Top 22 Món mứt được yêu thích nhất ngày Tết
Tết đến xuân về là dịp mà các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau. Do vậy mà trong những ngày tết có rất nhiều món ăn được chuẩn bị rất bắt mắt và ... xem thêm...ngon miệng. Mứt là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Mứt được tượng trưng cho những điều tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới. Mứt là món ăn truyền thống trong văn hóa Tết của người Việt, do vậy sau đây Toplist sẽ gửi đến các bạn Những món mứt ngày tết được nhiều người yêu thích nhất.
-
Tết về trên đất Bắc, người ta lại thấy khắp các nẻo đường tràn ngập những cành đào, cây quất đem đến không khí ngày Tết khiến ai nấy cũng đều háo hức chờ mong. Cây quất được biết đến như là biểu tượng của mùa xuân đất Bắc, có lẽ bởi vậy mà nhắc đến mứt Tết người ta không thể không nhắc tới mứt quất the the, chua chua mà ngọt ngọt, ăn hoài mà không hề thấy ngán.
Mứt quất đã qua bàn tay khéo léo của các mẹ các bà sẽ đem đến hương vị chua chua ngọt ngọt hài hòa, cái vị the the của tinh dầu quất khiến người ta chỉ cần cắn một miếng nhỏ thôi mà hương vị vẫn còn lưu mãi. Ngoài là món quà Tết, mứt quất còn có tác dụng chữa ho, trị đau họng rất hiệu quả, thế nên không chỉ là ngày Tết, mứt quất cũng rất được yêu thích cả những ngày thường.
Nguyên liệu:
- Tắc (Quất) 500 gr
- Gừng cắt sợi 1 nhánh
- Mè trắng rang 1 ít
- Đường 250 gr
- Muối 1 ít
Cách làm:
- Tắc mua về bạn rửa qua nước muối pha loãng, sau đó rửa sạch vài lần với nước. Bạn cắt bỏ cành sau đó cắt 8 đường đối xứng quanh quả tắc như tạo hình cánh hoa, bạn ấn dẹt 2 đầu quả tắc lại cho ra nước và hạt (giống như hình ảnh). Bạn giữ lại 2 muỗng canh nước cốt tắc sử dụng khi ướp tắc.
- Bạn cho vào tô 500ml nước và cho vào 1 muỗng canh muối hòa tan hỗn hợp, sau đó bạn cho vỏ tắc vào ngâm khoảng 2 tiếng. Bạn rửa sạch vỏ tắc lại với nước, bạn dùng tay vắt thêm lần nữa cho vỏ tắc thật ráo nước. Tiếp theo bạn đun sôi 1 nồi nước sau đó cho vỏ tắc vào trụng khoảng 2 phút, rồi bạn vớt vỏ tắc ra thả vào tô nước lạnh. Bạn rửa vỏ tắc thêm 1 lần nữa với nước và vắt nhẹ cho vỏ tắc khô nước rồi bạn để ráo.
- Bạn cho 250ml đường vào tô, thêm 2 muỗng canh nước cốt tắc đã vắt (ở bước 1), 1 muỗng cà phê muối bạn trộn đều hỗn hợp. Bạn cho vỏ tắc vào tô hỗn hợp đường, sau đó cho vào thêm 1 nhánh gừng cắt sợi. Cuối cùng bạn mang hỗn hợp tắc đường đi phơi nắng khoảng 1 tiếng cho đường tan hoàn toàn.
- Bạn cho hỗn hợp tắc đường vào chảo, và sên ở lửa nhỏ, bạn không cần đảo nhiều, khi nước đường sôi thì bạn dùng đũa lật mặt còn lại của tắc lại là được. Khi thấy phần nước đường đã gần khô, bạn vớt tắc ra đĩa, bạn tiếp tục sên phần nước đường trong chảo thêm 5 phút cho nước đường sệt lại, màu ngả vàng là được. Bạn tiếp tục cho tắc vào đảo nhẹ tay lại một lần nữa cho tắc thấm nước đường rồi tắt bếp. Sau đó bạn lấy mứt tắc ra xếp đều trên đĩa, cho thêm ít mè trắng rang cho mứt tắc thêm đẹp hơn. Cuối cùng bạn mang đĩa mứt tắc ra phơi khô dưới nắng (khoảng 2 ngày mứt sẽ khô), hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh (mứt sẽ khô sau 1 ngày). Khi mứt tắc khô bạn chỉ cần cho vào bịch cột kín hoặc cho vào hủ có nắp đậy kín để ăn dần.
-
Nhắc đến món mứt Tết truyền thống thì không thể không nhắc tới món mứt dừa đậm vị ngọt khiến bao người thổn thức ấy. Muốn làm mứt dừa ngon bạn cần chọn dừa non, như vậy mứt dừa làm ra sẽ rất mềm và dễ ăn. Mứt dừa cũng có thể làm quà Tết do tự tay bạn chuẩn bị tặng những người thân yêu để tình cảm càng thêm gắn bó và ngày Tết thêm rộn ràng hơn.
Nguyên liệu:
- Cùi dừa non 1 kg
- Đường cát 400 gr
- Sữa tươi không đường 100 ml
- Vani 1 ống
Cách làm:
- Chặt dừa làm tư rồi dùng dao nạo phần cùi dừa ra. Xắt cùi dừa thành miếng vừa ăn, thái sợi, hoặc cắt thành miếng to. Bạn có thể dùng khuôn cắt bánh quy để tạo các hình dạng xinh xắn cho miếng dừa. Rửa phần cùi dừa dưới vòi nước lạnh, rửa vài lần cho đến khi nước trong là được. Bắc nồi nước lớn lên bếp, luộc dừa sơ trong 1 phút rồi chắt bỏ nước, đổ dừa ra rây cho ráo nước.
- Trộn dừa với 400 gr đường và ướp như vậy trong vòng 3- 4 tiếng cho đường ngấm vào dừa. Nếu bạn muốn làm dừa có nhiều màu sắc, ở bước này bạn chia dừa thành nhiều phần nhỏ ngâm riêng biệt trong các loại nước màu tự nhiên:
- Màu xanh lá cây: Lá dứa cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
- Màu vàng của tinh bột nghệ: Hòa tan hoàn toàn tinh bột nghệ trong nước ấm sau đó cho dừa vào ngâm. Bạn nên cho ít tinh bột nghệ để hạn chế vị chát của nghệ làm ảnh hưởng đết mứt.
- Màu cà phê, ca cao: Cho tầm 1-2 muỗng nhỏ bột cà phê/ca cao hòa tan vào nước rồi ngâm dừa vào (không nên cho quá nhiều cà phê hoặc ca cao vì sẽ làm mứt bị đắng không ngon).
- Màu tím: Củ dền cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
- Màu đỏ: Cà rốt cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố, cho thêm ít nước lọc vào xay nhuyễn, lọc vắt lấy nước cốt.
- Sau khi ướp, bạn bắc chảo lên bếp, đun nóng chảo và cho dừa vào đảo đều với lửa nhỏ. Đến khi nước đường sánh lại, bạn thêm sữa tươi (sữa đặc) và vani vào và tiếp tục đảo đều tay đến khi dừa khô lại và đường kết tinh màu trắng bám xung quanh miếng dừa thì tắt bếp.
