Top 10 Tips nhỏ giúp bạn tự tin khi nói trước đám đông
Nói trước công chúng (Puplic Speaking) là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Nhưng đó lại là điều vô cùng quan trọng quyết định không nhỏ vào thành công của mỗi ... xem thêm...người. Bạn có những ý tưởng tuyệt vời, bạn cần giới thiệu điều đó trước nhiều người, nhưng lại không biết phải diễn giải như thế nào, không thể kiểm soát được lời nói, hành động của mình. Đừng lo, Toplist sẽ giúp bạn làm cách nào để có thể tự tin nói trước đám đông chỉ với những tips nhỏ dưới đây!
-
Chủ động với nội dung
Phần lớn mọi người thường xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi kinh khủng nhất. Nỗi sợ đó còn hơn cả sợ rắn, sợ đi máy bay, hoặc thậm chí sợ cái chết. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi mà cần phải thường xuyên luyện tập. Bởi trên thực tế, trong công việc hằng ngày chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, hoặc trình bày nội dung mình đã làm hoặc đơn giản chỉ là phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới...Vậy làm sao để bạn có thể vượt qua những thử thách đó thì quy tắc đầu tiên đó là bạn cần chủ động với nội dung sẽ nói. Khi đó cũng là cách bạn xây dựng uy tín của mình. Nếu người nghe tin cậy bạn, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc làm họ tin điều bạn nói.
Trước khi bắt đầu bạn cần phải biết chính xác bạn sẽ nên nói những gì và bạn sẽ dẫn dắt người nghe đến đâu trong câu chuyện của mình. Khi đã nắm chắc được điều này thì chia nhỏ bài nói thành các ý chính (từ 3 ý trở lên) sẽ giúp bạn nói trôi chảy hơn, người nghe cũng sẽ xử lý được thông tin tốt hơn, hiểu được những gì bạn muốn truyền đạt một cách tốt nhất, cô đọng nhất.
Nếu cảm thấy lần đầu lo lắng sợ sệt, vậy tại sao bạn không tập thử? Hãy liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập nói 1 hay 2 lần. Sẽ rất hay nếu như bạn canh thời gian trong khi tập, việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian nói mà không sợ bị lố. Chuẩn bị nội dung thật kĩ thì bạn cần đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu. Nên chọn lựa và xử dụng ngôn từ, sửa nội dung bài trình bày cho đến khi bạn thấy nó hay và hữu ích cho người nghe. Ngoài ra để nhuần nhuyễn nội dung mình định nói hãy tập thật nhiều. Bạn có thể nói và ghi âm lại hoặc có thể tập trước gương bao giờ cảm thấy mình tự tin.
-
Tìm hiểu về nơi mà bạn sẽ thuyết trình
Để buổi diễn thuyết thành công tùy tính chất công việc và sự quan trọng của nó thì một mẹo nhỏ đó là bạn đảm bảo tất cả sự chuẩn bị đều trau chuốt. Nếu một tình huống nào đó dẫn dắt bạn phải thuyết trình về dự án nào đó hay bạn kêu gọi người đầu tư, hay chỉ đơn giản thuyết trình với ban lãnh đạo....Vậy hãy chuẩn bị sẵn sàng từ những thứ dù nhỏ nhặt nhất. Với sự chỉn chu đó, bạn đã tự tin một phần nào khi gạt bỏ bớt một số lo toan không đáng có ví dụ như liệu chỗ đó có dùng được loa không? Liệu máy tính có trình chiếu được không?
Trước khi bắt đầu diễn thuyết, việc tìm hiểu về địa điểm mình nói là một điều nên làm. Bạn nên xem xét về vị trí bạn sẽ đứng nói, số lượng người nghe bạn thuyết trình, kiểm tra về chất lượng âm thanh, hình ảnh... những việc nhỏ này sẽ rất hữu ích và giúp bạn luôn ở tâm thế chủ động. Một buổi thuyết trình thành công một phần do bạn chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ nội dung, chuẩn bị tâm thế, lượng trước được người nghe, tập giọng nói chuẩn, đảm bảo về thiết bị âm thanh và cuối cùng là về trang phục.
-
Chuẩn bị một tâm thế tốt
Hồi hộp, lo lắng là tâm lí chung của tất cả mọi người khi nói trước công chúng kể cả những nhà diễn giả chuyên nghiệp. Nhưng đừng để ai nhìn thấy điều đó. Sự hồi hộp của bạn có thể che dấu đi để chuẩn bị một tâm thế quyết tâm là vô cùng cần thiết.
