ra đĩa để ráo dầu.
- Bắc một nồi nước lên bếp, cho vào 1/2 muỗng cà phê muối, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt và đun sôi. Khi nước sôi thì bạn cho mực vào luộc khoảng 2 phút. Mực chín thì bạn cho tiếp tôm vào luộc trong khoảng 5 phút nữa. Sau 5 phút, tôm và mực đều chín rồi thì bạn vớt ra tô cho ráo nước. Cuối cùng, cho cá diêu hồng vào luộc khoảng 4 phút, rồi cẩn thận vớt cá ra.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi khoảng 2 lít nước. Sau 30 phút nấu mắm cá thì phần cá đã rục mềm, bạn đổ mắm cá qua rây để loại bỏ phần xác cá, phần mắm cá đã lọc thì cho vào nấu nước dùng, cho tất cả thơm đã cắt khúc vào, đun khoảng 1 giờ. Tiếp đến, đổ phần nước lúc nãy dùng để luộc tôm, mực, cá qua rây vào. Bắc một cái chảo lên bếp, cho vào khoảng 3 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu sôi thì cho phần sả đã băm nhỏ vào xào khoảng 1 phút thì cho tiếp ớt đã băm nhuyễn vào, xào thêm 3 phút nữa thì cho hỗn hợp này vào nồi nước dùng. Nêm vào 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm và 1/2 muỗng cà phê bột ngọt. Cho tất cả phần cà tím vào, đun thêm khoảng 10 phút nữa, nêm nếm lần cuối cho hợp khẩu vị bạn rồi tắt bếp, thêm một xíu hẹ vào để nước dùng thơm hơn.
-
Nhắc tới bún mà không tới bún riêu cua quả là một thiếu sót to lớn của người sành ăn. Bún riêu cua không là đặc sản riêng của địa phương nào. Nó có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước. Bún riêu cua là một món ăn truyền thống Việt Nam được biết đến rộng rãi trên cả quốc tế.
Từ món ăn truyền thống đã giúp không ít người từ quán vỉa hè trở thành nhà hàng lớn. Cũng vì tính truyền thống và rộng rãi này đã giúp bún riêu cua ngày càng nổi tiếng. Hãy nhanh chân chạy tới quán gần nhất thưởng thức một tô bún riêu thơm phức nào.
Nguyên liệu:
- Cua đồng xay 1 kg
- Bún tươi 400 gr
- Giò sống 100 gr
- Huyết heo 200 gr
- Đậu hũ 150 gr
- Tôm khô 50 gr
- Mực khô 30 gr
- Lòng đỏ trứng gà 2 cái
- Mỡ heo 100 gr
- Hành tím 100 gr
- Hành lá 20 gr
- Cà chua 500 gr
- Rau ăn kèm 300 gr
- Mắm tôm 20 gr
- Dầu điều 1 muỗng canh
- Nước mắm 20 ml
- Gia vị 1 ít(tiêu/ hạt nêm/ muối/ đường/ bột ngọt)
Cách làm:
- Cua ngâm nước khoảng 1 tiếng để loại bỏ hết đất cát, xả lại nước sạch. Lột yếm cua, mai cua và để riêng. Dùng thìa nhỏ nạo lấy phần gạch cua cho vào chén, ướp với một ít tiêu xay, hạt nêm. Xay hoặc giã nhỏ phần yếm cua. Cho cua xay vào một chiếc tô lớn ướp vào ít muối rồi hòa nước vào, dùng tay bóp nhẹ cho thịt cua tan vào với nước. Sau đó, dùng tay hoặc rây lọc bỏ xác cua lấy nước. Lược lấy khoảng 3.5 lít nước riêu cua là được.
- Mỡ heo rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông nhỏ sau đó đem chiên vàng (tận dụng phần nước mỡ heo làm dầu để chiên các nguyên liệu khác). Đậu hũ cắt nhỏ mang đi chiên vàng. Hành lá rửa sạch 1 nửa cắt nhỏ còn 1 nửa cắt khúc khoảng 3cm. Hành tím lột vỏ cắt lát. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau. Huyết heo đem luộc sơ lại với nước cho sạch và cắt khúc vừa ăn. Tôm khô và mực khô ngâm nước khoảng 30 phút, sau đó đem mực cắt nhỏ rồi chiên vàng cùng với tôm khô.