-
Mứt gừng là món ăn vặt ngày Tết khá phổ biến. Từng lát gừng vàng nhẹ được phủ bên ngoài lớp đường dày li ti, khi ăn sẽ thấy vị cay cay, ngọt ngọt hài hòa. Cắn nhẹ miếng mứt gừng, nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ góp phần đem đến những câu chuyện càng thêm rôm rả ngày Tết. Mứt gừng cũng giống như mứt quất ngoài là món quà Tết, món ăn vặt ngày Tết rất được mọi nhà ưa chuộng, mứt gừng còn là “thần dược” quý trong việc chữa trị bệnh cảm rất hiệu quả. Ngày Tết miền Bắc thường có những đợt rét và mưa xuân khá buốt, khiến nhiều người hay bị cảm cúm, chỉ cần ăn vài miếng mứt gừng thì sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều.
Nguyên liệu:
- Gừng tươi 500 gr
- Chanh 1 quả
- Đường 250 gr (17 muỗng canh)
Cách làm:
- 500gr gừng tươi bạn mang gọt sạch vỏ rồi cắt thành những lát mỏng vừa ăn. Sau đó, bạn mang gừng đi rửa sạch nhiều lần với nước. Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 3 lít nước rồi cho gừng vào luộc lần 1 trong 15 phút. Sau 15 phút, vớt gừng ra, rửa sạch lại với nước lạnh rồi để ráo nước.
- Tiếp tục bắc nồi lên bếp, cho 3 lít nước, gừng vào nước cốt 1 quả chanh vào đun sôi, khi nước sôi thì tắt bếp, vớt gừng ra để ráo.
- Cho gừng đã luộc vào tô, thêm vào 250gr đường (khoảng 17 muỗng canh) trộn đều. Sau đó, lấy miếng bọc thực phẩm để bọc kín miệng tô, để vậy trong 4 tiếng để đường thấm vào gừng. Bắc chảo lên bếp, cho gừng đã ướp vào nấu với lửa lớn cho đến khi nước cô đặc lại thì bạn chỉnh lửa thấp, đảo đều cho đến khi gừng khô lại và có độ dính thì tắt bếp. Sau khi tắt bếp, bạn tiếp đục đảo đều cho đến gừng nguội là hoàn tất.
-
Mứt hạt sen hay còn được gọi là mứt sen trần là một món mứt đặc trưng của người Hà Nội. Không chỉ Hà Nội mới có sen, nhưng mứt hạt sen Hà Nội lại có hương vị rất đặc trưng, hiếm có nơi nào có hương vị thơm ngon sánh được. Mứt hạt sen của người Hà Nội có vị ngọt sắc, hạt sen ăn rất bở và ngọt hơn cả đường, thích hợp nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ dung hòa vị ngọt của mứt hạt sen đem đến cho người thưởng thức hương vị thơm ngon khó cưỡng. Vì có vị ngọt sắc nên mứt hạt sen khá kén người ăn, thích hợp cho các em nhỏ háo ngọt hay những người khách thích thưởng thức trà nóng cùng mứt hạt sen. Mứt hạt sen vừa có thể làm quà Tết hay món ăn vặt tiếp khách ngày Tết cũng đều rất hợp và ý nghĩa.
Nguyên liệu:
- Hạt sen khô 500 gr
- Đường trắng 500 gr
- Vani 1 muỗng cà phê
- Muối 1/2 muỗng cà phê
Cách làm:
- Rửa sạch hạt sen khô, sau đó cho vào thay ngâm hạt sen khoảng 4 tiếng đồng hồ để hạt nở ra. Vớt hạt sen ra rửa lại nhiều lần với nước thật sạch. Sau đó, đổ nước ngập nồi hạt sen và cho thêm ½ muỗi muối vào, đậy nắp và bật bếp đun sôi khoảng 15 phút để cho hạt mềm và nhừ ra.
- Khi hạt sen đã chín, vớt ra rồi rửa lại lần nữa với nước sạch, sau đó để ráo nước. Hạt sen cho vào nồi, đổ đường vào và đảo đều. Ướp hạt sen cùng với đường tầm 6 tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn, sao cho hạt sen thấm ngấm đường hơn và tan hết.
- Dùng nồi có đáy dày hoặc chảo dày, bật bếp đun với lửa nhỏ, đổ hạt sen đã ngấm đường vào cho sôi lên, khuấy đảo nhẹ tay liên tục để hạt sen khô lại. Sên mứt đến lúc hạt sen khô rồi đổ ra khay lớn để nguội. Đường bám đều quanh hạt sen và khô đều là được.
- Đợi hạt sen nguội hẳn cho mứt hạt sen vào hủ thủy tinh hoặc túi zip để bảo quản. Có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, tránh bị chảy đường.
-
Được mệnh danh là một món mứt bình dị nhất, mứt khế khá quen thuộc với mọi người dân đất Bắc. Từng quả khế như những ngôi sao 5 cánh được chọn lựa cẩn thận không quá chín không bị dập nát, được rửa sạch rồi đem chế biến với đường, với gừng cay mang lại một vị dai dai bên ngoài, mềm dẻo bên trong làm nên món mứt ngày Tết đậm đà hấp dẫn. Với thức quả gần gũi và cách chế biến vô cùng giản dị khiến món ăn này rất được ưa chuộng đối với mọi gia đình Việt.
Nguyên liệu:
- Khế 500 g
- Gừng 1 củ
- Đường 250 g
- Nước vôi trong 500 ml
Cách làm:
- Khế sau khi được sơ chế và ngâm nước vôi trong, bạn tiến hành vớt khế ra và rửa sạch nhiều lần với nước. Tiếp đến bạn cho khế vào tô và đổ đường vào, đảo đều. Ướp khế với đường cho đến khi đường tan hết và ngấm vào khế.
- Tiếp theo bạn cho hỗn hợp khế và nước đường vào chảo rồi đặt lên bếp đun cho nước đường sôi vài phút rồi hạ lửa nhỏ. Sau đó, bạn tiếp tục sên và đảo nhẹ nhàng hỗn hợp trên đến khi đường sánh lại. Khi miếng khế đã chuyển màu vàng nâu thì cho gừng vào cùng, đảo nhẹ nhàng cho khế và gừng hòa quyện với nhau là tắt bếp.
- Gắp từng miếng khế lên giấy nến rồi đem phơi nắng khoảng 2 tiếng hoặc hong trong lò nướng 100 độ, khi thấy mứt khế se lại hơi khô là được. Để cho mứt nguội hẳn rồi đem cất trong hũ sạch bảo quản nơi thoáng mát.
-
Bí đao vốn là loại thực phẩm quen thuộc ở vùng đồng bằng, thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm thường nhật của người Việt. Nhưng ngày tết đến xuân về, dưới bàn tay khéo léo của các bà các chị lại đảm đang biến nguyên liệu thân quen đó thành món mứt cổ truyền, được nhiều người yêu thích. Để có được món mứt như ý nhất định phải chọn từ những quả bí già. Khi làm mứt, bí đao được sơ chế rồi ngâm trong nước vôi trong nhiều giờ để tẩy trắng tự nhiên mà không dùng hoá chất gì. Mứt bí đao có phần dân dã, bình dị, nhưng thường xuất hiện trong đĩa mứt quả mời khách nhờ vị ngọt thanh, còn có tác dụng tiêu độc, chữa viêm họng, rôm sẩy…
Nguyên liệu:
- Bí đao già 400 g
- Đường trắng 400 g
- Phèn chua 14 g
- Vôi trắng 30 g
- Vani không màu 1 ống
Cách làm:
- Một ngày trước khi làm mứt bí, bạn pha phèn chua với 4 lít nước và vôi cũng với 4 lít nước để riêng qua đêm. Vào ngày hôm sau, khi phèn chua đã hòa tan hoàn toàn với nước, bạn đổ 2 lít nước pha phèn chua ra một thùng riêng để ngâm bí đao và phần nước còn lại sẽ sử dụng để luộc bí. Với nước pha vôi, sau khi để qua đêm, cặn vôi sẽ lắng xuống dưới đáy thùng chứa, đừng khuấy để hòa tan, hãy tách cặn với phần nước ở phía trên và sử dụng phần nước này để chế biến, cặn thì bỏ.
