Đền Taj Mahal – Ấn Độ
Taj Mahal là ngôi đền nổi tiếng ở Ấn Độ được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Đền Taj Mahal của Ấn Độ là Di sản văn hóa thế giới năm 1983. Đền Taj Mahal nằm ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Ngôi đền được xây bằng đá trắng trên một không gian rộng lớn, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp diễm lệ, thanh khiết của nó. Với kiến trúc Ấn - Hồi đặc trưng, Taj Mahal lung linh trên trời xanh như một viên ngọc quý làm ngây ngất bất cứ ai có dịp được chiêm ngưỡng. Lịch sử xây dựng Taj Mahal gắn liền với câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah. Bà không may qua đời ở tuổi 39 sau khi sinh người con thứ 14 của họ (1631).
Có nhiều câu chuyện về cái chết của hoàng hậu đã được truyền tai nhau qua nhiều thế kỷ trong đó câu chuyện được kể nhiều nhất là: cái chết của hoàng hậu Mumtaz khiến hoàng đế đau buồn vô hạn, chỉ sau một đêm tóc của ông trở nên bạc trắng. Trước khi nhắm mắt, hoàng hậu Mumtaz đề nghị đề nghị hoàng đế xây cho mình một lăng mộ để kỷ niệm tình yêu của họ. Ngay sau đó, vì tình yêu dành cho hoàng hậu, hoàng đế Shah Jahan đã tự mình theo dõi việc xây dựng Taj Mahal trong 16 năm (1632 - 1648) để có được một món quà tặng cho người vợ quá cố. Taj Mahal được xây bằng đá cẩm thạch trắng và nhiều loại đá quý được mang về từ nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, màu sắc ngôi đền biến đổi kỳ ảo trong ngày nhờ sự biến màu của các loại đá quý theo những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào sắc nắng.