- Cho vào chảo lòng sâu 150ml dầu ăn (hoặc tận dụng phần nước mỡ heo nếu nhiều) đun nóng, rồi cho hành tím đã cắt lát vào chiên vàng. Sau khi hành chín vàng thì cho phần tóp mỡ đã thắng vào chiên sơ rồi vớt ra để ráo.
- Phần gạch cua đã tách riêng ra, bạn cho vào chảo cùng với 1 muỗng canh nước mỡ heo và xào chín.
- Cho vào tô 100gr giò sống, 2 cái lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 ít hành lá cắt nhỏ cùng với một ít nước riêu cua đã lọc và trộn đều. Sau đó cho phần hỗn hợp này vào khuôn cùng với khoảng 100ml nước riêu cua đã lọc và đem hấp khoảng 30 - 40 phút cho phần chả cua chín. Bạn phết lên bề mặt chả cua ít gạch cua đã xào tạo nên màu vàng đẹp mắt và tăng thêm hương vị.
- Bắc chảo lên bếp cùng với một ít nước mỡ heo đun nóng, cho cà chua đã cắt múi cau, 1 muỗng canh dầu điều vào xào sơ khoảng 5 phút. Phần mực và tôm đã chiên sẵn cho vào nồi, cùng với phần xác cua đã bọc kĩ bằng vải. Thêm vào nồi 1.5 lít nước và nấu khoảng 30 - 40 phút để tôm mực và xác cua ra được chất ngọt. Vớt xác bỏ, lúc này trong nồi còn khoảng 1 lít nước dùng, tiếp tục đổ thêm 3 lít nước riêu cua đã lọc vào nồi nấu trên lửa nhỏ để riêu cua từ từ tạo thành váng thịt và nổi lên mặt nước. Sau đó cho phần cà chua, đậu hũ, huyết heo, hành lá cắt khúc, gạch cua còn lại vào nồi nêm gia vị gồm: 60gr đường, 1 ít bột ngọt, 20ml nước mắm, 1 ít hạt nêm, tiêu và 20gr mắm tôm khuấy đều.
-
Nhắc tới Bún thì người ta sẽ nghĩ ngay đến bún bò Huế. Món ăn đặc sản của Thừa Thiên - Huế. Chữ "Huế" được thêm phía sau để chỉ xuất xứ của món ăn này. Nguyên liệu chính của món ăn này là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Người ta còn thường thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu.
Nguyên liệu:
- Chân giò heo 1 kg
- Nạm bò 500 gr
- Bún sợi to 200 gr
- Huyết bò hoặc heo 1 tô (không bắt buộc)
- Chả cua hay chả bò 200 gr (không bắt buộc)
- Dầu màu điều 3 muỗng canh
- Sả 7 cây, hành tây 2 củ, tỏi 1 củ, gừng 1 củ
- Mắm ruốc 2 muỗng canh
- Hành lá 1 ít
- Giá đỗ 1 ít
- Mùi tàu/húng quế 1 ít
- Hoa chuối 1 ít
- Chanh 1 trái
Cách làm:
- Chân giò heo nếu thích nhiều thịt thì chọn chân sau, thích da và gân sần sật thì chọn chân trước, chặt thành những khoanh tròn, rửa sạch. Luộc chân giò qua nước sôi cho hết chất bẩn sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nạm bò rửa sạch, luộc riêng cùng 1/2 củ gừng thái lát cho thơm. Ninh lửa nhỏ khoảng 2 tiếng, dùng đũa xiên thử miếng nạm, nếu xiên qua được là đạt yêu cầu. Đợi thịt nạm nguội thái miếng mỏng.
- Huyết bò hoặc heo có thể mua sẵn hoặc mua huyết về luộc chín, thái miếng vừa ăn. (Lưu ý mua huyết ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn thực phẩm). Nếu không ăn huyết có thể bỏ qua. Chả cua nặn thành từng viên tròn nhỏ thả vào nồi nước luộc nạm, chả nổi lên là đã chín, bạn vớt ra để riêng. Có thể thay thế chả cua bằng chả bò, chả giò hoặc không cho chả cũng được. 4 cây sả băm nhỏ, còn lại cắt khúc, đập dập. Hành tây chia 2 phần, một nữa cắt đôi, nữa còn lại thái mỏng. Hành lá, mùi tàu, húng quế rửa sạch thái nhỏ. Các loại rau ăn kèm rửa sạch, để ráo nước.