- Bí đao sau khi loại bỏ vỏ và ruột, bạn cắt thành những đoạn dài, kích cỡ vừa phải. Cắt xong, cho bí vào ngâm trong nước phèn chua, đợi vài phút thì bạn rửa sạch và ngâm bí trong nước vôi trong, đậy kín nắp và để qua đêm. Hôm sau, bạn đổ bí ra ngoài và rửa nhiều lần với nước sạch.
- Đun sôi nước phèn chua còn lại, đổ bí vào luộc trong khoảng 1 phút, sau đó bạn vớt bí ra cho ngay vào 1 tô nước lạnh đã chuẩn bị sẵn trước đó. Tiếp đó, rửa sạch bí và để một bên cho ráo nước.
- Cho bí vào 1 tô to, đổ đường vào, trộn bí với đường, sau đó dùng màn bọc thực phẩm để bọc kín tô đựng bí, để qua đêm, bạn sẽ thấy đường tan ra và nước trong.
- Đổ hết tô đường và bí vào chảo và đặt lên bếp, bật ngọn lửa lớn. Khi nước trong chảo sôi, bạn thêm vài giọt vani, vặn ngọn lửa vừa và đảo bí liên tục để đường không bị cháy, khi nước đường cô đặc lại thì bạn vặn ngọn lửa thấp, tiếp tục đảo bí cho đến khi nước đường khô chuyển sang màu trắng, bám dính vào bí. Quá trình này có thể mất từ 20 – 25 phút.
- Cuối cùng bạn đã có mứt bí thành phẩm siêu ngon, hãy đợi mứt bí nguội thì cho vào tủ lạnh để bảo quản và khi nào Tết đến, hãy lấy mứt bí này ra mời khách bạn nhé.
-
Màu đỏ của cà chua bi mang ý nghĩa về sự may mắn, ấm áp trong ngày đầu năm, khiến nhiều chị em nội trợ quyết định trổ tài để đĩa mứt tết thêm phong phú. Không chỉ hấp dẫn về mặt cảm quan, mứt cà chua bi không quá ngọt, lại mềm dẻo, chua nhẹ, nên rất đưa miệng và chống ngán. Cà chua bi là loại quả có chứa nhiều vitamin, mứt từ cà chua bi không những ngon, bổ mà màu sắc lại rất đẹp nữa.
Cà chua rất giàu vitamin K, vitamin B6, kali, folate, thiamin, magiê, niacin, đồng và phốt pho, là những vi chất cần thiết để duy trì một sức khỏe tốt. Hơn nữa nó còn là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà và tăng thị lực cho đôi mắt của bạn. Và trong cà chua có chứa chất chống oxy hóa lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và làm cho làn da của bạn ít nhạy cảm với tia cực tím, một trong những nguyên nhân gây ra nếp nhăn ở da.
Ngoài ra, cà chua không chỉ có tác dụng phòng tránh bệnh ung thư tiền liệt tuyến, mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các chứng ung thư như ung thư tuyến tuỵ, ung thư trực tràng, ung thư vòm họng, ung thư vú... Ngoài ra, chất lycopene trong cà chua còn chứa các vitamin và khoáng chất có tác dụng bảo vệ tim mạch, có khả năng làm giảm tác hại của các bệnh tim mạch.
Nguyên liệu:
- Cà chua bi 1 kg
- Đường cát trắng 400 gr
- Vôi làm mứt 30 gr (có thể mua ở chợ)
Cách làm:
- Để làm mứt cà chua bi ngon nhất, ban đầu bạn hòa vôi với khoảng 2 lít nước, sau đó khuấy đều. Để nước vôi trong lại, bạn gạn lấy nước vôi trong phía trên để chuẩn bị làm mứt cà chua bi. Bạn chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát, tươi ngon để dành làm mứt cà chua. Cà chua bi rửa sạch vỏ, dùng que nhọn để chọc từng lỗ nhỏ trên cà chua.
- Sau đó bạn cho cà chua vào ngâm với nước vôi trong khoảng 10 tiếng hoặc để qua đêm. Sau khi đã ngâm cà chua qua đêm, bạn mang cà chua ra rửa sạch vài lần với nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. Sau đó cho ra rổ để cho cà chua ráo nước.
- Ướp cà chua với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn. Nếu bước này bạn thích ăn mứt cà chua bi ngọt hay nhạt thì bạn gia giảm lượng đường khi làm mứt cà chua bi nhé.
- Cho cà chua và nước đường ngâm cà chua vào một cái xoong dày. Cho sôi lên rồi hạ lửa ở mức thấp nhất sao cho mứt cà chua bi chỉ sôi nhẹ, liu riu thật nhỏ. Thỉnh thoảng, bạn lắc xoong để nước đường ngấm hơn vào các mặt trên của cà chua bi để làm mứt cà chua được ngọt đều. Khi nước đường đã cạn, những quả cà chua bi đã thành mứt cà chua bi có độ dẻo, và màu sắc đỏ óng ả thì bạn tắt bếp. Nếu muốn làm mứt cà chua bi được khô hơn, bạn có thể bỏ toàn bộ phần mứt cà chua đã làm vào lò nướng sấy khô khoảng 5-10 phút ở nhiệt độ 100 độ C là được. Nếu không có lò nướng, bạn có thể phơi nắng trong ngày, lưu ý khi phơi để nơi thoáng và sạch bụi.
-
Mứt Kiwi với vị chua nhẹ dễ chịu, cùng với độ dẻo và chua chua ngọt ngọt là món mứt mà bạn không thể bỏ qua trong dịp Tết. Chỉ mới xuất hiện không lâu nhưng mứt kiwi gây sốt ở tất cả những nơi nó xuất hiện bởi màu xanh bắt mắt. Không chỉ đẹp mà mứt kiwi còn làm điên đảo thực khách bởi hương thơm thanh nhẹ, vị chua nhè nhẹ, dẻo dẻo đến từ mỗi miếng mứt. Màu xanh ngọt ngào của kiwi điểm xuyến thêm những hạt đen li ti trong từng khoanh mứt tròn tạo nên sự ngon miệng, ngon mắt, làm cho khay mứt Tết của gia đình bạn thêm đầy đủ và cuốn hút.
Nguyên liệu:
- Kiwi 1 kg (quả xanh hoặc vàng đều được)
- Đường trắng 800 gr
- Phèn chua 1 muỗng cà phê
- Vôi tôi 1 muỗng canh
Cách làm:
- Chọn kiwi cứng, quả to (không dùng kiwi quá chín, mềm vì khi sên mứt sẽ bị nát). Gọt vỏ Kiwi, sắc miếng dày khoảng 0.8 cm. Cho 1 muỗng canh vôi tôi vào khoảng 2 lít nước, khuấy tan vôi trong nước, để lắng trong vòng 8 giờ đồng hồ hoặc qua đêm (có thể chuẩn bị từ trước). Sau đó, vớt nước vôi trong ngâm kiwi trong khoảng 3 - 4 tiếng. Vớt kiwi ra, rửa sạch vôi. Cho phèn chua vào, đun sôi rồi cho kiwi vào luộc sơ trong 5 phút. Sau khi luộc, rửa lại kiwi cho sạch rồi để cho ráo nước. Ướp Kiwi cùng với 800 gr đường cho vào tủ lạnh khoảng 8 tiếng đồng hồ.
