Top 12 Tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất của Việt Nam
Nhiều người sinh ra và lớn lên không may khi cơ thể bị khuyết tật. Trong hoàn cảnh đó, có người thì buông xuôi số phận, mặc cảm với mọi người xung quanh nhưng ... xem thêm...trái lại có rất nhiều người đã không chịu đầu hàng số phận, từ bi quan họ vươn lên thành những con người có ích cho xã hội. Cùng điểm qua những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất của Việt Nam bằng nghị lực và tài năng đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
-
Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 2 tuổi, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mắc phải một căn bệnh khiến anh bị bại liệt toàn thân, từ đó thường xuyên phải điều trị trong bệnh viện. Thương cha mẹ vất vả, bằng nghị lực cùng sự thông minh, năm 2003, anh đã thành lập Trung tâm Nghị lực sống nhằm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
Rồi Hùng làm quen với máy tính và thế giới Internet đầy lôi cuốn đã làm tăng thêm nghị lực cho chàng trai khuyết tật. Năm 2003, Hùng bắt đầu phổ cập tin học cho thanh niên xã, giúp đỡ hàng trăm người khuyết tật, trẻ mồ côi tìm được việc làm phù hợp. Website conghung.com cũng ra đời sau đó, giúp các bạn trẻ yêu thích tin học tìm thêm được những thủ thuật máy tính.
Năm 2004, Công Hùng mở trung tâm đào tạo tin học cho người khuyết tật tại nhà riêng xã Nghi Diên huyện Nghi Lộc. Với những hoạt động thiện nguyện có hiệu quả của mình, năm 2005, Công Hùng được phong là hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Năm 2006, Công Hùng được Trung ương Đoàn bầu chọn 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc,...
Từ những đóng góp và cống hiến không biết mệt mỏi, anh đã được Tạp chí eChip trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin cùng nhiều danh hiệu khác do Nhà nước trao thưởng. Cuối năm 2012, trên đường vào Vĩnh Long, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã đột ngột qua đời.
-
Nguyễn Sơn Lâm sinh ra trong gia đình nghèo có 4 anh chị em ở Uông Bí, Quảng Ninh. Với anh, sự tự tin và mạnh mẽ của ngày hôm nay được bắt đầu bằng một tuổi thơ không bình lặng. Tròn 1 tuổi, cơ thể Lâm ngày càng yếu đi, hai chân teo lại. Quá lo lắng, bố mẹ Lâm nghe phong thanh nơi nào có “thần y” đều đưa con đến chữa bệnh nhưng các lang y, bác sĩ lắc đầu trước ca bệnh khó. Đi khám, bác sĩ bảo Lâm mắc chứng loãng xương. Anh trai thứ hai của Lâm cũng bị viêm màng não. Bất giác, người cha nghĩ đến chuỗi ngày ác liệt ở chiến trường phía Nam, ông cũng nhiễm chất độc da cam. Có lẽ chính chất độc đã khiến các con ông không lành lặn như người bình thường.
Khi các bạn cùng trang lứa bắt đầu đi học mẫu giáo làm quen với con chữ thì Lâm lại phải ở nhà vì sức khỏe không đáp ứng được. Thương con không được như bạn bè, mẹ của anh đã sưu tầm sách báo, những câu chuyện nói về tấm gương vượt khó vươn lên để kể cho anh nghe. Có được nguồn động viên lớn lao từ người mẹ, Nguyễn Sơn Lâm đã từng ngày xua tan mặc cảm tật nguyền.
Ra trường, Lâm được nhận vào làm phóng viên mảng thể thao của Vietnamnet rồi Thể thao văn hóa, Bongda24h. Nhưng bóng đá cũng chỉ là đam mê chứ không phải là lý tưởng sống. Ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt luôn cháy bỏng trong lòng chàng trai trẻ. Cảm phục con người Lâm, ba người bạn khác là: Nguyễn Hữu Cát, Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Minh Đức đã sát cánh với Lâm gây dựng sự nghiệp. Tháng 6/2011, Công ty Cổ phần Đào tạo Tỏa sáng chính thức thành lập, họ bầu Lâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba người bạn, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Công ty được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ đào tạo các kỹ năng sống dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội. Mỗi tháng, Lâm có 5 - 6 buổi diễn thuyết, tháng nhiều nhất đến hơn 10 buổi cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi buổi diễn thuyết thu hút hơn 300 - 500 sinh viên tham gia. Hơn 90% sinh viên đã thay đổi thái độ sống tích cực và tìm ra được cách thức giải quyết vấn đề cá nhân.
