Top 10 Tản văn viết về giấc mơ hay nhất
Con người dành ⅓ cuộc đời của mình để ngủ, và trong giấc ngủ, chúng ta rất thường rất hay mơ. Có những giấc mơ làm bạn mỉm cười ngọt ngào khi thức dậy. Ngược ... xem thêm...lại, có những giấc mơ làm bạn bừng tỉnh trong sự nuối tiếc, bàng hoàng. Dù muốn hay không, những giấc mơ đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của chúng ta. Dưới đây Toplist xin gửi đến bạn những tản văn viết về giấc mơ hay nhất.
-
Từng mùa đi qua mang tuổi đời tôi trôi mãi, dấu vết thời gian hằn in trên đá núi, trên những viên sỏi lăn lóc bên đường.
Ai còn nhớ hay đã quên những kỷ niệm một thời thơ ấu?
Không hiểu sao tôi luôn nhớ về những ngày mùa Hè nắng như đổ lửa, ngày ấy trong mỗi câu chuyện, người ta hay dùng từ gợi nhớ là “ngày xưa”. Trên giàn mướp ông trồng, hoa trổ vàng rực rỡ, những chú ong mật xòe cánh bay rộn ràng. Bà phe phẩy chiếc quạt nan, gió từ tay bà chẳng ru tôi thiu thiu ngủ. Đợi lúc bà xoay người vào phía vách tường, tôi khẽ lách mình theo tiếng bạn gọi chạy ra đầu ngõ. Mồ hôi trên trán vã ra như tắm sau vài trận cãi cọ rồi lại hòa giải với lũ bạn.
Người lớn bận rộn bao việc trên đồng, còn chúng tôi luôn tay luôn chân chuẩn bị cho trò chơi đồ hàng, trong gian bếp nhỏ nhà cái Hà, lúc trưa hè đứng bóng. Nào là bứt lá làm tiền, nào là lấy gạch non xát làm gạo trộn với nước, kiếm củi nấu nồi cơm sôi. Có những ngày mấy đứa chí chóe cãi lộn rồi giơ tay cắt xít không thèm chơi. Buổi ban trưa, tôi ngồi đầu hè, xếp viên gạch nhỏ làm ngôi nhà có sân vườn với đường đi lối ngõ. Bọn bạn thấy tôi xếp đẹp quá, chúng lại gần xin chơi cùng. Rúc rích đám đông, bên nhau khúc khích nói cười tít mắt.
Những buổi tối trời, bà trải chiếu ngoài sân, chỉ cho tôi ông Thần Nông trên trời được xếp hình bởi nhiều ngôi sao rất sáng. Một chân ông co, một chân ông duỗi, đầu ông đội mũ cánh chuồn, ông ngồi bên chiếc gàu sòng, chăm lo mùa màng, thủy lợi cho bà con nông dân dưới hạ giới. Tôi nằm trên chiếu, gió mát hiu hiu, câu chuyện bà kể ru tôi vào giấc ngủ rồi chìm vào giấc mơ lúc nào không biết. Giấc mơ thật hiền, tôi được bay lên trời gặp các nàng tiên; một cô tiên cho tôi xôi, cô cho tôi kẹo. Bàn tay nhỏ xíu của tôi nắm lấy, cô tiên cất cánh bay, thảo thơm xôi, kẹo trong tay tôi ở lại. Vời vợi trong giấc mơ tôi những ngọt lành cây trái.
Vừa sang cái tuổi chín mười, tôi biết theo mấy bạn cùng xóm đi cắt cỏ trên cánh đồng xa. Tôi ôm những bó cỏ xanh, đặt lên bờ ruộng, giũ sạch, rồi xếp vào đôi quang gánh. Cỏ đồng gần trâu bò gặm hết, người ta cắt cụt từng bờ trơ trụi, vì thế nên ai nấy cũng lặn lội tới cánh đồng xa tìm cỏ tốt cỏ tươi. Lần đầu tiên chưa quen gánh cỏ nặng, miệng tôi mếu máo khi chiếc đòn gánh ghì xuống, oằn lên đôi vai. Cái Quỳnh nhìn tôi thương hại. Nó theo bọn tôi đi cắt cỏ cho vui, chứ nhà nó chẳng nuôi trâu bò.Thương tôi, nó gánh giùm tôi một đoạn. Bình thường mọi ngày tôi hay bắt nạt nó là thế, hôm nay nó gánh cỏ cho tôi, nó như ân nhân mà tôi thấy lỗi về phần mình nhiều quá. Hôm trước tôi bắt nó chạy về nhà hái ổi mang sang cho tôi ăn. Tôi bắt nó nhặt rau, quét sân, nhưng phần nó nhận được chỉ là tôi cho nó chơi cùng với con búp bê bằng nhựa, bố tôi đi công tác mua về hôm trước. Nó chơi được một lúc, tôi chạy lại đòi.
“Na gánh cỏ đi, đâu phải của tớ mà bắt tớ gánh hoài, tớ cũng thấy nặng lắm chứ!”. Quỳnh bỏ gánh xuống, cái nặng làm nó chẳng thiết chiều lòng tôi. Cơn giông đằng xa vừa tới, mây đen giăng kín bầu trời. Tôi biết lúc này chẳng có cớ gì bắt nạt Quỳnh được nữa. Tôi cố sức thi gan với gánh cỏ nặng, bước được vài bước thì quang gánh bị đứt. Tôi bất lực ngồi khóc lần thứ hai.
Cả đoàn gánh cỏ vì tôi mà dừng lại. Chúng nó cho tôi gửi mỗi đứa một ôm cỏ trên quang gánh của chúng. Tôi và Quỳnh lững thững theo sau, không còn mếu máo, bởi trên vai có còn nặng nhọc gì đâu. Tôi nắm tay Quỳnh và bảo: “Lần sau cứ sang nhà tớ, tớ cho Quỳnh chơi búp bê của tớ chừng nào thấy chán thì thôi”. Quỳnh gật đầu cười, vui lắm! Nhưng sau ngày hôm đó, Quỳnh chẳng sang nhà tôi thêm một lần nào nữa. Đêm ấy, Quỳnh theo bố mẹ vào Nam, đi biệt tăm, chẳng bao giờ gửi thư cho tôi lấy một dòng tin tức.
Tôi thỉnh thoảng có nhớ tới Quỳnh, nhưng tôi lại quên ngay khi hòa vào trò chơi bêu nắng cùng đám bạn lố nhố, đủ mọi lứa tuổi. Hơn tôi một, kém tôi hai, bằng tuổi tôi cũng có một vài đứa. Chúng tôi không phân biệt chị em, mà tất cả đều gọi nhau là bạn cho thân thiện, dễ gần.
Bên bờ rào giậu thưa, chúng tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn tập bơi. Chuồn chuồn cắn nát rốn rồi mà chẳng đứa nào biết bơi dưới ao đình nước trong veo trong vắt. Chán tập bơi, chúng tôi nhảy dây, chơi ô ăn quan. Dây giăng tới mang tai tôi cũng nhảy qua được. Chán, khi chẳng thể chăng dây cao hơn được nữa, chúng tôi quấn vào, vứt dây nằm cuộn tròn một chỗ.
