Top 9 Tiên tri nổi tiếng trong kinh Thánh Cựu Ước

  1. Top 1 Abraham
  2. Top 2 Moses
  3. Top 3 Aaron
  4. Top 4 Miriam
  5. Top 5 Balaam
  6. Top 6 Joshua
  7. Top 7 Samuel
  8. Top 8 Nathan
  9. Top 9 Elijah

Top 9 Tiên tri nổi tiếng trong kinh Thánh Cựu Ước

Jane TrucVy 120 0 Báo lỗi

Các tiên tri trong Cựu Ước được xem là sứ giả của Đức Chúa Trời. Họ đóng vai trò là trung gian giữa Ngài và dân của Ngài. Họ có mối quan hệ đặc biệt với Chúa, ... xem thêm...

  1. Top 1

    Abraham

    Abraham là vị tộc trưởng đầu tiên trong số các tộc trưởng người Do Thái, và là nhân vật được ba tôn giáo độc thần lớn tôn kính gồm: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Theo sách Sáng Thế Ký trong kinh Thánh, ông rời quê hương mình (thuộc quốc gia Iran ngày nay), để đi theo lời kêu gọi của Đức Chúa Trời đến một vùng đất mới - sau này là đất Canaan. Abraham đã tuân theo mệnh lệnh từ Thiên Chúa mà không nghi ngờ gì. Vì vậy, ông nhận được giao ước rằng “dòng dõi của ông sẽ trở nên vững mạnh, nhiều như chim trên trời, như cát dưới biển, đồng thời sẽ được thừa hưởng nhiều đất đai”.


    Sau một chặng hành trình dài để đến vùng đất mới chưa được chỉ định - nơi ông sẽ trở thành người sáng lập một quốc gia. Dù có những lúc lung lay niềm tin, nhưng Thiên Chúa đã củng cố hy vọng và trấn an ông về giao ước trước đây. Khi ở tuổi 70, trải qua những tháng ngày mong mỏi đợi chờ, cuối cùng Abraham cũng có được đứa con trai đầu tiên. Ishmael là con của ông với người hầu gái Hagar. Ông chính thức có thêm con trai thứ hai là Isaac với người vợ Sarah ở tuổi 100. Lời hứa của Thiên Chúa từ đây đã hoàn toàn được ứng nghiệm.


    Vì vậy, trong Do Thái giáo, người ta tin rằng họ có nguồn gốc từ Isaac. Tương tự, trong Cơ đốc giáo, nguồn gốc của Chúa Jesus được cho là cũng bắt nguồn từ Isaac; và việc Abraham suýt hy sinh con trai mình làm vật hiến tế để thể hiện lòng thành kính với Đức Chúa Trời được xem là điềm báo trước về sự hy sinh của Chúa Jesus trên thập tự giá. Trong Hồi giáo, Ishmael được xem là tổ tiên của vị tiên tri nổi tiếng Muhammad, bởi ông luôn được nhắc đến là hậu duệ của tổ phụ Abraham.

    Abraham
    Abraham
    Ứng nghiệm với lời giao ước từ Thiên Chúa, dòng dõi cùa Abraham từ đây sẽ trở nên vững mạnh và đông đúc
    Ứng nghiệm với lời giao ước từ Thiên Chúa, dòng dõi cùa Abraham từ đây sẽ trở nên vững mạnh và đông đúc

  2. Top 2

    Moses

    Moses là một trong những vị tiên tri nổi tiếng, và là nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng nhất trong lịch sử. Ông được sinh ra ở Ai Cập vào thời điểm mà dân tộc Israel của mình phải làm nô lệ cho Pharaoh, đồng thời phải tuân theo nhiều sắc lệnh khắc nghiệt. Moses là con thứ ba trong số ba người con của Jochebed và Amram. Cha của ông là một thủ lĩnh của bộ tộc Levi, được nhắc đến là “người vĩ đại nhất của thế hệ”.