- Hòa 2 muỗng canh mắm ruốc với 100 ml nước lạnh. Phi 4 cây sả băm cho thơm cùng 2 thìa dầu ăn, lấy bớt sả ra, cho 3 muỗng canh dầu màu điều vào. Băm nhuyễn 1 củ hành, 1 củ tỏi kèm 2 trái ớt rồi cho vào chảo phi vàng thì tắt bếp. Chân giò heo đã sơ chế bạn cho lên bếp ninh lửa nhỏ cùng 1 củ hành tây cắt đôi và 3 cây sả đập dập cho nước dùng thơm ngọt, ra hết chất trong xương. (Lưu ý thỉnh thoảng hớt bọt nồi nước dùng để nước được trong). Lấy phần trên của nước mắm ruốc cho vào nồi, bỏ phần cặn đi. Cho 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh muối vào, nêm nếm cho vừa miệng. Thêm chén ớt sa tế đã làm ở trên vào.
-
Dẫu người ta bảo bún thang ra đời là để giải quyết các nguyên liệu thừa của mâm cỗ Tết còn lại, nhưng bún thang có thể xem là món bún cầu kỳ nhất nhì của miền Bắc. Món bún này cầu kỳ từ thứ nước dùng trong ngọt thanh ninh từ xương gà tôm khô. Ngoài ra nguyên liệu ăn kèm của tô bún thực sự đa dạng, nào là thịt gà, giò, trứng đều phải thái chỉ, rồi củ cải sợi khô, nấm hương, ít ruốc tôm và tất nhiên không thể thiếu chút mắm tôm. Bát bún thang đúng chuẩn thường khiến người ta ngây ngất cả về hương vị lẫn hình thức.
Ăn bún thang thì không thể thiếu củ cải dầm, vài cánh nấm, một cái nhúng đầu đũa tinh dầu cà cuống và đặc biệt sau tất cả nhứng thứ hương vị thanh thanh đó thì còn có thêm một tí tẹo mắm tôm. Một hương vị tưởng như không liên quan đến tất thảy những thứ đã có trong bát bún, thế mà khi kết hợp với nhau lại cho ra một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Nguyên liệu:
- Giò lụa 100 gr (chả lụa)
- Xương ống heo 500 gr
- Gà ta 1 con
- Trứng vịt 2 quả
- Bún sợi nhỏ 1.5 kg
- Tôm sú 200 gr
- Tôm khô 100 gr
- Râu mực 3 cái (hoặc sá sùng)
Cách làm:
- Giò lụa thái thành sợi thật nhỏ, để riêng. Hành lá, rau răm đem nhặt rồi rửa sạch với nước và để ráo rồi đem thái nhỏ, để riêng. Gừng rửa sạch, để ráo nước. Hành tím bóc sạch vỏ, rửa sạch rồi đem đập dập, băm nhỏ, để riêng. Củ cải khô ngâm nước ấm 30 phút cho nở ra rồi đem rửa lại với nước sạch. Tiếp theo, bạn thái sợi thật nhỏ và trộn với 2 thìa giấm, 1 thìa đường trắng, trộn đều và để 30 phút cho củ cải thấm gia vị. Nấm hương nhặt sạch cắt bỏ phần chân đen, rửa sạch, thái nhỏ. Tôm khô nhặt bỏ bụi bẩn, để riêng. Tôm sú cắt bỏ đầu, bỏ đuôi, bóc bỏ vỏ, tách bỏ sợi chỉ đen trên lưng tôm rồi đem rửa sạch. Cho tôm vào cối giã sơ qua rồi để riêng. Đánh trứng vào bát, thêm chút hạt nêm vào, khuấy đều và để riêng. Gà rửa kỹ với nước muối pha loãng, rửa lại với nước sạch và để ráo. Xương heo rửa sạch với nước muối pha loãng, rửa lại với nước sạch và để ráo.
- Gừng đã rửa sạch đem nướng cho đến khi nào chín và có mùi thơm. Tiếp đó, cho râu mực lên bếp nướng chín, đợi đến khi râu nguội, xé thành sợi nhỏ là được.
- Cho gà vào nồi luộc, đến khi sôi thì cho một chút gia vị 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng đường, 1 muỗng cafe muối và hành khô, gừng đã nướng thơm vào, hạ nhỏ lửa để gà chín bên trong. Sau khi vớt ra để nguội, bạn dùng tay xé sợi vừa ăn và để riêng. Xương lợn cho vào nồi đun sôi với nước, sau đó đổ hết nước đó đi, cho ra vào nước lạnh rửa sạch vụn xương. Sau đó đổ xương vào nồi nước luộc gà ninh nhừ (khoảng 2 – 3 tiếng) để làm nước dùng.