Chúng tôi chuyển qua chơi ô ăn quan. Nhà cái Hà “giàu sụ” những viên sỏi, nhà cái Huyền “nghèo rớt” phải vay sỏi để rải dân. Chúng nó cãi nhau rồi vứt cả “dân” với “quan” nằm lăn lóc trong vạch kẻ ô trên con đường đất. Chúng tôi khúc khích, rủ nhau tết dây từ sợi rơm vàng ngày mùa để mắc võng, hóng gió mát bên lũy tre xanh.
Bao mùa trôi qua nhanh, cây chanh trong vườn nhà tôi trổ hoa, ra được mấy lứa quả. Lũ bạn đến nhà chơi, hái chanh vắt hòa với nước đường, uống vào buổi trưa hè cho đỡ khát. Lá chanh có mùi thơm mát, mải ngắt lá chanh cho bà đun nước gội đầu mà tôi đã từng bị gai đâm vào ngón tay chảy máu.
Giờ đây, tôi đã đi qua bao năm tháng cuộc đời, nhưng vẫn nhớ từng câu chuyện bà kể, từng trò chơi thơ bé. Có một nghịch lý: Ai cũng mong mình trưởng thành, nhưng khi lớn khôn rồi lại ước mong mình bé lại, để được sống với tuổi ấu thơ êm đềm.
Sau này, dù lớn lên nhưng giấc mơ xưa tôi còn nhớ mãi. Vật đổi sao dời, vất vả tính toan, có lúc tôi chỉ thèm vục đầu vào chiếc gối êm, tìm lại giấc mơ hiền ngày nào mà ngụp lặn trốn tìm trong đó. Tôi biết, đôi khi đã đủ trưởng thành, bước qua bao chông gai, vấp ngã, tôi nhận ra nước mắt có vị mặn mòi; cuộc đời không như những giấc mơ xưa.Nguyễn Thanh Nga
-
Thời gian trôi nhanh thoăn thoắt, nó chẳng chừa cho em một phút để nghỉ ngơi và cũng chẳng tặng cho em một giây để thôi lớn.
Em cứ ngỡ ngày hôm nay em vẫn chỉ là một đứa trẻ non nớt đòi quà của mẹ, ngỡ ngày hôm nay em vẫn có thể rúc vào tấm chăn bông ấm áp để mơ những giấc mộng thần tiên. Em vẫn ngỡ đêm nay mình sẽ mơ làm một chàng hiệp sĩ, vẫn nghĩ mình sẽ được cưỡi lên chú khủng long ăn cỏ rồi đánh nhau với những cơn lốc xoáy độc ác. Công chúa của em đang im lìm ngủ say trong hang đá. Em sẽ đến bên nàng, dùng tinh thần kiên cường cùng tình thương nồng ấm gọi nàng thức giấc sau một giấc mộng dài.
Nhưng đêm nay em chẳng được làm một chàng hiệp sĩ dũng cảm, cũng chẳng được gặp nàng công chúa của em. Nàng ta sẽ ngủ mãi, ngủ mãi rồi tự chìm đắm trong giấc mộng riêng mình. Còn chàng hiệp sĩ đây chỉ có thể trằn trọc trên chiếc giường trống vắng, cầu trời cho màn đêm dài thêm một chút. Đêm dài lắm mộng nhưng em cứ mong mình mộng mãi thôi. Đời em chẳng như mơ và ngay bây giờ em cũng chẳng thì giờ đâu mà mộng mơ nữa.
Ngày hôm nay, em bỏ bên hiên những giấc mơ thần kì, bỏ ngoài ô cửa chú khủng long và bỏ trên mái nhà chàng hiệp sĩ. Đêm nay, em vẫn cuộn mình trong tấm chăn ấm áp nhưng em chỉ ngủ chứ chẳng dám mộng mơ. Em không còn ngâm nga những câu hát thuở bé, không còn cất lên những bài ca dao mẹ ru. Em tự đưa mình vào giấc ngủ chợp chờn bằng những “câu ca” lạ lẫm viết ra trên tờ đề cương.
Em không còn tâm trạng hát những câu ru à ơi, cũng chẳng buồn ngóng chương trình “Chúc bé ngủ ngon” lúc chín rưỡi mới chịu đi ngủ. Em chẳng yêu thích điều gì, cũng chẳng quá chán ghét cái gì. Cuộc đời em cứ bình bình trôi qua vậy thôi. Em giống mưa bóng mây, vội rơi rồi vội tan. Em giống hoa lục bình, trôi hoài trôi mãi giữa lòng sông quê. Em làm đám mây, hờ hững dạt qua phương này lại dạt sang phương khác. Lênh đênh mãi với dòng đời, mải mê mãi với những phù phiếm ngoài kia, em đã đánh mất nàng công chúa của mình tự lúc nào không hay. Nàng ta lãng quên bóng hình chàng hiệp sĩ, nàng tự tỉnh giấc và tự giải thoát chính mình khỏi những cơn ác mộng triền miên. Còn hiệp sĩ của nàng lại loay hoay hoài với từng cơn lốc xoáy, chẳng thể nâng kiếm chiến đấu và cũng chẳng thể tự cứu lấy chính bản thân mình. Cơn lốc cứ xoáy mãi vào tâm trí em, chúng khiến em ngã quỵ, làm mộng mơ em gìn giữ ngày bé tan tác thành mây khói.
Hôm qua em mơ và hôm nay em ngủ. Ngủ ngủ rồi lại mơ mơ. Những cơn lốc vẫn ngày ngày xoáy sâu vào tâm em, chúng ồ ạt kéo tới như bão dông, chúng chăm chăm phá hủy những mộng mơ em vô tình đánh mất. Đêm nay, chẳng có một cô công chúa nào, chẳng có một chàng hiệp sĩ cùng chú khủng long ăn cỏ buồn bã ngủ bên hiên nhà. Đêm nay, chỉ có gió thoảng, mây trôi cùng đôi dơi lượn lờ ngoài ô cửa sổ. Chúng đậu lại, nghe em hát những câu ca tự ru chính mình:
“Con cò bé bé
Nó đậu cành tre
Đi không hỏi mẹ
Biết đi đường nào…”Biết đi đường nào, biết rẽ lối nào đây hỡi bé cò nho nhỏ! Đường lắm mảnh chai, đường nhiều cơn lốc, nơi đâu là đường đến nàng công chúa của tôi?
Đêm nay, lại có một kẻ ngây ngô gom góp từng mảnh mộng xưa đã vỡ vụn. Mộng không trọn vẹn, người cũng thêm u hoài.
Túc Hạ
-
Hôm qua em mơ một giấc mơ rất lạ. Em mơ thấy một cái ôm từ phía sau, nghe thấy lời thầm thì của yêu thương, ngửi thấy mùi hương của bữa cơm yên bình. Có lẽ đó là giấc mơ em che giấu bấy lâu nay. Có đứa con gái nào mạnh mẽ mãi đâu, vẫn yếu mềm đấy thôi, vẫn chực chờ nước mắt, có thể ngã gục bất cứ lúc nào. Nhưng "bất cứ lúc" nào ấy có điều kiện.