    Vì lo sợ việc dân số ngày càng tăng của họ sẽ trở nên hùng mạnh, có thể chống đối lại chế độ nô lệ; nên Pharaoh đã ra lệnh cho quân lính ra tay với hết tất cả các bé trai Israel sơ sinh. Tuy nhiên, nhờ vào sự quyết đoán nhanh chóng của người mẹ cùng sự thông minh của người chị, Moses 3 tháng tuổi khi ấy đã thoát nạn và được con gái của Pharaoh nhận nuôi. Từ đó, ông sống trong cung điện xa hoa với tư cách là hoàng tử Ai Cập.


    Khi lớn lên, Moses quan sát và thấu được sự đau khổ của người dân Israel. Một ngày nọ, ông bắt gặp một người Ai Cập đang đánh đập dã man một nô lệ Do Thái. Moses đã ra tay trừng trị rồi giấu xác hắn ta trong cát. Nhận ra rằng mình không thể ở lại đây được nữa, ông bèn tìm cách trốn khỏi Ai Cập để đến Midian. Trên đường đi, Moses gặp Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai đang cháy. Ngài bảo ông hãy quay trở lại để giải phóng dân Israel thoát cảnh nô lệ. Lúc này Moses cảm thấy bối rối, do dự vì sẽ phải đối mặt với Pharaoh, đồng thời mọi người khi ấy đều ai không lắng nghe ông. Tuy nhiên, với sự giúp sức từ Thiên Chúa, Moses đã thành công trong sứ mệnh lãnh đạo và dẫn dắt dân Israel ra khỏi đất Ai Cập.


    Ông được ghi nhận là người đã viết kinh Torah - quyển sách thiêng liêng nhất đối với người Do Thái. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cũng từ đây mà ra, đó là những luật lệ mà Ngài ban cho dân mình thông qua Moses. Cuối cùng, ông đưa dân Do Thái đến Đất Hứa của Canaan cổ đại, nhưng chính ông lại không thể bước vào - vì đó chính là sự trừng phạt cho việc Moses đã không có niềm tin vững chắc và không tôn vinh danh thánh Chúa lên trước con cái Israel.

    Tiên tri Moses
    Tiên tri Moses
    Tiên tri Moses nhận được Mười Điều Răn từ Đức Chúa Trời - là những luật lệ mà Ngài ban cho dân mình
    Tiên tri Moses nhận được Mười Điều Răn từ Đức Chúa Trời - là những luật lệ mà Ngài ban cho dân mình
  3. Top 3

    Aaron

    Aaron là một nhà tiên tri, thầy tế lễ thượng phẩm và là anh trai của Moses. Ông xuất hiện lần đầu tiên trong câu chuyện khi Đức Chúa Trời hiện ra với Moses để kêu gọi ông ấy quay trở lại Ai Cập giải phóng dân Israel khỏi chế độ nô lệ của Pharaoh. Tuy nhiên, Moses đã đưa ra lý do rằng mình mắc chứng khó nói và không thể nói chuyện trôi chảy. Ông xin Thiên Chúa hãy sai người khác đến, nhưng Ngài phán rằng sẽ cho Aaron - anh trai của ông, đi cùng để hỗ trợ cũng như làm người phát ngôn thay cho ông. Đức Chúa Trời đồng thời cũng hiện ra với Aaron, bảo hãy đến tìm Moses tại nơi hoang dã, Aaron đã ngoan ngoãn đi theo. Khi cả hai gặp nhau, Moses kể với Aaron những điều Chúa phán, kể cả các chỉ dẫn của Ngài về dấu lạ họ sẽ phải làm trước mặt vua Ai Cập. Cuộc xuất hành bắt đầu, Moses cùng Aaron đến gặp Pharaoh để yêu cầu ông ta thả dân chúng đi cũng như thực hiện nhiều dấu lạ. Họ tuân theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, giải phóng thành công dân Israel khỏi đất Ai Cập.


