Top 10 Vị Giáo Phụ nổi bật trong thế giới Công Giáo
Các giáo phụ là những nhà thần học Kito giáo sống vào thế kỷ thứ I và II sau công nguyên, họ được cho là đã quen biết, biết rõ một trong số Mười Hai Tông Đồ ... xem thêm...từng đi theo Chúa Jesus hoặc đã bị ảnh hưởng đáng kể. Các tác phẩm của họ, mặc dù phổ biến trong Cơ Đốc giáo sơ khai, nhưng cuối cùng lại không được đưa vào kinh điển của Tân Ước. Dù vậy, nhiều tác phẩm xuất phát từ cùng khoảng thời gian và vị trí địa lý với các tác phẩm văn học Kito giáo sơ khai khác đã trở thành một phần của Tân Ước. Một số tác phẩm còn lại được tìm thấy trong sách Giáo Phụ Tông Đồ, tuy không được đưa vào Tân Ước, nhưng dường như cũng được đánh giá khá cao.
-
Giáo hoàng Clement I
Giáo Hoàng Clement I còn được gọi là Giáo Hoàng Clement của Rome. Các chi tiết về cuộc đời ông trước khi cải đạo và thậm chí là cả sau đó hầu như không được biết đến. Một số khía cạnh trong những bài viết của Clement đã khiến các học giả tin rằng ông xuất thân từ Do Thái, hoặc đã theo Do Thái giáo trước khi gia nhập Công giáo.
Người ta cho rằng Clement là con trai của một người La Mã tên là Faustinus, và ông đã gia nhập giáo hội ở Rome trong những năm đầu thành lập, qua lời rao giảng của Thánh Peter tông đồ. Sau sự qua đời của hai người kế vị đầu tiên của Thánh Peter, là Thánh Giáo Hoàng Linus và Anacletus; Clement bắt đầu đảm nhận vị trí Giáo Hoàng thứ tư vào khoảng năm 90 sau công nguyên. Ông được biết đến như một trong năm “giáo phụ tông đồ” của giáo hội - những người đã tạo nên mối liên kết trực tiếp giữa các tông đồ cùng các thế hệ giáo phụ sau này.
Trong một quyển sách “chống lại dị giáo” có mô tả Clement là là người quen với các tông đồ. Văn bản thực sự duy nhất còn tồn tại của ông là bức thư gửi cho nhà thờ ở Corinth-Hy Lạp để phản hồi lại một vụ tranh chấp, trong đó một số linh mục đã bị phế truất. Clement khẳng định quyền lực của các trưởng lão, với tư cách là người cai trị nhà thờ trên cơ sở rằng các tông đồ đã chỉ định như vậy. Bức thư này đã trở thành một trong những tài liệu Cơ Đốc giáo lâu đời nhất vẫn còn tồn tại ngoài sách Tân Ước. Nó được đọc trong nhà thờ cùng với các thư tín khác, một số sau này trở thành một phần của giáo luật Cơ Đốc giáo. Đây là tác phẩm đầu tiên khẳng định thẩm quyền tông đồ của hàng giáo sĩ. Bên cạnh đó, bức thư thứ hai, của ông cũng từng gây tranh cãi; mặc dù học thuật gần đây cho rằng đó là một bài giảng của một tác giả khác.
Theo kể lại, vào cuối đời, Clement bị giam dưới thời Hoàng đế Trajan. Trong thời gian này, ông được ghi nhận là đã lãnh đạo một mục vụ giữa các bạn tù. Sau đó, Clement bị hành quyết bằng cách buộc vào mỏ neo và thả xuống biển. Ông qua đời ở Hy Lạp năm 101, được công nhận là vị Thánh trong Thiên Chúa giáo và được coi là Thánh bảo trợ của các thủy thủ.
Giáo hoàng Clement I được tưởng nhớ hàng năm vào ngày 23 tháng 11 tại các nhà thờ Công giáo, cộng đồng Anh giáo và nhà thờ Lutheran. Còn trong Chính Thống Đông Phương, ngày lễ của ông được tổ chức vào ngày 24 hoặc 25 tháng 11.
-
Thánh Ignatius của Antioch
Thánh Ignatius của Antioch, còn được gọi là Theophorus; ông sinh ra ở Syria khoảng năm 50 sau công nguyên, qua đời tại Rome trong khoảng thời gian năm 110. Ignatius là một nhà văn Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu và là Thượng Phụ của Antioch.