Đặc biệt, với cơ thể chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm, vào tháng 10/2011, anh là người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Phan xi păng - nóc nhà Đông Dương bằng nạng gỗ.
-
Tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s got talent 2011), cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh đã bất ngờ lọt vào vòng chung kết và được đông đảo mọi người biết tới. Dù không đoạt giải nhưng hình ảnh cô gái có thân hình nhỏ bé với nghị lực phi thường đã khiến nhiều khán giả thán phục. Ngoài ra, cô cũng từng đạt giải nhì trong một cuộc thi hát tiếng anh. Câu chuyện về nghị lực của cô gái xương thủy tinh như một tấm gương để các bạn trẻ thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống.
Tháng 10/2015, Nguyễn Phương Anh sang Australia du học với học bổng toàn phần của Đại học Curtin. Cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực là một trong những thí sinh xuất sắc đạt số điểm IELTS 8.0.
Phương Anh cũng là giọng ca ấn tượng tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên, đồng thời là gương mặt được UNICEF lựa chọn tham dự Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về người khuyết tật năm 2013. Cô cũng được bầu chọn là Đại sứ Sinh viên quốc tế của trường.“Với nhiều người, một cô gái xương thủy tinh vượt đại dương du học là chuyện cổ tích. Nhưng hãy tin, chính bạn là người tạo ra câu chuyện của đời mình”, Nguyễn Phương Anh viết.
-
Xuất hiện trong sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam giao lưu, cô bé Nguyễn Linh Chi, quê ở Yên Bái được nhiều người chú ý và gọi bằng cái tên đặc biệt “Nick Vujicic” Việt Nam. Ngay từ khi lọt lòng, bị ảnh hưởng của chất độc da cam, cô bé Linh Chi sinh ra không có chân tay.
Dù bị khuyết tật nhưng cũng không làm bố mẹ phải buồn. Ngoài niềm vui học hát, múa với bạn bè, Chi còn rất thích đọc thơ và vẽ tranh. Đến giờ học bài, Chi ngồi vào bàn. Chiếc bút máy được kẹp chặt vào một bên tay và miệng. Mỗi nét chữ đưa đi, tay và miệng Chi lại di chuyển theo. “Khi đi em hỏi, khi về em chào”, Chi đánh vần, rồi kẹp lại chiếc bút vào miệng, viết từng chữ trên cuốn vở ly. Nhiều khi viết xong chữ, tay Chi tấy lên vì đau.
Vượt lên trên nỗi đau và số phận nghiệt ngã, cùng tình yêu thương của cha mẹ, mọi người trong gia đình, Linh Chi đã cố gắng để có thể tự lập trong cuộc sống. Sau những ngày tháng khổ luyện tập đi trên hai ống inox, bây giờ Linh Chi cũng đã cầm được đồ vật hay rót nước uống. Đặc biệt hơn, Chi cũng đã thành thạo trong việc đọc và tập viết bằng cách kẹp vào cằm. Trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống và tinh thần hiếu học, vừa qua Linh Chi đã xứng đáng được nhận học bổng.
Tin mừng là Linh Chi đã được các bác sĩ ở Trung tâm Đào tạo kỹ thuật chỉnh hình Việt Nam (Vietcot) hỗ trợ toàn bộ chi phí làm tay chân giả.
-
Trà My sinh ra và lớn lên tại Đông Hà, Quảng Trị, ngay từ bé Trà My đã từng phải trải qua một ca đại phẫu thuật không thành công để lại biến chứng khiến đôi chân bị bại liệt, chỉ có thể nằm một chỗ và ú ớ nói không thành lời. Không thể đến trường, những tưởng cuộc sống sẽ bị chôn vùi trong bốn bức tường của căn phòng ở ngôi nhà nhỏ quê hương Đông Hà, nhưng không, Trà My bắt đầu tập viết. My kể, có lần mẹ đi làm về đứng ngoài cửa thấy chị cặm cụi viết chữ, bà giả vờ làm lơ, rồi lén quay đi lau nước mắt. Chính vì thế, chị càng quyết tâm hơn để những ước mơ bay bổng có thể chắp cánh. Và khi những con chữ lành lặn ra đời, chị bắt đầu viết nên những cảm xúc, suy nghĩ của mình qua các tản văn, truyện ngắn.