Hãy tin rằng mình làm được và chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo tạo đòn bẩy cho một ý chí quyết tâm. Ngoài ra, để có một tâm thế tốt, hãy mặc bộ quần áo bạn yêu thích, vừa vặn, phù hợp trong ngày quan trọng này. Tưởng chừng ngoại hình không quan trọng song nó là yếu tố quyết định sự thành bại của bài trình, bạn không thể nào ăn mặc lôi thôi mà vẫn cứ thao thao bất tuyệt trước đám đông được. Và đặc biệt trang phục cũng phải là yếu tố toát lên sự tự tin, quyết tâm của bạn. Nếu bạn trình bày về một dự án quan trọng của công ty, nhưng trang phục của bạn lại lòe loẹt, diêm dúa sẽ là một điểm trừ không nhỏ về sự tin tưởng của mọi người dành cho bạn.
Bên cạnh đó để giữ vững tâm lí, trước khi bắt đầu công việc thuyết trình trước đám đông, bạn có thể uống một chút nước, hãy hít thật sâu và thở mạnh ra tiếng để làm ấm giọng hơn. Bằng những cái lắc tay nhẹ và co duỗi, tự nắm tay, cầm lấy một tấm danh thiếp, hoặc nắm vào bục diễn thuyết khi thuyết trình sẽ giúp bạn bớt run hơn rất nhiều. Và nhớ đừng bỏ tay vào túi quần nhé, điều này sẽ làm bạn mất tự tin và hơi khó gần đấy!
-
Luyện kỹ năng truyền đạt cảm xúc, cảm hứng
Khi diễn đạt trước đám đông, hãy nhớ rằng thông tin rõ ràng thôi chưa đủ, còn cần kết hợp lập luận và thể hiện cảm xúc. Cảm xúc là thứ thôi thúc, làm cho rung động, dễ tác động vào tâm trí người nghe. Khán giả luôn thích nghe những câu chuyện, nên bạn hãy thủ sẵn cho mình vài câu chuyện nhỏ liên quan đến chủ đề thuyết trình như vậy sẽ cuốn hút người nghe hơn rất nhiều. Và bạn cũng sẽ không bị "ừm, à" với câu chuyện kể quen thuộc của mình.
Để câu chuyện chạm đến trái tim người nghe bạn cần tìm hiểu rõ về đối tượng nghe (trình độ, học vấn, văn hóa, nghề nghiệp, lý do tham dự, v.v.) mà bạn muốn thuyết phục bao nhiêu thì bạn càng dễ biết cách dùng các loại thí dụ để minh họa, gợi cảm xúc nơi họ và khiến họ rung động bấy nhiêu.
Bên cạnh đó bạn nên điều chỉnh giọng nói, kết hợp sử dụng điệu bộ, cử chỉ một cách tự nhiên tỏ rõ sự lịch thiệp, tôn trọng và chân thành để nhấn mạnh tạo thu hút sự chú ý nơi khán giả. Hãy ghi nhớ nhất thanh nhì sắc khi đọc bài thuyết trình cần lưu ý giọng phải có điểm nhấn trầm bổng có nhịp điệu (như một bài hát bạn sẽ thấy mở đầu nhẹ nhàng đến điệp khúc cao trào và kết thúc sâu lắng), đừng đọc đều đều một giọng sẽ ru ngủ người nghe. Cơ thể đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến giọng nói, ví dụ khi bạn buồn giọng sẽ buồn, ngược lại bên trong mình vui giọng sẽ vui, vì vậy khi đến những đoạn cần buồn thì bạn hãy trùng cơ thể xuống. Đó là toàn bộ các kĩ năng về giọng nói và ngôn ngữ, bạn hãy cố gắng tu luyện cho thành thạo giúp lôi cuốn mọi người.
-
Hãy là chính mình
Nhiều người có xu hướng bắt chước hoàn toàn phong cách của người khác và nghĩ rằng như vậy sẽ nói trước công chúng tốt hơn. Nhưng điều đó là không nên nhé, việc rập khuôn theo người khác sẽ làm bạn giống như những chiếc robot được lập trình sẵn, và bạn luôn luôn phải gồng mình để giống hệt người khác.
Hãy nên chỉ tham khảo, học hỏi cách thuyết trình tốt từ nhiều người, làm theo một chút nếu những điều bạn thấy nên cảm thấy tốt, theo một phong cách của chính bạn. Điều đó sẽ làm người khác ấn tượng và nhớ đến bạn cùng bài thuyết trình lâu hơn. Hãy là chính mình và phải yêu lấy chính mình, yêu những gì tồn tại trong con người bạn, biết chấp nhận những khuyết điểm và hoàn thiện những ưu điểm, có như vậy bạn mới dần nhận ra bản thân vẫn còn nhiều điều hơn người khác. Người khác có thể làm được thì tại sao bản thân chúng ta lại không thể làm được?