- Sau khi ướp xong, đổ phần nước đường đã ngâm chung với Kiwi ra riêng, rồi bắc chảo đem đun sôi cho sánh lại. Tiếp theo, từ từ thả kiwi vào sên với lưa nhỏ. Lần đầu sên tầm 1 tiếng đồng hồ, sau đó tắt bếp, để kiwi ngâm trong chảo khoảng 3 tiếng đồng hồ. Sau khi ngâm 3 tiếng đồng hồ, tiếp tục sên với lửa riu riu, cho đến khi thấy mứt kiwi chuyển thành màu trong là được. Thi thoảng bạn có thể dùng muỗng gỗ bằng để đảo mặt miếng mứt lại nhưng nhẹ nhàng tránh bị nát mứt.
- Bạn đem kiwi ra phơi ngoài trời khoảng 1 tiếng để mặt mứt se lại, trong lúc phơi lưu ý trở mặt mứt cho đều.
-
Mứt lạc là một loại mứt rất nổi tiếng vào ngày tết. Không dừng ở đó, mứt lạc còn rất tốt cho sức khỏe cũng như năng lượng của cơ thể. Chưa hết mứt lạc còn có khả năng chống đói và có tác dụng giúp cơ thể tự khống chế nhu cầu ăn uống. Trong những ngày Tết với nhiều đồ ngọt, thịt cá… thì mứt lạc được coi là món “chìa khoá” để “giải cứu” cơ thể khỏi việc tăng cân mất điều hành và kiểm soát Theo các nghiên cứu đã được ra mắt nếu bạn ăn mứt lạc đúng cách và điều độ thì sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, nhanh chóng vứt bỏ năng lượng thừa ra khỏi cơ thể.
Nguyên liệu:
- 200 gram đậu phộng
- 100 ml nước
- 150 gram đường trắng
- 50 gram bột bắp (bột bắp có công dụng giúp giảm vị ngọt gắt của đường đồng thời giúp đường bám vào hạt đậu phộng chắc hơn)
- 10 gram muối
- 1 ít vani dạng nước (nếu không có vani dạng nước bạn có thể dùng dạng bột, tuy nhiên chỉ dùng với số lượng ít để tránh bị đắng)
Cách làm:
- Đậu phộng sau khi nhặt sạch hạt hư, bắc lên bếp, cho thêm 10 gram muối và bắt đầu rang. Lưu ý bạn vặn lửa nhỏ để đậu chín đều và không bị cháy. Đảo đều tay đến khi hạt đầu vàng và nứt ra thì tắt bếp, cho đậu ra rổ để loại bỏ muối.
- Cho 150 gram đường vào chảo cùng với 100 ml nước, vặn lửa nhỏ đến khi đường tan hết thì cho đậu vào. Sên lửa thật nhỏ để đường không bị cháy khét.
- Trước khi cho bột bắp vào, bạn rây sơ để loại bỏ những hạt lợn cợn. Khuấy đều tay đến khi đường khô lại, kết tinh, áo vào hạt đậu thì tắt bếp. Tuy nhiên bạn vẫn tiếp tục đảo thêm 2 đến 3 nữa cho lạc khô hẳn thì mới cho ra đĩa.
- Để nguội hoàn toàn thì có thể cho vào hũ hoặc túi nilon, bảo quản và dùng đến Tết.
-
Trong những loại mứt ngày Tết, món mứt cà rốt là món ăn dễ làm và tiết kiệm thời gian nhất. Với mứt cà rốt thì các bạn sẽ cảm nhận được độ giòn tan và hương thơm lan tỏa trong miệng khi thưởng thức. Khay mứt Tết sẽ ngày càng thêm vị thêm sắc với mứt cà rốt thơm phức, ngọt ngào và vô cùng hấp dẫn. Đĩa mứt cà rốt xinh xắn với màu đỏ cam đặc trưng, giòn dai, sừn sựt, dẻo dẻo, ngọt ngào, vô cùng hấp dẫn và lạ miệng hứa hẹn sẽ chinh phục hoàn toàn cả những thực khách khó tính nhất.
Nguyên liệu:
- Cà rốt 1 kg
- Đường cát trắng 500 gr
- Giấm ăn 70 ml
- Muối 5 gr
- Vani 10 gr
Cách làm:
- Cà rốt mua về gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi dùng dao bào, bào thành những sợi mỏng dài. Nếu bạn không có dao bào thì sử dụng dao thông thường, cắt cà rốt thành miếng dài, to bản trước rồi sau đó cắt nhỏ lại như sợi.
- Sau khi đã bào xong, bạn lấy một chậu nước có pha loãng với 5 gr muối và 70 ml giấm ăn, rồi cho số cà rốt đã bào sợi vào ngâm trong khoảng 2 – 3 tiếng. Làm như vậy sẽ giúp sợi cà rốt giòn hơn và loại bỏ bớt mùi đặc trưng mà nhiều người có thể bị khó chịu. Khi ngâm xong bạn rửa lại 2-3 lần nước sạch rồi vớt ra rổ để ráo.
- Bạn cho cà rốt đã ráo nước vào một thau vừa, thêm vào 500 gr đường cát trắng, bạn có thể giảm lượng đường nếu bạn không thích món mứt quá ngọt, dùng đũa trộn đều rồi ngâm như vậy khoảng 30-45 phút để đường tan chảy và thấm vào các sợi cà rốt.
- Bắc chảo lên bếp, cho toàn bộ cà rốt đã ngâm đường vào chảo và bắt đầu sên mứt. Vặn lửa vừa, dùng đũa đảo đều tay nhẹ nhàng, nhiều lần đến khi từng sợt mứt cà rốt đều khô và có lớp bột áo đều bên ngoài thì cho các ống vani vào, đảo nhẹ qua 2-3 lần nữa rồi tắt bếp.
- Khi sên mứt xong chắc chắn món mứt của bạn sẽ có mùi thơm đặc trưng khiến bạn muốn thử ngay một miếng, lúc này bạn chỉ cần để nguội rồi cho mứt vào hộp, bao nilong đậy kín và ăn dần.
-
Mứt anh đào thơm ngon, màu đỏ giúp cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như: Kali, phôtpho, canxi, vitamin A, vitamin C. Ngoài ra trong mứt anh đào còn chứa một lượng nhỏ folate, đây là loại chất rất quan trọng trong phát triển bộ não của trẻ nhỏ. Những đĩa mứt anh đào đỏ rực, thơm ngon sẽ là tâm điểm trên bàn buổi tiệc ngọt của gia đình bạn. Không những vậy trong mỗi trái anh đào còn rất giàu các loại khoáng chất như: Kali, photpho, canxi…các loại vitamin như vitamin A, C. Do đó, bạn đừng bỏ qua mất món mứt vừa lạ, vừa ngon, vừa giàu dinh dưỡng này trong mỗi dịp Tết.
Nguyên liệu:
- 1kg quả anh đào
- 50gr đường kính trắng
- 40gr quả anh đào khô
- 2 thìa cà phê rượu anh đào
- 1-2 giọt chiết xuất từ hạnh nhân
Cách làm:
- Sau khi mua được anh đào tươi, bạn tiến hành sơ chế anh đào bằng cách rửa sạch anh đào và nhặt bỏ cuống, rồi bỏ quả anh đào vào trong một chiếc nồi lớn. Bạn cho đường vào ướp cùng quả anh đào để anh đào ngấm đường. Thời gian ngâm anh đào là khoảng 30 phút cho đường ngấm và tan hết.
