Nhà thờ đá Phát Diệm - Ninh Bình
Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc lâu đời hơn 100 năm tuổi, được xây dựng trong suốt 30 năm. Nó là sự giao thoa giữa kiến trúc đình làng của phương Đông cùng kiến trúc Gothic của phương Tây để tạo nên một quần thể kiến trúc tuyệt vời và khác biệt. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 1892, đây chính là nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Nó bao gồm hồ nước, nhà thờ lớn, nhà thờ đá, Phương Đình (nhà chuông) cùng 3 động nhân tạo với tổng diện tích 22 hecta.
Đầu thế kỷ 19, nơi đây còn rất hoang sơ, đầy bùn cũng như cỏ dại. Năm 1828, có một vị quan tài tên là Nguyễn Công Trứ được triều đình Huế cử ra Bắc với hiệu là “Đinh Diên Sư” để khai phá vùng đất mới. Ông đã trở thành người có công lớn lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) cùng Kim Sơn (Ninh Bình). Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng trên đất Kim Sơn do linh mục Phero Trần Lục (tên thường gọi là Sáu, 1825-1899) chủ trì. Cha Sáu làm chánh xứ từ năm 1965; trong 34 năm ông đã chăm lo việc giáo dục nhân bản, cũng như đời sống đạo đức cho bà con giáo dân. Đặc biệt với tầm nhìn rộng khi xây dựng, tất cả vật liệu của nhà thờ đều được chọn từ những loại tốt nhất lúc bấy giờ như đá, gỗ lim. Thế nên, nhà thờ Phát Diệm được mệnh danh là “kinh đô Công giáo của Việt Nam”. Thật khó tưởng tượng khi trên những phương tiện lao động thô sơ, người ta có thể đưa hàng nghìn tấn đá cùng hàng trăm cây gỗ với chiều dài lên đến 12m, nặng trên 7 tấn từ rất xa về để xây dựng. Cổng Phương Đình được thiết kế giống cổng Tam Quan theo lối kiến trúc truyền thống, xây dựng bằng đá xanh với kỹ thuật tinh xảo. Trên các vách đá là những bức phù điêu của một số vị Thánh và hình khắc Chúa Jesus Kito. Tầng cao nhất có 5 khối tháp, khối tháp trung tâm đặt quả chuông nặng 2 tấn, cao 1m9; điều đặc biệt là tiếng chuông này có thể vang xa tận 10 km. Bốn khối còn lại trên đỉnh là tượng của 4 vị Thánh đã viết 4 quyển sách phúc âm, được đặt như búp sen, thể hiện sự giao hòa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại với các tác động từ thiên tai cũng như chiến tranh, công trình này vẫn kiên cố giữ nguyên hiện trạng cho đến tận bây giờ. Nó rất xứng đáng khi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Nhà thờ Phát Diệm còn có nhiều chi tiết chạm khắc tinh xảo khác. Xung quanh công trình được trang trí vô số hình ảnh quen thuộc lấy từ làng quê Việt Nam như Long – Ly – Quy – Phượng, tùng, cúc, trúc, mai; hay hình ảnh quen thuộc với Phật giáo Việt Nam là hoa sen. Các bức phù điêu được chạm khắc khéo léo trên đá xanh nguyên khối do các nghệ nhân điêu khắc đá thời bấy giờ thực hiện.