-
Đừng sợ sai! Đừng sợ người ta cười
Ngay cả những thiên tài cũng có lúc sai lầm nên cũng đừng quá buồn và thất vọng nếu bạn làm chưa tốt. Hãy gạt qua những lỗi nhỏ đó đi, chăm chỉ luyện tập, trau dồi thêm kinh nghiệm. Quan trọng bạn đừng sợ sai, sợ thất bại hay sợ người khác cười mình. Một số lỗi nào đó chẳng hạn như nói vấp, lặp lại, quên chữ này sót chữ kia ..v..v… cũng chỉ đơn giản thậm chí người chuyên nghiệp đứng hàng trăm lần nói trước công chúng đôi khi còn dễ dàng bị mắc phải. Người nghe có thể thông cảm, không bao giờ họ đòi hỏi bạn hoàn hảo. Điều họ muốn thấy là việc bạn xử lý những lỗi đó như thế nào cho tốt, cho hay.
Tự tin là yếu tố rất cần thiết và được rèn luyện để trở thành một yếu tố cơ bản quyết định thành bại. Khi đứng trước đám đông để nói một điều gì đó, nếu bạn cảm thấy chưa ổn hay mắc nhiều lỗi sai hãy ghim vào để luyện tập lại. Nếu không làm thì bạn sẽ không thể biết mình cố gắng như nào để thay đổi qua các lần mắc sai lầm. Lần đầu chưa được thì lần 2, lần 3, lần 4... dần dần bằng sự nỗ lực hết mình bạn sẽ tự tin nói trước công chúng lúc nào không hay đó.
-
Sử dụng từ ấn tượng; ngừng nghỉ tạo điểm nhấn
Nếu bạn đang nói mà cảm thấy phía dưới họ chăm chú lắng nghe, nhìn bạn thì chắc chắn bạn đã thành công. Nhưng ngược lại, nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt trong khi đó người ở dưới ngáp dài ngáp ngắn hay lờ đờ buồn ngủ thì thôi, tin tôi đi, bạn diễn đạt chưa ổn đâu! Vậy làm như thế nào để diễn đạt lôi cuốn người nghe? Làm thế nào mà người nghe không cảm thấy nhàm chán?
Vậy, điều đầu tiên nội dung bài hãy mở rộng vốn từ vựng. Trong giao tiếp, từ vựng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Dù nội dung có mới lạ, đột phá đến thế nào cũng khó lôi cuốn được người nghe bởi sự đơn điệu, không phong phú và thiếu đi sự linh hoạt. Bạn có thể làm điều đó thông lý qua đọc sách, báo, truyện thật nhiều và thật thường xuyên. Những hoạt động này giúp vốn từ vựng và cách diễn đạt, cách đặt câu hỏi trở nên phong phú hơn. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho bạn kiến thức về các vấn đề xã hội để bạn có thể sử dụng như một dẫn chứng, một sự liên tưởng hay một ví dụ nhằm tăng tính thuyết phục cho bài nói của mình.
Ngoài ra trong bài nói của bạn cần có lúc ngừng nghỉ tạo điểm nhấn. Bạn đừng bao giờ thuyết trình liên tục mà không có sự ngơi nghỉ. Hãy cố gắng tạo điểm nhấn thông qua những cụm từ đắt giá. Nếu chỉ diễn đạt đều đều bạn cũng sẽ cảm thấy mất kiểm soát bởi người nghe mệt mỏi mà còn làm bài thuyết trình không có điểm nhấn. Nhớ tạm dừng thường xuyên. Giống như một bài văn có dấu phẩy dấu chấm hay tách đoạn...chuyển ý....Khi sử dụng từ ngữ ấn tượng, tạo điểm nhấn bạn nên tạm dừng một vài giây sẽ khiến lời nói của bạn có thêm “sức nặng”, mang đến thời gian cho bạn và khán giả cùng suy nghĩ về chủ đề bạn nói. Bên cạnh đó, khi chuyển sang một chủ đề mới, hãy sử dụng những “liên từ” thích hợp. Tạm dừng và để người nghe nhận ra chủ đề đang thay đổi, nhưng vẫn không làm mất đi dòng suy nghĩ của bạn và tính logic của bài diễn thuyết.
-
Truyền tải thông điệp
Bài thuyết trình của bạn sẽ không tạo được sự nổi bật nếu thiếu một thông điệp rõ ràng. Trước khi bạn soạn bài thuyết trình, hay ngồi ôn nhẩm, luyện tập trước bạn có nắm rõ được thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải đến người nghe qua bài thuyết trình là gì? Việc nói không có câu chốt, hay một khóa một vấn đề, hay truyền tải thông điệp là lỗi sai thường xuyên nhiều bạn mắc phải, cần phải tránh mắc phải.
