Tín ngưỡng phồn thực
Tín ngưỡng phồn thực ("Phồn": nhiều, "thực": nảy nở) là khát vọng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy các biểu tượng về sinh thực khí và hành vi giao phối làm đối tượng. Ở Việt Nam, Tín ngưỡng phồn thực là một trong những tín ngưỡng lâu đời, xuất hiện trong nền kinh tế nông nghiệp, với ước vọng cầu được mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm từ ngàn đời của cư dân.
Đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, các biểu tượng âm - dương, đất - trời, non - nước là những yếu tố chính tạo nên sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, tất cả đều hòa quyện giữa sinh thực khí tự nhiên để tồn tại và phát triển.. Bên cạnh việc thờ sinh thực khí, cư dân nông nghiệp lúa nước với lối tư duy chú trọng tới quan hệ còn có tục thờ hành vi giao phối, tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đặc biệt nổi bật ở Đông Nam Á.
Bản chất của tín ngưỡng này là thờ cơ quan sinh dục và hành vi giao phối. Nếu thấy hình tượng này ở bất kỳ đầu tức là ở đó có tín ngưỡng phồn thực. Tuyệt đối không đánh đồng các hình tượng phồn thực với khái niệm đồi trụy, bởi vì cơ sinh dục là bộ phận quan trọng cho sự sinh sôi, nảy nở của giống nòi.