- Bạn cho nồi anh đào đã ngâm đường lên bếp và đun với ngọn lửa vừa, trong quá trình đun, bạn hãy đậy kín vung nồi và bạn đun anh đào trong khoảng 10 phút. Sau đó, bạn mở vung nồi và dùng thìa ép cho anh đào ra bớt nước. Bạn tiếp tục đun anh đào trong 10 phút nữa và cho anh đào khô vào, tiếp tục đun thêm từ 5-10 phút. Bạn sẽ thấy những quả anh đào tươi lúc này đã khô bớt lại và bạn tiếp tục đun nồi anh đào này cho tới khi bạn thấy đường sánh lại thì bạn tắt bếp. Lúc này bạn hãy cho rượu anh đào và chiết xuất hạnh nhân vào rồi khuấy đều tay.
- Sau bước 2 là bạn đã có mứt anh đào siêu ngon để thưởng thức rồi. Bạn có thể bảo quản mứt anh đào bằng cách chờ cho mứt nguội hoàn toàn rồi trút mứt vào lọ thủy tinh kín rồi đặt vào trong ngăn mát tủ lạnh, bạn hãy sử dụng mứt này trong 5 ngày để có chất lượng mứt tốt nhất. Còn nếu như bạn muốn dùng mứt anh đào trong thời gian lâu hơn thì bạn có thể cho mứt vào những túi chuyên dụng chứa đồ đựng thực phẩm và cho lên ngăn đá, như vậy bạn có thể dùng mứt anh đào được trong 1 năm.
-
Mứt dứa là một món ăn ngon không thể thiếu trong những ngày Tết. Mứt dứa có vị chua quyện với vị ngọt đậm đà của đường, kèm theo đó là màu vàng tự nhiên sẽ giúp bạn thích thú ngay từ miếng đầu tiên. Mứt dứa (mứt thơm) là một trong những loại mứt Tết được ưa chuộng nhất. Những lát dứa vàng ươm được phủ lên mình một lớp đường trắng mịn vô cùng bắt mắt. Miếng mứt dứa chua chua, ngọt ngọt khiến ai ai cũng thích mê. Đây là loại mứt có cách chế biến vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm làm sao cho miếng mứt được đẹp đâu nhé.
Nguyên liệu:
- Thơm vừa chín tới 1 quả
- Đường 150 gr
- Phèn chua 5 gr
Cách làm:
- Thơm gọt vỏ, bỏ mắt sau đó bạn rửa sạch với nước. Cắt thơm thành khoanh tròn có độ dày từ 1,2 - 1,5cm. Bạn dùng dụng cụ lấy cùi thơm lấy hết cùi thơm cứng đi. Hòa tan 5 gr phèn chua vào 700 ml nước, ngâm thơm vào nước phèn chua 6 giờ trong ngăn mát tủ lạnh.
- Sau khi ngâm thơm với phèn chua bạn vớt thơm ra rửa sạch với nước. Tiếp theo đem thơm phơi nắng khoảng 3 giờ cho thơm hơi héo lại. Thơm sau khi phơi cho héo bạn tiến hành ngâm thơm với đường. Rắc đều 150 gr đường lên 300 gr thơm, ướp từ 3-4 giờ.
- Bạn đặt chảo lên bếp, cho thơm ướp đường vào sên lửa nhỏ khoảng 30-35 phút đến khi cạn hết đường. Mứt thơm nguyên miếng dẻo mềm, trong, ngọt thanh và có vị chua đặc trưng của thơm.
-
Mứt táo với hương vị thơm ngọt và mềm sẽ giúp không khí tết của bạn trở nên tươi mới hơn nào những ngày tết cổ truyền, mâm cỗ với hoa trái đủ đầy, nhưng không vì thế mà thiếu đi những loại mứt tết thơm ngon. Nhâm nhi các loại mứt dừa, mứt gừng, mứt bí hay cà rốt… luôn là thói quen tao nhã và ý nghĩa khi tiếp đãi khách khứa trong 3 ngày tết. Đặc biệt, mứt táo dẻo ngọt, thơm ngon và lạ miệng là một trong những món được yêu thích hơn cả.
Nguyên liệu:
- Táo ta 1 kg
- Đường cát vàng 500 gr
- Vôi tôi 2 muỗng cà phê
- Phèn chua 2 muỗng cà phê
Cách làm:
- Táo ta rửa sạch sau đó dùng tăm hoặc nĩa xiên vào cho táo dập. Cho vôi tôi vào tô sau đó đổ nước vào để vôi hòa với nước. Khoảng 2 phút thì nước vôi lắng xuống, chắt lấy nước vôi trong. Cho phèn chua vào nồi và cho khoảng 1 lít nước vào nấu sôi.
- Ngâm táo với nước vôi để táo có độ trong và rắn chắc. Táo sau khi làm giập thì cho vào ngâm với nước vôi trong đã chắt trước đó. Ngâm táo với nước vôi khoảng 8 tiếng. Sau đó vớt ra, rửa táo nhiều lần với nước sạch để mất mùi vôi. Chần táo với nước phèn chua đun sôi tạo độ dẻo dai cho mứt. Nước phèn chua đun sôi thì cho táo vào, chần khoảng 2 – 3 phút thì tắt bếp. Sau đó vớt táo ra, rửa nhiều lần với nước sạch để mất mùi phèn chua.
- Táo đã qua sơ chế với vôi và phèn chua thì cho vào thau to. Rải đều táo với đường, khoảng 5 phút thì xốc đều một lần để táo ngâm đều đường. Ngâm đến khi nào đường tan hết thì được. Khi táo đã ngấm đều đường thì cho tất cả vào chảo chống dính sâu lòng. Mở lửa to để nước đường sôi trong khoảng 7 phút đầu, sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi táo chuyển màu vàng đậm hoặc thấy nước đường còn sền sệt thì tắt bếp.
- Nếu nhà bạn có lò nướng hoặc lò vi sóng thì hãy cho mứt táo vừa hoàn thành vào để sấy khô. Nếu nhà bạn không có các thiết bị trên thì hãy rải mứt táo ra mâm lớn và mang ra phơi nắng đến khi táo vừa khô. Sau khi táo đã được làm khô, hãy cất táo vào hũ thủy tinh có nắp kín. Có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để nơi thoáng mát.
-
Có lẽ trong số những loại trái cây dùng để làm mứt thì không thể không nhắc tới mứt chuối. Những món ăn làm từ chuối luôn luôn hấp dẫn và ngon không ngờ, dù rằng khi ăn vã không phải ai cũng thích chuối. Món mứt chuối cũng vậy, với hương vị thơm ngon, cùng vị ngọt thanh thanh chắc chắn nó sẽ đánh cắp tâm hồn ăn uống của bạn ngay từ miếng nếm đầu tiên. Món mứt này thì được bán rất nhiều ở các hàng quán. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể tự tay là món này mà không cần phải đi mua ở đâu hết.
Nguyên liệu:
- Chuối sứ 10 trái (hoặc chuối ngự)
- Đường cát 100 gr
- Dầu ăn 100 ml
Cách làm:
- Chuối bạn lột bỏ vỏ rồi dùng dao cắt đôi hoặc ba theo chiều dọc tùy độ lớn nhỏ của quả chuối. Bạn xếp chuối ra mâm/dĩa và mang ra phơi nắng khoảng 1 giờ cho chuối dẻo, khô mặt. Nếu muốn chuối thơm vị gừng bạn có thể uớp nước cốt gừng với chuối trước khi đem phơi.