Không chịu buông xuôi, sau thời gian dài tập luyện vất vả, sự cố gắng, động viên của người thân, cùng niềm đam mê với tình yêu văn chương, giờ đây chị đã trở thành một nhà văn. Đôi chân bước đi không vững, đôi tay chỉ có thể gõ máy tính bằng một ngón nhưng đến nay nhà văn Trần Trà My đã cho ra đời 3 cuốn sách cùng nhiều bài báo khác.
Là cây bút quen thuộc với khá nhiều độc giả qua những tập truyện ngắn như Yêu... trên từng ngón tay, Giấc mơ đôi chân thiên thần... tất cả đều tràn đầy tình yêu vào cuộc sống và niềm tin mãnh liệt ở tương lai. Ngoài việc sáng tác, Trà My cũng rất hay tham gia tình nguyện, để hỗ trợ những bạn khuyết tật có đam mê và khát vọng sống hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Với những người khuyết tật, làm việc nuôi sống bản thân đã khó, để thành công và nổi tiếng càng khó khăn hơn gấp bội. Thế mà Trần Trà My, nữ nhà văn đặc biệt này đã làm được điều đó bằng cả nghị lực chưa bao giờ cạn.
-
Chào đời trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thảo Vân là em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất). Cũng như người anh mình, Vân mới sinh ra bình thường, càng lớn thì cơ thể càng biến dạng, teo tóp không phát triển được. Không chịu đầu hàng số phận và ý thức chỉ có việc học mới có thể cải thiện được cuộc sống của mình, Thảo Vân cùng anh trai đã vượt qua bao khó khăn, cực nhọc để học hết PTTH tại quê nhà.
Lúc đầu việc học của Vân gặp vô vàn khó khăn, vì ngoài phải ngồi xe lăn đến lớp còn thường xuyên bị bạn bè trêu chọc với nhiều trò đùa ác ý. Thương con, bố mẹ xin cho Vân vào trường trẻ em khuyết tật để em đỡ tủi thân và dễ hòa nhập với các bạn. Luôn ý thức được hoàn cảnh của mình và thương bố mẹ vất vả vì phải nuôi 2 con tật nguyền đi học, Thảo Vân cố gắng học hành, giành nhiều thành tích. Lớp 9 Vân đạt giải nhất cờ vua, năm lớp 10 đạt giải nhất cờ tướng khối PTTH cấp tỉnh, năm 2003 đạt học sinh giỏi môn Anh văn…
Bước ngoặt trong cuộc đời Thảo Vân là khi tiếp xúc với chiếc máy tính và những công nghệ về máy tính từ người anh trai của mình. "Tôi cảm nhận được cái duyên và niềm đam mê của cuộc đời mình với công nghệ thông tin, vì những công dụng tiện lợi để truyền tải thông tin, những tính năng rất phù hợp với người khuyết tật để vận hành và phát triển", cô gái nhìn nhận.Thảo Vân bắt đầu tự lập cuộc sống mới mẻ bằng việc nộp đơn và được tuyển dụng vào một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, chuyên cung cấp phần mềm các sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế với mức lương khá cao. Năm 2006, người anh khuyết tật của Vân cùng nhóm bạn mở Công ty Nghị lực sống ở Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho người khuyết tật. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là tin học và ngoại ngữ.
Tính đến nay, Trung tâm Nghị lực sống đã tiếp nhận và đào tạo được gần 600 học viên, trong đó 65% số học viên được đào tạo tại trung tâm đã có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người trong số họ quay lại trung tâm làm giảng viên tình nguyện cho các học viên khác. Các khóa học ở đây không chỉ giúp người khuyết tật được trang bị kiến thức Tin học, khơi dậy niềm tin, nghị lực sống mà còn khẳng định được vai trò của bản thân với xã hội.