- Khi nồi nước ninh xương đun được khoảng 50 phút đến 1 tiếng, thì cho râu mực nướng chín, tôm khô đã rang, nấm hương, 1 viên đường phèn, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối và chút nước mắm vào, khuấy đều. Tiếp tục ninh thêm 1 hoặc 2 tiếng nữa thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, cho hành lá và rau răm xắt nhỏ vào, rồi tắt bếp.
- Cho tôm khô vào rang thơm rồi cho ra đĩa. Tiếp đó, cho chút dầu ăn vào tráng đều mặt chảo, đến khi dầu nóng già thì cho tôm sú đã giã vào, thêm chút nước mắm rồi sao cho tôm chín, hơi khô lại thành ruốc tôm thì cho ra đĩa. Cho bát trứng đã đánh vào rán sao cho thật mỏng. Đến khi chín cho trứng ra đĩa, đợi trứng nguội thì thái thành sợi nhỏ.
-
An Giang là vùng đất nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long vì thế đất đai trù phú, dân cư đông đúc và có rất nhiều món ăn ngon. Bún cá Châu Đốc là một trong những món ăn An Giang nổi tiếng như vậy. Món bún cá Châu Đốc đã hấp dẫn nhiều người bởi hương vị đậm đà của nước lèo được nấu bằng ngải bún và nghệ tươi,thêm miếng thịt cá lóc vừa ngọt vừa chắc nịch, khi ăn kèm với rau sống, đặc biệt là bông điên điển giúp hương vị của món ăn tăng thêm phần thơm ngon, khiến ai nấy ăn một lần là nhớ cả đời.
Để nấu được một tô bún cá Châu Đốc ngon đòi hỏi nhiều công phu, qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Món cá dùng trong bún cá Châu Đốc phải là cá lóc, nạc cá tách xương tỉ mỉ, xào sơ với nghệ để có màu vàng đẹp và mùi thơm. Nước dùng của bún cá được nấu bằng nước luộc cá, cá sử dụng phải là loại cá lóc. Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc phải kể đến là thịt heo quay.
Nguyên liệu:
- Bún tươi 800 gr
- Cá lóc 1 con
- Nước dừa 400 ml
- Ngãi bún 30 gr (bạn có thể mua ngãi bún tại các cửa hàng chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm)
- Củ nghệ 20 gr
- Mắm ruốc 10 gr (hoặc mắm cá linh hay cá sặc)
- Đường phèn 15 gr
- Hành tím 1 củ
- Sả 80 gr
- Nước lọc 1 lít
- Ớt 3 trái
- Tỏi 2 củ
- Rau ăn kèm 300 gr (rau thơm/ rau răm/ bông điên điển/ rau muống/ bắp chuối/ rau nhút/ giá/ hẹ...)
- Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ nước nắm/ hạt nêm...)
Cách làm:
- Cá lóc bạn rửa sơ cạo vảy, loại bỏ phần bụng cá. Sau đó dùng muối hạt chà sát toàn thân cá cho bớt nhờn, rửa lại bằng nước sạch và cắt nhỏ cá đi. Tỏi, hành tím băm nhuyễn. Ớt bạn dùng dao cắt lát mỏng. Sả đem rửa sạch, bạn chia sả làm 4 phần bằng nhau. 1 phần bạn dùng dao cắt ngắn đoạn 7 - 8 cm và 3 phần còn lại bạn dùng dao băm nhuyễn. Nghệ bạn dùng dao gọt vỏ và rửa sạch lại bằng nước. Phần rau ăn kèm bạn rửa sạch bằng nước, vớt ra rổ cho ráo.
- Đầu tiên, cho vào cối 20 gram sả, 20 gram nghệ và 30 gram ngãi bún và dùng chày giã nhuyễn. Tiếp theo, cho 400 ml nước dừa, 1 lít nước lọc và hỗn hợp giã nhuyễn của sả, nghệ và ngãi bún vào nồi. Sau đó, bắt nồi lên bếp và đun sôi. Khi thấy nước sôi, bạn cho cá lóc đã làm sạch vào nồi, luộc chín cá trong vòng 15 phút. Sau 15 phút, bạn vớt cá ra và để nguội trong 10 phút. Sau khi lấy cá, bạn dùng vợt, vợt hết xác của nghệ, ngãi bún và sả ra ngoài. Tiếp tục, 10 gram mắm ruốc bạn khuấy đều với 30 ml nước lọc, sau đó cho vào nước lèo. Cho thêm vào nước lèo 10 gram hạt nêm, 5 gram muối, 15 gram đường phèn cùng với 20 gram sả băm, 20 gram hành tím băm và 20 gram tỏi băm vào nồi. Tiếp tục khuấy đều lên.