Điều kiện để một đứa con gái có thể yếu đuối như bản chất của họ là tìm thấy một người để dựa vào, một người có thể lau nước mắt, một người sẽ điên cuồng tìm kiếm khi cô ấy đột ngột biến mất và khi tìm thấy sẽ ôm thật chặt cô ấy vào lòng như thể cuộc đời này sẽ vô nghĩa nếu thiếu cô ấy. Nhưng bấy nhiêu đó đâu có đủ đúng không? Con gái mà, họ lạ lắm. Rõ ràng người đã tìm thấy nhưng trái tim lại không rung động. Đã không rung động thì sao có thể dựa vào. Biết rằng người ta thương mình nhưng mình không thương người ta thì biết làm sao. Trong một cuộc tình hai người nếu chỉ có một người yêu người kia thì cả hai đều sẽ đau khổ. Còn người họ rung động thì chính họ cũng nhận ra không thể dựa vào dù chỉ giây lát. Thế nên con gái lại phải một mình gánh trên vai hai từ mạnh mẽ.
Chẳng biết phải gom bao nhiêu duyên phận mới đủ để gặp một người có thể dựa vào và mình cũng muốn dựa vào để có thể một đời an yên. Nhưng, một đời thật dài, thật mong manh và đầy hoài nghi. Bởi làm sao biết người có bất ngờ rời đi bỏ ta ở lại, lạc lõng giữa đại lộ đau thương. Làm sao lường trước được sự trớ trêu của số phận hay nghịch cảnh của tương lại. Ta chỉ có thể tìm kiếm, dò dẫm rồi lo sợ. Bàn tay vừa đưa ra rồi rụt rè thu về. Ngoài kia, những người đang nói những lời ngọt ngào không thiếu nhưng chân thành được bao nhiêu, được bao lâu. Cô gái cứ khép lòng mình rồi tự hỏi hàng ngàn hàng vạn câu hỏi không thể trả lời như thế. Tháng năm dần qua đi, cô gái cũng dần quên mình cần một người để dựa vào.
Nói là quên nhưng chẳng thể nào quên được bởi cô gái được nhắc nhở mỗi ngày. Cô nhìn những đôi yêu nhau thắm thiết rồi cô nhìn những đôi phụ bạc nhau. Cô chẳng biết đâu là thật, hay nói đúng hơn đâu mới là sự thật của bản thân sau này. Nhìn người ta được yêu chiều mình cũng muốn, nhưng nhìn người ta đau khổ thì lại ngao ngán và sợ hãi. Cái cô sợ nhất dường như không phải là chọn nhằm người, cô chỉ sợ chọn đúng rồi nhưng người vẫn rời đi. Cô sợ lúc đó cô có thể lại mạnh mẽ một lần nữa không. Cô sợ, thà người đừng đến nuông chiều cô như một đứa trẻ rồi bất ngờ đẩy cô ra, ép cô phải trưởng thành chỉ trong một khoảnh khắc. Làm sao mà cô gái có thể chịu đựng nổi nỗi đau lớn đến thế. Làm sao cô dám để cho bản thân yếu đuối được đây.
Đông Tàn
-
Tháng tám mùa thu chợt về bằng những cơn mưa rào ngang qua như để gội mát bầu trời sau những ngày tháng hè oi ả, nóng bức, và cũng như để tưới mát tâm hồn tôi trong nỗi lo dịch bệnh. Thay vì cái se lạnh của gió heo may là một chút oi ả còn rơi rớt lại. Phải chăng mùa hè còn nấn ná chưa muốn rời xa. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi chính lòng mình: Mùa thu đã về? Nhưng rồi khi chính mắt nhìn thấy những trái ổi vàng lắc lư, quả thị thơm lấp ló trong vòng lá xanh, tôi mới chắc rằng thu đã về và đang quanh quẩn đâu đây.
Tôi cũng chẳng hiểu sao: Cứ mỗi độ thu về đất trời lại gieo vào lòng tôi nhiều cung bậc cảm xúc: chút xao xuyến, bâng khâng và lúc này đây là cả sự mong chờ. Sau một kì nghỉ hè dài dài tránh dịch bệnh Covid 19, nay bước chân mùa thu lại về trong sự mong chờ của bạn, của tôi của tụi học trò nhỏ.
Không hẹn vẫn đến, mùa thu về bên thềm khe khẽ, chạm ngõ nhỏ thân thương, mang cho đất trời bao sự đổi khác, và để rồi cảm xúc mới lạ xuất hiện trong tâm hồn tôi và tụi học trò thơ ngây, nghịch ngợm. Mùa thu thủ thỉ bên tai: “Kì nghỉ hè đã kết thúc rồi bạn ơi, hãy khởi đầu một cuộc hành trình mới cùng tôi”. Trong cơn mơ, mùa thu dắt tôi vào buổi tựu trường trong sự tưng bừng, hồ hởi của thầy, trò giữa sân trường rộng lớn, lá vàng nghiêng ngả dưới chân.
Tôi hay ai đó có mơ về buổi tựu trường là điều dễ hiểu bởi: lũ trẻ chắc đã chờ đợi từ lâu lắm sau bao ngày xa thầy, xa bạn, nỗi nhớ nhung dồn nén trong tim. Tạm biệt mùa hè đã đi qua, chúng tôi khát khao bắt đầu một nhịp sống mới, cuộc hành trình với những chinh phục đang chờ đợi phía trước.
Thu năm này vẫn bầu trời trong xanh, vẫn tí tách giọt ngâu rơi để lòng người ngân lên những nốt nhạc trầm. Rồi đâu đây, trong thảm đất trời xanh bao la rực lên sắc vàng của hoa cúc, màu vàng nhạt của tà nắng dịu dàng. Giữa khung cảnh nên thơ làm mê muội lòng người, lòng tôi lắng lại. Ai gieo trong tôi nỗi buồn, sự lo lắng, xót xa...
Những ngày này khi mà cả nước đang oằn mình chống chọi với con virut dữ dằn Co – ro – na. Lệnh giãn cách xã hội được áp dụng trong nhiều tỉnh, thành phố. Bao người đã bị lưỡi hái tử thần cướp đi mạng sống. Toàn Đảng, toàn dân đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng dịch bệnh cao nhất với phương châm: nhà cách nhà, thôn cách thôn, xã cách xã. Bước chân mùa thu trở lên rón rén hơn và tất cả có sẵn sàng cho ngày tựu trường giữa mùa dịch bệnh?
Bao hụt hẫng chẳng thể diễn giải thành lời. Bởi từ lâu tôi đã quen mùa thu là mùa tựu trường, mùa của sự hẹn hò, gặp gỡ thầy trò trong sự hò reo của cây, của gió. Có lẽ trong lòng cô cậu học trò cũng như tôi không tránh khỏi nỗi buồi hoang hoải, sự bâng khâng, một chút xao xuyến nhớ nhung.... Cảm xúc ấy thật đặc biệt mà chỉ trong hoàn cảnh này tôi mới cảm nhận được.