Chi tiết về cuộc đời ông cũng không được biết gì ngoài những lời trong các bức thư của chính ông, cùng những lời được truyền lại sau này. Người ta nói rằng Ignatius đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo khi còn trẻ, ông và người bạn là Thánh Polycarp đều là môn đệ của sứ đồ John. Sau đó, Ignatius được chọn kế vị Evodius làm giám mục của Antioch. Nhà thần học Theodoret của Cyrus đã tuyên bố chính Thánh Peter Tông Đồ đã để lại chỉ thị rằng Ignatius được bổ nhiệm vào vị trí này.
Khi trên đường đến Roma - nơi chịu tử đạo, ông đã viết một loạt thư; những thư từ này là phần trung tâm của tuyển tập các tác phẩm sau này của các Giáo Phụ. Ignatius được coi là một trong ba người quan trọng nhất, cùng với Thánh Giáo Hoàng Clement I và Thánh Polycarp. Các bức thư của ông cũng là một ví dụ về thần học Kito giáo thời kỳ đầu; chúng đề cập đến các chủ đề quan trọng bao gồm: giáo hội học, các bí tích, cùng vai trò của các giám mục.
Ignatius bị kết án tử hình vì đức tin của mình, nhưng thay vì bị xử tử tại quê nhà Antioch, vị giám mục này lại bị một đại đội gồm mười người lính đưa đến Rome. Những lá thư của Ignatius kể rằng bản thân ông đã bị xiềng xích trong suốt cuộc hành trình, nhưng việc một công dân bị trói trong thời gian kháng cáo lên hoàng đế là vi phạm luật La Mã.
Ngày lễ tôn vinh Thánh Ignatius của Antioch được cử hành trong giáo hội Công giáo, nhà thờ Anh giáo và Tân giáo hàng năm vào ngày 17 tháng 10. Còn trong Chính thống Đông Phương, nó rơi vào ngày 20 tháng 12.
-
Thánh Polycarp
Thánh Polycarp là giám mục của Smyrna, sinh khoảng năm 69 sau công nguyên. Ông được coi là một trong ba Giáo Phụ Tông Đồ chính, cùng với Thánh Giáo Hoàng Clement I và Thánh Ignatius của Antioch. Polycarp từng là môn đệ của Thánh John - một trong những sứ đồ đã đi theo Chúa Jesus. Tác phẩm duy nhất còn sót lại được cho là của ông là Thư gửi người Philippians - một bức tranh khảm đề cập đến kinh Thánh tiếng Hy Lạp, cùng với lời tường thuật về sự tử đạo của Polycarp, đã tạo thành một phần của bộ sưu tập những tác phẩm Các Giáo Phụ Tông Đồ.
Thánh Polycarp chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử của giáo hội Kito giáo sơ khai, được gọi là “người đáng ngưỡng mộ nhất trong số những người được bầu chọn”, bởi những người sống cùng thời với ông. Polycarp đã thể hiện mình là một giáo sư tông đồ, nhà tiên tri và giám mục Công giáo. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những Cơ Đốc nhân đầu tiên có tác phẩm vẫn còn tồn tại. Thánh Jerome từng viết rằng “Polycarp là trưởng lão của một giáo đoàn quan trọng, người có công lớn trong việc thành lập giáo hội. Ông đến từ một thời đại mà tính chính thống được chấp nhận cùng với người Công giáo bởi các đạo khác như Chính thống Đông phương, Tin Lành và các nhóm Thiên Chúa giáo”.
Ngoài ra, Thánh Giáo Phụ Irenaeus, khi còn trẻ đã được nghe Polycarp thuyết giảng, và ngài mô tả ông là "một người có sức nặng lớn, là nhân chứng kiên định cho sự thật”. Thánh Polycarp sống ở thời đại sau sự qua đời của các sứ đồ theo Chúa Jesus, khi nhiều cách giải thích những lời dạy của Người đang được rao giảng. Vai trò của ông là xác thực những lời dạy chính thống thông qua mối liên hệ với Thánh John Tông Đồ. Ông có thể đưa ra truyền thống đích thực của học thuyết tông đồ cũ, lời chứng của Polycarp lên án những điều bịa đặt, xúc phạm của các giáo sư dị giáo. Đặc biệt là tong chuyến viếng thăm đến Rome, lời chứng của Polycarp giúp cải đạo nhiều môn đồ của hai nhà thần học nổi tiếng là Marcion và Valentinus.