    Aaron tiếp tục là người đồng hành cùng Moses trong chuyến lang thang trên sa mạc. Tuy nhiên, Aaron đã mắc sai lầm trong một lần được Đức Chúa Trời giao cho phụ trách mọi thứ thay Moses lúc vắng mặt. Thật không may, mọi việc không suôn sẻ khi Aaron nắm quyền. Dân chúng trở nên mất kiên nhẫn với việc phải chờ đợi Moses trở về trong quá nhiều ngày, họ yêu cầu Aaron tạo ra một vị thần mới để dẫn dắt họ. Dường như không phản kháng trước sự thôi thúc, Aaron kêu gọi mọi người tập hợp đồ trang sức bằng vàng lại, ném tất cả vào khuôn đúc để tạo thành một tượng thần hình con bê. Aaron thậm chí còn dựng một bàn thờ trước đó và công bố một lễ hội. Ngoài ra, chuyện này không phải là sai lầm duy nhất của Aaron. Ông cùng chị gái Miriam bắt đầu nói chuyện phiền trách Moses về người phụ nữ Ethiopia mà ông ấy kết hôn. Khi Thiên Chúa gọi ba anh em ra gặp Ngài, Ngài bắt đầu chấp vấn cũng như phán dạy Aaron cùng Miriam vì đã nói xấu em trai Moses. Aaron dường như đã học hỏi và trưởng thành, ông thừa nhận tất cả tội lỗi của mình đồng thời thể hiện sự ăn năn.


    Trên núi Sinai, Đức Chúa Trời ban cho Moses những điều răn về chức tư tế. Ngài cũng bảo rằng nó sẽ thuộc về Aaron theo sắc lệnh lâu dài. Aaron được phong làm thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên, và con cháu ông là những người đã tiếp nối cho đến khi đền thờ bị phá hủy vào năm 70 sau công nguyên.

    Aaron và Moses trong cuộc xuất hành dẫn dắt dân Israel
    Aaron và Moses trong cuộc xuất hành dẫn dắt dân Israel
    Tiên tri Aaron
    Tiên tri Aaron
  4. Top 4

    Miriam

    Miriam là một nữ tiên tri, bà xuất hiện lần đầu trong kinh Thánh khi còn là một đứa trẻ. Cuối cùng, nhân vật này được biết đến cùng với hai em trai của mình là Moses và Aaron. Họ là những người đã dẫn dắt dân Israel ra khỏi đất Ai Cập.


    Vào thời điểm Pharaoh ra lệnh dìm tất cả bé trai sơ sinh Israel, mẹ của Moses đã cứu ông bằng cách đặt ông trong một chiếc giỏ sậy thả trôi theo dòng sông Nile. Miriam lúc này đi dọc bên bờ sông dõi theo em trai mình để xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cho đến khi công chúa Ai Cập phát hiện ra và nhận nuôi Moses. Miriam đã nhanh chóng hành động, đưa ra đề nghị có thể giúp tìm một bảo mẫu người Do Thái cho đứa bé. Và người đó không ai khác chính là mẹ của họ.


    Dù trong xuyên suốt phần đầu của câu chuyện, Miriam là nhân vật thậm chí không được đặt tên. Tuy nhiên, bà lại là một phần của nhóm nhân vật cốt lõi như: các nữ hộ sinh Shifra và Puah - những người từ chối ra tay với các bé trai sơ sinh Do Thái, bất chấp lệnh của Pharaoh; Mẹ của Moses - người đảm bảo sự sống sót cho con mình; công chúa Ai Cập - người nhận nuôi Moses. Xem ra, tất cả họ đều là những nhân vật tích cực trong câu chuyện, là những vị cứu tinh của dân tộc Israel.


    Khi Miriam xuất hiện tiếp theo trong cuộc xuất hành do Moses lãnh đạo đưa dân Do Thái rời đi và vượt qua Biển Đỏ. Sau cuộc giải cứu kỳ diệu mọi người thoát khỏi quân đội Ai Cập, Miriam bắt đầu cầm một chiếc nhạc cụ được gọi là “timbrel”; bà cùng với những phụ nữ khác nhảy múa, vui mừng hát vang một bài ca ca ngợi Thiên Chúa. Địa vị lãnh đạo của Miriam được xác lập tại đây. Tuy nhiên, nó cũng trở thành nguồn gốc của một số rắc rối khi dân chúng di chuyển qua vùng hoang dã. Miriam cùng Aaron bắt đầu phàn nàn về Moses, cũng như có một chút ganh tị trong đó. Khi Đức Chúa Trời gặp gỡ ba chị em để chấp vấn và răng dạy, thì ngay sau đó Miriam phát hiện mình mắc bệnh ngoài da (có thể là bệnh phong).