Cô gái nhỏ bé Thảo Vân còn tổ chức rất nhiều những chương trình hoạt động từ thiện xã hội như chương trình “Bánh chưng xanh” - xuân Mậu Tý; “Mang trung thu đến vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em nghèo xã Minh Quân (Chấn Yên, Yên Bái) với số tiền quyên góp được là 27 triệu đồng; tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời bất hạnh ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An được 20 triệu đồng; tặng 10.000 phần mềm bản quyền diệt virus cho cộng đồng người khuyết tật trị giá hàng tỷ đồng. -
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, thầy giáo Trần Quốc Hoàn bị liệt nửa người, đôi chân không thể đi lại được. Vượt qua trăm khó khăn, thương bố mẹ đã chịu nhiều vất vả, anh đã quyết tâm học tập. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định ở nhà mở lớp học để dạy cho những đứa trẻ em nghèo nơi mình sống. Một lớp học đặc biệt, không bảng, không phấn mà chỉ là hai dãy bàn ghế gỗ và chiếc xe lăn và được mở ra hoàn toàn miễn phí.
Hiện có rất nhiều học sinh bước ra từ cái nôi này đang theo học các trường đại học hàng đầu của nước ta, như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Ngoại giao, Đại học Giao thông - Vận tải. Ngoài việc làm dạy học nhân văn ấy, anh Trần Quốc Hoàn còn được biết đến là vận động viên khuyết tật nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Năm 2006, anh mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và thật bất ngờ là ngay lần đầu tiên tham gia, anh đã đạt thứ hạng cao ở nội dung xe lăn.
Sau khi vào đội tuyển thể dục thể thao dành cho người khuyết tật của thành phố Đông Hà, anh bắt đầu tham dự các hội thao của người khuyết tật trong toàn quốc. Năm 2007, lần đầu tiên tham gia hội thao toàn quốc nhưng anh đã tự tin ẵm về huy chương đồng cho đoàn Quảng Trị. Sau đó, Trần Quốc Hoàn tiếp tục tham dự nhiều giải đấu trong nước và khu vực, tiếp tục giành những giải thưởng đáng nể. Hiện tại, anh đang sở hữu 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng.
Cuộc sống hai vợ chồng anh Hoàn tính đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng dù vất vả đến đâu, vợ chồng anh vẫn quyết duy trì lớp học tình thương này. Anh lấy việc cưu mang, dạy dỗ các em làm niềm đam mê trong cuộc sống. -
Có lẽ với người bình thường, theo học hết phổ thông rồi bước tới đại học đã là một sự cố gắng thì đối với những người điếc câm, lại là cả một sự phi thường. Đoàn Phạm Khiêm, anh được mọi người biết đến không chỉ là học sinh khá giỏi suốt nhiều năm mà còn là thủ khoa Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Anh chính là sinh viên câm điếc đầu tiên theo học một trường đại học chính quy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Khi mới hơn 1 tuổi, một cơn sốt ập đến như một tai họa đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của anh.
Tưởng như cuộc sống xung quanh anh sụp đổ, nhưng với sự nỗ lực, Khiêm bắt đầu tới trường để làm quen với con chữ qua những ngôn ngữ ký hiệu bằng cử chỉ. Trước những thành công nối tiếp nhau, anh vinh dự là 1 trong 5 người xuất sắc nhất trong dự án biên soạn bộ Từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người câm điếc trong cả nước. Anh cũng đồng thời là giảng viên chính giảng dạy miễn phí cho người câm điếc nhằm giúp họ được học cao hơn, hòa nhập với cuộc sống.
Hai mẹ con Khiêm ước mơ xây dựng được một ngôi trường dành riêng cho người câm điếc và họ sẽ là những giáo viên chính. Hiện nay, Khiêm là thầy giáo có kỹ năng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người bình thường tốt nhất. Lớp học miễn phí của anh vào hai buổi tối trong tuần luôn thu hút đông đảo sinh viên, giáo viên và cả các nhà nghiên cứu chuyên môn tham gia học.
-
Bị mù từ khi lọt lòng mẹ, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh đến với âm nhạc khi mới 6 tuổi. Năm 12 tuổi, Thịnh lập kỷ lục châu Á, là cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất (7 nhạc cụ). Đến nay, ở tuổi 14, kỷ lục gia này đã chinh phục được 12 loại nhạc cụ khác nhau. Là người con duy nhất trong gia đình có bố mẹ đều bị mù, nhưng với tình yêu thương của cha mẹ, sự cố gắng không ngừng học hỏi, đến nay Thịnh đã chơi được hơn một trăm bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau.