Vậy khi đưa ra một thông điệp muốn truyền tải, hãy nhớ rằng nó giống như một đoạn kết bài. Đoạn kết này muốn được nhớ lâu cần ngắn gọn, súc tích, và cô đọng. Qua bài nói của mình, để cô đọng người nghe, bên cạnh những nội dung hay lối dẫn kể cảm xúc thì bạn hãy nhớ tìm một thông điệp phù hợp với mục đích của buổi thuyết trình. Hãy đặt mình vào người nghe, xem họ muốn gì, cần gì, thiếu gì...Việc truyền tải một thông điệp có ý nghĩa lớn với sự thành công của buổi diễn thuyết. Bạn có thể truyền tải thông điệp qua kết thúc buổi thuyết trình hay trò chuyện. Đây là cách làm để lại nhiều ấn tượng nhất gắn kết với khán giả.
Nhớ rằng nếu bạn chỉ đưa ra được một thông điệp khô khan, nhưng không chạm tới được vấn đề cốt lõi, bạn sẽ thất bại. Bạn phải nắm rõ được điều chính yếu mà bạn muốn trình bày cho người nghe, biết rõ mục đích nhắm tới qua bài thuyết trình thì lúc này người nghe mới tiếp nhận được những gì bạn muốn truyền tải.
-
Tận dụng mọi cơ hội để rèn luyện
Bạn nên tận dụng mọi cơ hội để có thể hoàn thiện mình. Nếu bạn mới chỉ đang là sinh viên, vậy để giúp bạn tự tin khi nói trước đám đông bạn nên tham gia các hoạt động đoàn thể hoặc các câu lạc bộ. Ở đó sẽ giúp bạn năng động, hoạt náo hơn và chắc chắn kĩ năng giao tiếp của bạn sẽ tốt hơn.
Nhiều khi nhắc đến kỹ năng nói là một dạng kỹ năng do rèn luyện mà thành. Để nói chuyện được tự tin hơn, bạn cần thường xuyên tận dụng mọi cơ hội khi giao tiếp, chủ động khơi gợi chủ đề và nói ra quan điểm của bạn ngay chỉ khi có một người hai người, hay một cuộc họp nhỏ ở cấp độ tổ, cấp độ lớp hay lớn hơn một chút... Dần dần tích tiểu thành đại, kinh nghiệm từ những buổi nói chuyện đó sẽ giúp bạn có một bộ sưu tập phong phú, giúp bạn tăng cường khả năng tự tin hơn.
Bên cạnh đó, đừng ngại ngần khi giao tiếp với những người thành đạt, nhiều kinh nghiệm hơn mình từ đồng nghiệp hay cả Sếp của bạn. Những điều họ nói ra mang theo cả suy nghĩ và tầm nhìn của họ. Sẽ rất hữu ích nếu bạn biết tận dụng để lắng nghe, học hỏi!
-
Sử dụng nụ cười
Mỉm cười là một biểu hiện văn minh, cũng là thể hiện sức mạnh của sự truyền đạt thông tin. Ai giữ được nụ cười trên môi, chứng tỏ trong lòng họ còn có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Đừng xem thường cái vốn sẵn có này mà hãy tận dụng nó nhiều hơn, nhất là trong giao tiếp, hay cả khi bạn trình bày một điều gì đó trước đám đông.
Nụ cười là dấu hiệu có tác động rất mạnh, giúp truyền tải sự vui vẻ, thân thiện, nhiệt tình và thích thú trong công việc. Việc chúng ta luôn nở nụ cười sẽ làm cho người nghe, người đi cạnh bạn luôn cảm thấy thoải mái và làm việc sẽ hiệu quả. Nói chung bạn hãy luôn cười khi gặp nhau, khi tạm biệt, khi xin lỗi và ngay cả khi bạn cảm thấy ai đó đang mệt mỏi. Hãy cười mỗi ngày bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh đích thực của “Cười” trong giao tiếp.
Khi bắt đầu gợi chuyện hay mở đầu bài thuyết trình, trước hết hãy nở nụ cười nhìn tất cả những người đang lắng nghe bạn. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải nói những câu chuyện có kiến thức cao siêu hay thể hiện sự thông minh, bạn có thể bắt đầu bằng các câu chuyện phiếm vô hại, vui vẻ, một lời hỏi thăm đi cùng với nụ cười thân thiện sẽ giúp bạn lấy được thiện cảm từ những người xung quanh. Họ cũng sẽ vui vẻ để cùng bạn bắt đầu câu chuyện. Bước đầu này sẽ giúp bạn dễ bắt chuyện với người khác hơn.