Ông đã tử vì đạo vào năm 155, khi bị trói, bị đốt trên cọc, cuối cùng bị xuống tay khi ngọn lửa không thiêu rụi được ông. Polycarp được coi là một vị Thánh và Giáo Phụ trong Công giáo, Chính Thống Đông Phương, giáo hội Luther cùng Anh giáo. Di tích của ông hiện được đặt dưới bàn thờ chính trong nhà thờ Thánh Ambrose Maximum. Cánh tay phải được lưu giữ tại tu viện ở Ampelakiotissa-Hy Lạp trong hơn 500 năm. Tuy nhiên, nó đã bị đánh cắp vào ngày 14 tháng 3 năm 2013.
-
Thánh Justin Martyr
Thánh Justin Martyr sinh vào khoảng năm 100 sau công nguyên, tại Flavia Neapolis-Palestine. Ông là một trong những nhà triết học, biện giáo Hy Lạp quan trọng nhất trong thời kỳ Cơ đốc giáo sơ khai. Các tác phẩm của ông là tiêu biểu cho một trong những cuộc gặp gỡ tích cực đầu tiên giữa mạc khải Kito giáo với triết học Hy Lạp, và đặt nền tảng cho thần học lịch sử.
Là một người ngoại đạo được nuôi dưỡng trong môi trường Do Thái, Justin Martyr đã nghiên cứu các Chủ Nghĩa Khắc Kỹ, Platonic, cùng các Triết Lý Ngoại Giáo. Ông bắt đầu cải đạo vào năm 132, tại Ephesus-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau năm 135, ông lang thang từ nơi này sang nơi khác, công bố triết lý Cơ Đốc giáo mới tìm ra của mình với hy vọng cải đạo những người ngoại đạo có học thức theo nó. Justin Martyr đã dành một thời gian đáng kể ở Rome. Vài năm sau, trong khi tranh luận với Tông Đồ Crescens, ông bị quận trưởng La Mã tố cáo là kẻ lật đổ và bị kết án tử hình cùng với 6 người bạn đồng hành. Những ghi chép xác thực về cuộc tử đạo bằng cách xử trảm vào năm 165 vẫn còn tồn tại.
Hầu hết các tác phẩm của Thánh Justin Martyr đã bị mất, nhưng có hai bài hộ giáo và một cuộc đối thoại vẫn tồn tại. Trong đó, bài hộ giáo đầu tiên là văn bản nổi tiếng nhất của ông, khi nhiệt tình bảo vệ đạo đức của đời sống Kito giáo, đồng thời đưa ra nhiều lập luận về triết học để thuyết phục hoàng đế Antoninus Pius của La Mã từ bỏ cuộc đàn áp giáo hội.
Ông được tôn kính là một vị Thánh trong giáo hội Công giáo, Chính Thống Đông Phương, giáo hội Lutheran và Anh giáo. Năm 1882, Giáo Hoàng Leo XIII đã có một Thánh lễ và văn phong được soạn cho ngày lễ kính của Thánh Justin Martyr; nó được ấn định vào ngày 14 tháng 4 - đó là một ngày sau ngày vị Thánh này tử đạo. Nhưng vì ngày này thường rơi vào kỷ niệm Lễ Vượt Qua, nên vào năm 1968 nó đã được dời sang ngày 1 tháng 6.
-
Thánh Irenaeus
Thánh Irenaeus, sinh năm 130 sau công nguyên. Ông là giám mục của Lugdunum - một thành phố La Mã quan trọng của Lyon hiện nay. Irenaeus được chú ý vì vai trò trong việc hướng dẫn và mở rộng cộng đồng Cơ Đốc giáo tại các khu vực phía nam nước Pháp. Ông nổi tiếng hơn nữa là vì đã giúp sự phát triển của thần học Cơ Đốc giáo bằng cách chống lại những cách giải thích không chính thống hoặc ngộ đạo về kinh Thánh là dị giáo và xác định nguyên thủy chính thống. Từ Smyrna, Irenaeus đã nhìn cũng như nghe thấy lời rao giảng của Thánh Polycarp - người là hậu duệ của Thánh John, đó là mối liên hệ sống động cuối cùng được biết đến với các tổng đồ.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Chống Dị Giáo”, nó được xem là một sự bác bỏ thuyết ngộ đạo, đặc biệt là của nhà thần học Valentinus. Để chống lại những học thuyết của các giáo phái ngộ đạo cho rằng có trí tuệ bí mật, Irenaeus đã đưa ra ba điều quan trọng của chính thống là: kinh Thánh, truyền thống được lưu truyền từ các tông đồ và lời dạy của những người kế vị tông đồ. Ông là nhân chứng sớm nhất xem tất cả bốn quyển sách Phúc Âm kinh điển hiện nay là thiết yếu.