Thôi thì thầy trò tiếp tục kì nghỉ của mình - một kì nghỉ dài chưa dự đoán được ngày kết thúc. Tháng tám mùa thu năm nay không còn tháng của tựu trường, tháng của ngày tụ họp, nô nức. Tháng tám buồn hơn trong tiếng thở dài của đất mẹ, vương trên đôi mắt buồn của trẻ thơ và nỗi nhớ thương không nguôi trong tâm hồn lũ trẻ.
Trong nỗi lo dịch bệnh lan tràn, trong âm hưởng buồn của giọt ngâu rơi, tôi vẫn tìm thấy sự tươi sáng của sắc màu, của chùm quả chín trĩu trịt trên cây. Sự tươi sáng ấy đánh thức trong tôi niềm hi vọng về một ngày gần đây dịch bệnh đẩy lùi. Lúc đó mùa thu sẽ thực sự về với buổi tựu trường tươi vui trong ánh mắt hân hoan, nụ cười tỏa nắng của thầy, của bạn. Cứ mỗi lần nghĩ về cảnh tượng ấy lòng tôi lại miên man niềm vui khó tả.
Tối nay trời thu dịu mát, chút se lạnh thoảng qua. Trong giấc ngủ ngon cùng chiếc chăn mỏng mảnh tôi đã mơ về ngày tựu trường tưng bừng, rộn rã.
Nguyễn Thanh Thuỷ
-
Có những buổi sáng thức dậy ta thấy lòng thật bình yên, nhưng có những buổi sáng thức dậy lòng nặng trĩu. Con người ta càng sống lâu, đi qua năm tháng ngày càng nhiều, ký ức như quyển sách ghi chép tất cả những đau khổ, hạnh phúc, lỗi lầm, muộn phiền, thiện hay bất thiện của tâm.
Con người quả thật chứa đựng nhiều bí ẩn, dù trên ý thức chúng ta có thể dối lòng hay che giấu tất cả. Nhưng ta không thể làm như vậy với vô thức của chính mình. Khi ta nằm xuống nhắm mắt lại, chìm vào giấc ngủ, ta tạm thời mất đi sự kiểm soát của tâm, điều đó đồng nghĩa ý thức không còn quyền lực. Từ đó những gì trong vô thức, ta cố gắng xóa nhòa, không nghĩ tới lại hiện về trong giấc mơ.
Mà thật kỳ lạ những điều hạnh phúc ta cố nhớ lại càng quên, những gì lầm lỗi ta càng muốn quên lại càng nhớ. Những trải nghiệm đau khổ theo giấc mơ hiện về, ta ray rứt, ta dằn vặt vì những gì đã trải qua. Khỏi phải nói đó là một cảm giác buồn mênh mang, chúng ta hối hận vì đã làm những điều này, chúng ta hối hận vì đã không làm những điều kia.
Lúc nhỏ, khi phạm lỗi chỉ cần chạy về bên ba bên mẹ, lấy hết can đảm mà nói với mẹ: "Con xin lỗi mẹ, con xin lỗi ba". Rồi khi được ba mẹ tha thứ, chúng ta nhẹ lòng, quên ngay rồi tiếp tục chạy đi chơi. Còn bây giờ thì, ba mẹ bên cạnh đó, người thương, người thân bên cạnh đó, nhưng nào có dám hé môi. Càng trưởng thành con người càng giỏi chịu đựng, giỏi che dấu những gì trong lòng và giỏi cả giả vờ nữa. Giả vờ rằng ta vẫn ổn, ta vẫn vui, ta vẫn bước hiêng ngang trong cuộc sống.
Cũng có tích cực đấy nhưng chỉ là một trong một số ngày thôi và trong một số ngày, như hôm nay, chúng ta lại phải đối diện với chính bản thân mình. Những lỗi lầm ấy đã từng xảy ra, đó là sự thật không thể nào chối cãi được. Nhưng các bạn hãy ngẫm kỹ mà xem, chúng ta sống một đời rồi cũng sẽ tới lúc nhắm mắt xuôi tay, sẽ buông bỏ lại hết mà đi, vậy thì há gì những năm tháng phù du đã qua. Cái gì cũng chỉ là một giai đoạn, giai đoạn đó đã qua rồi, bây giờ chúng ta đang đi trên một đoạn đường mới.
Nếu có quay đầu nhìn lại thì hãy nhìn ngắm nó với trạng thái định tĩnh nhất, nhìn lại mà rút kinh nghiệm, mà không phạm phải nữa, chứ đừng nhìn lại để ray rứt, dằn vặt bản thân. Sao mình làm khổ bản thân mình dữ vậy, sống trong nỗi đau của quá khứ, ta đau thêm một lần nữa.
Dù không hề dễ dàng gì, nhưng hãy cố vực dậy cảm giác tích cực của bản thân. Tôi không hứa chắc là bạn vượt qua được một lần sẽ vượt qua được lần sau đâu nhé. Phiền não vốn là một rễ cây độc, cắm rễ rất sâu trong tâm thức, phiền não qua đi, rồi sẽ trở lại, nhưng khi ta còn sống thì ta còn tranh đấu. Kiếp người quý giá, sao lại để cho phiền não che lấp bầu trời trong xanh. Mỗi một lần, những muộn phiền quay về không cần phải chạy trốn, hãy đối diện với tâm thái yên lặng nhất, hãy lắng nghe nó với trọn vẹn tâm mình.
Có một vị thiền sư đã nói rằng: "Hãy lặng nhìn mà không phản ứng!" Nếu bạn rèn luyện mà đạt được cảnh giới này thì nỗi đau nếu có quay lại, nó vẫn còn khiến chúng ta đau đó nhưng nó sẽ không thể làm cho ta khổ nữa.Tác giả: Trúc Châu
-
Cuộc đời là một chuỗi dài khó khăn, chỉ là sau những thử thách thấy mình trưởng thành hơn một chút. Thay vì cứ hoài niệm về dĩ vãng, hay vọng về tương lai xa vời thì trước hết hãy cứ trọn vẹn cho ngày hôm nay.
Có một thời ta yêu một người mà không cần suy nghĩ gì, chẳng cần bận tâm tương lai ra sao, đơn giản yêu chỉ là yêu thôi. Ta bỏ qua hết mọi lời khuyên răn của cha mẹ, bạn bè, đâm đầu chạy theo tình yêu mà mình tôn thờ, tin tưởng đến tuyệt đối. Ngày ấy, biết bao nhiều lần khóc lóc, hờn dỗi như một đứa trẻ đòi kẹo mà không được ba mẹ đáp ứng. Ngày ấy, đêm về nghe blog radio, mắt nhòe nước vì những câu chuyện tình lãng mạn nhưng không có hồi kết. Ngày ấy ngồi tưởng tượng về một đám cưới có thật nhiều hoa, cô gái sẽ xinh như một công chúa trong bộ váy cưới màu trắng, còn chàng trai lịch lãm như một hoàng tử trong bộ vest đen, bước ra từ chuyện cổ tích nắm tay cô gái tiến vào thánh đường. Cả hai sẽ ở một ngôi nhà nhỏ thôi nhưng ấm cúng, có một giàn hoa giấy bay bay trong gió. Một hồ cá nhỏ xinh xinh, một vài chú mèo, vài con cún con cùng nhau nô đùa, và có thêm một vài thành viên ú ú trong căn nhà ấy. Rồi sáng sáng chồng chở vợ đi làm, chiều về đón con, nấu bữa cơm chiều quây quần bên nhau.