- Cá sau khi nguội đi, bạn tiến hành tách cá và bỏ xương đi. Khi tách xương cá bạn nhớ chia thịt cá thành những phần nhỏ vừa ăn. Chú ý nhẹ tay để phần thịt cá không bị vỡ, khi ăn sẽ không ngon. Tách cá xong, bạn cho cá vào chảo và xào thơm cá trong 3 phút với 20 ml dầu ăn, 40 gram sả, 20 gram hành tím và 10 gram tỏi.
- Bạn cho lần lượt bún, cá, ít rau thơm, bông điên điển và sau đó chan nước lèo lên. Bạn có thể lấy nước mắm thêm ít ớt để làm nước chấm để ăn với cá. Có thể ăn bún cá kèm với chả lụa, thịt heo quay hay hột vịt lộn. Rau ăn kèm là rau muống bào, bắp chuối bào, giá, rau răm, bông điên điển, rau thơm. Món bún đạt được yêu cầu là món bún có màu sắc bắt mắt, phần thịt cá lóc không vỡ, không xương, vị vừa ăn.
-
Bún mắm nêm là món đặc sản bình dân của Đà Nẵng. Thành phần ban đầu của tô bún chỉ đơn giản gồm bún, mắm nêm và mít non luộc. Tô bún mắm nêm miền Trung sở hữu hương vị cực kì cuốn hút và hấp dẫn. Từ những nguyên liệu quen thuộc như: Thịt heo, chả cá, rau sống, mắm nêm,… nhưng khi kết hợp với nhau thì lại mang đến một hương vị rất hài hòa và ngon miệng. Món ăn hội tủ đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt, đậm đà, làm cho ai đã ăn thì sẽ nhớ mãi không quên.
Bún mắm nêm ngon bởi nguyên liệu giản dị, dan dã nhưng không kém phần cầu kỳ trong cách chế biến. Sự kết hợp của mùi mắm thoang thoảng, đâm đà, sợi bún mềm mượt, vị bùi bùi của lạc dập, vị béo, giòn sần sật của nem chua, tai heo và vị thanh mát của rau giá, thêm chút thơm lừng của ớt, sả, hành phi. Tất cả tạo lên vị the the, béo béo, cay cay, đậm đà nơi đầu lưỡi, một cảm giác ngon lành đến khó tả.
Nguyên liệu:
- Bún 1/2 kg
- Thịt ba chỉ 1 kg
- Thơm 1/2 trái (dứa)
- Ớt 2 trái
- Tỏi 1 củ
- Mắm nêm 2500 gr (1 chai)
- Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ bột ngọt/ đường)
- Rau ăn kèm 1 ít (xà lách/ húng quế/ diếp cá/ tía tô/ rau thơm/ dưa leo/ giá đỗ)
Cách làm:
- Thịt ba chỉ heo mua về để khử đi mùi hôi bạn dùng muối chà xát xung quanh thịt sau đó rửa lại 2 lần với nước sạch và để ráo. Thơm để thuận tiện bạn có thể nhờ người bán gọt giúp vỏ, mắt thơm, về nhà bạn chỉ cần rửa sạch với nước, cắt bỏ cùi rồi dùng dao cắt thành các lát nhỏ vừa ăn. Tỏi bạn lột vỏ, cắt nhỏ còn ớt bạn cũng bỏ cuống cắt nhỏ.
- Cho thịt ba chỉ vào nồi cùng 500ml nước lọc, 1/2 muỗng cà phê muối và 1/2 muỗng cà phê bột ngọt sau đó cho lên bếp. Đậy nắp lại và luộc thịt heo với lửa vừa khoảng 10 phút cho đến khi thịt heo trong nồi chín mềm, có thể dễ dàng dùng đũa đâm xuyên qua được thì bạn tắt bếp, vớt thịt ra, để nguội rồi cắt thành các lát mỏng vừa ăn.