Dù không xác định được ngày mất của Irenaeus, nhưng người ta chắc chắn là vào cuối thế kỷ thứ hai hoặc đầu thế kỷ thứ ba. Bất chấp một số bằng chứng riêng biệt, vì cũng có khả năng rằng ông đã kết thúc sự nghiệp của mình bằng một cuộc tử đạo. Tất nhiên, Irenaeus được công nhận là một vị Thánh trong giáo hội Công giáo, lễ kính của ông được cử hành vào ngày 28 tháng 6 hàng năm, cả trong Anh giáo và Tân Giáo. Còn trong Chính Thống giáo Đông Phương, nó rơi vào ngày 23 tháng 8. Đức Thánh Cha Francis đã tuyên bố Thánh Irenaeus là Tiến Sĩ Giáo Hội thứ 37 vào ngày 21 tháng 1 năm 2022.
-
Thánh Clement của Alexandria
Thánh Clement của Alexandria, hay còn được gọi là Titus Flavius Clemens, sinh năm 150 sau công nguyên. Ông là một nhà thần học truyền giáo và triết gia Cơ Đốc giáo giảng dạy tại Trường Giáo Lý Alexandria. Trong số các học trò của ông, có cả Thánh Origen của Alexandria và Thánh Alexander của Jerusalem.
Theo Thánh Epiphanius - một giám mục thế kỷ thứ IV; cha mẹ của Clement là những người ngoại giáo, có rất ít thông tin quan trọng về cuộc sống ban đầu của ông, nên ngày sinh cùng nơi sinh đều không được xác định chắc chắn. Từ chối chủ nghĩa ngoại giáo khi còn trẻ do bị coi là băng hoại đạo đức, Clement đã đi khắp nơi ở Hy Lạp, Tiểu Á, Palestine và Ai Cập. Các cuộc hành trình của ông chủ yếu thuộc về công việc tôn giáo. Clement đã đến nhiều trung tâm học tập khác nhau ở Ý lẫn khu vực phía đông Địa Trung Hải. Được người thầy cuối cùng là một cựu triết gia nổi tiếng cải đạo sang Cơ Đốc.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, ông là nhà lãnh đạo trí tuệ ở Alexandria, đã viết một số tác phẩm về đạo đức và thần học, cũng như các bài bình luận kinh Thánh. Ông đã chống lại dị giáo, những người theo thuyết ngộ đạo, tham gia vào các cuộc bút chiến với những người theo đạo Cơ Đốc nhưng nghi ngờ về một Cơ Đốc giáo được trí thức hóa; và Clement đã giáo dục những người sau này trở thành các nhà lãnh đạo thần học của giáo hội - như Alexander, giám mục Jerusalem.
Ba tác phẩm nổi tiếng của ông đã chứng minh rằng ông bị ảnh hưởng bởi triết học Hy Lạp ở mức độ lớn hơn bất kỳ nhà tư tưởng thần học nào khác cùng thời với mình. Các tác phẩm bí mật của Clement chỉ tồn tại ở dạng rời rạc, cho thấy rằng ông cũng quen thuộc với chủ nghĩa bí truyền cùng ngộ đạo của người Do Thái thời tiền Thiên Chúa giáo. Trong một tác phẩm, ông đã lập luận rằng triết học Hy Lạp có nguồn gốc từ những người không phải Hy Lạp, cho rằng cả hai nhà triết học Plato và Pythagoras đều được giảng dạy bởi các học giả Ai Cập.