Lớn lên, ra trường đi làm, bao va chạm với đời, bỗng thấy mình lớn lên một chút, có thêm bao nhiêu điều phải lo lắng của cuộc sống thường ngày dần dần đánh thức ta khỏi giấc mơ cổ tích ngày nào. Trải qua những vấp ngã trong một hay vài ba mối tình, thấy mình chai sạn, thấy vơi bớt niềm tin vào nhân tình thế thái.
Bây giờ yêu một người cũng không còn đơn giản yêu là chỉ có hai người, hay yêu chỉ là yêu thôi. Bây giờ nhận ra, có quá nhiều thứ cần lo, cần nghĩ, có quá nhiều đắn đo, có quá nhiều điều phải vượt qua khi ta yêu một người. Yêu bây giờ, là xác định cuộc sống hôn nhân, thực tế chứ chẳng còn là cô công chúa mơ mộng. Mà có những lúc vì những vụn vặt của đời, khoảng cách dần xuất hiện. Những mâu thuẫn tích tụ như những đốm lửa ngày càng nhiều, chỉ chờ lúc để bùng cháy. Những lúc ấy lại “giá như... ”, lại “nếu… thì”… Lại mong được bay nhảy như những ngày đôi mươi, lại mơ lại những ngày cùng nhau nắm tay trong phố ngày đông, đi dạo khắp phố phường khi đêm xuống, rong ruổi trong cơn mưa về bất chợt.Con người vốn tham lam, ít khi bằng lòng với thực tại, hoặc hướng về tương lai với những viễn cảnh tưởng tượng hoặc là cứ mải miết, mải miết kiếm tìm suốt một đời những thứ đã xa xôi. Mà thực ra “chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông” - để rồi đến khi nhận ra thì cũng trôi đi khoảnh khắc của thực tại. Dù xót xa hay hạnh phúc cũng chỉ là quá khứ, thay vì đánh thức nó dậy thì hãy cứ để nó ngủ yên. Còn ngày mai không ai đoán trước được điều gì. Cuộc đời là một chuỗi dài khó khăn, chỉ là sau những thử thách thấy mình trưởng thành hơn một chút. Thay vì cứ hoài niệm về dĩ vãng, hay vọng về tương lai xa vời thì trước hết hãy cứ trọn vẹn cho ngày hôm nay.
Sưu tầm
-
Ba thong thả vừa uống trà vừa chẻ lạt. Má vuốt lại phẳng phiu từng tàu lá chuối đã phơi qua con nắng cuối ngày. Anh em con ngồi quanh bếp lửa cháy bập bùng… Con giật mình tỉnh giấc mới hay vừa trải qua một giấc mơ, giấc mơ sum họp gia đình mình.
Một năm. Thời gian đâu dài phải không má? Nhưng cũng đủ làm con thắt thẻo ruột gan mình.
Má hay nói: “Con người ta có thể không nhớ vạn bước chân đi, cũng không cần phải nhớ những gì mình từng trải nhưng luôn phải nhớ một nơi để quay về, đó là nhà”. Gần hai mươi năm đi xa, con mang theo câu nói của má trong hành trang của mình, để mỗi khi mệt mỏi hay chán chường trước cảnh phố phường nhộn nhịp nhưng lạnh lẽo bên trong, con lại tìm về.
Con về cũng chỉ để ăn bữa cơm má nấu, giấu mình sau chiếc võng vải ngai ngái mùi mồ hôi của ba, hay lang thang ra vườn hít thở khí trời một lát rồi vội vã rời đi, không đủ thời gian ngồi lại để ba má hỏi han hết chuyện. Nhiều khi nghe má la: “Về chi bất tử rồi lật đật đi, để khi nào thư thả hãy về”, con lại mỉm cười. Về nhà là lúc con thư thả nhất. Về nhà là lúc gã đàn ông gần bốn mươi tuổi đầu như con bỗng nhiên trở thành trẻ dại, muốn được ba má la mắng vài câu. Ba má đã già, đâu nhạy bén như tụi con nên không thể đưa ra lời chỉ dạy nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt của má hay nụ cười của ba là đã thêm nguồn năng lượng để con tiếp bước chặng đường dài. Con hiểu, dù mình thành công hay thất bại thì con luôn có một điểm tựa tinh thần vững chắc nằm trong ngôi nhà của mình. Vậy nên về nhà, với con đơn giản chỉ là… về thôi.
Nhớ bữa thành phố nơi con bị phong tỏa vì dịch Covid-19, ngồi trong phòng nhìn bốn bức tường trắng lạnh, con lại thấy thèm mảnh vườn nhà mình vô hạn. Nếu ở nhà, con sẽ cùng ba sửa cái chuồng gà, vun lại luống cà, cắm mớ choái khoai, hay đơn giản hơn là nằm xoài ra bãi cỏ như hồi còn nhỏ nghe tiếng gió xạc xào bên tai. Nếu ở nhà, con sẽ cùng má tận dụng miếng đất còn trống bên hông nhà trồng thêm ít hành lá, ngò gai…, ngoài dăm ba luống cải, rau muống má vẫn thường trồng. Nếu ở nhà, con sẽ không phải nghe những thanh âm réo rắt của tiếng còi xe cứu thương giữa đêm khuya, lại giật mình lo lắng bởi nhà mình ở nơi quãng vắng ít người qua. Nếu ở nhà… Con nghĩ nhiều lắm má.
Và rồi lúc con cô đơn, tuyệt vọng nhất khi bị giam hãm trong phòng phải “ngồi yên một chỗ” thiếu thốn đủ bề, khi xung quanh con là những ca F0 mỗi lúc một nhiều, vẫn là ba má với những cuộc gọi điện hàng ngày, mớ rau củ từ quê nhà và cả số tiền ít ỏi má chắt bóp chi tiêu. Hôm cầm trên tay hai triệu đồng má gởi, con như thấy có vết dằm đâm thẳng vào tim, đau nhói. Số tiền đó chắc được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi của ba cả tháng lụi cụi trên đồi gom từng cây củi hay đàn gà ta má nuôi suốt năm, sáu tháng liền. Vậy mà từng có lúc, con đã “nướng” số tiền nhiều hơn như thế trong những cuộc nhậu vô thưởng vô phạt vẫn thấy bình thường, mặc cho má nhắc: “Cuộc đời không bao giờ bằng phẳng, phải để dành lo lắng tương lai”. Con nghĩ tiền mình làm ra được thì xài có gì phải tiếc nên chỉ ậm ừ với má cho qua chuyện rồi lại tiếp tục vung tay quá trán. Bốn tháng liền giãn cách, thất nghiệp, đến gói mì tôm cũng phải tiết kiệm qua ngày, con mới thấm những lời má căn dặn.