    Đó được xem như sự trừng phạt mà bà phải nhận. Dù vậy, nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn cho đến khi Miriam được chữa lành. Đây là tình tiết cuối cùng về cuộc đời của bà được kể trong kinh Thánh. Cũng giống như hai em trai, Miriam không thể bước chân vào Đất Hứa Canaan. Mặc dù kinh Thánh không đề cập đến việc bà có gia đình hay không, nhưng truyền thống xem Miriam là tổ tiên của cả Bezalel - kiến trúc sư của ngôi Đền Tạm và của vua David.

    Miriam đưa ra lời đề nghị rằng muốn giúp công chúa Ai Cập tìm một bảo mẫu người do Thái cho đứa bé
    Miriam đưa ra lời đề nghị rằng muốn giúp công chúa Ai Cập tìm một bảo mẫu người do Thái cho đứa bé
    Miriam dẫn đầu những người phụ nữ Do Thái reo hò mừng vui, hát vang bài ca ca ngợi Đức Chúa Trời
    Miriam dẫn đầu những người phụ nữ Do Thái reo hò mừng vui, hát vang bài ca ca ngợi Đức Chúa Trời
  5. Top 5

    Balaam

    Balaam là một nhà tiên tri độc ác trong kinh Thánh. Ông đã nghe theo Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho một số lời tiên tri. Tuy nhiên, tâm của Balaam quả thật không tốt, nên cuối cùng ông đã bộc lộ bản chất thật của mình bằng cách phản bội Israel, khiến họ lạc lối.


    Balaam được vua Balak của Moab thuê để nguyền rủa Israel, vì muốn làm suy yếu những người đang trên đường chuyển đến lãnh thổ của mình. Balaam dường như sẵn lòng làm điều này, nhưng ông nói rằng mình cần sự cho phép từ Thiên Chúa. Tất nhiên, Balaam không có quyền nguyền rủa Israel, nhưng nếu Đức Chúa Trời đồng ý thì ông sẽ được thưởng qua vua Balak.


    Sáng hôm sau, khi Balaam cưỡi lừa đến Moab, Đức Chúa Trời đã sai một thiên thần đến cản đường ông ta. Con lừa mà Balaam đang cưỡi có thể nhìn thấy thiên thần, nhưng ông thì không. Và khi con lừa di chuyển 3 lần để tránh thiên thần, thì Balaam đã tức giận rồi đánh nó. Lúc này, Thiên Chúa mở miệng con lừa, nó bắt đầu quở trách Balaam về việc bị đánh đập. Ngài cũng mở mắt ông, khiến ông nhìn thấy thiên thần của Ngài đang cầm gươm đứng giữa đường đi. Sau đó, thiên thần lặp lại lời chỉ dẫn cho Balaam rằng ông chỉ được nói những gì Đức Chúa Trời bảo ông nói về người Do Thái.


    Tại Moab, vua Balak đem tiên tri Balaam lên một nơi khá cao và bảo ông hãy rủa sả dân Israel. Balaam dâng mười bốn của lễ trên bảy bàn thờ cho Thiên Chúa, đồng thời công bố thông điệp mà Ngài ban cho mình. Sau cả 3 lần, Balaam đều làm theo lệnh của Đức Chúa Trời mà chúc phúc cho dân Israel, khiến vua Balak trở nên vô cùng tức giận. Ông ta bảo Balaam hãy trở về và sẽ không nhận được bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, Balaam đã tìm ra cách khác để có được phần thưởng. Ông xúi giục người Moab lôi kéo dân Israel bằng hình thức mại dâm cũng như sa vào việc thờ hình tượng. Dù Balaam không thể trực tiếp nguyền rủa Israel, nhưng ông đã lên một kế hoạch hoàn hảo để họ tự chuốc lấy lời nguyền. Khi người Moab làm theo lời của Balaam, khiến dân Israel rơi vào tội lỗi nặng nề; Đức Chúa Trời đã giáng họa cho họ, 24.000 người bị diệt vong.