- Bắc chảo lên bếp cho chảo nóng và đổ dầu vào. Tiếp theo bạn cho chuối đã phơi vào chiên. Khi chuối đã vàng và giòn thì bạn vớt ra và để ráo dầu.
- Bắc chảo lên bếp cho vào một ít nước, thêm đường (lượng đường phải nhiều hơn nước và tùy vào mức độ ngọt bạn muốn) rồi bạn khuấy đường cho tan. Để lửa vừa phải khuấy cho tới khi đường kéo chỉ được là được. Sau đó bạn cho chuối vào ngào, đảo đều để đường và chuối quyện vào nhau. Bạn đảo cho miếng chuối có màu ngả vàng đẹp mắt thì tắt bếp. Bắc xuống bếp, để chuối nguội và xếp vào lọ dùng dần.
-
Mứt khoai lang với giá thành rẻ và nguyên liệu dễ tìm. Với hương vị bùi, ngon, dẻo, không quá ngọt thì bạn và gia đình sẽ được thưởng thức một món mứt ngon trong ngày tết. Sẽ thật là thiếu sót nếu khay bánh mứt ngày xuân vắng hẳn sự có mặt của mứt khoai lang, một loại mứt ngon và cực kì bắt mắt. Vị ngọt dịu nhẹ, màu sắc bắt mắt, hương thơm ngào ngạt, không gây ngán của mứt khoai lang làm ai cũng muốn có 1 ít trong khay bánh mứt Tết.
Nguyên liệu:
- Khoai lang 2 kg
- Đường cát trắng 600 gr (tùy khẩu vị)
- Vani 2 ống
- Vôi 2 muỗng canh (khoảng 40 gr)
Cách làm:
- Khoai lang mua về gọt sạch vỏ, thái miếng vuông hoặc miếng dài tùy ý. Khoai cắt tới đâu, thả khoai ngâm vào nước có pha ít muối. Ngâm khoai chừng 30 phút cho khoai sạch nhựa thì vớt ra cho ráo. Ngâm khoai lần 2 vào nước vôi trong (được pha theo tỷ lệ: Cứ 1 lít nước lại pha với 20 gr vôi trắng, để qua đêm cho lắng trong và chắt lấy phần nước lắng trong để ngâm khoai). Lưu ý là nước phải ngập khoai hoàn toàn, ngâm khoai chừng 3 giờ hoặc qua đêm rồi vớt ra, xả lại nhiều lần qua nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi trong có tác dụng giúp khoai giòn hơn.
- Bắc 1 chiếc nồi lên bếp, cho vào khoảng 1.5 lít nước, đun sôi nồi nước, thả khoai vào luộc sơ khoảng 2 phút, không luộc quá chín (nước phải ngập mặt khoai). Khoai sau khi chần sơ được vớt ngay ra rổ, xối rổ khoai qua nước lạnh cho khoai nguội bớt và giữ độ giòn.
- Chờ cho khoai hoàn toàn ráo nước, rồi thêm đường cát vào. Vì khoai lang đã khá ngọt nên bạn có thể bớt lượng đường, nhưng không được quá ít vì mứt sẽ không đủ để kết tinh trong quá trình sên. Để chừng 5 – 6 tiếng cho khoai ngấm đường và đường tan chảy hoàn toàn, thỉnh thoảng nhớ đảo đều lại để đường thấm đều vào khoai.
- Cho khoai và nước đường vào chảo hoặc nồi có đáy dày và đun khoai trên lửa lớn cho nước đường mau cạn, thỉnh thoảng đảo đều. Tiếp theo, canh cho đến khi nước đường bắt đầu keo lại, bạn đảo đũa bắt đầu thấy hơi nặng tay thì hạ lửa nhỏ dần, gần với mức thấp nhất, đảo liên tục. Khi nước đường bắt đầu khô dần, hạ nhỏ lửa đến mức thấp nhất, tay vẫn đảo đều liên tục. Khi đường kết tinh bám trắng vào khoai, từng miếng khoai tách rời nhau thì tắt bếp. Cho vào chảo mứt khoai vài giọt hoặc 2 ống vani, dùng đũa đảo đều trong khoảng 1 phút nữa là được. Đổ khoai ra mâm hoặc mẹt, để khoai ở nơi nắng ấm hoặc nhiều gió cho khoai nguội ráo. Chờ khoai nguội hẳn mới cho khoai vào hũ thủy tinh để lưu trữ.
-
Mứt vỏ bưởi rất giòn và dẻo. Khi thưởng thức thì bạn sẽ có cảm giác cực kỳ dễ chịu, đây là món mứt truyền thống rất thích hợp vào ngày tết. Nếu bạn đang tìm kiếm một món mứt vừa ngon lại vừa mới lạ thú vị thì mứt vỏ bưởi là dành cho bạn. Với vỏ bưởi thay vì chỉ tận dụng nấu chè thì bạn cũng có thể tận dụng để làm ra loại mứt mới lạ, mùi vị tuyệt vời, cực kỳ thích hợp để bạn nhâm nhi ngày Tết hoặc biếu cho những người bạn quý mến.
Nguyên liệu:
- Vỏ bưởi 1 trái
- Đường 200 g (tùy khẩu vị)
- Muối 10 g
- Phèn chua 100 g
Cách làm:
- Vỏ bưởi cắt khúc khoảng 5 cm, bỏ bớt phần ruột trắng. Cắt vỏ bưởi thành sợi dài. Sau đó, hòa tan muối với nước, cho vỏ bưởi vào ngâm trong khoảng 5 - 7 tiếng. Sau 5 - 7 tiếng, bạn vớt vỏ bưởi ra bóp thật nhiều lần với nước để ra bớt tinh dầu. Rửa sạch vỏ bưởi lại với nước, vớt ra rổ cho ráo nước. Tiếp đến, đun sôi nước với một thìa phèn chua, cho vỏ bưởi vào luộc sơ trong khoảng 3 – 5 phút.
- Đổ vỏ bưởi ra rổ, rửa lại nhiều lần với nước cho hết phèn chua, bóp nhẹ vỏ bưởi cho hết nước. Đổ vỏ bưởi vào thau to, thêm đường vào trộn đều ngâm trong khoảng 5 tiếng để đường ngấm vào vỏ bưởi. Cho vỏ bưởi vào chảo, đảo đều ở lửa to trên bếp đến khi gần cạn nước đường. Vặn nhỏ bếp, đảo đều tay đến khi vỏ bưởi khô lại và bắt đầu kết tinh trắng thì tắt bếp.
-
Tuy là món mứt truyền thống, lâu đời nhưng mứt đậu trắng chưa bao giờ hết “hot” và luôn chiếm được tình cảm của không ít người. Cũng như các món mứt khác, mứt đậu trắng mang trong mình vị ngọt ngọt, bùi bùi, mềm mềm, kích thích vị giác. Sẽ không thể chê vào đâu được khi cảm nhận được mùi thơm của đậu trắng dậy lên mũi, vị the mát lan dần trong khoang miệng cùng với sự tan dần nhẹ nhàng của lớp đường phủ ngoài hạt mứt.
Nguyên liệu:
- Đậu trắng khô 2 kg
- Đường cát trắng 1 kg (chia theo tỷ lệ 1 kg đậu trắng thì dùng 500 gr đường)
- Gừng tươi to 2 nhánh
- Vani 2 ống
- Muối 1/2 muỗng cà phê
Cách làm:
- Bạn chọn những hạt đậu to đều nhau, căng, bóng, như vậy món mứt mới ngon và đẹp. Đậu trắng đãi sạch và bỏ vào chậu đổ nước ngập cách mặt đậu khoảng 2 cm, ngâm tầm 10 tiếng đồng hồ cho đậu trắng nở đều hết. Gừng gọt vỏ, rửa sạch và thái chỉ.