Clement còn trình bày một chương trình chức năng làm chứng trong suy nghĩ, hành động cho những người tìm hiểu văn hóa Hy Lạp cùng những tín đồ Cơ đốc giáo - một chương trình mà ông hy vọng sẽ mang lại sự hiểu biết về vai trò của triết học Hy Lạp trong đức tin Kito giáo. Theo Clement, triết học đối với người Hy Lạp cũng giống như Luật Moses đối với người Do Thái, đây là môn học chuẩn bị dẫn đến chân lý, được nhân cách hóa. Mục tiêu của ông là làm cho niềm tin Kito giáo trở nên dễ hiểu đối với những người được đào tạo trong bối cảnh Hy Lạp; để những người chấp nhận đức tin Kito giáo có thể làm chứng một cách hiệu quả trong nền văn hóa Hy Lạp.
Clement cũng là một nhà phê bình xã hội có nguồn gốc sâu xa từ môi trường văn hóa thế kỷ thứ II. Ông thường được xem là một Giáo Phụ, được tôn kính như vị Thánh trong Cơ Đốc giáo, Công giáo Phương Đông, Chính Thống giáo và Anh giáo. Tên Thánh Clement của Alexandria đã được tìm thấy trong các danh sách tử đạo, và lễ kính rơi vào ngày 4 tháng 12. Nhưng khi Giáo Hoàng Clement VIII sửa đổi, tên của ông đã bị loại khỏi lịch theo lời khuyên của Hồng y Baronius. Cho đến thời Giáo Hoàng Benedict XIV, ông vẫn giữ nguyên quyết định này của người tiền nhiệm, với lý do cuộc đời của Clement ít được biết đến, rằng ông ấy chưa bao giờ được tôn sùng công khai rộng rãi trong giáo hội; và một số học thuyết của ông, nếu không muốn nói là sai lầm, thì ít nhất cũng đáng nghi ngờ. Mặc dù vậy, nhưng truyền thống Cơ Đốc giáo vẫn xem ông là một vị Thánh cũng như nhiều cơ quan có thẩm quyền Chính Thống giáo khác nhau. Học viện Cơ Đốc Giáo Chính Thống Thánh Clement Coptic ở Nashville đã được đặt theo tên ông.
-
Tertullian
Tertullian, có tên đầy đủ là Quintus Septimius Florens Tertullianus. Ông sinh năm 155 sau công nguyên, là một nhà đạo đức, nhà thần học Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu xuất sắc đến từ Carthage, thuộc tỉnh La Mã ở Châu Phi. Tertullian được gọi là "cha đẻ của Kito giáo Latinh", đồng thời là người sáng lập thần học phương Tây. Ông đã viết ra một kho tàng văn học Cơ Đốc giáo phong phú, là một nhà bút chiến chống lại dị giáo, bao gồm cả thuyết Ngộ Đạo của Cơ Đốc giáo đương đại.
Tertullian đã khởi nguồn những khái niệm thần học mới, giúp thúc đẩy sự phát triển giáo lý của giáo hội sơ khai. Ông có lẽ nổi tiếng nhất vì là nhà văn tiếng Latinh đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Ba Ngôi”. Tuy nhiên, một số lời dạy của ông, chẳng hạn như sự phục tùng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha, đã bị giáo hội bác bỏ. Theo Thánh Jerome, sau đó Tertullian gia nhập giáo phái Montanist, được cho là có thể đã bội đạo; và các học giả hiện đại vẫn đang tranh cãi về điều này.
Có rất ít bằng chứng đáng tin cậy về cuộc đời của ông. Một số nguồn mô tả Tertullian lớn lên ở Carthage, và là con trai của một đội trưởng La Mã. Ông còn được cho là một luật sư, được thụ phong linh mục. Việc chuyển đổi sang Cơ Đốc giáo của Tertullian có lẽ diễn ra vào khoảng năm 197–198 sau công nguyên. Những điều này được phỏng đoán từ các bài viết bởi chính ông.
Ở tuổi trung niên, Tertullian bị thu hút bởi "Lời tiên tri mới" của chủ nghĩa Montanist. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các học giả đều bác bỏ khẳng định rằng ông đã rời bỏ nhà thờ chính thống hoặc bị vạ tuyệt thông (rút phép thông công). Tertullian sau đó được cho là đã tách ra khỏi những người theo chủ nghĩa Montanists để thành lập nhóm của riêng mình. Nhờ các tác phẩm giáo lý được xuất bản, ông đã trở thành thầy của Thánh Cyprian và là tiền thân của Augustine - người sáng lập chính của thần học Latinh.