    Câu chuyện về nhà tiên tri độc ác Balaam đã trở nên khét tiếng và được nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước. Bên cạnh đó, nhân vật Judas Iscariot cũng được so sánh với ông vì đã lặp lại tình trạng này khi ông ta sẵn sàng bán đi linh hồn để thu về lợi ích cá nhân.

    Balaam tức giận đánh con lừa của mình vì nó di chuyển để né Thiên Thần trên đường đi, nhưng ông thì không thấy
    Balaam tức giận đánh con lừa của mình vì nó di chuyển để né Thiên Thần trên đường đi, nhưng ông thì không thấy
    Vua Balak mang Balaam lên một nơi cao để nguyền rùa Israel
    Vua Balak mang Balaam lên một nơi cao để nguyền rùa Israel
  6. Top 6

    Joshua

    Joshua là nhân vật đóng vai trò như một người trợ lý của Moses trong sách Xuất Hành. Sau đó, ông kế vị Moses trở thành một nhà tiên tri và đã lãnh đạo dân Israel chiến thắng tiến vào Canaan. Joshua đã thành lập nên một số đền thờ tôn giáo cũng như phân chia các khu vực bộ tộc khác nhau để định cư.


    Ông xuất hiện trong hầu hết các sự kiện quan trọng của cuộc xuất hành. Được Moses giao nhiệm vụ lựa chọn, cũng như chỉ huy một nhóm dân quân cho trận chiến đầu tiên của họ sau khi rời khỏi Ai Cập, và đã dành được chiến thắng vẻ vang. Ông đi cùng Moses khi lên núi Sinai trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đức Chúa Trời, nhận kế hoạch của Ngài đối với ngôi đền tạm của người Israel và nhận Mười Điều Răn là luật pháp mà Ngài ban cho dân mình. Tiếp theo, Joshua được xác định là một trong mười hai điệp viên được Moses cử đi khám phá để thu thập thông tin về vùng đất Canaan. Chỉ có ông và Caleb là những người đưa ra báo cáo tốt nhất. Đức Chúa Trời dành cho Joshua vị trí đặt biệt làm người thay thế Moses, đồng thời ban cho ông phước lành bất khả chiến bại trong suốt cuộc đời. Sau khi Moses mất đi, Joshua đã lãnh đạo dân Israel chinh phục vùng đất Canaan và bàn giao đất đai cho các bộ tộc.


    Trước lúc qua đời, ông cho triệu tập các trưởng lão cùng thủ lĩnh để khuyên họ không được giao du với dân bản địa, bởi vì điều đó có thể khiến họ trở nên không còn trung thành với Đức Chúa Trời. Để làm chứng cho lời hứa phụng sự, Joshua dựng nên một tảng đá lớn dưới gốc cây sồi cạnh nơi thánh của Thiên Chúa. Ngay sau đó, ông ra đi ở tuổi 110, được chôn cất tại vùng Ephraim, phía bắc núi Gaash. Trong truyền thống văn học Châu Âu thời trung cổ, Joshua được biết đến là một trong chín vị Thánh; và ông được xếp cùng nhóm với những "chiến binh đức tin".

    Joshua - người kế vị tiên tri Moses
    Joshua - người kế vị tiên tri Moses
    Joshua - người kế vị tiên tri Moses
    Joshua - người kế vị tiên tri Moses
  7. Top 7

    Samuel

    Samuel là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ các thẩm phán trong kinh Thánh sang quốc gia Israel thống nhất dưới thời của các vị vua cổ đại. Ông được tôn kính như một nhà tiên tri trong Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Ngoài ra, Samuel còn được nhắc đến trong văn học, Tân Ước lẫn trong kinh Qur'an.