- Sau đó cho đậu vào hấp khoảng 1 tiếng đồng hồ, nếu không bạn có thể đổ nước ngập mặt đậu rồi để lên bếp cho lửa nhỏ đến khi đậu mềm nhưng không để nứt vỏ, bạn có thể cho tý muối để thêm phần đậm đà.
- Bạn bắc chảo lên bếp, đợi nóng bạn cho dậu trắng vào, thêm đường, gừng và cho 3 chén nước, để lửa vừa phải, dùng đũa khuấy đều nhẹ tay cho đường tan ra hết. Khi thấy đường cạn và có hiện tượng kết tinh thì bạn đảo liên tục nhẹ tay cho đường kết tinh bám đều hạt đậu, cho vani vào và tiếp tục đảo tầm hơn 1 phút thì tắt bếp. Vẫn tiếp tục đảo cho những hạt đậu khô và rời ra.
- Bạn để mứt nguội cho vào lọ thủy tinh dùng dần.
-
Trong ngày tết những món mứt là những món được yêu thích và lựa chọn rất nhiều, cách làm món mứt khoai tây thơm ngon hấp dẫn có cách chế biến đơn giản. Đặc biệt khoai tây là một trong số những thực phẩm bổ dưỡng và rất có lợi cho sức khỏe tất cả mọi người. Bởi đây là một thực phẩm mang đến rất nhiều khoáng chất và vitamin rất tốt cho sức khoẻ của con người. Các chị em phụ nữ hãy dành chút thời gian của mình để làm món mứt khoai tây hấp dẫn có vị ngọt bùi dễ ăn này nhé.
Nguyên liệu:
- Khoai tây 700 gr
- Muối 1 muỗng cà phê
- Nước cốt chanh 1 muỗng canh
- Đường 120 gr
Cách làm:
- Khoai tây gọt bỏ vỏ, thái miếng hình chữ nhật vừa ăn. Không thái to quá hoặc nhỏ quá. Hòa muối và nước cốt chanh chung với 1 lít nước cho khoai tây đã cắt khúc vào ngâm 30 phút.
- Khoai tây sau khi ngâm xong, lấy ra rửa nhiều lần với nước cho thật sạch. Lau khô khoai tây bằng khăn hoặc để khoai tây thật khô nước rồi tiến hành sên mứt. Bắc chảo dầu lên bếp, dầu nóng, cho khoai vào chiên với lửa vừa, khi thấy khoai chín thì vớt ra dĩa có lót giấy dầu (thời gian chiên khoảng 3 4 phút). Dùng khăn giấy thấm khoai cho khô dầu.
- Bắc chảo nước đường lên bếp, nấu sôi với lửa nhỏ. Khi đường sủi bọt thì cho khoai vào sên lửa liu riu cho đến khi đường kết tinh trắng xóa, bám hết vào khoai khô ráo thì tắt bếp. Chờ mứt khoai tây nguội, cho vào hũ bảo quản nơi thoáng mát. Thời gian bảo quản khoảng 10 ngày.
-
Mứt Đu Đủ sẽ là loại mứt tương đối khác lạ trong đĩa mứt Tết của nhà bạn đó. Các loại mứt truyền thống như mứt bí, mứt cà rốt, mứt dừa…có lẽ đã không còn xa lạ gì. Nhưng với loại mứt Đu Đủ thì cách làm nó ra sao, hương vị như thế nào? Trong đu đủ chứa nhiều vitamin A giúp chống oxy hóa mạnh, chống khô mắt, da và nhuận tràng. Hiện nay đu đủ không chỉ được sử dụng làm dưa món mà cũng có thể lấy nó làm nguyên liệu cho món mứt ngày Tết nữa đấy. Khay mứt nhà bạn đã có món mứt này chưa? Hãy học hỏi cách chế biến nó và bày đẹp mắt trên bàn uống nước nhà mình vào dịp Tết nhé.
Nguyên liệu:
- Đu đủ xanh 1 quả (khoảng 900gr)
- Đường 300 gr
- Muối 1 muỗng canh
- Lá dứa 3 cây
Cách làm:
- Đu đủ mua về nạo sạch lớp vỏ xanh và rửa sạch vết mủ chảy ra. Chẻ đôi đu đủ và cắt thành các lát mỏng khoảng 1 lóng tay theo chiều của trái đu đủ. Cắt bỏ phần ruột để cho các thanh đu đủ đẹp mắt. Từ các lát mỏng bạn cắt tiếp thành các sợi mỏng hơn với độ dày khoảng 1/4 móng tay.
- Cho đu đủ đã cắt sợi vào một cái thau. Cho khoảng 1 muỗng canh muối vào, dùng tay trộn đều và ngâm khoảng 2 tiếng cho muối thấm vào đu đủ. Sau khi ngâm bạn đổ nước xăm xắp đu đủ, ngâm khoảng 30 phút cho đu đủ nhả bớt vị mặn của muối. Kế đến rửa lại với nước. Sau đó bạn thay nước mới và ngâm thêm 30 phút nữa. Cứ ngâm rồi xả đi xả lại với nước như vậy nhiều lần đến khi đu đủ hết mặn thì cho ra rổ, để ráo.
- Cho đu đủ đã rửa sạch vào thau, cho khoảng 300gr đường vào, trộn đều. Sau đó cho thau đu đủ vào ngăn mát tủ lạnh ướp khoảng 4 - 5 tiếng cho đường tan ra hết và thấm vào đu đủ.
- Đu đủ sau khi ướp đường xong, bạn lấy ra và chắt hết nước đường vào một cái chảo lớn. Đặt chảo đường đó lên bếp đun với lửa lớn đến khi sôi thì cho đu đủ vào đảo sơ lên. Lúc này bạn sẽ thấy đường sôi nhẹ lại. Khi đường bắt đầu sôi mạnh lên thì bạn hãy hạ xuống lửa vừa, cho lá dứa vào trụng sơ khoảng 10 phút để tạo độ thơm cho món mứt. Bạn sên đu đủ đến khi thấy đường đặc lại mà mép chảo có những mảng đường trắng, khô, cứng thì hạ nhỏ lửa nhất có thể và tiếp đục đảo đều tay hơn nữa. Sau một khoảng thời gian sên đu đủ, bạn sẽ thấy lớp áo đường trên đu đủ khô lại. Bạn cứ tiếp tục sên đến khi đu đủ cũng khô lại là tắt bếp.
-
Một loại thực phẩm vô cùng quen thuộc với bất cứ ai từ bữa chính, món ăn vặt hay món tráng miệng. Nó quen thuộc đối với nhiều người là do hương vị thơm ngon cũng như là giá trị dinh dưỡng của nó đem lại cho sức khoẻ và cơ thể. Còn gì tuyệt vời hơn khi vào ngày Tết cổ truyền, gia đình bạn nên có một đĩa mứt rong biển đặt trên bàn uống nước bởi món này giàu chất dinh dưỡng: Iốt, canxi, vitamins, chất khoáng, đạm... Đây là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người lớn tuổi, người bị cao huyết áp. Bảo quản dễ dàng, sử dụng tiện lợi, là món quà ý nghĩa nhân dịp tết đến xuân về.