Giờ thành phố đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”. Mặc dù số ca nhiễm vẫn nhiều nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, không thể mãi giãn cách dài ngày và con cũng như bất cứ ai trụ lại ở thành phố này tìm cách thích nghi trong tình hình mới, sống chung với dịch. Tiêm đủ vaccine, tuân thủ 5K và nếu như chẳng may bị nhiễm thì cũng xem nó như một căn bệnh mà điều trị, không còn sợ hãi như trước. Con muốn học theo ba, luôn giữ được tinh thần lạc quan và vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi nào tinh thần khỏe mạnh thì cơ thể mới khỏe mạnh được đúng không má?Mấy hôm nay trời bắt đầu trở gió, từng đợt gió cứ hun hút tràn về càng khiến lòng con thêm lạnh, nhớ cái hơi ấm từ bếp lửa quê nhà, nhớ cái mùi khói mùi khoai. Nhiều lần dắt xe ra đi làm, con đã muốn chạy thẳng về nhà với ba má. Hai trăm cây số, hơn nửa ngày là con đã có mặt ở nhà. Nhưng rồi con lại do dự… Ở quê mình còn rất nhiều người chưa tiêm đủ vaccine, má lại mang nhiều chứng bệnh trong người. Con về từ vùng nguy hiểm lỡ có bề gì ai gánh nổi cho con?
Chỉ còn hơn một tháng là tới Tết, mong là vaccine sẽ mau chóng được đã được bao phủ hết không chỉ ở đây hay quê mình, mà ở tất cả mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S. Dịch Covid-19 dù chưa hoàn toàn chấm dứt đi chăng nữa cũng dần lắng xuống, mỗi người con xa đều có thể trở về nhà trong an toàn. Lúc đó đâu chỉ riêng con mà còn thằng Tư, thằng Năm sẽ cùng nhau về nhà với ba má. Và những buổi sớm mai khi màn sương chùng chình trước ngõ, có hai mái đầu đã bạc cùng tụi con bên bếp lửa vui vẻ nói cười. Nụ cười như trong những giấc mơ của con.
“Những giấc mơ thấy nhà mình sum họpDẫu chỉ mơ thôi cũng có đủ ngọt ngào”.
VĂN BÍCH -
Nhưng hy vọng rằng dù đang ở đâu thì cậu cũng đừng để mây đen che mất ánh hào quang của mình. Dù con đường cậu đang đi có tối tăm thì cậu luôn có ánh sáng của chính mình dẫn lối. Cậu chính là ánh mặt trời đang phát sáng trên bầu trời của chính mình.
Khi bạn cố gắng nỗ lực đi trên con đường đến ước mơ của mình nhưng mãi không có kết quả. Thậm chí còn nghi ngờ chính mình, không biết rằng phải đối mặt với chính những lựa chọn của bản thân như nào. Chẳng biết được những gì sẽ xảy ra ở phía trước nhưng hiện tại cũng mịt mờ như cách mà tương lai hiện ra. Chúng ta sẽ có rất nhiều lần nghĩ như thế. Chạy không ngừng để rồi thấy rằng con đường mình đang đi là sai. Cuối cùng trơ trọi giữa những con đường không biết trước tương lai. Tôi biết rằng cậu đang thận trọng đi từng từng bước trong cuộc sống bé nhỏ đến đáng thương của mình. Mỗi một bước đi đều mang trong mình những gánh nặng của áp lực cuộc sống. Một người không có trong tay bất cứ tài năng hay năng khiếu gì thì phải nỗ lực hơn người khác gấp trăm ngàn lần. Và cùng lúc nó cậu không có ước mơ, không có mục tiêu. Mọi thứ trong cậu trở nên trống rỗng. Cậu chỉ biết hàng ngày làm việc mà không có mục tiêu cho chính mình. Cậu chẳng biết mình cố gắng vì điều gì, cho một tương lai như thế nào.
Hồi nhỏ ai cũng có một giấc mơ trở thành một ai đó hay làm một công việc nào đó. Nhưng khi lớn ta mới thấy được rằng cuộc sống này quá khắc nghiệt. Những giấc mơ của hồi bé tràn đầy nhiệt huyết đều bị hiện thực của thế giới vùi dập một cách đáng thương. Những thanh âm của giấc mơ đó ngày càng nhỏ dần trong trái tim cậu. Tôi cũng có những giấc mơ lớn lao của mình nhưng tài năng của tôi không theo kịp những giấc mơ đó. Người lớn hay nói với chúng ta rằng giờ có ai làm thế đâu, ước mơ của con không thực hiện được đâu. Con người lại chính là tác nhân trực tiếp khiến bản thân họ mất đi niềm tin vào đam mê. Rồi đến một thời gian, tôi bị chính những tiêu chuẩn của xã hội khiến mình quên đi giấc mơ đó. Tất cả những gì người khác nói với chúng ta chỉ còn là sự quan trọng của vật chất và đam mê lại trở thành một điều quá đỗi xa xỉ. Nào là đam mê cũng phải đồng nghĩa với việc kiếm ra tiền, nào là đam mê có thể nuôi sống mình được không? Ngày ngày những ước mơ của hồi bé dần bị hiện thực hóa trước sự thật của cuộc sống.
Chúng ta có ước mơ của mình nhưng lại dễ thỏa hiệp với sự ổn định của lứa tuổi. Rằng đến lúc này bạn phải lấy chồng, phải chăm lo cho gia đình. Và đó mới là cuộc sống mà xã hội này đang hướng tới. Nếu chỉ có thể lớn lên rồi tiếp tục trở thành hình mẫu mà cuộc sống trước giờ vẫn luôn thế thì điểm khác biệt của bạn với mọi người nằm ở đâu?
Không biết bao nhiêu lần tôi và cậu đã nghĩ rằng mình đã quá mệt mỏi rồi không còn muốn cố gắng vì bất cứ điều gì nữa. Hay là cứ dừng ở đây thôi, tìm kiếm một người để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Như thế chẳng phải tốt hơn rất nhiều so với việc ra ngoài kia với những khó khăn sao? Như mây trên bầu trời, vì biết di chuyển nên mới gọi là mây. Nếu nó luôn dừng lại ở một chỗ, thì chỉ có thể biến thành mưa rồi rơi xuống.
Cậu có một giấc mơ lớn nhưng lại không có cách nào thuyết phục được bản thân ở hiện thực rằng mình có thể thực hiện được nó. Cậu rơi vào vòng xoáy số phận của mình, cậu không định nghĩa được chính những gì mình mong muốn. Cứ thế cậu để mặc cho bánh răng cuộc đời muốn quay như nào cũng được. Nhưng cậu không biết rằng nếu như bây giờ cậu chỉ là một đám mây đứng yên thì cuối cùng cậu cũng chỉ rơi xuống ngay tại chỗ mà cậu đang đứng. Lúc đó cậu cũng không còn được gọi là mây nữa. Nếu như cậu từ bỏ những đam mê đó, cũng đồng nghĩa với việc trái tim cậu vẫn sẽ luôn đắn đo, lúng túng. Người ta vẫn hay thường nói rằng họ chỉ hối hận về những việc mình chưa làm, những việc mà mình đã không làm thì chắc chắn sẽ hối hận. Vậy nên hãy cố gắng làm những gì mình có thể, mặc dù sẽ luôn có khó khăn nhưng cậu sẽ cảm thấy nguồn sức mạnh đặc biệt từ trái tim. Nơi đó sẽ luôn dẫn lối cho cậu đến nơi cậu muốn đến.