    Cha của Samuel là Elkanah, ông ấy có hai người vợ Penninah và Hannah. Tuy nhiên, Penninah thì đã có con nhưng Hannah thì không. Dù được chồng ưu ái hơn nhưng Hannah vẫn rất đau lòng. Trong một lần hành hương cùng gia đình đến thánh địa Shiloh, Hannah đã cầu nguyện cho mình có một đứa con. Trong nước mắt, bà hứa rằng nếu được ban ơn, bà sẽ dâng đứa trẻ cho Chúa với tư cách là một nazirite - người phải thực hiện những lời thề bắt buộc - giống với nhân vật Samson trong sách Các Quan Xét. Khi ấy, thầy tế lễ Eli (một trong những thẩm phán cuối cùng của người Israel) quan sát thấy Hannah và đã chúc phúc cho bà. Sau đó, Hannah trở về nhà nhận được tin vui có thai, bà hạ sinh Samuel. Giữ đúng lời hứa, đến lúc đứa bé tầm 4 tuổi, Hannah đưa con trai đến đền tạm để phục vụ dưới quyền thầy tế lễ Eli, thỉnh thoảng bà lại đến thăm.


    Trong thời niên thiếu của Samuel, người Philistine đã gây chiến với người Israel tại Eben-Ezer, đặt vùng đất dưới sự kiểm soát của họ và chiếm lấy Hòm Giao Ước cho riêng mình. Khi nghe tin Hòm Giao Ước bị lấy đi cùng việc các con trai của mình đều bị sát hại, Eli suy sụp rồi qua đời. Samuel trở thành người kế vị, được cho là nhân vật chủ chốt trong việc giữ gìn di sản tôn giáo cũng như bản sắc dân tộc trong thời gian vương quốc bị người Philistine chiếm đóng. Họ nắm giữ mọi thứ được một thời gian thì phải gánh chịu nhiều tai họa và bất hạnh, nên quyết định trả lại tất cả cho Israel. Khi cái tên Samuel nổi tiếng khắp nơi với tư cách là một nhà tiên tri, ông đã triệu tập dân chúng đến đồi Mizpah, lãnh đạo họ chiến thắng trong trận chiến với quân Philistine. Sau đó, Samuel dựng một tảng đá lớn tại ngay địa điểm chiến đấu làm đài tưởng niệm, thời gian hoà bình trở lại.


    Trong Cơ Đốc giáo, ông được xem là vị tiên tri, thẩm phán và nhà lãnh đạo khôn ngoan; đồng thời là một tấm gương về việc thực hiện cam kết với Thiên Chúa. Theo lịch phụng vụ, ngày lễ kính của Samuel rơi vào ngày 20 tháng 8 hàng năm.

    Tiên tri Samuel được thầy tế lễ Eli sức dầu khi còn bé
    Tiên tri Samuel được thầy tế lễ Eli sức dầu khi còn bé
    Tiên tri Samuel
    Tiên tri Samuel
  8. Top 8

    Nathan

    Nathan là một nhà tiên tri sống dưới thời trị vì của vua David tại Israel. Ông được biết đến trong kinh Thánh với tư cách là cố vấn thân cận cho nhà vua, và Đức Chúa Trời cũng đã phán dạy David nhiều lần thông qua Nathan.


    Ông được nhắc đến lần đầu khi vua David quyết định xây cho Đức Chúa Trời một ngôi nhà. Vì David đang sống trong một cung điện xinh đẹp bằng gỗ tuyết tùng, nhưng thấy rằng thật sai lầm khi Hòm Giao Ước lại chỉ được đặt trong một ngôi đền tạm. Nhà vua bày tỏ với Nathan về kế hoạch của mình, ông đã khuyên David rằng điều đó là đúng đắn, vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sau đó, Chúa đến gặp Nathan trong một khải tượng, bảo ông hãy thông báo với David rằng Ngài không cần xây một ngôi nhà, mà Ngài sẽ thiết lập triều đại của David thông qua con của trai ông ấy mãi mãi. Người con trai mà Thiên Chúa nói đến chính là vua Solomon sau này - người được ban cho đặc ân lớn lao là xây dựng Đền Thờ nguy nga của Chúa mà dân Israel sẽ sử dụng cho việc thờ phượng cũng như thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Khi Nathan chuyển thông điệp quan trọng này cho David, ông ấy đã thốt lên một lời cầu nguyện đẹp đẽ và cảm thấy biết ơn Đức Chúa Trời vì ân điển của Ngài.