Dù là tiêu biểu, nhưng trong thời cổ đại, hầu hết những người theo đạo Cơ Đốc không bao giờ tha thứ cho Tertullian, vì ông đã bội giáo (từ chối niềm tin Kito giáo trước đây của mình) để gia nhập giáo phái Montanist. Các nhà văn Cơ Đốc sau này cũng ít đề cập đến Tertullian. Tuy nhiên, họ vẫn phải thừa nhận về tài năng văn chương cùng trí thông minh nhạy bén của ông. Kể từ thế kỷ XIX, những gì về Tertullian đã được đọc cũng như nghiên cứu rộng rãi. Từ đó ông được xem là một trong những nhân vật hình thành trong sự phát triển đời sống và tư tưởng Kito giáo ở phương Tây.
Theo lưu truyền, Tertullian sống đến tuổi già. Những bài viết cuối cùng của ông có niên đại vào khoảng năm 220, nhưng không rõ ngày mất.
-
Origen của Alexandria
Origen của Alexandria, còn được gọi là Origen Adamantius, sinh năm 185 sau công nguyên. Là một học giả Cơ Đốc giáo đầu tiên, sống khổ hạnh và là nhà thần học đã trải qua thời kỳ nửa đầu sự nghiệp của mình ở Alexandria. Ông đã viết khoảng 2.000 chuyên luận trong nhiều ngành thần học, bao gồm cả phê bình văn bản, chú giải, thông diễn kinh Thánh, thuyết giảng cùng tâm linh. Origen cũng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng cũng như gây tranh cãi nhất trong thần học, biện giải và khổ hạnh của Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu. Ông được mô tả là "thiên tài vĩ đại nhất mà giáo hội sơ khai từng sản sinh ra".
Khi còn nhỏ, Origen đã cùng cha mình tìm cách tử đạo bằng cách đầu thú với chính quyền, nhưng bị mẹ ông ngăn cản. Năm lên 18, Origen trở thành giáo lý viên tại Trường Giáo Lý Alexandria. Ông cống hiến hết mình cho việc học và áp dụng lối sống cơ cực. Vào năm 231, sau khi được người bạn là Theoclistus - giám mục của Caesarea, phong chức linh mục; Origen đang trên hành trình đến Athens qua Palestine,thì xảy ra xung đột với Demetrius - giám mục của Alexandria. Người này lên án ông vì sự không phối hợp, và Origen đã kịch liệt phủ nhận.
Ông thành lập Trường Cơ Đốc giáo ở Caesarea, nơi ông dạy logic, vũ trụ học, lịch sử tự nhiên cùng thần học; đồng thời được các nhà thờ ở Palestine và Ả Rập xem là cơ quan có thẩm quyền tối cao về mọi vấn đề thần học. Origen của Alexandria đã bị tra tấn vì đức tin của mình trong cuộc đàn áp Decian năm 250, ông qua đời khoảng từ 3 đến 4 năm sau đó do những vết thương.
Trong nhiều thế kỷ sau khi qua đời, Origen được xem là pháo đài của chính thống, và triết lý của ông đã định nghĩa một cách thực tế Cơ Đốc giáo Đông Phương. Được tôn kính như một trong những giáo viên Cơ Đốc giáo vĩ đại nhất; cũng như các tu sĩ đặc biệt yêu quý - những người được xem là tiếp nối di sản khổ hạnh của ông. Tuy nhiên, theo thời gian, Origen bị chỉ trích theo tiêu chuẩn chính thống ở các thời đại sau này, thay vì theo tiêu chuẩn của chính cuộc đời ông.
Việc Origen của Alexandria có thể tạo ra một số lượng lớn các tác phẩm là nhờ vào sự bảo trợ của Thánh Ambrose ở Alexandria - bạn thân ông, đồng thời là người đã cung cấp cho ông một đội thư ký để sao chép các tác phẩm của mình - khiến Origen trở thành một trong những nhà văn viết được nhiều nhất trong thời cổ đại.