- Tiếp theo cho lần lượt các nguyên liệu gồm: tỏi và thơm cắt lát cùng 1/2 số ớt đã cắt nhỏ vào máy xay sinh tố, đậy nắp máy lại và xay với tốc độ cao khoảng 3 giây cho thơm cùng tỏi ớt nhuyễn và hòa lẫn vào nhau thì bạn dừng lại. Mở nắp, lấy lưỡi dao ra rồi cho 250gr mắm nêm ngon và 2 muỗng canh đường vào, khuấy đều và trộn đều cho đến khi đường tan hết thì bạn đã pha xong phần mắm nêm.
- Cuối cùng bạn chỉ cần chuẩn bị 1 tô bún trắng sau đó cắt mỏng dưa leo và cho các loại rau ăn kèm đã rửa sạch cùng thịt heo cắt lát vào. Chan thêm 1 ít mắm nêm vừa pha, bỏ lên 2 lát ớt cắt nhỏ nữa rồi trộn đều lên và thưởng thức.
-
Bạc Liêu là cái tên ít thấy trong bản đồ ẩm thực Việt, nên rất tò mò khi nghe ở Sài Gòn có món bún bò cay Bạc Liêu. Trước giờ xứ biển đó chỉ phổ biến các món bún liên quan tới hải sản như: Bún nước lèo Sóc Trăng, bún mắm Cà Mau, bún cá tôm Kiên Giang,…và những món Hoa, vì cộng đồng dân cư đó khá đông đúc.
Về cách nấu nước lèo, hơi giống bún bò giò xứ Huế với thịt bò, xương heo hầm. Gia vị chính của bún Huế là sả còn ở bún Bạc Liêu còn có thêm gừng, nghệ, hồi, quế,… thoảng hương ngũ vị, nhưng không nồng như ở bò kho, cà ri. Cũng không mắm ruốc nên hương nhẹ và thanh.
Món bún bò cay Bạc Liêu ghi điểm nhờ vị cay nồng từ ớt, đậm đà từ các loại gia vị và nước lèo ngọt lịm. Bún bò cay nghe thì giản dị nhưng có hương vị riêng độc đáo. Bún bò cay Bạc Liêu kích thích vị giác bởi vị cay nồng, nước dùng đỏ óng đẹp mắt, sánh nhẹ, mùi thơm hấp dẫn từ sả, hồi, quế,... Thịt bò mềm mượt, dẻo nhưng không nát, chấm cùng đĩa muối ớt cay cay khiến người ăn xuýt xoa hít hà nhưng nhớ mãi không quên.
-
Bún nước lèo Sóc Trăng là món ngon khiến bao tâm hồn ăn uống ngẩn ngơ bởi hương vị độc đáo. Đó là tinh hoa được tạo nên từ nét đẹp ẩm thực của 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer chung sống tại vùng sông nước này.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn ở bất cứ nơi đâu trong hành trình khám phá miền Tây sông nước, thế nhưng Bún nước lèo Sóc Trăng chắc chắn sẽ để lại một ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Đó là điểm đặc sắc mà chỉ có đi và tự mình trải nghiệm, tín đồ ẩm thực mới có thể nếm trọn vị ngon là sự kết hợp giữa nguồn nguyên liệu dân dã và phong cách chế biến, nêm nếm mang đậm tính địa phương nơi đó.
Tinh túy của món bún nước lèo Sóc Trăng nhìn chung nằm ở hương vị nước lèo độc đáo được chế biến từ mắm, sả và ngải bún hòa quyện rất cân đối. Mắm thường sử dụng để nấu bún thường là những loại có sẵn ở khu vực địa phương như mắm cá sặc, cá lóc, riêng người Khmer gốc rất chuộng nấu bằng mắm bò hóc có mùi vị cực kì đặc trưng. Về ngải bún và sả, mục đích chính của các loại thực phẩm này là để khử mùi tanh đồng thời tạo nên hương thơm đặc biệt cho nước lèo khiến ai đã từng thưởng thức qua đều nhớ mãi.
Điểm khác nhau giữa bún nước lèo với bún mắm lại nằm ở cách nấu nước dùng mà ít ai biết, vì bún nước lèo có thể sử dụng nhiều loại mắm nấu chung và có thêm ngải bún và sả không băm. Nước dùng của bún nước lèo cũng trong hơn so với bún mắm vì nấu chủ yến bằng nước dừa phần nước lèo thêm ngọt và ngon hơn.