    Lần tiếp theo Nathan được nhắc đến là lúc vua David ngoại tình với người phụ nữ tên Bathsheba, rồi cho người sát hại chồng bà, nhằm che giấu việc bà mang thai. Vào thời điểm đó, David đã lấy Bathsheba làm vợ. Tưởng chừng bản thân đã thoát khỏi tội lỗi, nhưng Thiên Chúa biết điều đó, nên Ngài đã thông qua Nathan để quở trách David. Sau khi nghe xong, ông ân hận và thú nhận rằng mình đã phạm tội.


    Trong đoạn cuối cùng mà kinh Thánh nhắc đến, Nathan được mệnh danh là sử gia triều đại vua David. Một ngôi mộ ở Halhul, gần Hebron, được cho là của ông. Sử ký thứ nhất còn tiết lộ rằng vua David cùng hoàng hậu Bathsheba đã đặt tên cho một trong những người con trai của họ là “Nathan”. Điều này thể hiện sự cảm kích từ hoàng gia đối với lòng chung thủy, tình bạn cũng như tình thân bền chặt với nhà tiên tri Nathan trong suốt nhiều năm của triều đại.

    Tiên tri Nathan quở trách vua David vì tội ngoại tình với Bathsheba và còn cho người sát hại chồng cô ta
    Tiên tri Nathan quở trách vua David vì tội ngoại tình với Bathsheba và còn cho người sát hại chồng cô ta
    Tiên tri Nathan
    Tiên tri Nathan
  9. Top 9

    Elijah

    Elijah là một tiên tri sống ở phía bắc Israel dưới thời trị vì của vua Ahab, vào thế kỷ thứ 9 trước công nguyên. Ông đã bảo vệ việc thờ phượng Đức Chúa Trời của người Do Thái trước việc thờ tượng thần Baal của người Canaan. Thiên Chúa cũng thông qua Elijah để thực hiện nhiều phép lạ, bao gồm cả sự sống lại và mang lửa từ trời xuống. Ông cũng được miêu tả là người đã lãnh đạo một trường phái tiên tri.


    Elijah được nhắc đến lần đầu tiên trong kinh Thánh khi bất ngờ xuất hiện để thách thức Ahab - vị vua độc ác đang cai trị vương quốc. Ông đưa ra lời tiên tri về một cơn hạn hán sẽ xảy ra do hậu quả của sự gian ác từ nhà vua cùng vợ ông ta là hoàng hậu Jezebel. Khi tai hoạ giáng xuống trên khắp xứ sở ngày càng trầm trọng, Elijah được Thiên Chúa cảnh báo đi trốn gần một con suối. Và ở đó, ông gặp được một góa phụ. Nhờ bà vâng theo yêu cầu của Elijah, Đức Chúa Trời đã cung cấp đủ thức ăn cho ông, người phụ nữ ấy cùng con trai bà. Thật kỳ diệu, thùng bột và bình dầu của người góa phụ không bao giờ cạn, giúp ba người họ sống sót qua sự việc.


    Tiếp theo, Elijah trở lại và là nhân vật trung tâm trong cuộc đối đầu với 450 tiên tri của tà thần Baal trên núi Carmel. Tất cả đều kêu cầu vị thần của mình giáng lửa từ trời xuống để thiêu rụi vật hiến tế trong cuộc thách thức, nhưng không có kết quả. Sau đó, đến lượt Elijah cầu xin với Đức Chúa Trời và được Ngài đáp lại. Mưa lửa từ trời bắt đầu đổ xuống, thiêu rụi của lễ, gỗ, và đá. Sau khi chứng minh được với dân chúng rằng Thiên Chúa mới là Đấng Toàn Năng hơn vị thần giả Baal. Elijah cùng người Israel của mình đã ra tay với hết tất cả các nhà tiên tri kia, và đưa họ quay trở lại với việc thờ phượng Đức Chúa Trời.

    Tiên tri Elijah cầu xin với Đức Chúa Trời cho lửa từ trời xuống thiêu rụi vật hiến tế, trong cuộc đọ sức trên núi cùa ông với các tiên tri thờ thần Baal
    Tiên tri Elijah cầu xin với Đức Chúa Trời cho lửa từ trời xuống thiêu rụi vật hiến tế, trong cuộc đọ sức trên núi cùa ông với các tiên tri thờ thần Baal
    Tiên tri Elijah
    Tiên tri Elijah



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy