Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị
Trong nhiều thế kỷ, thế giới đã nghe nhiều báo cáo về việc mọi người nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria hiện ra. Hầu hết các cuộc hiện ra của bà đều xảy ra tại Châu Âu, chẳng hạn như Lourdes ở Pháp và Fátima ở Bồ Đào Nha. Chắc hẳn họ vẫn chưa biết rằng Việt Nam cũng là một trong số ít nơi trên thế giới được cho là Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với các tín hữu địa phương. Vào năm 1798, một nhóm người Công giáo tại La Vang, tỉnh Quảng Trị, tuyên bố rằng họ đã nhìn thấy Nữ Vương Thiên Đàng khi họ đang cầu nguyện trong rừng. Sự kiện này về sau được gọi là Đức Mẹ La Vang.
Dưới triều vua Cảnh Thịnh, Công giáo ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Lo sợ một tôn giáo “Pháp du nhập” sẽ ảnh hưởng đến quyền lực cai trị của mình và làm suy yếu chế độ quân chủ nước nhà, nên nhà vua đã quyết tâm bài trừ Công giáo, đàn áp các tín đồ địa phương. Giữa bầu không khí chống Công giáo dâng cao vào năm 1798, một nhóm tín đồ chạy trốn đến La Vang, trú ẩn trong khu rừng nhiệt đới tỉnh Quảng Trị. Đêm nọ, họ nhìn thấy một người hiện ra khi tất cả đang cầu nguyện. Trên cành cây, bà ấy xuất hiện với hai thiên thần đứng bên cạnh trong chiếc áo dài, tay bế một đứa trẻ sơ sinh. Các tín đồ có mặt tại đó giải thích cảnh tượng này là Đức Trinh Nữ Maria đang bế hài nhi Jesus. Năm 1802, những giáo dân này bỏ rừng về quê đồng thời thuật lại câu chuyện Đức Mẹ hiện ra ở La Vang. Sau đó, nhiều người đã thường xuyên đến địa điểm này đọc kinh lần chuỗi Mân Côi. Để kỷ niệm sự kiện đó, các tín hữu địa phương gọi khu vực nơi Đức Mẹ hiện ra là một đền Thánh và xây dựng nhà nguyện vào năm 1820. Mười năm sau, căng thẳng giữa triều đình Việt Nam với người Công giáo ngày càng tăng. Thế nên, từ năm 1830 đến năm 1885, các cuộc đàn áp Công giáo diễn ra trên khắp đất nước, rất nhiều linh mục đã bị giết hại; giáo dân Công giáo giảm đáng kể, nhà thờ Đức Mẹ La Vang bị phá hủy. Vào năm 1886, những người Công giáo địa phương xây dựng lại nhà thờ, và mất 15 năm mới hoàn thành vì vị trí biệt lập.
Ngày 22 tháng 8 năm 1961, Giáo Hoàng John XXIII đã phong nhà thờ này thành vương cung thánh đường. 11 năm sau, vương cung thánh đường lại bị phá hủy trong cuộc tấn công Phục Sinh năm 1972. Chỉ một phần tháp chuông là còn gần như nguyên vẹn trong chiến tranh. Dù đã hoen ố theo thời gian nhưng nó vẫn giữ được vẻ uy nghiêm vốn có. Năm 1998, Đức Thánh Cha John Paul II nhìn nhận tầm quan trọng của việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang và bày tỏ mong muốn tái thiết vương cung thánh đường này. Để cho khách hành hương một không gian thờ phượng rộng rãi cũng như thuận tiện hơn, các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương đã xây dựng một nhà nguyện mới vào năm 2012 mang kiến trúc bản địa với mái dốc truyền thống, nơi đây có thể chứa tới 5.000 người.
Trước tháp chuông là một quảng trường rộng rãi, hai bên là những tác phẩm điêu khắc thể hiện cuộc khổ nạn của Chúa Jesus Kito cùng những vị Thánh tử đạo Việt Nam. Tại nơi tương truyền Đức Mẹ hiện ra, mọi người sẽ bắt gặp các bức tượng gồm 3 cây đại thụ với tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài đồng đứng chính giữa. Ngày nay, vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang đã trở thành một trong những Thánh địa Công giáo quan trọng nhất tại khu vực, thu hút hàng ngàn khách hành hương mỗi năm. Đây cũng là một trong ba thánh địa Công giáo duy nhất cả nước được chính phủ Việt Nam công nhận.