Nguyên liệu:
- 2 gói rong biển khô
- 500 gram đường cát trắng
- Một ít vani hoăc nước gừng
Cách làm:
- Bạn ngâm rong biển vào nước trong khoảng 15 phút rồi xả sạch với nước khoảng 2 lần để làm sạch bụi bẩn cũng như muối bám vào rong biển. Sau đó cho ra rổ để ráo nước.
- Cho rong biển vào nồi nước rồi đun sôi và nhớ cho vào khi nước còn mát. Tiếp theo bạn cho tiếp đường vào nồi khi đã sôi, tuỳ vào độ sở thích và khẩu vị mà bạn muốn mứt rong biển có bạn hãy điều chỉnh cho vừa ý, khuấy đều cho đến khi đường tan hết. Hoặc nếu thích đặc biệt hơn bạn có thể thêm một ít hương vị như vani hay nước gừng để mứt có vị cay nhẹ.
- Sau khi đường tan ra bạn hãy đổ rong biển đã nấu ra khay rồi để nguội, chờ đến khi đông lại rồi thực hiện bước tiếp theo.
- Bạn hãy sấy khô rong biển để mứt được rắn lại và bảo quản được lâu hơn. Nếu ở nhà không có máy sấy thì bạn hãy tận dụng nắng tự nhiên phơi từ 5 7 ngày, mỗi ngày khoảng 5 tiếng. Hãy chú ý chọn lúc nắng to nhất để mứt nhanh khô mà vẫn đảm bảo được màu sắc và hương vị. Và cũng cần lưu ý không phơi quá thời gian tránh việc mứt rong biển bị cứng sẽ mất ngon.
- Sau khi sấy xong bạn hãy cho mứt vào trong các hủ thuỷ tinh đậy kín lại để bảo quản được lâu hơn và ăn dần.
-
Món mứt dẻo dẻo, dai dai này được rất nhiều người yêu thích. Đặc biệt là các em bé, hầu như đến gia đình nào mà có món mứt này cũng sẽ hết trước tiên. Chẳng những mang sắc màu xanh, đỏ, vàng rực rỡ mà mứt rau câu còn có hương thơm thoảng dịu của hương bưởi và độ dai, giòn rất vui tai. Cách làm món này khá đơn giả, vì thế bạn có thể học ngay cách làm loại mứt tuyệt vời này nhé.
Nguyên liệu:
- Bột rau câu (1.5 gói) 45 gr
- Nước lọc 700 ml
- Đường cát trắng 150 gr
- Lá dứa (1 nhỏ) 5 bó
- Cà rốt 1 củ
- Cà phê 1 thìa canh
- Củ dền 1 củ
Cách làm:
- Lá dứa thơm rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn với 200ml nước. Sau đó bạn lọc lấy nước bỏ bã. Cà rốt rửa sạch, băm nhỏ rồi cũng xay với 200 ml nước. Lọc lấy nước, bỏ bã. Củ dền bạn cũng làm tương tự, xay nhuyễn sau đó lọc lấy 200 ml nước củ dền.
- Bạn khuấy đều thạch rau câu với 700 ml nước. Ngâm thạch rau câu 30 phút. Bạn chia thạch rau câu ra 4 phần bằng nhau rồi cho từng phần lên bếp đun sôi, vừa đun vừa khuấy đều để rau câu không bị vón. Khi rau câu tan hoàn toàn bạn thêm vào 20 gr đường, khuấy tan. Tiếp tục cho màu lá dứa, cà rốt, củ dền, cà phê vào từng phần rau câu. Khi rau câu sôi lại bạn đổ từng phần ra các khuôn để nguội. Lúc này ta được 4 khay rau câu với 4 màu đẹp mắt. Màu xanh lá dứa, màu cam cà rốt, tím củ dền và nâu cà phê. Chờ rau câu nguội hoàn toàn bạn cho rau câu vào ngăn mát tủ lạnh 3-4 giờ cho rau câu đông cứng lại.
- Sau khi rau câu đông, bạn úp ngược lên mặt khay sạch. Sau đó dùng dao răng cưa cắt thành từng thanh dài khoảng đốt ngón tay. Xếp rau câu lên khay cho khay rau câu đã chuẩn bị vào trong lò nướng, tuy nhiên không đóng cửa lò và bật lò nướng đến mức nhiệt độ 100 độ C trong khoảng 5 – 7 phút rồi lại tắt lò nướng đi. Khi thấy lò nướng đã nguội dần thì bạn lại tiếp tục bật lò nướng và lặp đi lặp lại bước này nhiều lần cho đến khi bạn nhận thấy mứt rau câu dẻo khô và lên đường (có lớp đường bám quanh mứt) là được. Bạn sấy cho đến khi rau câu se mặt và khô hẳn. Sau đó bạn kiểm tra mứt nếu thấy mứt vẫn mềm nhũn hãy tiếp tục sấy một vài lần nữa đến khi thấy mứt rau câu khô và có đường bám quanh mứt là được.
- Sau khi sấy, cho rau câu ra ngoài, để nguội và gói vào từng miếng giấy kiếng để bảo quản hoặc có thể cho hết vào hũ thủy tinh và đậy kín. Bạn bảo quản mứt trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
-
Xoài xanh là một trong những loại quả vô cùng quen thuộc mà ai cũng đều yêu thích. Từ loại quả này bạn có thể chế biến ra món mứt xoài xanh, một món ẩm thực không chỉ xuất hiện trong những ngày tết mà còn là món ăn vặt phổ biến ở mỗi gia đình, vị mứt ngọt, chua thơm lại dẻo nên được nhiều người yêu thích. Cách làm loại mứt này thì cũng khá là đơn giản, không quá khó khăn. Hãy học ngay cách thực hiện và chuẩn bị cho ra lò một mẻ mứt xoài xanh hấp dẫn nhất nhé.
Nguyên liệu:
- Xoài 6 trái
- Vôi ăn trầu 2 muỗng canh
- Muối 1 muỗng cà phê
- Đường 150 gr
Cách làm:
- Trước tiên bạn cho 2 muỗng canh vôi ăn trầu cùng 1 lít nước vào thau, khuấy đều đợi khoảng 5 phút cho để vôi lắng xuống, bạn dùng vá múc lấy nước trong. Tiếp theo bạn rửa xoài thật sạch sau đó gọt vỏ rồi dùng dao cắt xéo miếng xoài thành các miếng nhỏ vừa ăn. Và cho vào thau nước vôi trong vừa lấy, ngâm khoảng 2 - 4 tiếng, sau đó xả lại nhiều lần với nước sạch.
- Bắc nồi lên bếp, cho 900ml nước và 1 muỗng cà phê muối vào chảo, đun sôi rồi cho xoài vào, luộc khoảng 1 phút thì vớt ra rửa qua nước lạnh.
- Cho xoài vừa luộc cùng 150gr đường vào thau, trộn đều và ướp qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để ở nhiệt độ phòng khoảng 30 phút cho đường tan hoàn toàn. Sau khi đường tan bạn bắc chảo lên bếp ,cho xoài vừa ướp vào, sên với lửa vừa khoảng 3 phút rồi hạ lửa nhỏ lại riu riu và tiếp tục sên cho tới khi cạn hết nước đường thì bạn tắt bếp.
- Xếp mứt xoài vừa sên lên vỉ nướng sau đó cho vào lò nướng thủy tinh và sấy khoảng 20 - 30 phút với nhiệt độ 100 độ C. Sau khi sấy xong bạn dùng màng bóng gói từng miếng mứt xoài vào và bảo quản ở nơi thoáng mát tránh xa ánh nắng mặt trời.