Chỉ khi cậu thật sự không muốn tiếp tục nữa chỉ cậu mới có thể cho phép mình dừng lại. Không thì bất kỳ ai cũng không có quyền đó. Mọi người có phán xét về nó như thế nào cũng không quan trọng bằng việc cậu nhìn nhận về nó như nào. Cậu không cần sợ hãi vì sự bí ẩn của tương lai, hãy là chính cậu cháy hết mình với đam mê. Thực chất cuộc sống nếu để nói về hiện thực tàn khốc thì nó có thể đánh bay mọi đam mê của cậu nhưng nếu nói về mặt khác của hiện thực thì nó sẵn sàng dùng mọi cách để trợ giúp cậu. Nói đúng hơn tất cả phụ thuộc vào việc cậu có thái độ như nào đối với đam mê của mình. Cậu thực sự dốc hết tâm can vào nó thì nó cũng nhất định không phụ lòng cậu. Trên con đường đó chúng ta vẫn sẽ luôn có nhau. Cùng nhau từng bước từng bước một đi đến cuộc sống mà mình mong muốn, theo đuổi đam mê bằng tấm lòng chân thành nhất.
Nhưng hy vọng rằng dù đang ở đâu thì cậu cũng đừng để mây đen che mất ánh hào quang của mình. Dù con đường cậu đang đi có tối tăm thì cậu luôn có ánh sáng của chính mình dẫn lối. Cậu chính là ánh mặt trời đang phát sáng trên bầu trời của chính mình.
Sora
-
"Đến mùa đông, từng chùm quả xanh ngắt chuyển dần sang vàng ửng rồi cuối cùng là màu cam đậm như lòng đỏ trứng gà đã luộc chín. Đứng dưới gốc cây nhìn lên khắp cành thấp, cành cao bỗng thấy một màu vàng tươi rực rỡ như làm ấm lại cả trời đông xám xịt. Mùi hăng nồng đặc trưng của trái cây lúc xanh giờ đây được thay thế bằng vị thơm ngọt thoang thoảng rất ấn tượng".
Những giấc mơ thuở bé của tôi thường ngập đầy những cánh hoa của cây trứng gà mà người miền Nam còn gọi là cây lê - ki- ma. Tôi thương lắm loài cây luôn hiện hữu, thân thuộc trong những khu vườn, hàng rào của mỗi nhà trên khắp mọi làng quê với tán lá xanh biếc, rậm rạp quanh năm ấy. Một ngày rong ruổi trên con đường đầy hoa của thành phố ồn ào náo nhiệt, tình cờ gặp dáng cây trứng gà nghiêng nghiêng bên quán quen, tôi nở nụ cười thật nhẹ, bâng khuâng ngỡ một góc quê mình.
Xa quê, trong những lá thư tôi gửi về nhà thường có một góc dành riêng cho loài cây lặng lẽ vươn mình tỏa bóng ở góc vườn thân thuộc sau nhà: “Cây trứng gà nhà mình có qua nổi trận bão đêm qua không cha?”,“Con nhớ dáng mẹ những ngày cuối đông này lại lom khom buộc mấy chùm quả vàng tươi còn sót lại để đến Tết bày mâm ngũ quả”,“Lũ nhóc trong xóm giờ này chắc bu đầy góc vườn lượm quả chín và cười đùa trêu nhau khi mặt mũi chân tay đứa nào cũng dính đầy màu vàng suộm của trái chín phải không em?”. Nghĩ cũng thật lạ. Có những nỗi nhớ bất chợt ta gọi tên như một cơn gió thoảng qua gợi chút mùi hương dìu dịu, để rồi mỗi lần nhắc đến vẫn vẹn tròn trong tim.
Hè. Háo hức xách ba lô lên xe. Hình ảnh ngôi nhà tranh đơn sơ và khu vườn có cây trứng gà lốm đốm những chiếc nụ be bé màu nâu đất bắt đầu nhú ra nơi đầu cành. Rồi những bông hoa xinh xinh như những hình con ốc đá màu xanh ngọc bung nở tỏa hương thơm man mác, dịu dàng mỗi lúc gió mạnh ào qua, hoa lại lả tả rụng đầy gốc cây và có vài đứa trẻ con trưa nào cũng ngồi tỉ mẩn, cặm cụi nhặt từng bông hoa bé tí, bung nở tựa viên kim cương ấy để chơi đồ hàng hoặc cùng nhau kết chỉ luồn thành vòng hoa đội đầu đóng giả công chúa, hoàng hậu…Tất cả cứ ẩn hiện trước mắt tôi như một ám ảnh ngọt ngào, bình dị, hồn nhiên của khoảng trời thơ bé.
Đến mùa đông, từng chùm quả xanh ngắt chuyển dần sang vàng ửng rồi cuối cùng là màu cam đậm như lòng đỏ trứng gà đã luộc chín. Đứng dưới gốc cây nhìn lên khắp cành thấp, cành cao bỗng thấy một màu vàng tươi rực rỡ như làm ấm lại cả trời đông xám xịt. Mùi hăng nồng đặc trưng của trái cây lúc xanh giờ đây được thay thế bằng vị thơm ngọt thoang thoảng rất ấn tượng. Thỉnh thoảng, một vài quả chín lại tuột khỏi cuống, rơi bộp…bộp… xuống đất. Những lúc như thế, tôi lại chạy ra nhặt và “ních” căng bụng mới thôi. Theo thời gian, giờ đây, vườn nhà tôi có thêm nhiều loài cây mới. Cây trứng gà vẫn đứng khiêm nhường ở một góc vườn vượt qua bao lạnh giá của mùa đông và cần mẫn dâng cho đời bằng sắc màu tươi của màu nắng hạ như một điều kỳ diệu. Chiều nay men theo mùi hương đặc biệt tỏa ra từ góc vườn, nơi có loài cây thân thương ấy, tôi háo hức bẻ đôi quả trứng gà vàng ruộm vỏ đã nứt toác, đưa lên miệng cắn ngập răng thứ quả mềm mịn, bùi bùi, béo ngậy ấy bỗng thấy hiện lên nụ cười thân thương của ngoại khi còn sống, sau mỗi buổi đi làm đồng về lại đem thức quà “nhà quê” ra đầu hè ngồi ăn mà “bèm ngoem” hai bên khóe miệng... Chợt nghe tiếng lũ nhóc lao xao trước cổng, tôi sai đứa cháu đem những quả trứng gà béo tròn đã được xếp ngay ngắn trong rổ ra cho chúng như ngày xưa mấy đứa trẻ con chúng tôi vẫn thường chia nhau sau những lần “thăm khám” mà vẫn chưa thấy quả nào chín. Thằng bé nhìn tôi bằng ánh mắt lạ hoắc: “Cho làm gì hả cô! Chả đứa nào thèm ăn thứ ấy đâu!”. Rồi nó ngúng nguẩy đi vào nhà. Đứng dưới gốc cây la liệt những quả trứng gà phơi mình vàng suộm nhưng vỡ nát. Tôi thẫn thờ. Cổ họng bỗng ngẹn lại. Chát xít.