Miệt mài với cổ nhạc cho đến năm 9 tuổi, cậu bé mù bắt đầu quan tâm đến đàn điện tử. Nghe ti vi, nghe radio, thấy người ta chơi đàn organ hay quá, Thịnh xin ba mẹ đưa tới nhà thầy Nguyễn Giang Châu để học. Cậu bé có gương mặt bầu bĩnh thổ lộ: “Con học để mỗi khi đi biểu diễn, người ta chơi nhạc hiện đại, con cũng biết chơi; khi người ta chơi đàn cổ thì mình cũng hòa tấu được bằng đàn cổ”.
Năm 11 tuổi, Thịnh tập chơi đàn sến, đàn nhị, sau đó tiếp tục làm bạn với đàn tranh, đàn kìm. Đến với âm nhạc bằng niềm đam mê, và cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh đã được âm nhạc bù đắp, mang đến những niềm vui để vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận. Không còn mặc cảm, không còn nỗi buồn vì sống trong bóng tối, cậu bé mù đã tìm thấy ánh sáng riêng cho đời mình: Ánh sáng từ âm nhạc. Và cậu trở thành ánh sáng, chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ.
Và, từ những sân khấu đơn sơ, được dựng lên để biểu diễn phục vụ người dân ở một số vùng quê Ninh Hòa, cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh bước lên Sân khấu Nhà hát lớn (Hà Nội), biểu diễn trước hàng trăm khán giả sành âm nhạc. Lắng nghe tiếng đàn của Thịnh, nhiều người đã lặng đi vì xúc động.
-
Khiến nhiều bạn trẻ phải nể phục, cô sinh viên của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, Phan Thị Rát là một tấm gương hiếu học. Gia đình cô có 6 người nhưng có tới 4 người bị khuyết tật từ nhỏ. Đó là bố, chị, em gái và bản thân cô. Nguyên nhân là do một chứng bệnh di truyền đến tuổi nào đó sẽ bị co rút các chân tay và dần dần tứ chi bị liệt hẳn, không thể cử động được.
Tình yêu thương của cha mẹ, ý chí tự vươn lên, cô đã bước qua được nghịch cảnh bằng thành tích học tập đáng khen ngợi, liên tục đạt học sinh giỏi và trở thành sinh viên bước vào giảng đường đại học. Dù phải di chuyển bằng xe lăn nhưng cô sinh viên khuyết tật này lại rất say mê với các hoạt động xã hội, thích được đi khắp mọi nơi để nâng cao hiểu biết.
Năm nào Rát cũng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Ở trường, Rát là thành viên của Câu lạc bộ Sách nói (CLB nhằm đưa sách đến với những người khiếm thị thông qua âm thanh). Ngoài xã hội, Rát là nhóm trưởng nhóm Đột Phá (nhóm các bạn thanh niên khuyết tật có năng lực và muốn thay đổi cuộc đời) thuộc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD). Trong bất cứ hoạt động nào, Rát luôn là người năng nổ, sôi nổi, gắn kết mọi người. Rát cũng chẳng ngần ngại khi đẩy chiếc xe lăn lên sân khấu làm MC trước hàng trăm quan khách…
Ngoài ra, một sở thích đặc biệt nữa của Rát là đi du lịch khắp mọi nơi. Mặc dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng Rát vẫn rất muốn được đi tham quan, đi chơi nhiều nơi để biết đó đây. Rát đã từng trải nghiệm xe lửa, đi khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai, lên tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố để nhìn mọi vật dưới tầm mắt mình, đến khu du lịch thác Giang Điền… Nhân ngày quốc tế Người khuyết tật (3/12) năm 2013 vừa qua, Rát được bình chọn là một trong 12 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất Việt Nam vì ý chí vượt khó và tinh thần hoạt động xã hội của mình. Với nghị lực vượt khó và tinh thần hoạt động xã hội, cô chính là một trong những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu. -
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông con, không được may mắn như bạn bè khi không có hai cánh tay do dị tật bẩm sinh nhưng Trí vẫn lạc quan, quyết tâm học để đổi đời. Thương cha mẹ, Trí đã tự mình vươn lên, rèn luyện đôi chân để sinh tồn và điều khiến mọi người bất ngờ là Trí có thể viết được chữ.