-
Cyprian của Carthage
Cyprian của Carthage, hay còn được gọi là Caecilius Cyprianus, được sinh ra trong một gia đình La Mã giàu có vào khoảng năm 210 sau công nguyên, có lẽ tại Carthage - nơi ông nhận được một nền giáo dục cổ điển. Cyprian là một tu sĩ và là nhà văn Cơ Đốc giáo đầu tiên gốc Berber (người bản địa Bắc Phi sống ở phía tây thung lũng sông Nile), nhiều tác phẩm tiếng Latinh của ông vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Trước khi chuyển sang Cơ Đốc giáo, Cyprian hành nghề luật sư ở Carthage. Trong vòng hai năm, ông được bầu làm giám mục, trở thành nhân vật gây tranh cãi bởi kỹ năng mục vụ mạnh mẽ của mình, hành vi kiên quyết trong thời kỳ dị giáo Novatianist, sự bùng phát của bệnh dịch hạch Cyprian (được đặt theo tên ông do mô tả của ông về nó), và cuộc tử đạo cuối cùng tại Carthage đã tạo dựng được danh tiếng cũng như chứng tỏ sự thánh thiện của ông trong mắt giáo hội. Bên cạnh đó, tài hùng biện tiếng Latinh khéo léo đã khiến Cyprian được xem là nhà văn nổi tiếng của Cơ Đốc giáo phương Tây.
Đầu năm 250, ông đương đầu với cuộc đàn áp Decian và buộc phải bỏ trốn. Mất đi sự lãnh đạo của vị giám mục tài giỏi này, hàng nghìn Cơ Đốc nhân cũng bỏ đạo, từ chối đức tin của mình, đồng thời tuyên bố rằng họ đã hiến tế cho các vị thần ngoại giáo.
Cyprian quay trở lại Carthage năm 251. Tại một hội đồng giám mục vào tháng 5 năm, ông đã có thể lấy lại quyền lực của mình. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào mùa hè năm 254, địa vị của Cyprian lại bị thử thách do một cuộc tranh chấp với Stephen - giám mục Rome và là vị giáo hoàng thứ 23 của giáo hội. Dù trước lúc đó, mối quan hệ giữa các nhà thờ ở Carthage và Rome vẫn rất thân tình. Trong vòng vài tháng, tranh chấp thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Những người ủng hộ dị giáo Novatian đã hoạt động tích cực ở Châu Phi, khẳng định chống lại Cyprian. Tuy nhiên, với sự phục hồi uy tín của ông, mối đe dọa bắt đầu giảm dần.
Sự tranh chấp giữa La Mã và Carthage đã được ngăn chặn nhờ cái sự qua đời của giáo hoàng Stephen vào ngày 2 tháng 8 năm 257. Người kế vị ông ta - Sixtus II thì tỏ ra hòa giải hơn. Tuy nhiên, trong khi đó, một cuộc đàn áp khác lại được hoàng đế Valerian tiếp tục đối với những người theo đạo Cơ Đốc, khiến giáo hoàng Sixtus II vừa lên thay đã bị hành quyết ở Rome.
Tại Châu Phi, Cyprian đã chuẩn bị cho người dân của mình trước sắc lệnh bách hại và làm gương khi ông bị đưa ra trước thống đốc La Mã Aspasius Paternus vào 30 tháng 8 năm 257. Ông từ chối hiến tế cho các vị thần ngoại giáo, kiên quyết tuyên xưng đức tin Kito. Vì vậy, thống đốc đã trục xuất Cyprian đến Curubis (ngày nay là Korba). Một năm sau đó, ông bị triệu tập và bị giam giữ trong chính nơi ở của mình để chờ đợi những biện pháp nghiêm khắc sau khi một sắc lệnh mới, nghiêm ngặt hơn của hoàng đế được ban hành.
Ngày 13 tháng 9 năm 258, giám mục Cyprian của Carthage bị bắt giam theo lệnh của quan trấn thủ mới, Galerius Maximus. Vụ hành quyết được thực hiện ngay lập tức tại một địa điểm trống trải gần thành phố. Đám đông khổng lồ đã đi theo Cyprian trong cuộc hành trình cuối cùng của ông. Tiếp theo cuộc tử đạo của vị giám mục này là cuộc tử đạo của 8 môn đệ ông tại Carthage.