Gió bất chợt lùa qua tán cây. Những cánh hoa trứng gà mỏng tang như một giấc mơ lại lả tả rơi trong nắng chiều loang loáng rồi nhạt dần…
Năm tháng đi qua, có những điều chỉ còn trong ký ức. Có những giấc mơ không trở lại bao giờ…Đinh Thu Huế
-
Mơ một lần bỏ phố thị, ta tìm về Cúc Phương, về với vẻ nguyên sơ của núi rừng. Cuối đông, tiết trời còn se sắt, Cúc Phương vẫn khoác trên mình chiếc áo thiên nhiên xanh mát. Và khi những hạt mưa xuân bắt đầu lắc rắc, sườn núi trắng mờ huyền ảo, cỏ cây láng bóng mỡ màng, là lúc bà con dân tộc Mường háo hức tới chợ sắm Tết.
Vốn sống cộng đồng với người Kinh, người Mường góp hồn mình tạo nên nét văn hóa chợ phiên đặc sắc mà gần gũi.
Gặp nhau ở chợ, các bà, các mẹ, các chị, các em xúm xít, tay bắt mặt mừng. Họ chào nhau, hào hứng hỏi nhau, vui vẻ mời nhau Tết qua nhà chơi. Với khách phương xa, chất giọng và ngữ điệu ấy ríu rít như tiếng chim rừng chào xuân, mà cũng thật sâu thẳm huyền bí như núi rừng.
Giữa muôn màu cuộc sống, ta tìm cho mình một góc riêng, một chút gam trầm, tìm thứ gì đó khó dứt bỏ, như một thói quen đã ăn sâu vào máu thịt trong mối duyên ngầm.
Chợ ở đây cũng bày bán đủ thứ cho một cái Tết trọn vẹn: từ đồ dùng sinh hoạt ngày thường đến đồ dùng cho lễ tết; ngoài các loại rau trái đặc trưng theo mùa, còn có đồ khô, và la liệt hoa tươi đua nhau khoe sắc.
Mới vài bước, ta đã bị cô hàng xén ăn vận trang phục dân tộc Mường níu chân. Chiếc khăn trắng trên đầu tô vẽ thêm nét tròn trịa dễ mến của gương mặt thiếu nữ. Những bộ trang phục dân tộc Mường không rực rỡ, chúng khiêm nhường nép mình trên sạp. Chiếc áo lửng màu trắng sáng, chiếc váy ống nhuộm màu đen chàm, dải thắt lưng màu xanh lá,... đơn giản mà đằm sâu... Ai dám bảo đó không phải là cái đẹp...
Qua một dãy hàng, cụ già móm mém nhai trầu, ngồi lẫn đám lá dong rừng bó thành từng cuộn, được chuyển từ tay người bán sang tay người mua, những bàn tay gầy guộc thô nhám lớn lên từ đất, khiến ta cay cay sống mũi, lòng ta nén chặt nỗi niềm xúc động. Những bàn tay ấy thường ngày vẫn cần mẫn bên nương ngô ruộng lúa; có lúc vẫn những bàn tay ấy mân mê từng đường nét cồng chiêng như tìm về kí ức xa xăm của thuở hồng hoang. Cồng chiêng của người Mường Cúc Phương có từ bao giờ? Dân gian đâu cần một câu trả lời. Chỉ biết rằng, khi đồng bào nhìn thấy mặt trời thì cồng chiêng đã có rồi. Cụ già vẫn đó, lặng lẽ cất gọn mấy đồng tiền lẻ vào túi áo, miệng túi được ghim cẩn thận bởi chiếc kim băng, như nắm giữ bền chặt cho hương vị ngày Tết, như giữ trọn sắc bùa cho cồng chiêng quê hương.
Mấy anh chàng láu lỉnh thì buông lời tán tỉnh hài hước. Tết này đã đến lúc em về làm vợ anh. Ánh mắt nàng nhìn xuống, e ấp, đôi má ửng sắc hoa đào rừng. Và ta thèm cảm giác yên bình trong cái đẹp tự nhiên, được lạc hồn giữa rừng đào Cúc Phương, có hay không có... Để rồi khi về phố thị, ta như được gội sạch lòng mình. Cố ý nán lại, nán lại chút nữa, để nghe lỏm câu chuyện hẹn hò bâng quơ họ đang trao gửi. Biết đâu ta gặp nhau trong lễ hội cồng chiêng...
Đến chợ, mua sắm cho cái Tết sum vầy ấm cúng, ta không còn sợ xa nhau. Đến chợ, tìm về chút háo hức thời con trẻ, thèm được mặc quần áo mới, còn hăng hắc mùi thuốc nhuộm. Đến chợ, trao - nhận chút náo nức hội xuân, biết đâu đấy ta về một nhà. Đến chợ, ai đó bán ta mua âm hưởng cồng chiêng núi rừng... Ta nghĩ, những giai âm cồng chiêng cứ rung lên, ngân lên, chân chất như đất rừng đá rừng và cứ kiêu hãnh giữa miền Cúc Phương - Kỳ Phú - Phú Long; cứ níu chân níu hồn du khách. Ai bán ta mua một tiếng cồng chiêng? Ta, một khách lãng du, không có gì đáng giá; ta, một kẻ từng lạc giữa xô bồ, chắc gì đã đủ tư cách ra giá hoặc trả giá cho thứ đặc sản tinh thần của dân tộc... Chỉ một chút chân tình và lòng hướng thiện liệu có đủ...
Ôi, giữa chợ mà ta mơ về tiếng cồng chiêng giữa nghìn trùng xanh thẳm của núi rừng. Và ta sẽ tìm em... Ta lại tìm em trong điệu sắc bùa, trong lời ca chúc tụng đầu xuân. Liệu em có còn trong đội văn nghệ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình?
Giữa chợ, lữ khách cứ ngơ ngẩn như đang tìm kiếm thứ gì vô hình, mặc những đôi mắt trẻ thơ hiếu kì không cần giấu diếm. Chúng cười rộn lên những thanh âm trong trẻo. Má đứa nào cũng phinh phính, bầu bĩnh. Ta nghĩ quanh ta sự sống đang nảy nở sinh sôi...
Đi chợ cuối năm là một niềm vui. Đến chợ cuối năm, xem người mua bán trao gửi là niềm hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống sẽ đi về đâu, nếu một ngày nào đó không còn văn hóa chợ phiên? Lòng người sẽ đi về đâu khi không còn nơi nào bình yên để bấu víu?
Sẽ đôi lần bỏ phố thị, ta lại tìm về Cúc Phương, về với vẻ nguyên sơ của núi rừng. Cuối đông, tiết trời còn se sắt, Cúc Phương chắc vẫn khoác trên mình chiếc áo thiên nhiên xanh mát. Và khi những hạt mưa xuân bắt đầu lắc rắc, sườn núi trắng mờ huyền ảo, cỏ cây láng bóng mỡ màng, là lúc ta lại tìm em trong âm vang cồng chiêng đại ngàn. Ôi, giữa chợ, một lữ khách ngẩn ngơ với mảnh hồn mình…
T.H