Dù không có 2 tay, viết chữ bằng chân nhưng trong suốt 12 năm học, Nguyễn Minh Trí luôn là học sinh khá giỏi, trong kỳ thi tốt nghiệp 12 Trí đạt 41 điểm. Ý thức bản thân khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu học trò nghèo đăng ký duy nhất một ngành học là Công nghệ Thông tin của Trường ĐH An Giang. Với số điểm 13, Trí trúng tuyển vào trường trong sự ngỡ ngàng và khâm phục của thầy cô, bạn bè Trường THPT Thạnh Mỹ Tây. Nhớ lại giây phút cô giáo gọi điện thông báo kết quả, Trí cảm thấy như vẫn còn trong mơ. “Em đam mê nhất là môn tin học. Do đó, ước mơ của em là thi khối A vào ngành công nghệ thông tin. Khi hay tin mình thi đỗ đại học em rất mừng. Vào đại học là một bước đi khó khăn gian khổ, bởi gia đình còn nghèo, nhưng em sẽ cố gắng vượt qua để hoàn thành ước mơ đang phía trước”, chàng tân sinh viên nói.
Trí tâm sự người mà em thần tượng và kính phục nhất là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy là người truyền nghị lực sống và niềm tin vào tương lai cho em. Cũng có lúc Trí cảm thấy mệt mỏi và nản lòng trước những nghiệt ngã của cuộc sống nhưng chính hình ảnh thầy Ký và lòng ham học hỏi đã giúp em vượt qua.
-
Bế Thị Băng người dân tộc Tày, ở Cao Bằng. Được mệnh danh là người đứng một chân lâu nhất Việt Nam, bởi 10 năm nay, dù mất một bên chân do tai nạn nhưng chưa ngày nào chị Bế Thị Băng ngồi xe lăn.
Năm 24 tuổi (2012), vừa tốt nghiệp chuyên ngành Y khoa, Đại học Thái Nguyên, trên đường đi làm, không may cô gái trẻ Bế Thị Băng va chạm với chiếc xe tải. Tỉnh dậy trên giường bệnh, khi nghe bác sĩ nói với bố: "Con của bác sau này chỉ có ngồi trên xe lăn thôi, không thể đứng được nữa", chị Băng đã suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời mình và tự nhủ rằng phải tập đứng dù có khó đến mức nào.
Ít ai biết rằng, Bế Thị Băng đã nhắn tin cho người lái xe gây tai nạn cho mình với mong muốn có một đôi nạng gỗ để tập đi. Quyết tâm của Băng được đẩy lên cao hơn khi ra viện chưa được 2 tháng, chị tự nguyện xin bác sĩ đóng hậu môn nhân tạo cho mình để trở lại thành người bình thường dù biết rằng công việc này chỉ có thể tiến hành khi cơ thể bình phục hoàn toàn sau tai nạn.
Trải qua biết bao đau đớn, biết bao lần ngã với vết thương chưa lành hẳn… nhưng điều đó không làm quyết tâm đứng trên một chân của chị Băng giảm đi. Đến khi đặt bước chân đầu tiên lên nền nhà, Bế Thị Băng tự tin với bản thân rằng mình sẽ đứng vững, đứng chắc trên chiếc chân còn lại này. Minh chứng là 10 năm qua chị chưa từng ngồi xe lăn, thậm chí còn đi giày cao gót – sở thích của biết bao cô gái bình thường khác. Với nghị lực phi thường, cô đã đăng quang Hoa khôi Vầng trăng khuyết năm 2019.Bế Thị Băng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xuất hiện trong những buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, người yếu thế. Trải qua muôn vàn khó khăn sau tai nạn, Bế Thị Băng nhất quyết ở lại Hà Nội để tự chăm sóc mình và đi xin việc. Nhiều nơi từ chối, rồi may mắn đã mỉm cười khi chị đã kiếm được một việc làm không lương tại một phòng khám nhỏ. Với nghị lực và sự chăm chỉ của mình, chủ phòng khám đã ghi nhận và trả chị lương ngay từ tháng đầu tiên.
Cứ như vậy, nỗ lực chăm chỉ của Băng được đền đáp với số tiền dành dụm đủ để phụ giúp gia đình, cùng với bạn chung vốn mở phòng khám nha khoa thẩm mỹ. Đến nay, Băng còn sở hữu trong tay một khu du lịch homestay riêng, kinh doanh mỹ phẩm…Hiện tại, Bế Thị Băng là Đại sứ của Quỹ trẻ em nghèo Mottainai và chuyên giúp đỡ nạn nhân tai nạn giao thông. Chị đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khuyết tật giống như mình.
Tâm Tình 2018-09-18 14:14:08
Bài viết đã được chọn làm video trên kênh youtube của toplist.vn. Cảm ơn tác giả.