Các nhà thờ được dựng lên phía trên lăng mộ nơi ông qua đời. Tuy nhiên, trong những thế kỷ sau, chúng đã bị phá hủy bởi những kẻ phá hoại. Giáo hội Công giáo kỷ niệm ngày lễ của Cyprian cùng với ngày lễ của người bạn tốt của ông là giáo hoàng Cornelius vào ngày 16 tháng 9. Chính Thống giáo Đông Phương tưởng nhớ Cyprian vào ngày 31 tháng 8, và Anh giáo thường kỷ niệm vào ngày 13 tháng 9.
-
Lactantius
Lactantius hay còn gọi là Lucius Caecilius Firmianus, sinh khoảng năm 240 sau công nguyên. Ông là một nhà biện hộ Kito giáo và là một trong những giáo phụ của giáo hội Latinh được in lại nhiều nhất. Lactantius đã trở thành cố vấn cho hoàng đế La Mã Constantine I, hướng dẫn chính sách tôn giáo Cơ Đốc của ông trong giai đoạn đầu mới xuất hiện, và là gia sư cho hoàng tử Crispus. Tác phẩm quan trọng nhất của Lactantius là Institutiones Divinae (“The Divine Institutes”), một chuyên luận biện giải nhằm thiết lập tính hợp lý cùng chân lý của Cơ Đốc giáo, bác bỏ triết học theo phong cách cổ điển đối với những quan điểm chống Cơ Đốc giáo vào đầu thế kỷ thứ IV.
Ông là người gốc Punic (một dân tộc Semitic di cư từ Phoenicia đến Tây Địa Trung Hải) hoặc Berber (người bản địa Bắc Phi sống ở phía tây thung lũng sông Nile), sinh ra trong một gia đình ngoại giáo. Trong thời kỳ đầu đời của mình, Lactantius dạy hùng biện ở thị trấn quê hương - có thể là Cirta ở Numidia. Ông đã có một sự nghiệp công khai thành công. Theo yêu cầu của hoàng đế La Mã Diocletian, Lactantius trở thành giáo sư chính thức về hùng biện ở Nicomedia; chuyến đi từ Châu Phi được mô tả trong bài thơ Hodoeporicum (hiện đã thất lạc) của ông. Ở đó, ông kết giao trong giới hoàng gia với nhà bút chiến Sossianus Hierocles và nhà triết học ngoại giáo Porphyry. Sau khi cải đạo sang Cơ Đốc, Lactantius từ chức trước khi hoàng đế Diocletian thanh trừng những người theo Cơ Đốc giáo khỏi nhóm người làm việc trực tiếp cho ông ta, cũng như trước sắc lệnh chống lại người theo đạo Cơ Đốc đầu tiên, được công bố vào ngày 24 tháng 2 năm 303 sau công nguyên.
Sau đó, Lactantius sống trong cảnh nghèo khó và kiếm sống bằng nghề viết lách cho đến khi hoàng đế Constantine I trở thành người bảo trợ của ông. Cuộc đàn áp buộc Lactantius phải rời Nicomedia, để tái định cư tại Bắc Phi. Lúc này, hoàng đế Constantine đã bổ nhiệm Lactantius làm gia sư cho con trai ông là Crispus vào năm 309. Lactantius theo Crispus đến Trier năm 317, khi Crispus được phong làm Caesar (đồng hoàng đế cấp dưới) và được cử đến thành phố. Tuy nhiên, vào năm 326, Crispus bị xử tử theo lệnh của cha mình là Constantine I. Còn về phía Lactantius, hiện thời gian và hoàn cảnh ra đi của ông vẫn chưa được xác thực.
Vì những lý do không rõ ràng sau sự qua đời, Lactantius bị coi là có phần dị giáo. Nghị định Gelasian của thế kỷ thứ VI lên án tác phẩm của ông là ngụy tạo và không được đọc. Dù vậy, các nhà nhân văn thời phục hưng lại quan tâm đến ông vì phong cách Latinh hùng biện công phu, hơn là thần học của ông. Các tác phẩm đã được sao chép thành bản thảo nhiều lần trong thế kỷ XV, và được in ra vào năm 1465 bởi hai nhà in là Arnold Pannartz và Konrad Sweynheim, tại tu viện Subiaco. Ấn bản này là quyển sách đầu tiên được in ở Ý có ngày in, cũng như lần đầu tiên sử dụng phông chữ bảng chữ cái Hy Lạp. Ngoài ra, một bản sao của nó đã được bán đấu giá vào năm 2000 với giá hơn 1 triệu USD